Nhà cầm quyền Việt Nam thêm án một số tù nhân ở Xuân Lộc
Xin nhắc lại vào ngày 30/06/2013 tại phân trại K1 thuộc trại giam Xuân Lộc, tỉnh Đống Nai đã xảy ra cuộc đấu tranh của các tù nhân trong trại để phản đối cách đối xử phi nhân của toàn ban cai tù.
Trại này từng giam nhiều tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị như các ông Trần Huỳnh Huy Thức, Việt Khang, Trần Hoàng Giang, Phan Ngọc Tuấn, Nguyễn Ngọc Cường, Huỳnh Minh Trí v.v… Đây là khu được xem là ác độc nhất trong 6 phân trại trong cách đối xử với tù nhân, nằm ngay gần cổng chính vào trại tù Xuân Lộc.
Sau gần một ngày bao vây toàn bộ khu vực kể cả phá sóng hoàn toàn, công an đã xông vào khu trại K1. Các đại diện tù nhân lương tâm đã vạch trần những hành vi của ban cai tù K1 cố tình hành hạ tù nhân như một phương tiện giải trí và để nạo vét tiền bạc do người thân gởi vào tù.
Theo nhận xét của các thân nhân thì dù với thái độ ôn hòa và chỉ đòi được đối xử như những con người như vậy, các biện pháp trả thù của công an vẫn diễn ra, đặc biệt đối với những người đại diện liên lạc ra bên ngoài như các ông Nguyễn Ngọc Cường, Phan Ngọc Tuấn, Huỳnh Minh Trí, Trần Huỳnh Duy Thức. Tuy nhiên, theo các thân nhân này thì các ông đã lượng giá trước cách đối phó của công an nhưng vẫn quyết định đứng lên tạo tiền lệ đòi hỏi nhân quyền ngay trong trại tù.
Và vào ngày 27/12 đã diễn ra phiên tòa kêu thêm án tù mới đối với 18 người. Được biết, lúc đầu, người ta chỉ thấy loan báo “khởi tố” 5 người liên quan đến vụ “gây rối” xảy ra ngày 30/6/2013, nhưng nay nhà cầm quyền lẳng lặng đưa họ ra tòa kêu án rồi mới cho loan báo kết thêm án tù cho tổng cộng 18 người. Tất cả bị cáo buộc các tội danh “chống người thi hành công vụ”, “cố ý làm hư hỏng tài sản” và “hủy hoại tài sản”.
Tường thuật kết quả phiên tòa ngày 27/12/2013, báo Tuổi Trẻ cho biết “bị cáo Nguyễn Văn Tuấn là chung thân (án chồng án). Tuấn bị tuyên án 3 năm tù về tội cố ý làm hư hỏng tài sản, 3 năm tù về tội chống người thi hành công vụ” nhưng do Tuấn đang thụ án tù chung thân nên tòa tuyên tổng mức án chung thân. Bị cáo Võ Văn Bình có mức án thấp nhất là một năm tù về tội cố ý làm hư hỏng tài sản”, cộng với số năm còn thụ án nên tổng mức án tù Bình phải thi hành 2 năm 9 tháng 26 ngày tù. 16 bị cáo còn lại lãnh án từ 4 năm – 27 năm tù.”
Thời tiết thay đổi bất thường vào những ngày cuối năm ở Việt Nam
Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Nam bộ dự đoán, do một đợt không khí lạnh mới đang từ các tỉnh miền Bắc lan dần xuống miền Nam, nhiệt độ sẽ còn giảm thêm từ nửa độ C đến 1 độ C. Trời sẽ ấm hơn vào Tết Dương lịch rồi sẽ lạnh trở lại sau đó.
Không chỉ miền Nam, dân chúng miền Trung và miền Bắc Việt Nam cũng đang phải đối phó với một đợt lạnh hiếm thấy. Nhiệt độ trung bình từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh chỉ khoảng 6 độ C đến 8 độ C, còn từ Quảng Bình đến Huế chỉ khoảng từ 12 độ C đến 14 độ C. Ngoài Bắc, tại vùng núi chỉ còn từ 3 độ C đến 5 độ C và ở những nơi khác, nhiệt độ trung bình chỉ còn từ 7 độ C đến 9 độ C. Một số nơi như Sìn Hồ, Sa Pa, đèo Ô Quý Hồ, Mẫu Sơn, Ngân Sơn, Mộc Châu nhiệt độ xuống dưới 0 độ C có nơi xấp xỉ hoặc dưới 0OC, có khả năng tuyết rơi trở lại.
