Quảng Cáo

Giới bảo vệ nhân quyền chỉ trích bản án của blogger Trương Duy Nhất

Quảng Cáo

Giới bảo vệ nhân quyền chỉ trích bản án của blogger Trương Duy Nhất

Thành tích nhân quyền của Việt Nam tiếp tục bị lên án mạnh mẽ sau khi tòa án tỉnh Đà Nẵng tuyên án 2 năm tù blogger tự do Trương Duy Nhất. Dư luận trong và ngoài nước đều có những lời chỉ trích về phiên xử kín, kéo dài chỉ 3 giờ đồng hồ mang đầu tính hình thức vào sáng 4 tháng 3 vừa qua. Ông Trương Duy Nhất trở thành là tội nhân đầu tiên của điều luật 258, tức luật internet mới của Hà Nội ban hành dựa theo mẫu của Trung Cộng, theo đó, những bài viết, ngôn ngữ chí trích Nhà nước CSVN sẽ bị khép tội tuyên truyền chống xã hội chủ nghĩa và Đảng CSVN.

Dư luận khắp nơi dường như biết trước một bản án sẽ xuất hiện nhằm răn đe phong trào tự do ngôn luận đang lên cao, nên cũng không mấy ngạc nhiên. Tuy nhiên nhiều lời chỉ trích từ giới blogger, kể các tổ chức như Nhà báo Không Biên Giới cũng cho rằng Việt Nam đang ngày càng thậm tệ về quyền con người và nhấn mạnh thái độ đàn áp, thiển cận, bất chấp đối thoại của chính phủ Hà Nội phải chấm dứt.

RSF yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam phóng thích blogger Duy Nhất cùng tất cả những ai đang bị giam cầm vì cổ xúy quyền tự do thông tin trong nước.

RSF khẳng định sẽ nỗ lực hơn nữa, tiếp tục áp lực các nước có quan hệ với Việt Nam phải lưu tâm tới thành tích vi phạm nhân quyền của Hà Nội.

Đài quan sát Bảo vệ Các nhà hoạt động Nhân quyền có trụ sở tại Châu Âu, chương trình phối hợp giữa Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền FIDH gồm 164 tổ chức bảo vệ nhân quyền trên khắp thế giới và Tổ chức Thế giới Chống Tra Tấn OMCT, cùng với Ủy ban Bảo vệ Quyền làm người Việt Nam cũng ra thông cáo chung phản đối việc kết tội blogger Trương Duy Nhất.

Giám đốc khu vực Châu Á của FIDH, ông Andrea Giorgetta, cho biết các nỗ lực vận động của Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền bao gồm khuyến nghị với các nước trong Liên hiệp Châu Âu áp lực Việt Nam phóng thích tù nhân chính trị và xem lại các luật lệ mơ hồ đang bị lạm dụng để tước đoạt quyền tự do ngôn luận, tự do thông tin của người dân như điều 88 hay 258 trong Bộ Luật Hình Sự.

Ủy ban Bảo vệ Ký giả CPJ có trụ sở tại Hoa Kỳ tố cáo bản án của blogger Trương Duy Nhất hôm 4/3 là một ví dụ nữa cho thế giới thấy rằng giới lãnh đạo Việt Nam sẵn sàng dùng mọi biện pháp để trù dập những ai chỉ trích sự cai trị độc tài của họ.

CPJ hy vọng không chỉ Hoa Kỳ mà tất cả các nước đối tác đang tham gia thương lượng Hiệp định Tự do mậu dịch Xuyên Thái Bình Dương TPP sẽ hợp tác thuyết phục Việt Nam hủy bỏ các chính sách đàn áp thông qua những luật lệ vi phạm nhân quyền. Theo thống kê cuối năm ngoái của CPJ, Việt Nam là nhà tù lớn thứ năm trên toàn cầu giam cầm các ký giả, với 18 nhà báo đang ngồi tù mà đa số là các ký giả công dân viết bài trên mạng.

Xét về số blogger và cư dân mạng bị giam cầm, Việt Nam là nhà tù lớn thứ nhì trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc, theo khảo sát của tổ chức Phóng viên Không biên giới.

Trong nhiều năm qua, Việt Nam vẫn thuộc nhóm các nước chót bảng về tự do báo chí trên thế giới. Theo Chỉ số Tự do Báo chí 2014 do RSF công bố hồi tháng trước, Việt Nam hiện đứng thứ 174 trên 180 quốc gia được đánh giá.

 

Ngư dân Việt Nam lại bị tàu Trung Quốc tấn công

Tin từ báo chí trong nước thì vào ngày 1 tháng 3, 2014, trong khi đang đánh bắt cá trên vùng biển Hoàng Sa, nơi đang diễn ra tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam và Trung Quốc, chiếc tàu cá của thuyền trưởng Võ Văn Lựu, 48 tuổi, cư dân xã Bình Châu, huyện Bình Sơn cùng 14 ngư dân bị một tàu sắt Trung Quốc chở khoảng 35 người mang theo súng và roi điện rượt đuổi.

Ông Lựu cho biết, thấy một chiếc thuyền sắt hung hẵn bám đến tàu, ông cố sức rồ ga bỏ chạy. Tuy nhiên, người Trung Quốc rời tàu sắt, dùng ca nô rượt theo, chặn trước mũi tàu cá rồi lao vào buồng lái dùng roi điện quất vào người ông. Mười bốn ngư dân còn lại bị trấn áp bằng vũ khí, ép nằm úp mặt xuống sàn. Ông Lựu cho biết, người Trung Quốc đập phá máy liên lạc, cắt dây điện thoại, cướp toàn bộ tài sản có giá trị rồi mới chịu rời tàu.

Ngày 3 tháng 3, tàu cá của ông Lựu trở về cảng Sa Kỳ. Các ngư dân trên tàu không chỉ bị thương mà còn trắng tay. Tổng tài sản gồm 5 tấn cá, tôm hùm và vật dụng khác như máy dò tín hiệu, máy định vị… trị giá 350 triệu đồng, tương ứng khoảng 17,000 đô la đều bị cướp sạch. Họ còn phá gãy cả cột cờ trên tàu. Tính từ đầu năm 2014 cho đến nay, tổng cộng 4 chiếc tàu cá Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc tấn công tại vùng biển Hoàng Sa.

 

Các Thanh Niên Công Giáo tố cáo bị đối xử tàn tệ trong trại giam

Vào ngày 1/03/2014 vừa qua, Anh Nguyễn Xuân Anh, Hồ Văn Oanh, Chu Mạnh Sơn và Nguyễn Văn Thanh là các tù nhân lương tâm Thanh Niên Công giáo đã mãn hạn tù vào những tháng cuối năm 2013 đã làm Bản Tường Trình gửi lên Tổ chức nhân quyền của Liên Hiệp Quốc và các Cơ quan hữu trách khác để tố cáo tình trạng vi phạm nhân quyền trong nhà tù cộng sản Việt Nam.

Ngoài các tù nhân lương tâm (TNLT) vừa mãn hạn tù giam trên, còn có Trần Minh Nhật, Trần Hữu Đức hiện đang còn thi hành án tại trại giam Phú Sơn 4, Thái Nguyên cũng gửi bản Thỉnh Nguyện Đơn viết bằng tay, để nói lên tình trạng vi phạm nhân quyền nơi các TNLT đang thi hành án.

Trong Bản Tường Trình và Thỉnh Nguyện Đơn nói đến tình trạng ‘bị đối xử rất tồi tệ và bị tước hết các quyền con người” trước khi Tòa án xét xử, cũng như sau khi Tòa tuyên án có hiệu lực.

Những TNLT này đều nói đến việc mình “Không được thực hành niềm tin Tôn Giáo”. Cụ thể, trong khi bị tạm giam hay khi thi hành án tù các TNLT công giáo đều “không được gặp Linh Mục, không được đưa sách Tin Mừng và các ấn phẩm Tôn Giáo vào buồng giam” mặc dù nhiều lần họ đã đòi hỏi quền lợi này của mình.

Tình trạng sinh hoạt trong khi bị giam hay khi thi hành án: khẩu phần ăn, nước sinh hoạt, nơi giam giữ, vấn đề y tế hay việc giá cả các mặt hàng tại căng tin của trại giam cũng được đề cập đến trong Bản Tường Trình.

Đáng chú ý, trong Bản tường trình của Anh Nguyễn Xuân Anh còn cho biết việc “Các tù nhân khác bị ép cung và bị lôi ra đánh tàn bạo rất nhiều, thương tích đầy mình và được xem như một con chó”. Riêng anh Chu Mạnh Sơn cho biết, tại nhà tù nơi anh thi hành án “Cán bộ quản giáo thì luôn gây khó đối với bị can để nhằm kiếm tiền đút lót”.

Trước khi kết thúc Bản Tường Trình, Nguyễn Xuân Anh, Hồ Văn Oanh, Chu Mạnh Sơn và Nguyễn Văn Thanh khẳng định, đó là những điều họ đã “trải qua và chứng kiến”. Và mong “các cơ quan có thẩm quyền Liên Hợp Quốc can thiệp để cuộc sống của những tù nhân Việt Nam được cải thiện hơn”.

 

Quốc Hội Việt Nam sẽ xét lại các dự án bauxite

Sau chuyến đi khảo sát hiệu quả tổng thể về kinh tế-xã hội gắn với bảo đảm an ninh-quốc phòng của hai dự án bauxite Tân Rai (Lâm Ðồng) và Nhân Cơ (Ðắk Nông) do Tập đoàn Than và Khoáng Sản Việt Nam (TKV) làm chủ đầu tư, ông Mai Xuân Hùng, phó chủ tịch Ủy Ban Kinh Tế của Quốc Hội Việt Nam, vừa tuyên bố, sẽ đề nghị Quốc Hội xét lại các dự án khai thác bauxite. Vì theo báo cáo chính thức của Tập đoàn Than và Khoáng Sản Việt Nam thì trong 7 năm tới, hai dự án khai thác bauxite tại Lâm Ðồng và Ðắk Nông sẽ bị lỗ khoảng 2,400 tỷ đồng.

Được biết nhà cầm quyền Việt Nam đã từng bảo lãnh cho tập đoàn Than và Khoáng Sản Việt Nam vay 600 triệu USD của nước ngoài để thực hiện hai dự án bauxite ở khu vực Tây Nguyên.

Xin nhắc lại, cách đây sáu năm, khi nghe tin chính quyền CSVN dự định tổ chức khai thác bauxite ở Tây Nguyên, nhiều nhà khoa học, chuyên gia của đủ mọi lĩnh vực ở cả trong lẫn ngoài Việt Nam đã lên tiếng ngăn cản, bởi ý định đó không những sẽ không khả thi về mặt kinh tế mà còn lãng phí công quỹ, gây nguy hại cho cả môi trường, an ninh-quốc phòng, lẫn văn hóa-xã hội. Bất chấp các phân tích, khuyến nghị, đầu tháng 2 năm 2009, ông Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng Việt Nam đăng đàn tuyên bố: “Khai thác bauxite là chủ trương lớn của Ðảng và nhà nước.”

Và ỳ định khai thác bauxite ở Tây Nguyên vẫn được thực hiện thông qua hai dự án: Dự án Tân Rai và dự án Nhân Cơ.

Năm ngoái, Tập đoàn Than và Khoáng Sản Việt Nam công bố: Tính đến cuối tháng 3, tổng vốn đầu tư cho dự án Tân Rai đã ở mức 11,000 tỉ đồng (tương đương 640 triệu USD). Nếu so giá thành với giá bán, thì tập đoàn này sẽ phải bù lỗ khoảng 5 năm và mất chừng 12 năm để thu hồi vốn.

Tương tự, với dự án Nhân Cơ, Tập đoàn Than và Khoáng Sản Việt Nam tiết lộ, vốn đầu tư đã tăng thêm 31% so với dự kiến. Thời gian hoàn thành dự án chậm khoảng 18 tháng so với kế hoạch. Thời gian thu hồi vốn khoảng 13 năm. Trước mắt, theo tính toán, chi phí vận chuyển sẽ tăng thêm 250,000 đồng/tấn.

Những thông tin này khiến nhiều chuyên gia lo ngại bởi khi giá bán thấp hơn giá thành thì đó rõ ràng là thua lỗ.

Trong vài năm qua, giá khoáng sản liên tục giảm và chưa biết bao giờ ngưng. Nếu so giá thành với giá bán quặng nhôm, mỗi năm, các dự án khai thác bauxite sẽ lỗ vài chục triệu đô la. Các chuyên gia còn cảnh báo, nếu tính đúng, tính đủ, không thể loại bỏ khoản chi lên tới ba tỷ đô la để xây dựng một tuyến đường sắt nhằm vận chuyển quặng nhôm từ Tây Nguyên đến cảng. Không tìm ra ba tỷ USD để làm tuyến đường sắt này, quặng nhôm sẽ kẹt trong núi, chẳng bán được cho ai.

 

 

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux