Các quốc gia Tây phương và Hoa Kỳ đồng loạt lên án hành động xâm chiếm này và quyết định đình chỉ tư cách thành viên khối G8 của Nga; nhưng phải nói là Tổng thống Putin không những coi thường các trừng phạt mà còn lên tiếng thách đố khối NATO và Hoa Kỳ. Để tìm hiểu lý do vì sao Tổng thống Putin của Liên Bang Nga đã có những thái độ mang tính leo thang chiến tranh khi đưa quân vào chiếm vùng đất Crimea, Thanh Thảo xin mời quý vị theo dõi phần nhận định sau đây của ông Lý Thái Hùng, Tổng Bí Thư đảng Việt Tân trong chương trình hôm nay.
Thanh Thảo : Ông Putin chắc chắn phải biết là khi đưa quân vào Crimea sau khi Ukraine lật đổ tổng thống thân Nga Yunakovych sẽ gặp nhiều phản đối và chỉ trích của thế giới. Vậy theo ông thì nguyên do sâu xa nào khiến cho ông Putin đã đưa vào Crimea?
Lý Thái Hùng: Sau nhiều tuần lễ im lặng trước biến cố Ukraine và sau khi đưa 6 ngàn quân vào Crimea, Tổng thống Putin đã có một cuộc họp báo vào ngày 4 tháng 3 vừa qua. Trong cuộc họp báo này, ông Putin đã trình bày một số quan điểm liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine, tóm lược như sau:
1/Đây là cuộc đảo chánh nhằm lật đổ Tổng thống Yunakovych của nhóm người phát xít, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, bài Do Thái để nhằm gây ra cảnh xung đột quyền lực tại Ukraine.
2/Quốc hội Ukraine truất phế ông Yunakovych là không hợp pháp vì khi quốc hội biểu quyết chỉ có một phần dân biểu của khối đối lập. Việc quốc hội đề cử chủ tịch quốc hội lên làm tổng thống lâm thời cũng bất hợp pháp. Tổng thống phải do dân bầu lên và như thế thì hiện nay chỉ có ông Yanukovych là hợp pháp.
3/Mặc dù có sự yêu cầu của tổng thống truất phế Yunakovych nhưng ông Putin cho biết là chưa có dự tính đưa quân vào Ukraine. Tuy nhiên ông Putin nói rằng, Ukraine là láng giềng gần gũi nhất, nước cộng hòa anh em của Nga. Ông đưa quân vào Ukraine chỉ nhằm bảo vệ công dân Nga và có sự yêu cầu của nhân dân Ukraine. Việc Nga đưa quân vào Crimea là do yêu cầu của chính quyền vùng tự trị Crimea và để bảo vệ kiều dân Nga.
4/Sự chống đối của Liên Âu và Hoa Kỳ đối với việc Nga đưa quân vào Crimea là không đúng. Ông Putin nói rằng hành động đưa quân vào Iraq của Hoa Kỳ hay vào Libya của khối NATO mới là bất hợp pháp, không có sự phê chuẩn nào của quốc tế. Trong khi Nga đưa quân vào Crimea là do yêu cầu của chính quyền vùng tự trị Crimea và để bảo vệ kiều dân Nga. Vì thế ông Putin bất chấp các hành động tẩy chay của Hoa Kỳ và Liên Âu.
Dựa vào các phát biểu nói trên, việc ông Putin chứa chấp tổng thống bị truất phế Yunakovych và nhất là đưa 6 ngàn quân vào chiếm đóng Crimea rõ ràng là vì thể diện của cá nhân ông ta hơn là bảo vệ kiều dân Nga.
Ukraine tuy là Cộng hòa độc lập với Liên bang Nga từ năm 1991 sau khi khối Liên Xô tan rã nhưng mối quan hệ giữa Ukraine và Nga rất gắn bó không chỉ trên mặt chính trị, kinh tế, năng lượng mà cả về khoa học kỹ thuật và quốc phòng. Nếu như Ukraine đi gần hơn với Liên Âu và Hoa Kỳ, khối NATO sẽ vói tay đến Ukraine và sẽ đe dọa nền an ninh của Nga.
Nói tóm lại, việc Ukraine truất phế tổng thống Yunakovych đã là một cái tát vào mặt ông Putin khi Ukraine khước từ 15 tỷ Mỹ kim giúp đỡ của Nga để đi theo Tây Phương. Ngoài ra Hoa Kỳ và Liên Âu đã thắng trong việc tranh thủ dân Ukraine thoát khỏi vòng kim cô của Nga nên vì thế ông Putin đã chiếm Crimea để vừa giữ thể diện vừa tạo áp lực lên Ukraine và Liên Âu trong tương lai.
Thanh Thảo: Liên Âu và Hoa Kỳ chỉ trích Nga rất mạnh cũng như Thủ tướng Ukraine kêu gọi tổng động viên để sẵn sàng chiến đấu chống Nga. Tại sao Crimea lại trở thành điểm nóng vậy thưa ông?
