Ông Đỗ Tường Kiên và ngôi nhà 36 cửa
Ông Đỗ Tường Kiên và các con của ông đã viết nên những trang sử chói lọi, hào hùng của những vệ quốc quân, những chàng trai đi mở đất phương Nam. Họ sống vào thập niên 80, nơi xảy ra những phong trào kháng Pháp lẫy lừng của Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Hữu Huân, Trương Công Định… Gia đình ông Đỗ Tường Kiên nổi tiếng có ngôi nhà 36 cửa. Đây chính là trung tâm liên lạc của nghĩa quân trong phong trào vũ trang kháng Pháp của Thủ Khoa Huân.
Trước tiên, chúng tôi mời quý vị theo chân những chàng trai dũng cảm đi về miền Nam. Nơi những con người tiên phong phải thường xuyên phấn đấu với thiên nhiên còn mang tính hoang dã:
Xứ đâu có xứ lạ lùng
Con chim kêu cũng sợ, con cá vùng cũng kinh
Hay:
Cà Mau khỉ khọt trên bưng
Dưới sông sấu lội, trên rừng cọp um
Đầu thế kỷ XIX, theo dòng lưu dân Nam tiến có 3 anh em họ Đỗ quê ở Quảng Trị theo đường biển vào Nam khai phá khu vực hạ lưu sông Vàm Cỏ. Người anh cả dừng chân ở Nhựt Ninh khai phá đất đai xung quanh khu vực miểu Ông Bần Quỳ. Hai người em tiếp tục theo dòng Vàm Cỏ Tây ghé vào Tầm Vu và định cư tại đó.
Thưở ấy đất đai còn hoang vu, rậm rạp đầy thú dữ và rắn độc. Hai anh em họ Đỗ ra sức chặt cây, phát cỏ, quyết tâm biến mảnh đất hoang vu thành ruộng vườn.Người anh là Đỗ Tường Kiên khẩn đất từ Bàu Chà, Ao Vang (ranh giới giữa xã Dương Xuân Hội và Long Trì ngày nay) đến Bàu Đôi, Bàu Lẻ, Cây Keo (giáp ranh xã Bình Cách – Tiền Giang ngày nay).
Ông Đỗ Tường Kiên còn khẩn thêm một dây đất ở thôn Bình Trị (nay thuộc xã Phú Ngãi Trị), còn người em là Đỗ Tường Ngọc khai khẩn vùng đất từ Ao Vang đến xã Long Trì. Với bản tính siêng năng tháo vát, chẳng bao lâu anh em họ Đỗ đã làm chủ một số đất đai lớn.
Ông Đỗ Tường Kiên khẩn được 51 mẩu đất và trở nên khá giả. Ông kết hôn với bà Huỳnh Thị Đức – người thôn Bình Trị – và sinh được 4 con trai là Đỗ Tường Phong, Đỗ Tường Tự, Đỗ Tường Thoại và Đỗ Tường Soạn. Bà Huỳnh Thị Đức nổi tiếng là người nhân hậu, chính bà đã từng giúp đỡ việc việc đèn sách cho Nguyễn Thông – một trí thức yêu nước lớn của Việt Nam.
Sẵn tiền của, ông Đỗ Tường Kiên đã cho xây dựng tại làng Dương Xuân (nay thuộc xã Dương Xuân Hội) một ngôi nhà lớn nhất vùng với 36 cửa, xung quanh được bao bọc bởi 6 lớp rào tre.
Năm 1859, thực dân Pháp chiếm thành Gia Định, và đánh chiếm 3 tỉnh miền đông Nam Kỳ năm 1861. Lúc bấy giờ ở vùng Long Trì, Bình Cách, Tầm Vu, Dương Xuân Hội, Hiệp Thạnh, Vĩnh Công…phong trào vũ trang chống Pháp dấy lên rất mạnh với các thủ lĩnh nghĩa quân như Phan Văn Đạt, Trịnh Quang Nghị, Trần Văn Trà, Nguyễn Hữu Huân.
Với khả năng tài chính của mình, ông bà Đỗ Tường Kiên – Huỳnh Thị Đức đã hết lòng giúp đỡ quân kháng chiến về tiền bạc, lương thực. Ngôi nhà 36 cửa của họ Đỗ cũng trở thành trung tâm liên lạc của các thủ lĩnh nghĩa quân kháng chiến.
Trước ưu thế quân sự của thực dân Pháp và thái độ chủ hòa của Triều đình Huế, các phong trào kháng chiến ở Nam Bộ nói chung và huyện Tân Thạnh (Châu Thành ngày nay) nói riêng dần dần thất bại. Ông Phan Văn Đạt bị Pháp giết, Thủ Khoa Huân bị bắt đày sang Nam Mỹ.
