Quảng Cáo

Nhìn Lại Năm 2013 (phần 1)

Quảng Cáo

Kính thưa quý thính giả, trong mục bình luận hôm nay và hai kỳ tới, chúng tôi xin gửi đến quý vị phần nhận định về tình hình Việt Nam trong năm vừa qua, trích đoạn từ bài viết nhan đề: “Nhìn lại năm 2013” của ông Lý Thái Hùng, Tổng Bí Thư Đảng Việt Tân. Sau đây mời quý vị nghe phần một của trích đoạn này.

 

*******

Điểm qua tình hình Việt Nam, so với nhiều năm trước đây nhờ vào sự phát triển của mạng truyền thông “lề trái” đã giúp cho nhiều biến cố xảy ra được loan tải nhanh chóng, khiến cho Hà Nội không kịp ém nhẹm. Năm 2013 đã có một số sự kiện xảy ra trên các mặt của xã hội từ vụ làm giả hài cốt liệt sĩ, vụ phát giác án oan 10 năm của ông Nguyễn Thanh Chấn, vụ cháy nổ cây xăng tại Hà Nội, vụ chính quyền đổ 30 ngàn tỷ đồng cứu bất động sản, vụ bác sĩ thẩm mỹ viện Cát Tường ném xác nạn nhân xuống sông để phi tang cho đến những vụ mang tính chính trị như vụ sửa đổi hiến pháp 1992, vụ bắt giữ hai Blogger Trương Duy Nhất và Phạm Viết Đào, vụ xét xử 14 thanh niên Công Giáo và Luật sư Lê Quốc Quân, vụ ông Trương Tấn Sang đi thăm Trung Quốc và Hoa Kỳ. Nhưng đáng chú ý nhất có thể tạm nêu ra một số sự kiện như sau:

Thứ nhất là vụ CSVN sửa đổi và thông qua bản hiến pháp 1992: Sau gần 1 năm vận động sự góp ý của dư luận về bản sửa đổi hiến pháp 1992 vào đầu năm 2013, Ban soạn thảo hiến pháp nói rằng họ đã tu sửa đến 4 lần và đã trình cho Quốc hội CSVN thông qua vào ngày 28 tháng 11, trong đó có 2 đại biểu không bỏ phiếu. Hiến pháp lần này tuy vẫn giữ nguyên chế độ chính trị độc đảng nhưng được bổ xung một số điểm mới nhằm củng cố bộ máy cai trị của chế độ, đó là: (a) dành hẳn một Chương đề cập về Quyền Con Người để xoa dịu dư luận trong nước và quốc tế trước những lên án về vi phạm nhân quyền; và (b) nâng vai trò Chủ tịch nước nhiều quyền hạn hơn để cân bằng quyền lực của Thủ tướng trong lúc vai trò Tổng bí thư đảng càng lúc càng lu mờ đối với hệ thống nhà nước.

Tuy nhiên điểm đáng nói của việc sửa đổi hiến pháp năm 2013 chính là tạo ra những chấn thương trong nội bộ đảng CSVN với 3 hệ quả đáng chú ý: 1/ Sự yếu kém của lãnh đạo CSVN qua những phát biểu bất nhất về vấn đề góp ý sửa đổi khiến cho dư luận lên án gay gắt và coi thường tư cách lãnh đạo của các ủy viên bộ chính trị; 2/ Nội bộ đảng phân hóa với hai khuynh hướng giữ và bỏ điều 4 hiến pháp và từ đó nảy sinh hiện tượng kêu gọi bỏ đảng để lập đảng đối lập với đảng Cộng sản Việt Nam qua sự kêu gọi của ông Lê Hiếu Đẳng; 3/ Sự góp ý về nội dung bản hiến pháp, nhất là về điều 4 hiến pháp, đã tạo ra một làn sóng phê phán đảng CSVN trong hàng ngũ trí thức, cựu cán bộ, góp phần rất lớn cho việc liên kết hàng ngũ những người yêu chuộng tự do dân chủ làm nền tảng cho sự xuất hiện xã hội dân sự tại Việt Nam.