Lý Thái Hùng: Trước khi đề cập đến lý do vì sao Crimea trở thành điểm nóng trong cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine, chúng ta nên tìm hiểu về vùng tự trị Crimea. Crimea vốn là một bán đảo trên bờ Biển Đen của Ukraine, nơi có 2.3 triệu người mà trên 58% là người Nga và nói tiếng Nga.
Từ đó, chính quyền Ukraine quyết định việc bổ nhiệm thủ tướng của Crimea thông qua sự cố vấn của quốc hội Crimea.
Ngoài yếu tố có hơn 58% dân Nga sống tại Crimea, Nga đang thuê một căn cứ hải quân lớn tại thành phố Sevastopol ở đây để đặt Bộ tư lệnh Hạm đội Biển Đen. Đây có thể coi là bộ chỉ huy tiền phương của Mạc Tư Khoa nhằm ngăn chận các mũi tiến công vào nước Nga của khối NATO.
Với vị trí chiến lược như vậy, Nga không thể nào để mất Crimea hay nói một cách khác là Nga không thể nào im lặng đứng nhìn Hạm Đội Biển Đen bị bó tay khi Ukraine đi với Liên Âu và gia nhập khối NATO.
Tóm lại, Crimea đã trở thành điểm nóng là vì Nga, Liên Âu và Hoa Kỳ đều muốn đặt ảnh hưởng lên vùng đất Crimea chiến lược này.
Thanh Thảo: Qua biến cố Crimea, nhiều người Việt Nam cho rằng đây là một tiền lệ xấu và có thể dẫn đến việc một số quốc gia lớn lấy lý cớ bảo vệ kiều dân để mang quân xâm chiếm như truờng hợp TQ từng đưa quân tấn công VN vào đầu năm 1979 qua chiêu bài bảo vệ 300 ngàn Hoa Kiều tại VN bị lãnh đạo Hà Nội sách nhiễu ngay sau khi chiếm miền Nam. Ông nghĩ sao về điều này?
Lý Thái Hùng: Lấy lý do bảo vệ kiều dân Nga và dựa trên sự yêu cầu của Thủ tướng thân Nga, Tổng thống Putin đã đưa 6 ngàn quân vào chiếm đóng Crimea khiến cho một số người cho là tạo một tiền lệ xấu trong tương lai, các nước lớn có thể dựa vào đó để mang quân xâm chiếm những nước khác.
Thật ra, đây không phải là lần đầu tiên Nga mang quân vào một quốc gia khác. Năm 2008, Nga đã dùng lý lẽ tương tự để gửi quân vào Nam Ossetia. Đây là vùng lãnh thổ đã đòi tách khỏi Georgia trong cuộc xung đột Gruzia-Ossetia đầu thập niên 1990. Sau khi đánh bại quân đội Georgia, Nga công nhận độc lập của Nam Ossetia và Abkhazia.
So sánh cuộc chiếm đóng Crimea của Nga hiện nay với sự kiện Trung Quốc dưới thời Đặng Tiểu Bình lấy cớ bảo vệ Hoa Kiều đem 300 ngàn quân tấn công 6 tỉnh phía Bắc Việt Nam, tuy nội vụ có khác nhau nhưng về tính chất hoàn toàn giống nhau. Đó là vấn đề thể diện.
Thứ nhất, ông Putin đã cảm thấy mất mặt khi quốc hội Ukraine đã truất phế con gà của Nga là Tổng thống Yunakovych và khước từ sự giúp đỡ 15 tỷ Mỹ Kim của Nga để đi theo Liên Âu. Nếu nhìn trong con mắt người Nga thì Ukraine đã phản bội lòng tốt của Nga và sợ mất quân cảng quan trọng cho Hạm Đội Bắc Hải nên đã ra tay.
Thứ hai, ông Đặng Tiểu Bình đã cảm thấy mất mặt khi CSVN xua quân chiếm đóng Nam Vang, đẩy chế độ Pol Pot vốn là đàn em của Bắc Kinh ra khỏi xứ Chùa Tháp. Đồng thời CSVN đã không muốn dung dưỡng người Hoa cộng tác với Bắc Kinh nên đã tìm cách xua đuổi. Nếu nhìn theo mắt của người Trung Quốc thì CSVN đã phản bội lại những giúp đỡ của Trung Quốc khi đi sát với Nga và đánh xập một chế độ mà Bắc Kinh đã hậu thuẫn.
Rõ ràng là cả ông Putin và Đặng Tiểu Bình đặt cá nhân hay nói đúng hơn là thể diện của họ cao hơn quyền lợi đích thực của đất nước nên mới có những quyết định phiêu lưu vào các cuộc tranh chấp thường chỉ đem lại tổn hại cho xứ sở của họ.
Chỉ có những lãnh đạo ngoan cố và độc đoán mới có những hành xử như ông Putin hay ông Đặng Tiểu Bình. Tôi tin đây không là tiền lệ xấu cho các nước mà ngược lại đây là bi kịch mà các quốc gia sẽ tránh để thế giới có hòa bình và dân chủ thật sự.
Thanh Thảo: Theo ông thì liệu có xảy ra cuộc chiến tranh giữa Ukraine với Nga hay không?
