Việt Nam nằm trong danh sách top 10 quốc gia cầm tù ký giả cao nhất thế giới
Trong bản báo cáo thường niên công bố vào ngày 18/12/2013, Ủy ban Bảo vệ Nhà báo CPJ – đã báo động về sự kiện năm 2013 sắp kết thúc là « Năm tệ hại thứ hai trên bình diện nhà báo bị cầm tù » trên thế giới. Theo CPJ, các chế độ khe khắt các quốc gia này đã chủ yếu sử dụng các tội danh « chống Nhà nước » để bịt miệng các nhà báo, blogger hay biên tập viên dám lên tiếng phê phán.
Theo thống kê của CPJ, số nhà báo bị Hà Nội tống giam hiện là 18 người, tức tăng lên so với con số 14 của năm trước.
Dẫn đầu danh sách là blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, cùng các nhà hoạt động như Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Quốc Quân, các nhà báo tự do gồm Lư Văn Bảy, Lê Thanh Tùng, Phạm Nguyễn Thanh Bình, các blogger như Đặng Xuân Diệu, Paulus Lê Văn Sơn, Nguyễn Văn Duyệt, Nông Hùng Anh, Tạ Phong Tần, Đinh Đăng Định, Phạm Viết Đào, Trương Duy Nhất, và những ký giả làm việc cho nhà nước như Hoàng Khương của báo Tuổi Trẻ, Võ Thanh Tùng của tờ Pháp luật TPHCM.
Theo ông Joel Simon giám đốc điều hành tổ chức CPJ thì : « Bỏ tù các nhà báo vì công việc của họ là đặc trưng một xã hội không khoan dung mà chỉ biết đàn áp… Hiện tượng các nhà báo bị bỏ tù gia tăng ở các nước như Việt Nam và Ai Cập là điều đáng quan ngại».
Công nhân Việt ở Đài Loan biểu tình phản đối nghị định mới
Xin nhắc lại nhà cầm quyền Việt Nam đã thông qua nghị định 95 của chính phủ, qua đó sẽ quy phạt từ 80 triệu cho tới 100 triệu đồng đối với những người Việt Nam qua Đài Loan rồi bỏ trốn khỏi nơi làm việc của mình, hoặc hết hợp đồng rồi mà vẫn ở lại Đài Loan sau khi hợp đồng chấm dứt.
Theo nhận định của các tổ chức phi chính phủ ở Đài Loan thì qua quy định này cho thấy bản chất chuyên chế của lãnh đạo Việt Nam. Nó là một biện pháp mà không có sự thương lượng, không có sự thương thảo với những cơ quan đoàn thể giúp cho người công nhân lao động ở tại các nước sở tại mà họ chỉ ngồi ở Việt Nam và họ nghĩ rằng làm cách này thì người ta sẽ sợ và người ta sẽ không làm như thế nữa. Nhưng trên thực tế, những người công nhân lao động vì miếng cơm manh áo rồi vì nợ nần, nên dù sợ thật nhưng người ta không còn chọn lựa nào khác hơn rồi người ta sẽ tiếp tục làm như thế.
Được biết, những người công nhân lao động trước khi rời Việt Nam, họ phải trả một số tiền rất lớn cho công ty môi giới Việt Nam, cao hơn số tiền 4.500 Mỹ kim mà chính phủ Việt Nam đã quy định. Khi đến Đài Loan, công ăn việc làm không thuận lợi hoặc người công nhân bị bóc lột rồi tiền lương không giống như sự quảng cáo của các công ty môi giới Việt Nam. Vì vậy, họ không còn một sự chọn lựa nào khác, nên phải trốn ra bên ngoài để họ kiếm tiền để gửi về Việt Nam để trả nợ. Sau đó khi về Việt Nam, chính phủ Việt Nam lại không giúp đỡ họ mà lại bắt họ phải đóng một số tiền từ 4.500 Mỹ kim tới 5.500 Mỹ kim. Giống như người rớt xuống giếng, thay vì cứu họ thì lại đứng cầm đá ném xuống cho người ta chết luôn.
Gần đây, công nhân lao động cho biết là công ty môi giới Việt Nam đã giở đến cái trò là khi mà họ kêu người công nhân lao động trả tiền môi giới, họ kêu cả công an vô đứng đó chứng kiến là nói rằng chỉ trả 4.500 Mỹ kim thôi rồi họ quay phim. Nhưng mà thực tế họ thu của người ta là 7.000 tới 7.500 mỹ kim trước ở một nơi khác.
Với hệ thống tham nhũng và hối lộ ở Việt Nam cho nên nạn nhân vẫn là những người nghèo khổ Việt Nam, những người vì muốn kiếm miếng cơm manh áo cho gia đình thành thử là họ phải đi ra nước ngoài lao động mà vẫn bị bóc lột ở Việt Nam. Họ vẫn sẽ tiếp tục là nạn nhân của chính sách này.
Việt Nam có nguy cơ thành kho rác của Trung Quốc
Báo Tuổi Trẻ dẫn phúc trình của ông Lê Viết Hải, phó chủ tịch Hiệp Hội Nhà Thầu Việt Nam, viết tắt là VACC nói rằng, các nhà thầu Trung Quốc đã dùng con đường cung cấp thiết bị, xây lắp, vận hành sau mỗi dự án trúng thầu để tuồn máy móc công nghệ cũ. Số máy móc và cả các dây chuyền sản xuất theo công nghệ cũ này thường không đạt yêu cầu và xuống cấp rất nhanh…
Ông Bùi Kiến Thành, chuyên viên kinh tế, lần đầu tiên chỉ trích các công ty có vốn nước ngoài đã làm cho tình trạng nhập siêu hàng hóa Trung Quốc của Việt Nam trầm trọng hơn lên. Theo ông, các công ty này nhập cảng máy móc cũ với giá cao, lên đến hàng triệu đôla.
Sau đó, họ báo giá cao gấp nhiều lần, để chuyển một số ngoại tệ khổng lồ ra ngoại quốc. Không chỉ làm Việt Nam thất thu thuế, mà các công ty này đã tiếp tay với các nhà sản xuất ngoại quốc, biến Việt Nam thành bãi rác kỹ nghệ, chứa đầy những máy móc, phụ tùng lạc hậu.
Trong khi đó, theo ông Võ Trí Thành, viện phó Viện Nghiên Cứu-Quản Lý Kinh Tế Trung Ương Việt Nam, 60% cơ cấu hàng nhập cảng từ Trung Quốc vào Việt Nam là nguyên liệu để sản xuất “đầu vào.” Loại hàng hóa này là nguyên nhân tạo nên khoản thâm hụt thương mại khổng lồ giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Còn theo ông Hồ Trung Thanh, cán bộ Viện Nghiên Cứu-Thương Mại thuộc Bộ Công Thương Cộng sản Việt Nam, Việt Nam thất bại vì không thể đi cùng thịnh vượng với “anh láng giềng nước lớn.” Theo ông, Việt Nam cần cải cách để thu hút đầu tư ngoại quốc vào ngành công nghệ cao hơn Trung Quốc, để cạnh tranh với chính hàng Trung Quốc.
Biện pháp căn cơ mà nhà nước Việt Nam phải chú trọng thực hiện, theo ông Thanh, là tạo môi trường kinh doanh tốt hơn để công ty Việt Nam nội địa thêm sức cạnh tranh, với chi phí thấp hơn trước khi tìm cách tấn công vào thị trường Trung Quốc, cũng như, cần cảnh giác trước phong trào nhập cảng ồ ạt các công nghệ cũ kỹ; các dây chuyền sản xuất gây ô nhiễm của Trung Quốc, vì nếu tiếp tục Việt Nam đang là một trong những “đối tượng” của làn sóng này, vô tình trở thành nơi tiêu thụ rác công nghiệp của họ.
Nhà thương bỏ mặc bệnh nhân ngoài hàng lang đến chết
Được biết, bệnh nhân Đặng Văn Phước 48 tuổi, trú xã Cẩm Lạc, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, liên tục kêu đau, quằn quại, nên được đi đưa cấp cứu tại khoa Nội – Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh vào lúc 16h40 ngày 15/12. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán xơ gan, hội chứng gạo thận, thoát vị đĩa đệm cột sống thứ 7, hai chân đi lại khó khăn, châm cứu không được.
Mặc dù đau đớn nhưng ông Phước phải nằm ngoài hành lang bệnh viện. Em trai của bệnh nhân bức xúc xin bố trí cho nằm riêng một giường bệnh, thế nhưng bác sĩ không chịu, nói chỉ có giường đôi, muồn nằm thì nằm, không nằm thì thôi, nên anh Phước phải nằm ngoài hành lang đau đớn, đến 1h sáng, có một bác sĩ đến lấy máu xét nghiệm chứ cũng không nói gì thêm. Bệnh nhân nằm tại hành lang cho đến hơn 4 giờ sáng ngày 16/12 thì qua đời.
Sau khi xảy ra sự việc đáng tiếc trên, người nhà bệnh nhân phản ứng vô cùng dữ dội, rất đông người kéo đến gào khóc, bao vây kín bệnh viện và không chịu đưa thi thể nạn nhân về nhà mai táng để bày tỏ nỗi bức xúc.
Trước phản ứng dữ dội của người nhà bệnh nhân về việc ông Phước phải nằm ngoài hành lang, đại diện bệnh viện trả lời: Bệnh nhân vào viện được thăm khám kịp thời, tỉ mỉ, cho lấy máu xét nghiệm, bố trí phòng bệnh, giải thích rõ cho người nhà, do bệnh nhân đông nên phải xếp nằm giường đôi.
Câu trả lời này càng khiến người nhà bệnh nhân thêm phẫn nộ.
Leave a Comment