Quảng Cáo

Dân rải đinh chặn xe đường cao tốc

Quảng Cáo

Dân rải đinh chặn xe đường cao tốc

Từ nhiều ngày qua, hàng chục cư dân xã Hương Sơn, huyện Tam Ðảo, tỉnh Vĩnh Phúc “xuống đường,” dùng những thanh gỗ dài có gắn đinh nhọn để chặn xe qua lại đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai. Con đường này dài 26 cây số nối Hà Nội và huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc hầu như bị tê liệt hoàn toàn.

Được biết hôm 9/1, đoàn xe của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, khi đi trên tuyến đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai đã phải dừng lại tại đoạn ngang địa phận xã Hương Sơn. Ông này đích thân xuống xe để giải thích, nhưng người dân vẫn nhất định không cho qua.

Một số cư dân nói rằng, họ buộc phải hành động mạnh vì đã nhiều lần yêu cầu chủ đầu tư xây dựng đường cao tốc nâng thù lao làm đường, cũng như tiền bồi thường lấy đất của họ quá thấp. Người dân cho rằng vì phía chủ đầu tư cố tình né tránh, không chịu giải quyết yêu sách nên họ buộc phải áp dụng biện pháp mạnh như trên.

Đây là lần thứ hai các hộ dân ở Vĩnh Phúc có hành động chắn đường và không cho xe lưu thông trên con đường cao tốc để gây sự chú ý.

Trước sự việc này, ông Đin La Thăng, Bộ Trưởng Bộ Giao Thông-Vận Tải CSVN, đã chỉ thị Tổng công ty đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm việc với UBND tỉnh Vĩnh Phúc, đồng thời báo cáo khẩn tới Bộ Công an để “giải quyết dứt điểm” vụ việc người dân rải đinh, mang chướng ngại vật chặn xe trên cao tốc Nội Bài – Lào Cai.

Xin nhắc lại, gần đây đã có một số diễn biến người phản đối, khiếu kiện tìm cách thu hút sự chú ý bằng cách phong tỏa hoặc làm gián đoạn các đường giao thông như quốc lộ chạy qua các địa phương nơi họ sinh sống. Trong một vụ phản đối đông người quý cuối năm ngoái, hàng ngàn người dân một xã thuộc tỉnh Quảng Ngãi, ở miền Nam Trung Bộ của Việt Nam, trong lúc phản đối việc nạo hút cát gây thiệt hại ở địa phương đã chặn tuyến đường huyết mạch Bắc – Nam, Quốc lộ 1A, trong nhiều giờ. Vụ phản đối hôm Chủ nhật 27/10/2013 đã buộc Bí thư và Chủ tịch Tỉnh này phải xuống tận địa bàn xã để đối thoại với dân.

 

Người dân xôn xao vì dép ‘lạ’ làm sưng chân

Dư luận Sài Gòn đang xôn xao không ngớt vì tin “dép lạ” làm người sử dụng bị ngứa ngáy, sưng đỏ ở chân.

Theo báo Dân Trí, có nhiều người mang dép nhựa mua ở chợ, do Trung Quốc sản xuất bị ngứa ngáy dữ dội ở bàn chân. Tin đồn xuất phát trước khu du lịch Suối Tiên, tọa lạc tại quận 9, Sài Gòn sáng ngày 8 tháng 1, 2014. Rất nhiều du khách và cư dân địa phương đến thăm khu du lịch này đã bu quanh một số phụ nữ, nạn nhân “dép lạ” để nghe kể chuyện.

Bà Trần Thị Nguyên, 47 tuổi, ngụ tại phường Tân Phú, quận 9 nói rằng đã mua một đôi dép ở một chợ nhỏ gần nhà với nhà 60,000 đồng, tương đương 3 đô. Ba ngày sau, bà bỗng thấy cả bàn chân sưng lên, ngứa ngáy rất khó chịu, và khi bỏ đôi dép ra thì triệu chứng trên cũng biến mất.

Sự kiện này thật ra không phải mới. Lâu nay, có nhiều tin đồn về vụ hàng hóa do Trung Quốc sản xuất nhập về Việt Nam có chứa hóa chất độc, từ dép cho đến áo ngực phụ nữ, quần áo trẻ em v.v.. Tuy nhiên, dư luận chỉ bán tín, bán nghi vì tin đồn không được phía chính quyền địa phương xác nhận.

Vụ “dép lạ” gây phản ứng, khiến người sử dụng bị ngứa ngáy, sưng phồng ở chân lần đầu tiên rộ lên tại Sài Gòn. Người ta còn chờ xem tin tức phản hồi từ phía chính quyền địa phương về tin đồn nói trên.

Mới đây trong phúc trình của ông Vũ Huy Hoàng Bộ Trưởng Bộ Công Thương CSVN cho biết, tình trạng hàng lậu, hàng nhái, hàng “dởm” lan tràn tại thị trường Việt Nam hiện nay, từ cây kim cho đến các loại máy móc cồng kềnh… đều là hàng lậu nhập từ Trung Quốc.

Theo một số đại biểu quốc hội VN thì sở dĩ có tình trạng này là do chính cán bộ quản lý thị trường tiếp tay người buôn lậu, tuồn hàng Trung Quốc vào để “phá hoại kinh tế Việt Nam.” Ông Trần Du Lịch yêu cầu chính quyền “làm rõ vấn đề tham nhũng trong nội bộ người chống buôn lậu.”

