Liên đoàn Quốc tế vì nhân quyền kêu gọi Châu Âu áp lực Việt Nam
Theo bà Gaelle Dusepulchre, đại diện FIDH tại Châu Âu, tổ chức này đã yêu cầu EU phải chú ý đến những vấn nạn về tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự do tôn giáo, nhà nước pháp quyền và cần có biện pháp cần thiết để bảo đảm rằng nhân quyền phải được chế độ Hà Nội bảo vệ, tôn trọng.
FIDH hy vọng dự thảo nghị quyết về Thỏa ước tự do mậu dịch giữa EU và Việt Nam sẽ trở thành một cơ hội hữu ích, một công cụ trợ giúp sự quan tâm về nhân quyền trong giao thương với nhà cầm quyền CSVN.
Theo FIDH, Thỏa ước tự do mậu dịch giữa EU với Việt Nam nên có các điều khoản ràng buộc rõ ràng để bảo đảm rằng nhà cầm quyền CSVN sẽ bảo vệ nhân quyền, đặt định biện pháp chế tài các vi phạm, tôn trọng sự quan sát của các tổ chức dân sự độc lập tại Việt Nam.
Theo dự kiến, cuộc đàm phán về Thỏa ước tự do mậu dịch giữa EU với Việt Nam sẽ kết thúc trong năm nay. Cả hai bên hy vọng sẽ đạt được một tuyên bố chung tại Hội nghị Thượng định Á – Âu (ASEM) vào tháng 10-2014.
Đây là lần thứ hai FIDH thúc giục EU xem nhân quyền là điều kiện tiên quyết để thông qua Thỏa ước tự do mậu dịch giữa EU với Việt Nam. Sở dĩ FIDH đề nghị EU ngưng thương thảo về Thỏa ước Tự do mậu dịch với Việt Nam, vì những vụ xâm hại nhân quyền tại Việt Nam có chiều hướng gia tăng nếu EU không đặt định những biện pháp để đánh giá toàn diện các tác động từ Thỏa ước tự do mậu dịch đối với dân chúng Việt Nam và rộng hơn, đối với dân chúng trong khối ASEAN.
Riêng với Việt Nam, FIDH đề nghị, EU cần hối thúc Việt Nam cải cách luật pháp trong nước để bảo vệ những thành phần dễ bị tổn thương. Đó là những người nghèo khổ nhất và nông dân, trước khi hoàn tất bất cứ thỏa ước thương mại nào.
Liên Hiệp Quốc đe dọa đưa Kim Jong Un ra Tòa án Hình sự Quốc tế
Trong lá thư gởi cho Kim Jong Un, ủy ban điều tra cảnh báo rằng tất cả các quan chức bị nhìn nhận là đã phạm tội « có thể kể cả ông », sẽ phải trả lời về các hành động của mình trước tòa án quốc tế. Đây là cảnh báo công khai chưa từng có từ trước đến nay đối với một lãnh đạo đương nhiệm.
Bên cạnh việc tra tấn trong quá trình thẩm vấn đã trở thành phổ biến, và nạn đói mà các quan chức Bình Nhưỡng « cố tình » để xảy ra, các nhà điều tra do thẩm phán Úc Michael Kirby lãnh đạo, đã cảnh báo Bắc Kinh là Trung Quốc có thể bị coi là « đồng phạm tội ác chống nhân loại »vì đã gởi trả những người Bắc Triều Tiên đào thoát trở về nước.
Theo kết luận của cuộc điều tra được tiến hành trong một năm qua với những người đang tị nạn tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh và Hoa Kỳ, việc cưỡng bức người tị nạn phải quay về đã khiến họ có nhiều nguy cơ bị tra tấn, bị hành quyết tùy tiện.
Ủy ban điều tra ước tính có «hàng trăm ngàn tù nhân chính trị đã bị chết trong các trại cải tạo trong 50 năm gần đây, lần lượt qua đời vì nạn đói cố tình gây ra, cưỡng bức lao động, hành hình, tra tấn, hiếp dâm, cưỡng bức phá thai ». Ba luật gia quốc tế là thành viên của ủy ban nhận định số trại cải tạo và tù nhân đã giảm xuống do tử vong và một số được trả tự do, nhưng « hiện vẫn còn 80.000 đến 120.000 tù nhân chính trị đang bị giam giữ trong bốn trại cải tạo tù chính trị lớn ».
Cho rằng không thể « chờ đợi đến mười năm », một nhà ngoại giao nêu ra ý tưởng lập một tòa án đặc biệt, trong lúc các điều tra viên so sánh các vụ vi phạm nhân quyền tại Bắc Triều Tiên với các tội ác Đức quốc xã trong Đệ nhị Thế chiến.
Trong lá thư gởi cho Kim Jong Un có kèm theo báo cáo, chủ tịch ủy ban điều tra nhấn mạnh rằng các vụ lạm dụng thường từ những người có trách nhiệm của các tổ chức được lãnh tụ Bắc Triều Tiên trực tiếp kiểm soát như quân đội, tư pháp hay đảng Lao động Triều Tiên.
Các tổ chức bảo vệ nhân quyền lên tiếng hoan nghênh bản báo cáo trong đó cũng đã nêu ra sự hiện diện của các « quỹ đen » ngoài ngân sách chính thức, việc buôn lậu rượu và ngà voi do các đại sứ quán Bắc Triều Tiên tiến hành.
Hoa Kỳ cảnh báo biển Đông cần có Quy tắc Ứng xử để giúp Châu Á ổn định
Theo dư luận với tuyên bố vừa kể, Ngoại trưởng Mỹ đã tăng áp lực ngoại giao trên Trung Quốc, thúc đẩy nước này giải quyết tranh chấp trên biển với các quốc gia Đông Nam Á dựa trên nguyên tắc pháp lý quốc tế thay vì thông qua đàm phán song phương như Bắc Kinh vẫn chủ trương.
Tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ có tác dụng hậu thuẫn thêm cho Hiệp hội các nước Đông Nam Á ASEAN, vốn đang nỗ lực thuyết phục Trung Quốc đi nhanh hơn nữa trong việc đúc kết một bộ luật ứng xử mang tính ràng buộc này.
Trong thực tế, các nước ASEAN, dưới sự « đốc thúc » của Indonesia, đã sẵn sàng tiến tới một bộ quy tắc ứng xử, trong lúc Trung Quốc cho đến nay đã tỏ vẻ rất miễn cưỡng trên hồ sơ này, và viện mọi lý do để trì hoãn tiến trình thiết lập bộ quy tắc ứng xử đó.
Hồi tuần trước, tổng thống Philippines Benigno Aquino nói trên tờ New York Times, so sánh hành động Trung quốc ỷ nước lớn quân sự hùng mạnh đã liên tiếp có các hành động lộ rõ chủ trương đe dọa các nước láng diềng trong cuộc tranh chấp Biển Đông. Ông Aquino kêu gọi thế giới hậu thuẫn cho Philippines chống lại hành động bá quyền bành trướng của Trung Quốc cũng như kêu gọi các nước ASEAN khác hợp tác với họ bằng biện pháp pháp lý, tức là cùng tham gia vụ kiện ở Liên Hiệp Quốc.
Tuy nhiên theo thông tấn Reuters thì ông Carl Thayer, một chuyên viên về các vấn đề Việt Nam của Học Viện Quốc Phòng Hoàng Gia Úc tiết lộ rằng trong những chuyến công du tại Việt Nam, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã ra lệnh cho Hà Nội không được bắt chước Philippines kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế về Luật Biển trong cuộc tranh chấp chủ quyền biển đảo Biển Đông.
Leave a Comment