Quảng Cáo

Từ Chinaleaks tới Vietnamleaks: Nhu cầu thu hồi tài sản phi pháp

Quảng Cáo

Khoảng thời gian gần đây chúng ta thường nghe nói về một số tài sản phi pháp của các nhà độc tài đã tẩu tán tại một số thiên đường về thuế khóa.

Để hiểu thêm về vấn đề xin mời quý thính giả theo dõi phần trao đổi giữa Ks Nguyễn Ngọc Bảo và phóng viên Thùy An.

***

Thùy An (TA) : Xin ông cho biết ChinaLeaks là gì ?

Nguyễn Ngọc Bảo (NNB) : Trong thế giới ngày nay, ý thức về nhu cầu bảo vệ những gía trị phổ quát của con người, như những quyền dân sự, chính trị, quyền tự do căn bản ngày càng được phổ biến. Do đó những dữ kiện liên hệ đến các ngăn cấm, vi phạm thường được liệt kê vào hàng bí mật quốc gia hay an ninh quốc gia, đã được thu thập, phân tích và tiết lộ ra bên ngoài qua mạng Internet. Trường hợp rất nổi tiếng gần đây là các tiết lộ của chuyên viên cơ quan An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ NSA (National Security Agency) Edward Snowden về khả năng nghe lén, thu thập dữ kiện mật của NSA trên khắp thế giới. Và xa hơn là Wikileaks do một người Úc Julien Assange và một số ký giả Anh chủ trương. Trang mạng wikileaks.org của công ty Sunshine Press hoạt động từ năm 2006 và đã công bố các tài liệu mật về cuộc chiến tại Iraq, vào năm 2010, các tài liệu mật của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, và gần nhất là một số tài liệu về Hiệp Ước TPP. Còn Chinaleaks nằm trong khung sườn offshoreleaks là những tiết lộ về tài sản phi pháp tẩu tán tại một số thiên đường về thuế khóa (tax havens) của một số gia đình các thành phần lãnh đạo cao cấp nhất của Trung Quốc như Tập Cận Bình, Hồ Cẩm Đào, Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân, Lý Bằng, Ôn Gia Bảo.

Tổ hợp ICIJ, tập hợp ký giả quốc tế chuyên về điều tra (ICIJ International Consortium of Investigative Journalists, www.icij.org )) quy tụ 200 ký giả thuộc 67 quốc tịch trên khắp thế giới, đã công bố tên tuổi đầu mối, tên công ty bình phong, cùng địa chỉ tại các đảo thiên đường về thuế khóa (tax haven) của khoảng 130.000 trường hợp trên khắp thế giới, trên trang mạng icij.org vào tháng 4 năm 2013. Sau khi đã lọc lựa, thẩm định, đối chiếu với các dữ kiện liên hệ mà các ký giả thu thập được qua những nguồn cung cấp tin khác, ICIJ đã công bố 22000 trường hợp liên quan đến Trung Quốc.  Tổ hợp ICIJ đã không công bố sớm hơn nhằm bảo vệ các nguồn cung cấp tin cho họ không bị trù dập, sách nhiễu bởi nhà cầm quyền Trung Quốc hay bị truy tố về tôi phỉ báng, vu cáo.

TA : Xin ông cho biết phản ứng của thế giới, của người dân Trung Quốc sau vụ ChinaLeaks

NNB : Việc các báo chí có uy tín và tầm phổ biến rộng lớn trên thế giới như Süddeutsche Zeitung, Đức, The Guardian, Anh, The Canadian Broadcast Corp, Gia Nã Đại, El Pais, Tây Ba Nha, Le Monde, Le Nouvel Observateur, L’Express, Pháp, Wall Street Journal, New York Times, Bloomberg, Hoa Kỳ, … đều đã đồng loạt đăng bài của ICIJ vào ngày 22/1/2014 với rất nhiều dữ kiện và minh hoạ về số lượng tài sản phi pháp khổng lồ của thân nhân lãnh đạo TQ (hơn 3000 tỷ MK) được tẩu tán, che dấu phi pháp tại các thiên đường về thuế khóa nổi tiếng, đã khiến cho dư luận quần chúng, chính giới tây phương quan tâm. Yếu tố TSPP khổng lồ (hơn 3000 tỷ MK) được tẩu tán ra bên ngoài, không được dùng để đầu tư, nâng cao mức sống của dân Trung Quốc, và có thể được dùng cho các hoạt động phi pháp, đã khiến cho các giới doanh thương với Trung Quốc dè dặt, cân nhắc thêm. Ngoài ra các thành phần gia đình các lãnh đạo có thể bị các toà án Tây Phương điều tra, truy tố về tội rửa tiền, thụ đắc TSPP.

Đó là về ảnh hưởng trên thế giới. Cho đến nay, người ta ngạc nhiên trước phản ứng yếu ớt của giới cầm quyền Trung Quốc thường có những lên tiếng rất ngạo mạn, coi thường công luận thế giới như đối với vấn đề Hoàng Sa – Trường Sa, bãi Hoàng Nham trên biển Đông hay đảo Điểu Ngư trên Hoàng Hải. Chắc chắn là nhà cầm quyền TQ đã biết trước là họ không ngăn chặn nổi và đã ra lệnh cắt đứt mạng Internet trong vòng vài tiếng đồng hồ ngay sau khi các báo chí, trang mạng ngoại quốc đăng tải, nhưng sau đó đã phải tái lập lại vì sẽ ảnh hưởng nặng nề cho chính nền kinh tế TQ, vốn tuy thuộc rất nhiều vào các giao thương với thế giới. Lãnh đạo Trung Quốc biết ICIJ đang chờ phản ứng của họ và còn nắm giữ thêm một số dữ kiện nữa mà chưa tung ra. Người ta đang chờ xem phản ứng của Chủ Tịch TQ Tập Cận Bình trong chủ trương chống tham nhũng (như vụ Bô Xi Lai tại Trùng Khánh) trước vụ này. Việc Trung Quốc không lên tiếng bác bỏ hay yêu cầu tiến hành điều tra trước những tố cáo có bằng chứng đó, cho thấy lãnh đạo TQ thật sự bối rối, vì khi thụ lý tại các vùng dưới thẩm quyền pháp lý (jurydiction) của ngoại quốc, chắc chắn là chỉ có bất lợi cho Bắc Kinh mà thôi.

Còn về một số rất lớn người dân TQ vẫn còn sống nghèo đói tại các vùng thôn quê sâu và xa các vùng ven biên phát triển như Quảng Đông, Phúc Kiến, Chiết Giang, Hà Bắc, .. người dân biết rõ hơn về bản chất của lãnh đạo TQ và gia đình, không khác hơn một giới qúy tộc đỏ qua việc các tài liệu về TSPP của ICIJ đã được dịch ra tiếng Tầu và phổ biến trong lục địa TQ. Sự kiện này sẽ khiến các cuộc nổi dậy chống cường háo ác bà, tham nhũng, trưng thu đất đai trái phép sẽ mãnh liệt hơn (hơn 300.000 vụ trong một năm). Vụ này cũng sẽ ảnh hưởng đến các thành phần còn lương tri nhưng vẫn trung kiên bảo vệ chế độ. Vì họ biết nếu có biến động giới qúy tộc đỏ sẽ chạy thoát được và sống ung dung nhờ số TSPP thu tóm được, trong lúc họ sẽ phải ở lại đối diện với luật pháp.

TA : Xin ông cho biết làm sao có thể thu hồi TSPP và đã có những trường hợp nào xảy ra.

NNB : Các vụ thu hồi TSPP đã và đang có những tiến triển vưọt bực so với 30 năm trước đây, nhờ vào một số yếu tố thuận lợi sau : 

1) Ý thức ngày càng phổ quát và sâu rộng về những bất công, phi lý quá mức tưởng tượng, tại các quốc gia đang phát triển, trong mọi thành phần quần chúng nhờ vào mạng xã hội Internet,

2) Có một khuôn khổ pháp luật Liên Hiệp Quốc UNCAC có hiệu lực từ 14/12/2005 và trên bình diện quốc gia ngày càng thích hợp để thụ lý về các hồ sơ TSPP với nguyên tắc CSC (Confiscation sans Condamnation) hay NCB (Non Conviction Based) : có nghĩa là các quan tòa áp dụng nguyên tắc tịch thu trước rồi sẽ trả lại nếu chứng minh được, tịch thu TSPP ngay cả trước khi có án tòa. Vì nguyên tắc CSC (NCB) nhằm vào một tài sản (tiền mặt, trương mục ngân hàng, bất động sản, xe hơi, du thuyền, phi cơ,…) chứ không phải là một vấn đề hình sự nhằm vào một cá nhân con người.  Nguyên tắc này nhằm đánh vào vào quyền lợi cốt lõi của thành phần phạm pháp, khi họ không ngại bị xử phạt tù hình sự và lo hơn về phần bị mất TSPP, chương trình Star (Stolen Asset Recovery Initiative) được thành lập bởi Ngân Hàng Thế Giới từ năm 2007,

3) Có những vị luật sư, các quan toà, các tổ chức NGO, các chứng nhân đã can đảm vượt qua những áp lực rất lớn để thi hành công lý, 4) Việc thu hồi TSPP vẫn tiếp tục dù đương sự liên hệ đã mất, đang lẩn trốn (tại đào), hay TSPP đã được sang, chuyển nhượng qua một đệ tam nhân (gia đình, thân bằng quyến thuộc, thuộc hạ). Không có thời hạn để miễn tố hay hồi tố. Hiện nay việc thu hồi TSPP của gia đình Ben Ali, Gadhafi vẫn đang được tiến hành và sau cùng 5) Có những cơ quan công lực chuyên biệt được thành lập để truy tìm và tịch thu trước những TSPP trước khi có phiên tòa xảy ra (SOCA Serious Organized Crime Agency, Anh, AGRASC Agence de Gestion et de Recouvrement des Avoirs Confisqués, Pháp, những cơ quan tương đương tại Hoa Kỳ Financial Crimes Enforcement Networks FICEN , Úc, Liên Âu…..).