Lý Thái Hùng: Trong cuộc họp báo ngày 4 tháng 3, ông Putin nói rằng việc đưa quân vào Ukraine không phải là điều không có thể xảy ra nhưng tùy thuộc vào thái độ của Liên Âu và Hoa Kỳ. Phát biểu này ông Putin là muốn nhắm đến Hoa Kỳ rằng Nga sẵn sàng tiến chiếm Ukraine nếu Hoa Kỳ và Liên Âu làm tới.
Hoa Kỳ và Liên Âu đã tẩy chay không tham dự Thượng đỉnh G8 tại Sochi do Nga đứng ta tổ chức vào tháng 6 tới đây. Hoa Kỳ cũng đã tuyên bố ngưng các hợp tác quân sự với Nga và có thể sẽ tiến đến việc trừng phạt về kinh tế và ngoại giao nếu Nga tiếp tục gây những áp lực đối với Ukraine.
Qua những động thái nói trên, các xung đột giữa Nga và Liên Âu, Ukraine hiện nay chỉ mang tính chỉ trích lẫn nhau hơn là có những hành động chuẩn bị chiến tranh. Lý do là Ukraine vẫn bị lệ thuộc vào nguồn năng lượng từ Nga và Nga cũng phải dựa vào Ukraine để chuyển khí đốt sang các quốc gia khác cho nên vì quyền lợi kinh tế, hai phía sẽ phải ngồi vào bàn hội nghị giải quyết vấn đề mà thôi.
Thanh Thảo: Qua tình hình Ukraine vừa rồi, ông có thể rút ra bài học nào hay những nhận định nào cho trường hợp Việt Nam hay không?
Lý Thái Hùng: Giữa Ukraine và Việt Nam có những điểm khác và giống nhau.
Về khác nhau, Ukraine từ năm 1991 khi tuyên bố độc lập cho đến nay là quốc gia theo chế độ đa đảng, chấp nhận đối lập và mở cửa quan hệ với khối Liên Âu và Nga. Trong khi đó, Cộng sản Việt Nam tiếp tục duy trì chế độ độc đảng, đàn áp và khủng bố tất cả những ai có quan điểm hay tư tưởng chống lại đảng Cộng sản. Điểm khác nhau này rất quan trọng vì là nền tảng căn bản để giúp cho lực lượng đối lập tại Ukraine có thể tạo ra những bước đột phá trong các cuộc vận động tạo áp lực buộc chính quyền Ukraine phải thoái lui nhượng bộ các cải cách về chính trị.
Về gìống nhau, Ukraine và Việt Nam là hai nước bị nạn tham ô nhũng lạm như là những bướu hoại sinh gắn chặt vào trong xã hội không thể nào tận diệt được. Giống như Việt Nam, các quan chức tại Ukraine đã lập ra một hệ thống tham nhũng chằng chịt trong các cơ chế và cấp dưới phải có nhiệm vụ cướp đoạt của dân để cung phụng cấp trên. Ngoài ra, cả hai nước Ukraine và Cộng sản Việt Nam đều dựa vào một quan thầy bên ngoài để được bảo hộ. Ukraine dựa vào Nga, Cộng sản Việt Nam dựa vào Trung Quốc.
Biến cố Ukraine xảy ra vào tháng 11 năm 2013 do dân chúng và phe đối lập phản đối việc Tổng thống Yunakovych không chịu phê chuẩn hiệp ước mậu dịch với Liên Âu vì bị Liên Âu áp lực phải trả tự do bà nữ thủ tướng Tymoshenko bị đưa ra tòa kết án 7 năm vào tháng 10 năm 2011. Nguyên do dẫn đến cuộc khủng hoảng tuy khởi đầu rất đơn giản; nhưng trong thực tế mầm móng bất mãn của người dân đã có từ lâu, đến từ ba lý do:
– Chán ngán cuộc sống khó khăn do tình hình suy thoái kinh tế cùng cực.
– Chán ngán vì nạn tham ô, nhũng lạm với một thiểu số quan chức sống xa hoa.
– Sự lệ thuộc vào Nga quá đáng khiến nền chính trị bị khủng hoảng, mất tự chủ.
Những lý do làm bộc phát cuộc đấu tranh tại Ukraine cũng đang tiềm tàng tại Việt Nam. Chỉ khác một điểm là lực lượng đối lập tại Việt Nam còn bị đàn áp nặng nề và nhất là các đoàn thể xã hội dân sự chưa được phát triển nhanh nên chưa có thể động viên và điều hướng quần chúng bày tỏ những khát vọng thay đổi một cách mạnh mẽ như người dân Ukraine.
Tuy nhiên, với sự căm phẫn của dân chúng và sự dấn thân đấu tranh của các nhà dân chủ hiện nay, chắc chắn đến một thời điểm nào đó, cuộc cách mạng Việt Nam sẽ phải bùng nổ khi mà tình hình chín muồi.
Thanh Thảo: Xin cảm ơn ông Lý Thái Hùng.
Leave a Comment