Tổ chức Ân Xá Quốc Tế tố cáo Việt Nam gia tăng đàn áp nhân quyền
Tổ chức Ân Xá Quốc Tế liệt kê danh sách 75 tù nhân chính kiến đang bị giam cầm tại Việt Nam chỉ vì họ phát biểu quyền tự do ngôn luận ngoài đường phố hoặc trên trang mạng internet.
Chuyên gia Rupert Abbott của Amnesty International thẩm định, “Việt nam đã nhanh chóng biến thành một trong những nhà tù lớn nhất tại Đông Nam Á, giam cầm những người bảo vệ nhân quyền và những nhà tranh đấu khác. Tình trạng đàn áp đến mức báo động này phải chấm dứt ».
Ngoài ra, trước sự kiện Việt Nam tiến hành sửa đổi Hiến pháp và ứng cử thành viên Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, Ân Xá Quốc Tế nhận định, Hà Nội đã từng tuyên bố với thế giới là sẽ « thượng tôn pháp luật », nhưng trên thực tế vẫn « đàn áp nhân quyền, vi phạm chính các lời cam kết của họ với cộng đồng quốc tế » qua các công ước về quyền công dân và chính trị.
Danh sách những trường hợp đàn áp rất dài. Chỉ tính từ đầu năm 2012, Amnesty International liệt kê « 65 trường hợp các nhà tranh đấu ôn hòa bị cầm tù qua những phiên tòa chớp nhoáng chứng tỏ bản án đã được soạn trước. Với thời gian, hàng trăm tiếng nói khác biệt với chế độ từ blogger, người tranh đấu cho nhân quyền, cho quyền lợi công nhân, bảo vệ dân oan bị mất đất cho đến các tín đồ tôn giáo đã bị truy tố, kết tội và giam cầm. Trong nhà giam, các tù nhân còn bị đối xử một cách thô bạo và phi nhân ».
Ngoài ra, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Nhân quyền và Quyền lao động Scott Busby cho rằng « không có dấu hiệu nhân quyền tại Việt Nam được cải thiện trong ngắn hạn », và kêu gọi Việt Nam hợp tác với bốn thanh tra nhân quyền do Liên Hiệp Quốc bổ nhiệm và nhanh chóng cải thiện sâu rộng về nhân quyền trong nước để nâng cao quan hệ với Hoa Kỳ.
Human Rights Watch kêu gọi Việt Nam cải thiện nhân quyền
Tài liệu ngày 27/8 mà Việt Nam trình lên Chủ tịch Ðại hội đồng Liên hiệp quốc tuyên bố Việt Nam cam kết bảo vệ nhân quyền trong tư cách ứng cử viên vào Hội đồng Nhân quyền như “quyền và quyền tự do căn bản của người dân Việt Nam được tôn trọng và đảm bảo”, “việc thúc đẩy nhân quyền được cụ thể hóa trong hiến pháp và luật pháp của Việt Nam”, và “quyền tự do biểu đạt ý kiến trên Internet được tăng cường”.
Theo Human Rights Watch, tình hình thực tế ở Việt Nam hoàn toàn trái ngược, với số vụ đàn áp gia tăng chứng tỏ nhà cầm quyền vẫn cố dập tắt những tiếng nói bất đồng, những chỉ trích đối với chế độ cai trị độc đảng, và tiếp tục đe dọa những ai phê phán về nạn tham nhũng, cưỡng chế đất đai, bất bình đẳng kinh tế-xã hội, hay những luật lệ vi phạm nhân quyền của Hà Nội.
Human Rights Watch nói một trong những biểu hiện bất mãn ngày càng lớn trong xã hội Việt Nam là sự hình thành Mạng lưới Blogger đấu tranh đòi hủy bỏ điều 258 vốn đang được Hà Nội dùng để giam cầm các ngòi bút tự do.
Với 15 tháng tù treo mới đây của Đinh Nhật Uy, công dân mạng đầu tiên tại Việt Nam bị buộc tội hình sự theo điều 258 ‘lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước’, Human Rights Watch nói bản án này càng chứng tỏ rằng hơn bao giờ hết, Việt Nam không xứng đáng có một ghế tại Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc.
Human Rights Watch kêu gọi Việt Nam hãy giải quyết những quan ngại về nhân quyền trước ngày ứng cử, cụ thể nhất là phóng thích ngay lập tức và vô điều kiện các tù nhân chính trị đang bị giam cầm chỉ vì thực hiện những quyền cơ bản của con người.
Bão lớn tàn phá Philippines và đang tiến về Việt Nam
Tin từ các trang mạng, thì cơn cuồng phong Haiyan, được xem là dữ dội nhất năm 2013 đã tàn phá Philippines, thiệt hại nhân mạng tạm thời được ghi nhận là ba người chết nhưng thiệt hại vật chất được mô tả là « kinh hoàng ».