 

Quốc tế chỉ Trích Trung Quốc về quyết định đơn phương ở Biển Đông

Trước quy định của Bắc Kinh buộc các tàu đánh cá nước ngoài phải xin phép chính quyền địa phương Trung Quốc khi hoạt động ở phần lớn vùng Biển Đông, hôm 9/01 Hoa Kỳ đã lên án những quy định mới của Trung Quốc về đánh cá trên Biển Đông là « mang tính khiêu khích và nguy hiểm tiềm tàng ».

Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, luật mới này làm nhằm khẳng định đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên phần lớn vùng Biển Đông, mà Bắc Kinh không hề đưa ra giải thích nào, cũng như không dựa trên pháp lý quốc tế nào. Vào ngày 10/01 phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh, đã bác bỏ lời chỉ trích nói trên của Mỹ.

Ngoài ra trong một tuyên bố hôm 10/01, Bộ Ngoại giao Philippines cho biết đã yêu cầu phía Trung Quốc ngay lập tức làm rõ những quy định mới về đánh cá mà chính quyền tỉnh Hải Nam vừa đưa ra. Đối với Manila, luật mới này củng cố đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh trên phần lớn vùng Biển Đông, còn được gọi là bản đồ đường lưỡi bò, nằm lấn sang lãnh hải của Việt Nam và Philippines. Bản tuyên bố của Bộ Ngoại giao Philippines khẳng định hành động nói trên của Trung Quốc là một sự « vi phạm thô bạo » công pháp quốc tế, làm gia tăng căng thẳng, làm phức tạp thêm tình hình trên Biển Đông, đe dọa hòa bình và ổn định khu vực. Cũng theo Manila, luật mới của Trung Quốc còn vi phạm nghiêm trọng quyền tự do lưu thông hàng hải và tự do đánh cá của tất cả các quốc gia trên vùng biển sâu, như quy định của Công ước LHQ về Luật biển ( UNCLOS ).

Về phần Việt Nam, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao vẫn phản đối “cầm chừng” quy định mới của Trung Quốc về đánh cá trên Biển Đông, cũng như phản đối thông báo ngày 24/12/2013 của Trung Quốc về thời gian nghỉ đánh bắt cá tại một số khu vực thuộc chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông.

Một số chuyên gia đã ghi nhận tính chất bao quát của khu vực nơi Trung Quốc áp dụng các quy định mới. Phải chăng là đối tượng mà Trung Quốc nhắm tới không phải là mọi nước, mà chỉ tập trung vào một số quốc gia ?

Được biết nhà cầm quyền “thành phố Tam Sa” ngày 01/01 vừa qua đã mở một cuộc diễn tập huy động 14 tàu và 190 người thuộc nhiều lực lượng, với kịch bản là ngăn chận những hoạt động đánh cá « trái phép ».

 

Hơn 100 nhà báo Miến Điện biểu tình đòi trả tự do cho đồng nghiệp

Trong một sự kiện hiếm thấy tại Miến Điện, vào ngày 7/01/2014, khoảng 150 nhà báo và giới bảo về quyền tự do ngôn luận đã biểu tình tuần hành trên đường phố Rangoon để báo động về các mối đe dọa mới nhắm vào quyền tự do báo chí, đồng thời yêu cầu chính quyền thả một đồng nghiệp – người đầu tiên bị bắt giam kể từ khi tập đoàn quân sự Miến Điện rời bỏ quyền hành.

Đoàn người xuống đường đã hô vang các khẩu hiệu như : «Không được đe dọa tự do báo chí », và trương cao các biểu ngữ bên trên ghi rõ : «Quyền được thông tin là sức sống của dân chủ ».

Cuộc biểu tình đã được Mạng lưới Nhà báo Miến Điện kêu gọi, nhằm phản đối một bản án ba tháng tù mà chính quyền đã ban hành đối với một nhà báo địa phương, bị bắt khi đang thực hiện một phóng sự điều tra ở bang Kayah, miền Đông Miến Điện.

Nữ phóng viên Ma Khine, làm việc cho nhóm truyền thông Eleven Media, đã bị buộc tội phỉ báng một luật sư, xâm nhập tư gia của nhân vật này khi đến phỏng vấn, và sử dụng ngôn ngữ mang tính chất lăng mạ. Tuy nhiên, theo nhóm truyền thông Eleven Media, nhà báo của họ có thể là đã bị đàn áp vì một bài viết được công bố về tệ nạn tham nhũng trong hệ thống tư pháp Miến Điện.

Theo ông Myint Kyaw, Tổng thư ký Mạng lưới Nhà báo Miến Điện, trường hợp của nữ ký giả Ma Khine phản ánh « một mối đe dọa trực tiếp vì các nhà báo có thể bị trừng phạt với cáo buộc hình sự khi tác nghiệp ».

Sự kiện Tập đoàn quân sự cầm quyền tại Miến Điện rời bỏ quyền hành vào năm 2011 – sau hàng thập kỷ cai trị đất nước bằng bàn tay sắt – đã mở đường cho những cải cách mạnh mẽ liên quan đến ngành truyền thông báo chí, trong đó có hai sự kiện nổi bật : bãi bỏ chế độ kiểm duyệt và trả tự do cho các nhà báo bị cầm cố.

Tuy nhiên, theo các tổ chức bảo vệ nhân quyền, các phương tiện truyền thông Miến Điện hiện đang phải đối mặt với những mối đe dọa khác.

 

 

 

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux