Thân Phận Cuốc Hội
Vào đầu tháng 10/2013, Hội nghị lần thứ 8 của Ban chấp hành Trung ương đảng CSVN đã khai mạc tại Hà Nội và được coi là hội nghị giữa kỳ sau đại hội đảng lần thứ 11. Trong số các chủ đề trong nghị trình, hội nghị trung ương lần này đã bỏ phiếu về dự thảo sửa đổi hiến pháp 1992. Nhưng ngay cả với Hội nghị Trung ương đảng lần 8, dân chúng cũng dửng dưng, chẳng ngạc nhiên hay mong chờ gì, vì kết quả đã có từ cả gần nửa năm trước.
Vào tháng 4/2013, Bộ Chính trị đảng CSVN đã họp và quyết định sẽ không thay đổi gì căn bản cả trong Hiến Pháp mới, và còn khẳng định luôn là đại đa số dân chúng đã đồng ý với bản thảo từ năm ngoái rồi, bất kể những bản kiến nghị với hàng chục ngàn chữ ký của giới trí thức, những người phân tích các điểm lợi hại với đầy đủ dữ liệu và bài học từ khắp thế giới.
Hiển nhiên, đối với người dân của bất cứ nước dân chủ nào theo dõi toàn bộ tiến trình sửa đổi hiến pháp tại Việt Nam sẽ đi từ sửng sờ này đến kinh ngạc khác.
Kinh ngạc đầu tiên là tại sao hiến pháp của cả một quốc gia lại chỉ được quyết định bởi chỉ một nhóm 14 thành viên của một đảng chính trị. Và nếu nghe người Việt giải thích thì họ sẽ đi từ kinh ngạc sang kinh sợ.
– Đây không phải là một tiền lệ chưa hề xảy ra. Thực ra thì câu nói mà người Việt nghe thường xuyên từ miệng các vị chủ tịch Quốc Hội trong các buổi truyền hình cảnh làm việc tại “cơ quan quyền lực cao nhất nước” này là: “Việc này phải chờ BCT quyết đã”. Việc càng quan trọng thì càng phải chờ quyết định của Bộ Chính trị và càng nằm ngoài tầm tay của “cơ quan quyền lực cao nhất nước” .
– Ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí Thư đảng CSVN, trong lúc ca ngợi tầm hệ trọng của bản hiến pháp đã nói thẳng thừng với cử tri Hà Nội: “Hiến pháp của quốc gia là văn kiện đứng hàng thứ hai sau cương lĩnh của đảng”.
Kinh ngạc thứ nhì: Tại sao lãnh đạo đảng CSVN lại ngang nhiên và công khai ngồi xổm lên chính cái công cụ, mang tên Quốc hội, mà họ đã bỏ ra biết bao công sức tiền của để tạo ra và nuôi sống nó hàng năm? Hơn thế nữa, cứ mỗi 5 năm, lãnh đạo Đảng còn lên dàn một vở kịch rất tốn kém, kéo dài cả năm trường để gạn lọc nhiều vòng và bầu ra 500 “đại biểu nhân dân” vào Quốc Hội. Nếu đã dày công dựng lên chiếc mặt nạ dân chủ này — với trên 90% đại biểu là đảng viên CSVN và phần còn lại đều phải có “lý lịch cách mạng” — thì tại sao họ lại phủ nhận giá trị của nó một cách lộ liễu đến thế?
Kinh ngạc thứ ba và có lẽ lớn nhất : Làm sao người dân Việt Nam lại có thể lặng lẽ chấp nhận và chung sống với loại hiện tượng “kịch sĩ đi đầy đường” này trong suốt nhiều thập kỷ như vậy ?
Thật ra theo mô hình tổ chức xã hội XHCN của Lênin – Stalin, có đến 3 vòng cây kiểng dân chủ (hay mặt nạ dân chủ) bao quanh Bộ Chính trị. Và xem ra họ đang phải đối diện với tình trạng mất dần khả năng kiểm soát cả ba.
Vòng trong cùng là bộ phận Trung Ương Đảng. Suốt từ ngày dựng đảng cho đến năm 2012, Trung Ương Đảng chỉ có trách nhiệm bỏ phiếu thuận và thi hành các quyết định của Bộ Chính trị. Nhưng liên tiếp từ Hội nghị Trung ương 6 vào tháng 10/2012 đến nay, những hứa hẹn quyền lực và tài lực đã vượt qua thẩm quyền truyền thống của Bộ Chính trị. Tại Hội nghị này, Trung ương Đảng lật ngược quyết định của Bộ Chính trị, không kỷ luật Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Sau đó tại Hội nghị Trung ương 7 vào tháng 5/2013 Trung ương đảng lại thẳng tay hất 2 ứng viên mà Bộ Chính trị chọn là các ông Nguyễn Bá Thanh Trưởng ban Nội chính, Vương Đình Huệ Trưởng ban Kinh tế. Thay vào đó, họ bầu ông Nguyễn Thiện Nhân và bà Nguyễn Thị Kim Ngân thuộc phe cánh Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào 2 chiếc ghế mới tinh tại Bộ Chính trị. Tại cả 3 kỳ đại hội 6, 7, và 8, tiếng nói – và cả tiếng khóc nghẹn ngào – của Tổng Bí Thư chẳng còn mấy trọng lượng.
Vòng kế tiếp là Mặt Trận Tổ Quốc. Vòng này có trách nhiệm lủng đoạn và kiểm soát tất cả mọi đoàn thể tôn giáo, văn hóa, xã hội hoặc dựng lên những đoàn thể quốc doanh để buộc cả xã hội qui phục lãnh đạo đảng. Nhưng trong những năm gần đây MTTQ chỉ còn vai trò dựng lên các tuồng tích để gạt ra các ứng viên độc lập hiếm hoi trong các kỳ bầu cử đại biểu quốc hội mà thôi. Mọi chức năng khác đều đã trở nên dư thừa hoặc không còn khả năng thực hiện. Cùng lúc đó, một số cán bộ đảng viên thuộc các ban chấp hành MTTQ tỉnh và thành phố, cũng như trực thuộc tờ báo Đại Đoàn Kết – do MTTQ chủ quản – bắt đầu lên tiếng kêu gọi lãnh đạo đảng chấp nhận đa nguyên đa đảng. Có người còn tham gia các bản kêu gọi hãy rời bỏ đảng CSVN. Tệ hơn nữa gần đây MTTQ còn là nơi để các phe cánh trong đảng chặt tay chặt chân nhau. Cụ thể như khi không ngăn được Hội nghị trung ương 7 bầu ông Nguyễn Thiện Nhân vào Bộ chính trị, phe Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ Tịch Nước Trương Tấn Sang bèn đẩy ông Nhân vào ghế chủ tịch MTTQ không thực quyền, và từ đó có cớ tước luôn chức phó thủ tướng của ông ta.
Vòng ngoài cùng mới là Quốc Hội. Trong nhiều thập niên từ ngày lập đảng CSVN, đây là vòng vô hại nhất và chỉ để cho hệ thống tuyên truyền quay phim chụp hình là chính. Tuy nhiên, trong khoảng 10 năm qua, đây lại là vòng mà lãnh đạo Đảng mất nhiều khả năng kiểm soát nhất. Vì số thành viên đông hơn, thuộc nhiều phe phái hơn, nên lãnh đạo đảng khó mua chuộc tất cả. Việc trừng phạt họ vì những phát biểu thẳng thừng tại sàn Quốc Hội với đồng nghiệp hay tại hành lang với báo chí đều không phải dễ, vì mọi phe đều dùng cách này để hạ uy tín lẫn nhau, đặc biệt trước các đề án lớn như xây đường cao tốc hoặc các đổ bể lớn như Vinashin, Vinalines. Nhưng trong số các đại biểu, cũng còn có một ít người tuy đang giữ thẻ đảng nhưng đã bắt đầu nhận ra vai trò tệ hại của đảng đối với đất nước, đặc biệt trong trách nhiệm bảo vệ chủ quyền quốc gia. Tiếng nói của họ đã làm nhức nhối bộ phận lãnh đạo ở thượng tầng. Chính vì vậy mà trong suốt kỳ họp Quốc Hội lần này, phóng viên bị cấm không được tiếp xúc các đại biểu trong giờ giải lao ngoài hành lang Quốc Hội nữa. Báo đài chỉ được đưa tin do Ban Tuyên Giáo Trung ương cung cấp. Và thế là Quốc Hội cũng bị bịt miệng nốt.
Với bằng đó vòng rào cây kiểng, người dân Việt từ lâu gom thành công thức: Đảng chỉ tay, Mặt trận vỗ tay, Quốc hội giơ tay, Chính phủ ra tay, và … Dân trắng tay. Trong công thức này, nhiều người đã khẳng định Quốc Hội thực sự chỉ đáng gọi là “cuốc hội” — hội của những cây cuốc dựng đâu đứng đó — mà thôi.
Nhưng dù nói gì hay nghĩ gì đi nữa thì câu hỏi của thế giới cho dân tộc Việt Nam vẫn còn đó: Tại sao những con người quá can đảm trong chiến tranh nay lại có thể lặng lẽ chấp nhận và chung sống với loại hiện tượng “kịch sĩ đi đầy đường” trong suốt nhiều thập kỷ như vậy ?
Leave a Comment