Tin về phiên họp Kiểm điểm Nhân quyền Định kỳ (UPR) tại Geneva

- Quảng Cáo -

Tin về phiên họp Kiểm điểm Nhân quyền Định kỳ (UPR) tại Geneva

Trong phiên họp Kiểm điểm Định Kỳ Phổ Quát về nhân quyền đối với Việt Nam (gọi tắt là UPR) tại Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc diễn ra ngày 5 tháng 2, phái đoàn Việt Nam đã gặp phải phản ứng của quốc tế xoay quanh vấn đề vi phạm nhân quyền và tù nhân lương tâm ở Việt Nam.

Thứ trưởng ngoại giao Hà Kim Ngọc, người dẫn đầu phái đoàn Việt Nam sang tham dự phiên họp UPR lần này đã đọc một văn bản bằng anh ngữ tự tuyên dương các thành quả nhân quyền VN.

Sau đó đại diện các nước đã phát biểu chất vấn tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam được ghi nhận vẫn đang gia tăng trong thời gian gần đây. Nhiều quốc gia yêu cầu nhà nước VN phải chấp nhận, để tất cả các điều tra viên đặc biệt của LHQ  được đến VN quan sát. Đặc biệt đại diện các nước đã đòi hỏi Việt Nam phải bỏ các điều luật dùng để bắt bớ các nhà dân chủ, như các điều 79, 88, 258; đồng thời phải thả các tù nhân lương tâm chính trị đang bị giam cầm. Ngoài ra, Việt nam cũng phải nâng cấp hệ thống luật pháp lên mức bình thường của luật pháp quốc tế, chấm dứt tệ trạng bắt bớ tùy tiện, và phải tôn trọng nguyên tắc xem bị cáo vô tội cho đến khi có phán quyết của tòa.

- Quảng Cáo -

Đáp lại các phê phán và yêu cầu của chính giới quốc tế, nhà nước Việt Nam đưa ra các đại diện bộ ngành đọc các văn bản đã được soạn trước.

Kết thúc, Đại diện đoàn Việt Nam tổng kết lại phiên họp trong ngày 5 tháng 2, cho biết đã ghi nhận những thắc mắc mà các tổ chức quốc tế và các quốc gia nêu lên, và hứa “sẽ làm tốt hơn để quảng bá và bảo vệ quyền con người, cũng như sẽ xem lại hệ thống pháp luật và phối hợp với các tổ chức nước ngoài để làm việc với các nhóm đối tượng cụ thể. Việt Nam cũng cam kết “sẽ cho các báo cáo viên đặc biệt về nhân quyền vào Việt Nam, ngoại trừ các báo cáo viên đặc biệt về lĩnh vực tra tấn sẽ được mời vào thời điểm thích hợp.”

Theo nhận định của giới trí thức trong nước, mặc dầu định chế UPR của Liên Hiệp Quốc có tác động gây áp lực lên nhà cầm quyền Việt Nam, nhưng những áp lực đẩy có thực sự hữu hiệu để khiến nhà cầm quyền phải thay đổi chính sách liên quan đến nhân quyền thì tính hiệu quả của nó có thể là không nhiều.” Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, “điều quan trọng nhất vẫn là người dân trong nước Việt Nam, nếu hiểu được quyền của mình, thì cứ ra sức thực thi quyền của mình ở mọi lĩnh vực” mà theo ông “Đó mới là áp lực mạnh mẽ nhất để buộc nhà cầm quyền Việt Nam phải thừa nhận những quyền đó của người dân và từ từ không chỉ thừa nhận mà phải ghi nhận bằng pháp luật những quyền đó.”

 

Tai nạn giao thông tiếp tục gia gia tăng trong mấy ngày Tết.

Theo ghi nhận mới nhất, số tai nạn cùng số người chết và bị thương vì xe cộ trong những ngày Tết năm nay, so với năm rồi tiếp tục tăng vọt. Có ít nhất thêm 90 người chết được ghi nhận trong hai ngày mùng 4 và mùng 5 Tết vừa qua.