Trên thế giới đã xảy ra ngay từ thập niên 80 một số vụ thu hồi TSPP các thành phần lãnh đạo độc tài bị hạ bệ như Suharto (Nam Dương), Marcos (Phi Luật Tân). Về trường hợp nhà độc tài Phi Luật Tân Ferdinand Marcos bị dân chúng hạ bệ vào năm 1986 và mất năm 1989, chính quyền Phi Luật Tân mới đã phải mất mười tám năm để thu hồi số tài sản trị giá 624 triệu Mỹ kim về cho Ngân Khố Quốc Gia, được che giấu tại các ngân hàng tại Thụy Sĩ. Một uỷ ban đặc nhiệm do Tổng Thống Phi bổ nhiệm nhằm thu hồi TSPP của ông Marcos đã được thành lập vào năm 1986 và mới chấm dứt nhiệm vụ vào đầu năm 2013, sau 27 năm hoạt động. Với kết quả thu hồi được một số tài sản trị giá khoảng 4 tỷ MK, đa số từ Hoa Kỳ, Thụy Sĩ trên một tổng số ước lượng khoảng 10 Tỷ Mỹ Kim. Cách đây 3 năm, trong các cuộc cách mạng về Mùa Xuân Ả Rập tại Bắc Phi, Tunisia, Libya,Ai Cập, vào đầu năm 2011, ngay cả trước khi Gadhafi bị lật đổ, các quốc gia Pháp, Anh, Ý, Thụy Sĩ đã phong toả các TSPP của gia đình Gadhafi và hoàn trả lại cho Hội Đồng Chuyển Tiếp Libya CNT tại Benghazi một số ngân khoản non 1 tỷ Mỹ Kim, tài sản của gia đình Gadhafi. Riêng đối với Thụy Sĩ, người ta thường nghĩ nước này chuyên bảo vệ bí mật ngân hàng với các trương mục bằng số, nhưng sự thật lại rất khác xa, ngay sau khi các cuộc cách mạng Bắc Phi bùng nổ, chính quyền Liên Bang đã đồng ý hoàn trả lại cho các quốc gia này 60 triệu quan Thụy Sĩ cho Tunisia, 410 triệu cho Ai Cập và 650 triệu cho Libya, đây là một phần số TSPP của gia đình Ben Ali, Moubarak, Gadhafi đã bị phong toả tại Thụy Sĩ.

Gần đây hơn vào năm 2012 tháng 2, một trường hợp thu hồi TSPP nổi tiếng tại Paris ngay lúc đương sự còn đang cầm quyền đã tạo ra nhiều chú ý trong dư luận. Sau một vụ thụ lý hồ sơ kéo dài hơn 6 năm (2007-2012), với 2 lần bị tòa bác bỏ, vào tháng 7/2012 một trát tòa quốc tế có hiệu lực trên bình diện Liên Âu truy nã ông Obiang Junior, người con của ông Tổng Thống Obiang, xứ Guinée Equatoriale taị Trung Phi, về tôi thụ đắc TSPP, lúc còn đang nắm chức vụ Phó Tổng Thống và  cho phép cơ quan công quyền AGRASC Pháp tịch thu toà biệt thự 150 phòng tại đại lộ Foch trong khu Champs-Elysées, Paris, trị gía 150 triệu euros và 11 xe hơi hạng sang (Ferrari, Maserati, Roll&Royce,…) đắt tiền với trị giá tổng cộng khoảng 4-5 triệu euros.  Gia đình Obiang đã kháng cáo, nhưng sau đó, tòa án phúc thẩm Paris vào tháng 7/2013 đã bác bỏ và xác nhận việc cho phép cơ quan AGRASC tịch thu và bán đấu giá các TSPP của ông Teodora Nguema Obiang con tại Paris. Việc tịch thu TSPP của gia đình Obiang đã đạt kết quả sau 7 năm trời là nhờ công sức, sự quyết tâm vượt qua mọi khó khăn của các tổ chức Phi Chính Phủ Transparency France và tổ chức SHERPA và ông Grégory Ngbwa Mintsa, một người công dân xứ Guinée rất can đảm cùng đứng đơn kiện vụ TSPP này.

TA : Liệu có Vietnamleaks hay không và xin ông cho biết ý kiến về việc thu hồi TSPP tại Việt Nam

NNB : Chắc chắn là những thành phần lãnh đạo độc tài CSVN và gia đình họ, từ gần 40 năm nay, đã thu thập dựa trên quyền lực tuyệt đối hàng chục tỷ MK. Từ biển thủ của công, tịch thu từ tài sản riêng của người khác, hay số tiền tham nhũng qua các dịch vụ đấu thầu, các tín dụng phi pháp. Số tiền có thể nhỏ hơn số TSPP của lãnh đạo Trung Quốc, như đây cũng là những số tiền quá lớn so với đại khối người dân và tình trạng đang phát triển của Việt Nam. Chỉ cần nhìn những ngôi nhà cao tầng, xây rất đồ xộ tại những nơi dành cho quan lớn và gia đình để thấy là những thành phần làm ăn lương thiện với mức lương bình thường không thể nào tậu ra được những ngôi biệt thự trị giá cả triệu MK như vậy. Qua những cấu kết giữa quyền lực chính trị và quyền lợi kinh tế như bên Trung Quốc, lãnh đạo CSVN trong Bộ Chính Trị chắc chắn đã tạo vây cánh và tậu cho mình những tài sản về cổ phần, bất động sản đầu tư tẩu tán ra bên ngoài lên đến hàng trăm triệu, cả tỷ MK.

Hiện trên trang mạng ICIJ.org có hơn 100 tên gốc Việt với một số chi tiết liên quan đến năm mở công ty, trương mục bình phong, tại đảo Virgin Islands, địa chỉ tại Việt Nam. Hầu như chắc chắn là đa số những thành phần này đều dính líu đến gia đình, thân nhân các thành phần lãnh đạo CSVN từ hàng chục năm nay. Do dó, đã có một số dữ kiện, hồ sơ về Vietnamleaks, hiện còn chờ sự xác định, kiểm chứng thêm.

Đối với những TSPP tại Việt Nam, như trường hợp Trần Văn Truyền tiêu biểu cho giai cấp đương kim và cưu lãnh đạo thuộc thượng tầng đảng CSVN gồm khoảng vài ngàn người, chính quyền dân chủ Việt Nam tương lai sẽ quyết định việc điều tra, thu hồi một cách tương đối không khó khăn. Đối với phần TSPP tẩu tán tại ngoại quốc, vấn đề thu hồi sẽ được đặt ra ngay trong giai đoạn chuyển tiếp, dựa trên những điều kiện thuận lợi trình bày ở trên. Vấn đề còn lại là thu thập thật nhiều dữ kiện, quyết tâm và nỗ lực theo đuổi cho Công Lý và Lẽ Phải.

Kết luận

Điểm thứ nhất : Đó là nhu cầu đem lại công lý cho những người dân vô tôi đã bị tịch thu tài sản, mất nhà cửa ruộng vườn va trả lại công lý cho dân tộc, khi những số tiền khổng lồ lên đến hàng triệu, hàng tỷ MK được tiêu xài phung phí, được bỏ vào túi riêng, thay vì được xử dụng cho việc xây dựng trường học, nhà thương, nhà ở cho người nghèo, hạ tầng cơ sở điện nước tại những nơi còn thiếu.

Điểm thứ hai : Trong giai đoạn chuyển tiếp từ độc tài sang dân chủ và trong giai đoạn xây dựng dân chủ, đặt những nền tảng để dân tộc cất cánh, chính phủ Việt Nam tương lai chắc chắn cần có ngay một số tài chánh để có thể tự tài trợ cho một số nhu cầu cấp thiết như giúp cho các gia đình vì can đảm đứng lên đấu tranh đã bị trù dập nặng nề, những gia đình dân oan bị mất tất cà, những em nhỏ mồ côi không nơi nương tựa.

Điểm thứ ba là giúp xây dựng lại niềm tin vào công cuộc canh tân lại Việt Nam, niềm tin vào công lý, niềm tin vào quyết tâm phục hồi lại nhân phẩm, những giá trị đạo đức nền tảng cho một xã hội Việt Nam tương lai.

Vì ba điểm trên mà nhu cầu thu hồi phần TSPP trở nên rất quan trọng ngay trong giai đoạn chuyển tiếp để tái lập Công Lý, phục hồi niềm tin, tạo động lượng để xây dựng lại từ từ nền tảng của xã hội nhân bản.  Chỉ 10% của hàng chục tỷ MK cũng lên đến cả mấy tỷ MK, đây là một số tiền rất lớn bên cạnh các trợ giúp cấp bách của cộng đồng quốc tế, của cộng đồng người Việt hải ngoại.

 

 

Quảng Cáo
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux