Kính thưa Toàn thể Đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước.
Dù ở bất cứ nơi đâu trên trái đất này, loài người cũng đang sống trong bầu khí lễ hội, cũng đang nghe bên tai những bài thánh ca du dương ý nghĩa, cũng đang thấy trước mắt những màu sắc vui tươi rực rỡ, cũng đang cảm nhận trong lòng những tâm tình hòa ái êm dịu. Bởi lẽ toàn thể địa cầu đang chuẩn bị kỷ niệm một biến cố đã phân chia dòng lịch sử nhân loại làm hai, đồng thời cũng sẵn sàng chờ đón một năm mới với bao hy vọng. Biến cố đó chính là việc Đức Giê-su con của Thiên Chúa Thượng Đế sinh xuống trần, mang theo sứ điệp hòa bình giữa loài người, giới thiệu sức mạnh đổi mới cho cuộc sống, vì Ngài đã trở thành điểm giao tiếp giữa Tạo hóa với tạo vật, giây liên kết giữa con người với con người. Qua hơn 20 thế kỷ, nhân loại không nhiều thì ít đã lắng nghe sứ điệp đó, đã đón nhận sức mạnh đó, nên đã cùng nhau xây dựng một thế giới ngày càng quý chuộng những văn hóa nhân bản, ngày càng chú tâm đến vấn đề nhân quyền, ngày càng tha thiết với việc bảo vệ nhân phẩm.
Mới đây, cộng đồng quốc tế đã thương tiếc sự ra đi của một biểu tượng sáng ngời về việc vun đắp tinh thần hòa bình hòa giải, một anh hùng sáng chói về việc bênh vực nhân phẩm nhân quyền. Đó là cựu tổng thống Nam Phi Nelson Mandela. Cũng mới đây, cộng đồng người Việt trong và ngoài nước đã chú tâm đến sự kiện Việt Nam được ngồi vào ghế Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, với niềm hy vọng từ nay, quyền con người sẽ có cơ hội được quảng bá, cổ vũ, tôn trọng, thực thi, không những bởi mọi công dân mà nhất là bởi bộ máy cầm quyền.
Tiếc thay, cho đến hôm nay, hồ sơ vi phạm nhân quyền tại VN vốn đã dày nay càng dày thêm, vốn đã tồi tệ nay càng tồi tệ. Trước hết, nông dân tiếp tục mất quyền sở hữu ruộng đất và thường xuyên đối diện với cảnh bị tước đoạt những mảnh vườn, thửa ruộng vốn là nguồn sống duy nhất cho kiếp đời chẳng bao giờ khấm khá của họ. Hàng triệu con người bị đẩy ra lề đường, thất thểu lê lết khiếu kiện trong tuyệt vọng và nhìn thấy tương lai của mình và con cháu toàn một màu đen. Tiếp đến, công nhân tiếp tục mất quyền đấu tranh cho lương bổng và điều kiện làm việc. Họ không được phép có tiếng nói của riêng mình, một tiếng nói độc lập và đáng được lắng nghe, giữa lúc kinh tế khốn đốn, đồng tiền mất giá, thất nghiệp tràn lan và sức lao động bị vô số chủ nhân tham lam bóc lột một cách tàn tệ. Tiếp nữa, người dân tiếp tục lo âu khi đau yếu phải vào bệnh viện chữa trị. Bởi lẽ với một nền y tế chỉ phục vụ những kẻ có tiền hoặc có công, chỉ quan tâm đến lợi nhuận và việc khai thác đau khổ hơn là phục vụ con người, chỉ chú trọng đến số lượng hơn là chất lượng y bác sĩ, rất nhiều bệnh nhân hoặc tán gia bại sản hay đã chết oan một cách tức tưởi vì sự vô lương tâm của những kẻ mang trên áo dòng chữ “lương y như từ mẫu”. Tiếp nữa, hàng triệu dân nghèo luôn sống trong thấp thỏm dọc miền Trung, nơi mỗi năm phải gánh thiên tai là hàng chục trận bão đồng thời phải gánh cả nhân tai là hàng trăm đập thủy điện mà từ lâu đã nổi tiếng là những quả bom nước. Việc xã lũ cách vô trách nhiệm từ bao năm qua đã làm tiêu tán sinh mạng của hàng ngàn người dân và tiêu tan sản nghiệp của hàng vạn gia đình, thế mà vẫn không một quan chức nào chịu trách nhiệm và chẳng một nạn nhân nào được đền bù xứng đáng. Chưa hết, các tín đồ tiếp tục bị bách hại niềm tin bởi một chế độ duy vật vô thần, bởi một nền pháp chế muốn công cụ hóa các tôn giáo, bởi một bộ máy cầm quyền độc tài luôn lo sợ sức mạnh cổ vũ chân thiện mỹ của các thế lực tinh thần. Nhiều chức sắc, tu sĩ, tín đồ của mọi giáo hội tiếp tục bị sách nhiễu cuộc sống, cấm cản sinh hoạt, hăm dọa tánh mạng, tống ngục giam thân chỉ vì muốn bảo vệ những giá trị tâm linh và nhân bản. Cuối cùng, những công dân ngày càng ý thức về quyền con người, đang lên mạng hoặc xuống đường để công khai quảng bá và mạnh dạn thể hiện những tuyên ngôn và công ước nhân quyền của quốc tế văn minh, của nhân loại tiến bộ, thì đã bị đàn áp không thương tiếc, thậm chí cả trong Ngày Quốc tế Nhân quyền vừa qua. Bộ máy cầm quyền đã thấy đó như một sự đe dọa cho quyền lực độc tài đảng trị của mình.
Kính thưa Quý vị
Hôm nay, chúng ta cùng nhau kỷ niệm biến cố đản sinh của Đức Giê-su, Đấng đã từ bỏ những ưu quyền của một vị Thiên Chúa trời cao ngõ hầu chấp nhận chia sẻ thân phận của loài phàm nhân dưới thế. Để khỏi lấy vinh quang uy lực của Tạo hóa mà đè bẹp con người, Ngài đã sinh ra trong máng cỏ nghèo hèn, hóa thân làm một hài nhi bé nhỏ, ngõ hầu việc kết hợp thần tính với nhân tính đó nâng cao con người lên và đề cao quyền con người hơn nữa. Ước mong rằng mọi lần lễ Giáng sinh đến là tất cả chúng ta lại chú ý tới sứ điệp cao cả ấy, để từ đó nỗ lực làm cho nó thành hiện thực trên quả địa cầu này, nhất là tại quê hương Việt Nam chúng ta, nơi mà mọi đồng bào chúng ta hoặc chưa ý thức rõ về quyền con người, hoặc chưa hành động đủ cho quyền con người, là quyền số một mà Thiên Chúa Thượng đế ban cho mỗi chúng ta khi chào đời.
Vinh quang Thiên Chúa trên trời (là) nhân quyền công lý cho người Việt Nam.
Việt Nam, mùa Giáng sinh 2013
Linh mục Phê-rô Phan Văn Lợi
Leave a Comment