Kính thưa quý thính giả, trong mục bình luận hôm nay và kỳ tới chúng tôi xin gửi đến quý vị bài nhận định nhận đề: “Hiến Pháp 2013: Giải quyết nhu cầu của đảng” Bài của tác giả Lý Thái Hùng. Sau đây mời quý vị nghe phần một của bài viết.
********************
Bản hiến pháp vừa mới được quốc hội Cộng sản Việt Nam khóa 13 thông qua hôm 28 tháng 11, đã dấy lên hai luồng suy nghĩ khác nhau:
Một là lãnh đạo Hà Nội đã coi thường những phản biện của dư luận về nhu cầu cải cách chính trị, tiếp tục duy trì hệ thống chính trị độc tôn nằm trong sự kiểm soát chặt chẽ của đảng Cộng sản. Điều này cho thấy là Hà Nội rất tự tin về khả năng kiểm soát tình hình và sẵn sàng trấn áp mọi xu hướng đòi đối lập chính trị hiện nay, ít nhất là 5 năm tới.
Hai là lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam đã không thể làm khác hơn, tiếp tục giữ nguyên trạng với hy vọng là có thể giữ được quyền lực trong tình trạng nội bộ đang bị phân hóa do những tác động của cao trào dân chủ hóa xã hội. Điều này cho thấy là Hà Nội lo ngại rằng nếu có bất cứ những thay đổi nào vào lúc này sẽ khiến cho họ mất kiểm soát và gặp những rối loạn nội bộ.
Cả hai luồng suy nghĩ đều đến từ những nhận định liên quan đến cách phản ứng của lãnh đạo CSVN đối với những góp ý ở trong và ngoài đảng về nội dung của bản dự thảo sửa đổi hiến pháp 1992 trong suốt năm 2013 vừa qua.
1/ Từ phản ứng tiến thoái lưỡng nan đến bản hiến pháp Nửa Nạc – Nửa Mỡ
Vào cuối năm 2012, khi ông Phan Trung Lý tuyên bố trong cuộc họp báo phổ biến bản dự thảo sửa đổi hiến pháp 1992 rằng mọi góp ý không có vùng nào “cấm kỵ”. Lúc đó Hà Nội tự tin nghĩ rằng họ còn khả năng kiểm soát chặt chẽ hệ thống truyền thông và coi thường các hoạt động của lực lượng dân chủ.
Nhưng khi 72 trí thức, cựu cán bộ cao cấp đứng tên trong một kiến nghị 7 điểm yêu cầu cải cách hệ thống chính trị và hàng loạt những bài viết của các nhà dân chủ phân tích về nhu cầu thay đổi của xã hội để đất nước tiến bộ đã dấy lên làn sóng phản biện rộng lớn chưa từng thấy trước đây, đặt lãnh đạo Hà Nội ở vào thế tiến thoái lưỡng nan.
Kết quả của hiện tượng “tiến thoái lưỡng nan” nói trên chính là sự ra đời của bản hiến pháp có nội dung ‘nửa nạc, nửa mỡ”.
Nếu xét trên hệ thống chính trị và kinh tế của quốc gia, Hà Nội vẫn tiếp tục duy trì sự độc quyền của đảng Cộng sản trên cả hai lãnh vực chính trị (xác định trong điều 4 hiến pháp) và kinh tế (xác định trong điều 51). Nhưng nếu xét trên mặt xu thế thời đại, Hà Nội đã có một sự bày hàng khá mới khi dành đến 36 Điều, chiếm ¼ nội dung bản hiến pháp để quy định về quyền con người và quyền công dân, trong đó có 5 điều rất mới rút từ bản Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền.
Sở dĩ có nội dung ‘nửa nạc, nửa mỡ” là vì lúc đầu, lãnh đạo Hà Nội chỉ muốn sửa đổi vài điều trong hiến pháp nhằm trang trí lại bộ mặt “tôn trọng quyền con người” để tránh những công kích phi nhân quyền của thế giới và tái cân bằng quyền lực giữa đảng và nhà nước trong bối cảnh hệ thống đảng không còn có nhiều khả năng quyết định hết mọi thứ như quá khứ.
Nói cách khác, Hà Nội dùng việc sửa đổi hiến pháp để giải quyết nhu cầu của nội bộ đảng hơn là đáp ứng các yêu cầu thay đổi của xã hội. Chính vì vậy mà lãnh đạo Hà Nội luôn luôn nhắc đi nhắc lại rằng các góp ý sửa đổi phải nằm trong khuôn khổ Cương lĩnh của đảng.
Một trong những điểm nổi bật của việc dùng hiến pháp giải quyết nhu cầu nội bộ đảng là ở các Chương quy định về trách nhiệm và quyền hạn của Quốc hội, Chủ tịch nước và Thủ tướng chính phủ.
Nếu trước đây, vị trí Tổng bí thư được coi là quyền lực nhất ở trong đảng thì các vị trí như Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội chỉ là sự phân công nội bộ, mang tính hình thức. Trong 10 năm qua, vai trò của Thủ tướng chính phủ đã không những lấn lướt hơn cả Tổng bí thư đảng mà còn trở thành một bộ máy siêu quyền lực vây chung quanh những nhóm lợi ích đe dọa quyền lực của đảng.
Hiến pháp lần này, Hà Nội đã nâng vị trí chủ tịch nước và quốc hội lên rất lớn. Chủ tịch nước có quyền đề nghị quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Phó chủ tịch nước, Thủ tướng chính phủ. Chủ tịch nước thống lĩnh lực lượng võ trang, quyết định phong, thăng giáng, tước quân hàm cấp tướng… Trong khi đó, Thủ tướng chính phủ thu hẹp vào vai trò điều hành chính phủ và phiếu của Thủ tướng cũng là chỉ là một phiếu trong chế độ tập thể của chính phủ.
Nói cách khác, kể từ đầu năm 2014 trở đi quyền lực của ông Nguyễn Tấn Dũng bị suy giảm rất nhiều so với quyền hạn và tư thế chính trị càng ngày càng gia tăng của ông Trương Tấn Sang, khi hiến pháp mới được áp dụng.
Kính thưa quý thính giả, với sự nâng cao vị trí chủ tịch nước trong bản hiến pháp mới, đảng CSVN dự định sẽ thực hiện điều gì kế tiếp? và tại sao phải thực hiện điều này ? Mời quý vị đón nghe những phân tích về hai nhu cầu này trong phần hai bài viết của tác giả Lý Thái Hùng, sẽ được gửi đến quý vị trong mục bình luận kỳ tới.
Leave a Comment