Bộ Tài nguyên – Môi trường Việt Nam nhận định, 2013 là năm “thời tiết khốc liệt”, với những hiện tượng chưa từng xảy ra trong lịch sử. Chẳng hạn, tuyết rơi hồi thượng tuần và trung tuần tháng này tại tỉnh Lào Cai. Đây là điều chưa từng xảy ra kể từ năm 1961 tới nay. Ngoài tuyết, mưa đá – một hiện tượng thời tiết khắc nghiệt khác cũng xảy ra liên tục trên khắp Việt Nam, đặc biệt là tại các tỉnh: Lào Cai, Hà Giang, Thái Nguyên, Thanh Hóa… Trong đó, đáng chú ý nhất là ba trận mưa đá liên tiếp xảy ra ở tỉnh Lào Cai vào cuối tháng 3 năm 2013. Những hạt đá trong các trận mưa đá đó có đường kính từ 6 cm – 10 cm, có hạt to bằng chén ăn cơm, ấm pha trà đã phá hủy hoàn toàn hoặc làm thủng hơn 10.000 mái nhà, làm 32 người bị thương.
Không chỉ lạnh bất thường, năm nay, Việt Nam còn có nhiều đợt nóng bất thường, chưa từng thấy trong lịch sử. Ví dụ ở Bắc Giang, nhiệt độ từng tăng tới 38.6 độ C, ở Bắc Ninh nhiệt độ từng tăng tới 39.6 độ C, ở Ninh Bình nhiệt độ từng tăng tới 39.6 độ C, ở Nam Định nhiệt độ từng tăng tới 39.7 độ C…
Mưa trong năm nay cũng được nhận định là bất thường và khốc liệt. Vũ lượng từ từ tháng 5 đến tháng 10 năm nay, trên phạm vi toàn Việt Nam, cao hơn trung bình nhiều năm. Riêng khu vực Đông Bắc và Bắc miền Trung Bộ, vũ lượng cao hơn nhiều trung bình nhiều năm từ 400 mm đến 600 mm, có nơi trên 700 mm.
Người dân thiểu số bị khủng bố, xâm phạm tự do tôn giáo
Cũng tại tỉnh Gia Lai, hôm 23 tháng 12, công an huyện Đức Cơ đã bao vây tư gia một tín đồ Hội thánh Tin Lành Trưởng Lão, hăm dọa những tín đồ Tin Lành J’rai hội họp để cầu nguyện tại đó, buộc họ phải giải tán, không được “tụ tập trái phép”. Ông Rơ lân Diuck, một thầy truyền đạo cho biết, công an đe dọa bắt giữ các tín đồ của Hội thánh Tin Lành Trưởng Lão tại huyện Đức Cơ nếu họ tiếp tục tụ tập cầu nguyện trong ngày lễ Giáng Sinh. Ngoài việc bao vây, hăm dọa, buộc giải tán, không được tụ họp để cầu nguyện, công an địa phương còn tạm giữ hai người J’rai cho đến hết ngày. Ông Rơlân Diuck cho biết, ông đã bị đủ loại cơ quan ở đủ cấp bắt giữ tám lần và lần nào cũng được khuyến cáo là nên bỏ đạo.
Không chỉ các tín đồ của Hội Thánh Tin Lành Trưởng Lão bị sách nhiễu, hai giáo phái Tin Lành khác ở Việt Nam là Hội Thánh Chuồng Bò và Hội Thánh Tin Lành Mennonite cũng đang gặp cảnh tương tự.
Báo Trung Quốc khai thác sơ hở trong giáo dục của Việt Nam
Vào ngày 27/12 tờ Hoàn cầu Thời báo của Trung Quốc đã khẳng định rằng chính Việt Nam đã công nhận là vùng Biển Đông thuộc chủ quyền Trung Quốc trước năm 1975, vì vào năm 1974, bản đồ và sách vở tại Việt Nam, trong phần giới thiệu về Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, đều nói rằng các hòn đảo ở Biển Đông đã tạo thành một bức tường lớn bảo vệ lục địa Trung Quốc.
Cũng theo Hoàn cầu Thời báo, từ năm 1975, Việt Nam thay đổi quan điểm và bắt đầu đòi chủ quyền trên một phần của Biển Đông, và cho quân đội chiếm đóng một số đảo. Tờ báo dân tộc chủ nghĩa của Trung Quốc như vậy là đã khéo lợi dụng một kẽ hở tại Việt Nam để quảng bá cho các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh đối với vùng Biển Đông và đặc biệt là hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Vấn đề là ngay tại Việt Nam, nhận thức về nhu cầu quảng bá và giáo dục nhận thức về chủ quyền biển đảo vẫn chưa cao, và vụ phần mềm tin học bản đồ lần này nằm trong một chuỗi những vụ tương tự, như bản đồ in trên giấy, bản đồ trên các quả địa cầu thể hiện lập trường Trung Quốc về Biển Đông đã từng được lưu hành tự do trên thị trường Việt Nam.
Theo các nguồn tin báo chí trong nước, phần mềm đó mang tên là Earth Explorer, do Trung Quốc sản xuất và được Bộ Giáo dục Việt Nam cho nhập và đưa vào bắt buộc sử dụng trong nhà trường. Vấn đề đặt ra là giới chức chịu trách nhiệm cho lưu hành các tài liệu sai lạc kể trên đã có nhận thức ra sao về vấn đề chủ quyền biển đảo của Việt Nam vì tranh chấp với Trung Quốc trong hồ sơ Biển Đông đã xẩy ra từ lâu.
Leave a Comment