Quảng Cáo

Mỹ, Nhật đồng lòng ngăn Trung Quốc mở rộng vùng phòng không

Quảng Cáo

Mỹ, Nhật đồng lòng ngăn Trung Quốc mở rộng vùng phòng không

Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry

Theo hãng tin Jiji Press của Nhật, tại cuộc họp ở Washington vào ngày 7.2.2014 vừa qua, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Fumio Kishida và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã cùng chia sẻ quan điểm rằng Nhật và Mỹ không thể chấp nhận vùng phòng không của Trung Quốc áp đặt trên biển Hoa Đông, bao gồm cả nhóm đảo đang tranh chấp Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.

Hãng tin Nhật nói hai vị ngoại trưởng tái khẳng định sẽ làm việc với những nước khác liên quan về vấn đề khả năng Trung Quốc mở rộng vùng phòng không ra khu vực trên Biển Đông.

Jiji Press nói ông Kerry nhắc lại lập trường của Mỹ đối với quần đảo mà Nhật Bản và Trung Quốc tranh chấp, nằm trong phạm vi hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật mà theo đó quy định Mỹ có nghĩa vụ bảo vệ Nhật Bản trong trường hợp bị tấn công.

Quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc đã xấu đi nhiều trong những năm qua vì tranh chấp chủ quyền lãnh hải gay gắt. Những động thái cứng rắn của Nhật hồi gần đây, chẳng hạn như việc thủ tướng Shinzo Abe đến thăm đền tưởng niệm tử sĩ Thế chiến II, đã khiến Trung Quốc phẫn nộ và cáo buộc Nhật muốn hồi sinh chủ nghĩa quân phiệt.

 

Madrid phát lệnh truy nã Giang Trạch Dân và Lý Bằng

Giang Trạch Dân & Lý Bằng

Vào ngày 10/02/2014, thẩm phán thụ lý hồ sơ Ismael Moreno của Tây Ban Nha đã xác nhận đã gửi lệnh truy nã quốc tế theo phán quyết của Tòa án quốc gia này ngày 18/11/2013, mà đối tượng là cựu chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân và cựu thủ tướng Lý Bằng về tội « diệt chủng », áp bức người Tây Tạng trong hai thập niên 1980-1990. Theo đó có nhiều « chứng cớ » hai nhà cựu lãnh đạo Trung Quốc « can dự » vào những hành vi bị nguyên đơn thưa kiện. Mỗi người đều có trách nhiệm về « chính trị và quân sự » trong giai đoạn điều tra kể trên.

Trong án lệnh bắt giữ, Quan Tòa Moreno viết: “Ông Giang với tư cách lãnh đạo tối cao của những kẻ đã bắt giữ, giết chóc và tra tấn dân Tây Tạng, đã có trách nhiệm vì để nhân viên của mình làm các chuyện diệt chủng này”

Cũng cần nhắc lại vụ kiện lãnh đạo Trung Quốc do Ủy ban Ủng hộ Tây Tạng (CAT) và tổ chức Mái Nhà Tây Tạng và một nhà sư Tây Tạng có quốc tịch Tây Ban Nha đã đứng đơn khởi tố vụ này từ năm 2006.

nhắm vào năm lãnh đạo Trung Quốc mà đứng đầu là Giang Trạch Dân, Lý Bằng và đến tháng 11/2013 thì mở rộng đến Hồ Cẩm Đào, vừa hết quyền miễn nhiễm bảo vệ chủ tịch nước.

Tư pháp Tây Ban Nha thẩm định là có thẩm quyền điều tra vì hai lý do : thứ nhất, một trong những nguyên đơn là một người tỵ nạn Tây Tạng nhưng mang quốc tịch Tây Ban Nha, ông Thubten Wangchen. Lý do thứ hai là tòa án Trung Quốc cho đến giờ vẫn chưa chấp thuận điều tra theo yêu cầu của nạn nhân.

Cũng dựa vào tinh thần « công lý phổ quát » và lệnh truy nã quốc tế, mà vào tháng 11 năm 1998, thẩm phán Tây Ban Nha Baltasar Garzon đã bắt nhà cựu độc tài Chi lê Augusto Pinochet tại Luân Đôn suốt nhiều tháng dài. Đến tháng 3 năm 2000, với lý do tuổi già sức yếu, tướng Pinochet mới được hồi hương.

Ngày 11/02/2014, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố « rất bất bình và kiên quyết chống lại các hành động » mà bà gọi là « sai lầm » của tư pháp Tây Ban Nha và yêu cầu Madrid giải thích.

Chính quyền Tây Ban Nha chuẩn bị thông qua một dự luật « hạn chế thẩm quyền phổ quát » của tư pháp liên quan đến những vụ kiện tương tự. Dự luật này, nếu được Quốc hội biểu quyết thông qua thì sẽ có giá trị hồi tố đối với trường hợp truy nã các lãnh đạo Trung Quốc.

Thủ tục truy nã phải « đình hoãn » để xem xét lại cho đến khi chứng minh được là đã « tôn trọng mọi điều kiện quy định ».

Amnesty International (Ân xá Quốc tế) chỉ trích mạnh dự luật giới hạn thẩm quyền thẩm phán của chính phủ Tây Ban Nha.

 

Dân Cam Bốt khiếu nại Tổng công ty Tài chính Quốc tế liên quan đến Hoàng Anh Gia Lai

Theo tin từ Global Witness, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Anh quốc hôm 10/02/2014, đại diện 17 cộng đồng bản địa tại tỉnh Ratanakiri, đông bắc Cam Bốt đã đệ đơn khiếu nại IFC (Tổng công ty Tài chính Quốc tế), định chế trực thuộc Ngân hàng Thế giới vì đã đầu tư vào Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), một tập đoàn đã từng bị Global Witness tố cáo đã lấy đất canh tác của dân địa phương để trồng cao su, ảnh hưởng đến môi trường và các vấn đề xã hội.

Bà Megan McInnes, trưởng bộ phận phụ trách vấn đề đất đai của Global Witness cho biết hoàn toàn ủng hộ việc khiếu nại Tổng công ty Tài chính Quốc tế của các cộng đồng bị ảnh hưởng tiêu cực từ các hoạt động của Hoàng Anh Gia Lai tại Cam Bốt; và cũng theo bà thì người dân Cam Bốt các cộng đồng tại tỉnh Ratanakiri đã cố gắng tìm công lý đối với việc họ bị mất đất cho HAGL và việc đền bù từ nhiều năm rồi, nhưng không hề có thay đổi. Do đó họ thất vọng, đành tìm cơ hội ở cấp độ quốc tế.

Bà Megan McInnes hy vọng khi nhận được khiếu nại này, IFC sẽ khởi động tiến trình hòa giải, với sự tôn trọng quyền của các cộng đồng bị ảnh hưởng và luật pháp Cam Bốt. Nếu HAGL muốn được coi là một công ty quốc tế có uy tín, thì sẽ phải tham gia và hỗ trợ cho tiến trình này.

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux