Kính thưa quý thính giả, phần một bài viết nhan đề “Biển Đông Sủi Bọt” của tác giả Đỗ Xuân Tê được gửi đến quý vị trong mục bình luận kỳ trước đã nhắc lại sự kiện Hoàng Sa đẫm máu tháng giêng năm 1974, rồi 14 năm sau đó Gạc Ma đẫm máu, và rồi cả hai trở thành Tam Sa. Đó là hệ quả của việc Thủ tướng của miền Bắc vì lý do ‘nhạy cảm’ đã ký văn bản nhường quyền cho Mao Chủ tịch làm chủ vùng biển Đông, vì nhà nước nghĩ rằng xá gì mấy đảo nhỏ xa xôi khi tình hữu nghị anh em là điều kiện sống còn cho mối quan hệ quốc tế vô sản. Một hệ quả gián tiếp của mối quan hệ quốc tế vô sản đó là miền nam đất nước bị nhuộm đỏ. Biển Đông lại là mồ chôn của gần cả triệu người Việt Nam và ngôn ngữ thế giới có thêm từ ngữ “thuyền nhân”. Bán đi mấy hòn đảo nhỏ xa xôi để đổi lấy tình hũu nghị của bá quyền phương Bắc rồi được gì nữa ? Mời quý vị nghe sau đây phần hai bài viết của tác giả Đỗ Xuân Tê với những câu trả lời cay đắng.
******
Rồi đến một ngày, một tấc đất là một tấc vàng trong thời hội nhập, một hải lý trên biển trở thành một kho báu đô la, thế là tranh chấp nổ ra giữa những người mang tiếng là ‘láng giềng’ gần trên đất. Xấc xược nhất, sống sượng nhất vẫn là quốc gia bá quyền Trung Quốc. Khiếp nhược nhất, né tránh nhất lại là quốc gia tự xưng một thời ba lần thắng ba đế quốc sừng sỏ nhất thế gian. Chuyện lúc đầu nạn nhân “mới chỉ là” những ngư dân vô tội vì miếng cơm manh áo đi đánh bắt cá tôm trên vùng biển vùng ven mà từ đời này qua đời kia cha ông họ vẫn thường ra khơi đánh bắt. Chính hải phận quen thuộc như ao nhà bỗng dưng trở thành ‘đất lạ’, bị ‘tàu lạ’ đâm bị ‘người lạ’ bắt, bị giam bị giữ, bị đòi tiền chuộc nộp giao cho những kẻ hành xử như bọn thảo khấu trên biển khơi.
Bất giác người viết lại nhớ mấy câu thơ Chủ tịch Giang trạch Dân tặng phái đoàn bộ ba lãnh đạo Nguyễn văn Linh, Phạm văn Đồng, Đỗ Mười tại hội nghị Thành Đô (tháng 11/91) khi hai nước cộng sản anh em nối tình hòa khí chỉ ba năm sau sự kiện Gạc-Ma,
Qua hết sóng dữ, anh em vẫn còn
Gặp nhau cười một cái là rửa sạch ân oán!
(nguyên văn Hán ngữ là : Đô tận kiếp ba huynh đệ tại/Tương phùng nhất tiếu mãn ân cừu)
(trích Nhật ký Lý Bằng – tháng giêng/08)
Chuyện ngày nay (hiện Đỗ Mười còn sống) chẳng phải cười một cái là xong, ân oán chẳng phải một ngày mà rửa sạch khi tình đồng chí chỉ là vỏ bọc, nghĩa láng giềng là chuyện xa xưa. Nếu quả ‘anh em vẫn còn’ như các nhà lãnh đạo Việt nam khẳng định thì ‘sóng dữ’ vẫn chưa qua nếu cứ nhìn hình ảnh mấy ngư phủ già vái lạy quân cướp biển, nỗi ‘bức xúc’ với thời cuộc trên biển Đông vẫn là niềm trăn trở của những người còn nặng lòng với Tổ Quốc. Bùi Chí Vinh, một nhà thơ ‘Zăng-gô’ của thành phố tên Bác, một cựu binh có nhiều bài thơ yêu nước, đã phải than thở,
máu bầm đỏ bazan, máu tràn ra hải đảo
ai cho phép Hoàng Sa, Trường Sa thành Tam Sa lếu láo
tội nghiệp rừng cọc nhọn Hưng Đạo Vương trên sóng Bạch Đằng…
Chính vậy mà mấy năm gần đây tình hình Biển Đông như ngọn gió đổi chiều. Người Hà nội lên tiếng, người Sài gòn lên tiếng, thanh niên, sinh viên, trí thức lên tiếng, nhiều bloggers và cộng đồng dân mạng lên tiếng. Tất cả như tiếng vọng đồng thuận với những người hải ngoại sống xa quê hương. Điều đáng ngạc nhiên và lý thú là cả Mỹ cũng lên tiếng. Jim Webb, một ứng viên sáng giá của Đảng Dân Chủ, chủ tịch tiểu ban Đông Á của thượng viện Mỹ, nơi định hình cho các chính sách lâu dài của Á châu, trong chuyến viếng thăm Hà nội sau khi đi một vòng Đông Nam Á đã lên tiếng khi đươc hỏi quan điểm của Mỹ liên quan đến cuộc tranh chấp trên biển Đông, TNS Mỹ có cô vợ là luật sư gốc Việt trả lời, )xin trích) “Quan điểm của tôi là Mỹ nên có thái độ cụ thể hơn về việc bảo vệ chủ quyền của khu vực này, không nhất thiết bằng biện pháp quân sự, mà cần thể hiện bằng ngoại giao. Mỹ sẵn sàng là lực lượng cân bằng đối với Trung Quốc trong khu vực. Đã có sự tranh cãi chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa. Cần có sự giải quyết công bằng và Washington cần tham gia” (hết trích). Rồi cách đây hơn một năm, như được định hình về chính sách của Mỹ, ngoại trưởng Hillary Clinton tuyên bố thẳng thừng là Mỹ có lợi ích trên biển Đông và sự có mặt của Mỹ trên giao lộ này là cần thiết và ‘chúng tôi (tức nước Mỹ) sẽ trở lại Biển Đông như một thời chúng tôi đã có mặt tại vùng này.’
Trở lại các diễn biến gần đây của quần chúng trong nước, điều đáng mừng là sự kiện Biển Đông như được sự vẫy gọi của truyền thống Bạch Đằng. Lòng dân sục sôi ý chí phản kháng bá quyền Trung quốc bằng các cuộc biểu tình tự phát, trong khi dư luận quốc tế sẵn sàng hậu thuẫn cho một giải pháp công bằng cho khu vực Biển Đông. Cái khó xử là các nhà lãnh đạo Hà nội tự thân phải chọn lựa giữa tình đồng chí Đại Hán ngoài môi hay chủ quyền biển đảo của ngàn năm Đại Việt.
http://bolapquechoa.blogspot.ca/2014/01/bien-ong-mot-thoi-sui-bot.html
Leave a Comment