Con số do báo chí đưa ra chỉ nội trong ngày mùng 5 Tết, tức ngày 4 tháng 2- 2014, có tổng cộng 72 vụ tai nạn giao thông xảy ra tại Việt Nam, làm 41 người chết, và 82 người bị thương. Tính từ những ngày giáp đến thời điểm này đã có  ít nhất 530 vụ tai nạn giao thông xảy ra khắp nơi làm 253 người thiệt mạng, và 563 người bị thương.

Con số ghi nhận cũng cho biết, chỉ riêng ngày mùng 4 Tết, tức ngày 3 -2, số người chết lên đến 49 người, tăng cao kỷ lục trong mấy ngày Tết.

Tại Sài Gòn, số nạn nhân tai nạn giao thông được đưa vào các bệnh viện cứu cấp trong ba ngày Tết lên đến gần 1,500 người. Trong số này, có 155 người bị chấn thương sọ não và 4 người chết. Các bác sĩ của bệnh viện Trưng Vương cho biết, số bệnh nhân tai nạn xe cộ trong những ngày Tết qua tăng trên 50% so với Tết năm rồi.

 

Những người có tiền của tìm cách đưa gia đình sang sống nước ngoài

Những người có tiền của ở Việt Nam, đặc biệt là các đại gia đỏ đã tìm mọi cách đưa gia đình và vợ con sang sống ở nước ngoài để được an toàn.

Sự việc này hiện nay không còn che đậy hay giấu giếm. Mới đây, một trong số những người giàu nhất Việt Nam, chủ tịch công ty Hoàng Anh Gia Lai, Ðoàn Nguyên Ðức công khai trên báo chí cho biết  vợ và ba đứa con của ông hiện đang sinh sống tại Singapore.

Ba đứa con của ông Ðoàn Nguyên Ðức gồm Ðoàn Hoàng Anh, Ðoàn Hoàng Nam, Ðoàn Hoàng Nam Anh, đều đã trú ngụ tại Singapore từ lâu. Ngoài cô con gái đầu lòng của ông Ðoàn Nguyên Ðức nay đã 24 tuổi, đang làm việc tại nước này, hai con trai nhỏ của ông cũng đã được đưa đi du học ở Singapore từ lúc lên 2 và lên 5 tuổi. Ông bầu Ðức nại lý do đưa con đi du học ở nước ngoài từ rất sớm “vì môi trường giáo dục tốt”, và khen Singapore là quốc gia có “môi trường kỷ luật tốt và gần gũi với Việt Nam.” Hàng tháng ông bay sang Singapore để sống cùng với gia đình.

Gần đây Ông Bầu Đức đã bị tổ chức quốc tế Global Witness tố phá rừng, khai thác gỗ trái phép  tại Lào Campuchia. Theo tài liệu của tổ chức này, Hoàng Anh Gia Lai và tổ hợp Công Nghiệp Cao Su Việt Nam của ông Bầu Đức đã tàn phá rừng, chiếm đất tại Lào và Cambodia nhờ quan hệ chặt chẽ với giới lãnh đạo chính trị tham nhũng và tài phiệt của các quốc gia trên.

 

Đối đầu Trung Quốc: Nhật thắt chặt quan hệ với Việt Nam

Tin từ Nhật cho hay Nhật Bản đã gửi lời mời chủ tịch nhà nước Việt Nam Trương Tấn Sang, đến thăm Tokyo vào tháng tới để cùng khẳng định quyết tâm bảo vệ quyền tự do lưu thông trên biển.

Nguồn tin này nói rằng sự việc này nhằm khẳng định quan hệ chặt chẽ giữa Nhật Bản với Việt Nam trong bối cảnh cả Nhật lẫn Việt Nam đang cùng phải đối đầu với tham vọng bành trướng của Trung Quốc trên vùng biển hiện nay. Việc mời chủ tịch Nhà nước Việt Nam đến thăm Nhật nằm trong một chuỗi các hoạt đọng gần đây của Nhật để thắt chặt quan hệ với Việt Nam cũng như các quốc gia khác ở khu vực Ðông Nam Á, nhằm đối phó với Trung Quốc.

Được biết, trong chuyến thăm Nhật sắp tới, ngoài việc gặp ông Shinzo Abe, thủ tướng Nhật, ông Sang sẽ được Nhật Hoàng Akihito và Hoàng Hậu Michiko tiếp kiến và được mời đọc diễn văn trước Hạ Viện Nhật.

 

 

 

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here