Kính thưa quý thính giả, Đầu tuần này chúng tôi đã gởi đến quý vị phần một bài viết nhan đề „Kinh tế củ mài ăn xuông“ của tác giả Ngô Nhân Dụng, đề cập đến bài nói chuyện của ông Bùi Quang Vinh , Bộ trưởng bộ Kế hoạch và Ðầu tư trước quốc hội không chỉ nêu ra những cái dốt của bộ máy nhà nước CSVN trong việc xây dựng các chính sách như một vài điểm được nêu lên, mà còn đưa ra những mục tiêu tăng trưởng trời ơi đất hỡi, cốt chỉ để tiến hành cái gọi là “nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng Sản.
Trong mục bình luận hôm nay, chúng tôi kính mời quý thính giả theo dõi phần hai bài viết của tác giả Ngô Nhân Dụng để biết tại sao ông Bộ trưởng Bùi Quang Vinh bức xúc đến phải văng tục trước quốc hội, rồi sau đó than thở và cảnh báo rằng: “Nếu không đổi mới chúng ta sẽ chết. Chúng ta sẽ chỉ còn từ củ mài trở xuống để ăn mà thôi”.
**************
Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chấp nhận mục tiêu tăng trưởng kinh tế cho năm 2014 chỉ là 5.8%. Nhưng ông Vinh lo rằng tỷ số khiêm tốn này cũng không đạt được; vì tổng số đầu tư thấp quá. Vì “mức 5,8% thì cũng chỉ đạt trong điều kiện tổng vốn đầu tư toàn xã hội phải đạt từ 30% trở lên,” ông Vinh giải thích. Với “dự báo tổng mức đầu tư toàn xã hội (năm 2014) chỉ còn 26-27% thôi… như vậy thì không bao giờ chúng ta có thể đạt được mức tăng trưởng 5.8%. Chúng tôi đã tính ra là cố gắng lắm thì chỉ đạt được 5%.”
Ông Vinh nhắc đến những thứ cần đầu tư nhiều nhất ở Việt Nam: giáo dục, y tế; cả hai đều là đầu tư vào con người. Ông nhận xét rất đúng: Trong đời sống kinh tế hiện nay, tài nguyên quan trọng nhất là con người. Nhân đó, ông cũng cho biết:
“Tôi nói thật 5 năm nữa hết dầu khí là không còn cái gì để bán mà thu tiền vào. Chúng ta đào bới tài nguyên thô đi bán hết rồi. Dầu khí từ 18 triệu tấn, xuống dần 17, 15, 14 rồi 1 triệu và cuối cùng là (sẽ) đóng cửa. Và chúng ta sẽ tụt hậu.”
Nhưng trong nền kinh tế Việt Nam bây giờ, hai ngành giáo dục và y tế đang xuống, cũng vì đảng Cộng sản chủ trương can thiệp, không cho thị trường tự do điều chỉnh. “Vậy thì làm sao mà thu hút và sử dụng nhân tài” và kết luận: “Một nền kinh tế như thế thì không bao giờ có thể phát triển được.”
Khi ông Bùi Quang Vinh chê bộ máy nhà nước làm chính sách dốt, cho nên không làm sao có chính sách tốt được, chắc ông cũng gồm cả một bánh xe trong bộ máy làm chính sách đó, là quốc hội. Ông Vinh nhắc nhở các đại biểu quốc hội họ đã nhầm lẫn dốt nát như thế nào. Năm ngoái, ông Vinh đưa sang quốc hội một dự thảo nghị quyết phát hành trái phiếu chính phủ; nhưng “Ðến khi Quốc Hội thông qua chả hiểu thế nào nó lại (biến) thành trái phiếu Chính phủ bảo lãnh” (thêm có hai chữ, bảo lãnh). Chỉ có thể giải thích là các ông bà ở quốc hội nghị gật chẳng thấy hai thứ đó khác nhau thế nào. Ông Bùi Quang Vinh phải dạy cho họ một bài học tại chỗ: Một bên là các trái phiếu phính phủ, do chính phủ đứng tên vay tiền. Bên kia là trái phiếu phính phủ bảo lãnh, tức là do các công ty đứng vay, nhưng được chính phủ bảo đảm sẽ đền nếu người vay không trả được nợ. Các ông bà quốc hội không phân biệt được hai thứ, cho nên trông gà hóa quốc! Bùi Quang Vinh kể, “Tôi bảo anh Giàu là ông đọc thế nào mà nó lại sửa mẹ nó thành trái phiếu chính phủ bảo lãnh. Hai cái khác nhau hoàn toàn!… Vậy mà Quốc hội thống nhất 90% chả mấy ai phản đối.”
Một ông bộ trưởng nói trước Quốc hội mà lại văng tục “nó lại sửa mẹ nó thành…” thật là cảnh hiếm khi xảy ra. Nhưng đứng trước cái dốt nát của con người, rất đông người, lắm lúc cũng đáng nổi giận mà văng tục thật! Ông Giàu kể trên chắc là ông Nguyễn Văn Giàu, đại biểu tỉnh An Giang, chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Ông Giàu được nghe văng tục; vì các dự luật về kinh tế phải đi qua bàn giấy của ông trước. Nhưng chính ông Giàu này đã từng làm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam! Không lẽ một thống đốc Ngân hàng Nhà nước mà không phân biệt được hai loại trái phiếu đó khác nhau hay sao?
Cái dốt của bộ máy chính quyền không nằm riêng trong quốc hội mà ở khắp mọi nơi. Như ông Vinh kể, bây giờ họ bầy đặt sẽ bỏ phiếu tín nhiệm các bộ trưởng. Ðiều mâu thuẫn là “thể chế thì một đảng, lại học bỏ phiếu theo kiểu phương Tây đa đảng!”
Trở lại câu hỏi trên đầu bài: Trung Cộng tiến thêm một bước trên đường cải tổ kinh tế, còn Việt Nam thì sao?
Nếu không đổi mới ngay bây giờ thì trong tương lai, nước Việt Nam sẽ chịu thua kém không những các nước Thái Lan, Malaysia, Indonesia mà còn lẹt đẹt đi sau cả Lào và Campuchia.
Ông Bùi Quang Vinh đã báo trước rằng: Ðất nước đang tiến tới nền Kinh tế Củ mài Ăn xuông, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Leave a Comment