Sau khi quét ngang đảo Samar, cách thủ đô Manila 600 km về hướng Đông nam, bảo Haiyan tràn đến thành phố duyên hải Guiuan cắt đứt mọi liên lạc với phần còn lại của quần đảo. Theo Hội Chữ thập đỏ Philippines, nhiều nhân chứng cho biết có nhiều nhà cửa bị gió thổi bay, nhiều cây to bị trốc gốc.
Theo dự báo khí tượng, bão Haiyan sẽ tăng thêm cường độ trước khi rời Philippines để tiến ra biển Đông Nam Á. Haiyan là trận bão thứ 24 trong năm nay thổi qua Philippines.
Theo chuyên gia Jeff Masters, sáng lập viên trung tâm Khí tượng Weather Underground, bão Haiyan hay Hải Yến được xếp vào cấp 5 là trận « cuồng phong mạnh nhất trong lịch sử ».
Việt Nam và Lào nằm trên lộ trình của bão Hải Yến. Thủy văn Việt Nam xếp bão Hải Yến vào cấp 13, dự báo những ngọn gió mạnh đầu tiên sẽ đến miền trung Việt Nam, từ Quảng Ngãi đến Thừa Thiên-Huế vào sáng Chủ nhật 10/11/2013.
Dân Thanh Hóa biểu tình vì công an “bảo kê”
Tin từ báo chí trong nước, thì một nhóm công an thuộc Phòng Cảnh sát Kinh tế thuộc Sở Công an tỉnh Thanh Hóa đã chặn hai xe hàng containter có máy làm lạnh vận chuyển hàng của dân mà không có lý do và không lập biên bản. Đồng thời thu giữ toàn bộ giấy tờ, chìa khóa, điện thoại của tài xế, đặc biệt đã tắt máy, không cho dàn lạnh trên xe hoạt động khiến hàng hóa trên xe có nguy cơ hư hỏng, đặc biệt là không đưa ra lệnh khám mà chỉ giữ xe lại để chờ chủ hàng ra làm việc “giống như hành vi trấn lột” chứ không phải là cách xử lý vi phạm.
Vẫn theo phản ánh của báo trong nước, người dân xã Hải Thanh sản xuất và chế biến thủy sản phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, với khoảng 30 lò chế biến, hấp sấy cá khô cùng sản lượng hàng tháng từ 50 – 200 tấn cá cơm khô mỗi lò.
Tuy nhiên, hơn một năm trở lại đây, người dân bị một đối tượng xã hội đen nghi ngờ có liên hệ với công an o ép, khống chế, bắt buộc họ phải thuê xe, bãi đóng hàng và nộp tiền mãi lộ lên tới hàng triệu đồng mỗi chuyến vận chuyển. Khi người dân tìm cách thuê dịch vụ ở chỗ khác đã thường xuyên gặp phải các vụ ‘cảnh sát giao thông’, ‘cảnh sát kinh tế’ chặn kiểm soát, gây khó dễ với mật độ ‘bất thường,’.
Sau nhiều tiếng đồng hồ bị khiếu nại, lãnh đạo Công an tỉnh Thanh Hóa đã buộc phải thả hai xe vận tải máy lạnh bị bắt giữ, hứa xử lý vi phạm của cấp dưới để giải tỏa người dân.
Đây không phải là lần đầu tiên người dân Việt Nam phản ứng về nạn xã hội đen bị nghi là có câu kết với cảnh sát và chính quyền địa phương gây ảnh hưởng tới đời sống và làm ăn của người dân.
Nhiều vụ bảo kê được cho là có bàn tay bao che của cảnh sát như nạn cơm tù ở các bến xe cho tới nạn chặt chém khách du lịch, hoặc xin đểu nằm trong số nhiều vụ được truyền thông lên tiếng gần đây.
Tiền Giang công bố dịch cúm H5N1
Thông báo này qua phúc trình của Chi Cục Thú Y tỉnh Tiền Giang cho hay, chỉ trong vòng một tuần lễ, từ ngày 31 tháng 10 đến 4 tháng 11, một nửa trong số bốn đàn vịt trên nửa triệu con của nông dân nuôi đồng tại hai xã Tân Phú và Tân Thới lăn ra chết đồng loạt. Kết quả xét nghiệm cho thấy số vịt chết có virus H5N1. Lệnh tiêu hủy đàn vịt còn lại đã được thi hành để ngăn chặn dịch bệnh tràn lan.
Vào năm ngoái, dịch H5N1 hoành hành tại tỉnh Đồng Tháp và Long An. Ở Đồng Tháp, một bé trai 4 tuổi và một cư dân tỉnh Đắk Lắk đã phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.
Bệnh dịch cúm H5N1 xuất hiện đầu tiên ở người hồi năm 1997 tại Hồng Kông. Tính đến năm 2008, toàn thế giới có 234 người thiệt mạng vì H5N1, nhiều nhất tại Nam Dương và Việt Nam.
Leave a Comment