Năm 1869, Pháp đưa Thủ Khoa Huân về Sài Gòn và giam lỏng tại nhà Đỗ Hữu Phương. Đến năm 1872, Thủ Khoa Huân bí mật trở về Bình Cách và tổ chức một phong trào kháng Pháp mới. Hai người con trai của ông Đỗ Tường Kiên là Đỗ Tường Phong và Đỗ Tường Tự cũng tham gia vào cuộc khởi nghĩa của Thủ Khoa Huân.
Ngôi nhà 36 cửa lúc này lại là một trung tâm liên lạc lớn của nghĩa quân. Nhưng cuộc khởi ngĩa lần 2 của Thủ Khoa Huân cũng bị thất bại. Thủ khoa Huân bị Pháp bắt vào tháng 4/1875 và bị chém tại Mỹ Tịnh An. Cái chết và thái độ lẫm liệt của thủ lĩnh Nguyễn Hữu Huân sau này được tái hiện qua cách hành xử của hai con trai ông Đỗ Tường Kiên là các ông Đỗ Tường Phong và Đỗ Tường Tự.
Thực dân Pháp biết họ Đỗ đã từ lâu ngấm ngầm ủng hộ quân khởi nghĩa, nên đã bắt giam ông Đỗ Tường Kiên, dọa nạt, tra tấn, buộc ông phải gọi 2 người con ra đầu thú. Ông Đỗ Tường Kiên cương quyết chối từ nên bị Thực dân Pháp đánh đập dã man, đến khi thấy sức khỏe của ông quá yếu chúng phải cho bà Huỳnh Thị Đức lãnh ông về nhà.
Chẳng bao lâu ông Đỗ Tường Kiên mất vào ngày 20-10 âm lịch năm Đinh Sửu (1877), mộ của ông được chôn cất gần ngôi nhà 36 cửa. Giặc Pháp tiếp tục mua chuộc, ép buộc bà Huỳnh Thị Đức gọi 2 con trai ra hàng nhưng người mẹ với tấm lòng kiên trinh đối với đất nước đã không khuất phục.
Cuối cùng Thực dân Pháp quyết định cho đốt ngôi nhà 36 cửa của bà. Khi ngôi nhà này bị đốt, thóc lúa trong nhà cháy đến một tháng sau vẫn còn khói. Pháp còn đem người con út của họ Đỗ là Đỗ Tường Soạn cắt gân, khắc nhượng cho tàn phế vì cho rằng ông có dính líu đến nghĩa quân. Về phần bà Huỳnh Thị Đức, sau khi ngôi nhà bị cháy bà phải về nương náu ở Bình Trị và qua đời tại đây.
Theo lịch sử, vùng U Minh – Cái Tàu là nơi đã diễn ra những trận đánh dữ dội nhất trong lịch sử Nam kỳ kháng chiến ở thế kỷ thứ 19. Giặc Pháp lúc ấy với quân số đông gấp bội, lại được trang bị những vũ khí tối tân nên dù quân ta chiến đấu dũng mãnh cuối cùng cùng bị lâm vào thế yếu.
Hàng trăm nghĩa quân cảm tử bị giết, bị thương và bị bắt sống, trong đó có hai vị chủ tướng trẻ. Cả hai là con trai của ông Đỗ Tường Kiên và bà Huỳnh thị Đức. Ông Đỗ Tường Phong và ông Đỗ Tường Tự. Cả hai vị này đã quay lưng lại với những lời dụ hàng của quân giặc, sẵn sàng hiên ngang bước lên pháp trường như các vị thủ lĩnh nghĩa quân hào hùng khác.
Ngôi nhà 36 cửa của họ hiện nay chỉ còn lại một khoảng vườn rộng khoảng 5000m2 giữa đồng trống thuộc xã Dương Xuân Hội. Tuy nhà đã bị đốt cháy từ lâu, nhưng tại đây vẫn còn phế tích là những đống gạch ngói đổ nát rất lớn đủ để chứng minh xưa kia ngôi nhà đã được xây dựng to lớn như thế nào.
Kính thưa quý thính giả, để tưởng nhớ đến gia đình họ Đỗ và những hy sinh to lớn của họ dành cho quê hương, chúng tôi mời quý vị theo dỏi tiếp chương trình kỳ tới về cuộc khởi nghĩa của các con trai ông Đỗ Tường Kiên. Xin chân thành cám ơn tác giả Nguyễn Văn Thiện và bài viết “Truyền thuyết về cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp của ông Đỗ Tường Phong và ông Đỗ Tường Tự ở Châu Thành”. MH và VĐ xin được thân ái chào tạm biệt quý thính giả ở đây. Chúc quý vị một mùa lễ giáng sinh anh lành và một năm mới vạn sự như ý.
Leave a Comment