 

Thứ hai là sự xuất hiện nhiều đoàn thể xã hội dân sự trong năm 2013: Nếu năm 2006 đánh dấu sự liên kết các nỗ lực cá nhân để hình thành khối 8406 thì hơn 7 năm sau, sự xuất hiện hàng loạt các đoàn thể tự phát như Hội anh em dân chủ, nhóm Blogger Việt Nam, Hội phụ nữ nhân quyền, nhóm chức sắc tôn giáo, Hội bầu bí tương thân, Diễn đàn xã hội dân sự …là những tập hợp tuy mang những hình thức khác nhau nhưng có chung một chủ đích là xây dựng những nhóm quần chúng nằm ngoài sự chi phối của chính quyền. Đây là một nhu cầu và cũng là diễn tiến phải đến khi xã hội Việt Nam chuyển mình để có những thay đổi rốt ráo hơn trong lúc chính quyền bất lực trước những vấn nạn của đất nước, cùng lúc lại cố kiềm hãm để duy trì sự độc tôn cai trị.

Sự ra đời của xã hội dân sự đã đưa đến hai hiện tượng đáng chú trọng trong năm 2013:

1/ Tinh thần đấu tranh và bảo vệ cho nhau đã thể hiện rõ nét khi có một số Blogger bị bắt thì những người còn lại nỗ lực báo động và tranh đấu cho đến khi những Blogger bị bắt được tự do, kéo nhau đi thăm tù, hoặc hàng trăm người tham gia biểu tình bên ngoài đường phố phản đối phiên tòa phi lý đang xét xử sinh viên Phương Uyên hay Luật sư Lê Quốc Quân đang diễn ra;

2/ Mở rộng sự nối kết giữa những người trong và ngoài đảng CSVN, bày tỏ những quan tâm chung về dân chủ, về đa nguyên chính trị, về chấm dứt độc tài và phê phán các sai lầm của lãnh đạo một cách công khai, rầm rộ, bất chấp những trấn dáp, trù dập của chế độ.

 

Thứ ba là vụ Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời: Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ra đi ở tuổi 103 vào lúc 18 giờ 09 phút ngày 4 tháng 10 tại bệnh viện quân đội 108 ở Hà Nội sau nhiều năm phải sống nhờ vào sự chăm sóc đặc biệt của bệnh viện. Sự ra đi của ông Giáp đã để lại sự thương mến của nhiều người dân ở Miền Bắc vốn sống trong bối cảnh bưng bít về giai cấp lãnh đạo kéo dài trong nhiều năm. Trong ngày tiễn đưa ông, hàng chục ngàn người đã sắp hàng trên đường phố để tiễn đưa ông. Các nhà hoạt động trong nước coi hiện tượng đông đảo người dân đến viếng linh cữu và tiễn đưa ông Giáp đã nói lên sự bực tức của họ đối với chế độ hiện hành. Mặc dù Tướng Giáp có công dựng đảng cùng thời với ông Hồ Chí Minh; nhưng Tướng Giáp đã không được trọng dụng hay nói khác hơn là không được kính trọng bằng các ông Trường Chinh, Phạm Văn Đồng. Một phần có thể do những kèn cựa phe nhóm trong nội bộ cấp lãnh đạo; nhưng về bản chất thì ông Võ Nguyên Giáp không phải là con người năng động nên dù ông sống lâu, nhưng không đóng góp gì nhiều cho đất nước Việt Nam ở vào giai đoạn cuối cuộc đời.

*****

 Quý thính giả vừa nghe phần một bài nhận định về tình hình VN trong năm vừa qua của tác giả Lý Thái Hùng, kiểm điểm lại 3 sự kiện đáng chú ý trong năm vừa qua. Phần 2 của bài nhận định tình hình này sẽ được gửi đến quý vị trong mục bình luận ký tới, với phần kiểm điểm một số sự kiện quan trọng khác trong năm ngoái. Mời quý vị đón nghe.

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux