Các dự án thủy điện là thảm họa mới ở Việt Nam

- Quảng Cáo -

Các dự án thủy điện là thảm họa mới ở Việt Nam

dapthuydienViệc cho phép thực hiện ồ ạt hàng ngàn dự án thủy điện đã tạo ra một thảm họa mới cả về kinh tế, môi trường lẫn dân sinh. Chẳng hạn tại khu vực Tây Nguyên, ngoài chuyện nhiều nhà máy thủy điện được xây dựng rất cẩu thả nên đã xảy ra hàng loạt tai nạn nghiêm trọng như vỡ đập, nứt đập,… khiến người chết, nhà cửa, ruộng vườn bị hư hại.

Theo báo cáo về “Quy hoạch tổng thể cho thủy điện”, thì mặc dù nhà cầm quyền loan báo loại bỏ 424 dự án thủy điện nhưng tại Việt Nam vẫn còn 815 dự án, công trình thủy điện, trong đó 205 dự án đang xây dựng hoặc dự trù sẽ khai thác cho đến 2017.

Xây dựng các công trình, dự án thủy điện đã làm Tây Nguyên mất 80,000 héc ta đất, gây xáo trộn sinh hoạt, sinh kế của 26,000 gia đình, phần lớn là người thiểu số.

- Quảng Cáo -

Những dự án thủy điện được cấp giấy phép để thực hiện tại Tây Nguyên hiện là nguyên nhân chính tăng thêm đói nghèo, đẩy người thiểu số tới tột đỉnh của sự bần cùng. Chưa kể, chuyện xả lũ vô tội vạ của các công trình thủy điện sau hai trận bão thứ 10 và thứ 11 còn làm chết thêm hàng chục người, phá hủy nhiều khu dân cư, ruộng vườn, khiến hậu quả thiên tai thêm trầm trọng.

Sau khi thẩm tra, Ủy ban Khoa học – Công nghệ – Môi trường của Quốc hội CSVN cho biết, việc quản lý chất lượng, an toàn tại các công trình thủy điện nhỏ chưa tuân thủ quy định của pháp luật, tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường. Khoảng 30% đập chắn nước của các công trình thủy điện nhỏ chưa được kiểm định. Khoảng 66% đập chắn nước chưa được duyệt phương án bảo vệ. Khoảng 55% chủ đập chưa có phương án phòng chống lụt bão.

Ủy ban này cho biết thêm rằng, từ 2006 đến 2012, Việt Nam có 160 dự án thủy điện đã chuyển 19,792 héc ta rừng thành đất xây dựng công trình thủy điện. Đến nay, diện tích rừng được trồng thay thế chỉ chừng 3.7%.

Nhiều đại biểu Quốc hội đã chỉ trích kịch liệt việc phát triển thủy điện theo phong trào. Phong trào này khiến Việt Nam mất thêm hàng chục ngàn héc ta rừng và khiến dân chúng sống ở khu vực hạ lưu của các công trình thủy điện thường xuyên lo âu vì những rủi ro không thể dự báo.

Nhiều đại biểu khác đòi chế độ Hà Nội phải truy cứu trách nhiệm cá nhân trong chuyện cho phép thực hiện tràn lan các công trình thủy điện.

Các chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng và kinh tế cho rằng, việc hai tập đoàn tư nhân: Hoàng Anh Gia Lai và Nam Trung rút ra khỏi lĩnh vực thủy điện là dấu hiệu khơi mào cho một cuộc tháo chạy khỏi lĩnh vực thủy điện của nhiều tập đoàn, công ty khác. Lý do dẫn tới cuộc tháo chạy này được nhận định chủ yếu là vì, giới đầu tư đã đạt được mục đích chính: Dùng các giấy phép đầu tư vào thủy điện để phá rừng, tận thu gỗ, vì diện tích chiếm đất rừng lại không hề nhỏ (trung bình mỗi MW điện ngốn khoảng 14 héc ta rừng, một dự án 10 MW điện làm Việt Nam mất khoảng 150 héc ta rừng).

 

Nông dân bỏ ruộng đi bắt ốc bán cho Trung Quốc

ocbuvangSự kiện 1 ký thịt ốc bưu vàng có giá từ 15 đến 25 ngàn đồng, trong khi 1 ký lúa chỉ được chừng 4 500 đồng, đang là động lực để nông bỏ ruộng đi bắt ốc, bán cho thương lái xuất sang Trung Quốc. Tuy Không ai biết phía Trung Quốc làm gì với khối lượng thịt ốc bươu vàng lên tới hàng chục tấn một ngày nhưng bắt ốc giúp kiếm tiền nhanh và nhiều hơn trồng lúa nên khắp Việt Nam, người người, nhà nhà đang bỏ ruộng vườn để đi bắt ốc. Có những ngày, một gia đình kiếm được cả triệu đồng nhờ tiền bán ốc.

Ông Lê Văn Lượng ngụ ở huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội, cho biết mọi người trong làng còn lặn lội tới tận Nam Định, Thái Bình, Bắc Ninh để săn tìm ốc. Cuối mỗi ngày, người ta gom ốc lại để luộc, tách thân ra khỏi vỏ, vứt bỏ nhân, trứng, chỉ lấy lưỡi rồi mang tới điểm thu mua. Phía thu mua rửa lại, cân và cho vào thùng xốp, ướp muối, đá lạnh, rồi dán kín và chất lên xe chở sang Trung Quốc.

Vỏ ốc đang được đổ khắp nơi, từ kênh mương đến ruộng, vườn. Trời nóng thì hôi thối. Trời mưa, vỏ ốc trôi khắp nơi, môi trường trong vùng đang bị ô nhiễm trầm trọng, chắc chắn sẽ gây khó khăn cho việc trồng lúa ở các mùa sau.

Đó là chuyện ngoài Bắc. Ở miền Nam, dân chúng cũng bắt đầu bỏ ruộng đi bắt ốc. Theo thống kê, riêng tỉnh Hậu Giang đã có năm điểm vốn chuyên thu mua thủy sản nhưng nay đã ngưng hết để chỉ tập trung thu mua ốc bươu vàng.

Trước tình trạng dân đổ xô đi bắt ốc bươu vàng vì có thể bán với giá cao, nhiều người bắt đầu nhân giống, nuôi ốc bươu vàng đem bán.

Hôm 30 tháng 10, Bộ  Nông nghiệp Phát triển nông thôn CSVN đã phải gửi công điện khẩn, yêu cầu nhà cầm quyền các tỉnh phải “gia tăng kiểm tra, xử lý, ngăn chặn” việc nhân giống, nuôi ốc bươu vàng. Ốc bươu vàng đã từng là đại họa cho nông nghiệp Việt Nam do sinh sôi nảy nở nhanh và chuyên ăn lúa, khiến mùa màng nhiều nơi mất trắng.

Hồi tháng 9, ông Nguyễn Ngọc Trân, một cựu đại biểu của Quốc hội Việt Nam, lên tiếng cảnh báo về sự lũng đoạn của thương lái Trung Quốc đối với Việt Nam. Ông lên án chiến lược “cột chặt” các doanh nghiệp Việt Nam vào mạng lưới thu mua của Trung Quốc để đẩy hoạt động xuất cảng hàng hóa sang Trung Quốc chỉ theo “con đường tiểu ngạch”, đã tạo điều kiện cho thương lái Trung Quốc dễ quịt nợ, dễ “lật kèo”. Ông Trân nhận định, phải xem việc thương lái Trung Quốc tận thu mọi thứ là có thâm ý : tận diệt các loại thực vật, động vật qúy hiếm, thúc đẩy tiến trình phá rừng,  làm đất sớm bạc màu, khiến quá trình rửa trôi đất đồi núi diễn ra nhanh hơn, phá hoại môi sinh, môi trường.

Không chỉ tác động để hủy diệt tự nhiên, những chiến dịch thu mua của thương lái Trung Quốc còn đánh vào các doanh nghiệp Việt Nam, khiến nhiều doanh nghiệp điêu đứng vì thiếu nguyên liệu, mất uy tín vì không còn khả năng thực hiện đúng hợp đồng.

Ông Trân khẳng định, không ai nghĩ rằng, thương lái Trung Quốc chỉ là những cá nhân vào Việt Nam làm ăn riêng lẻ. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Việt Nam chỉ thấy lợi trước mắt mà “bắt tay” với thương lái Trung Quốc. Đặc biệt đáng trách là chế độ Hà Nội đã bỏ ngỏ vấn đề này. Ông Trân kêu gọi, phải xem chuyện giải quyết tình trạng thương lái Trung Quốc đang phá hoại kinh tế Việt Nam là “một nhiệm vụ không thể trì hoãn”.

Nhiệm vụ đó xem ra khó mà có thể hoàn thành.

 

Trước phản ứng mạnh của người dân, nhà cầm quyền tỉnh Quảng Ngãi mới lo chống sạt lỡ

QuangNgaiSau cuộc biểu tình phong tỏa quốc lộ của hàng trăm người dân huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi, nhà cầm quyền tỉnh này quyết định làm bờ kè chống sạt lở.

Báo mạng VNExpress cho hay, sáng ngày 3 tháng 11, các đơn vị xây dựng đã bắt đầu đóng cọc, chèn bao cát chắn sóng để chống sạt lở một đoạn dài 500m vùng bờ biển Nghĩa An. Các đơn vị này đồng thời nạo vét cửa sông và bồi thường tổn thất cho hàng trăm gia đình ngư dân. Trị giá các công trình này, theo nhà cầm quyền tỉnh Quảng Ngãi, lên tới 40 tỉ đồng, tương đương 2 triệu đôla.

Theo ngư dân huyện Tư Nghĩa thì tai họa xảy ra vì chính quyền cho phép các công ty nạo vét cát ở cửa sông Phú Thọ để xuất cảng. Nạn nạo vét, hút cát trên sông diễn ra rầm rộ khiến bờ sông bị sạt lở ồ ạt. Nhiều hồ nuôi tôm ở ven biển của nông dân bị cuốn trôi. Thêm vào đó, nạn sạt lở cát làm cửa Đại bị lấp mất. Hàng trăm tàu đánh cá của ngư dân không thể ra khơi suốt nhiều tuần lễ qua, ít nhất 125 chiếc tàu đánh cá của ngư dân hai xã Nghĩa An và Nghĩa Phú thuộc huyện này bị “nằm bờ” suốt một tháng qua.

Xin nhắc lại, sau nhiều lần yêu cầu chính quyền buộc các công ty ngừng nạo vét, hút cát trong khu vực không thành công, ngày 26 tháng 10 vừa qua, hàng ngàn cư dân huyện Tư Nghĩa đã đổ ra đường ngăn xe cộ qua lại quốc lộ 1A. Người dân đã ngồi bệt giữa lộ, căng dây thừng chặn đường, không để xe cộ qua lại. Công an tỉnh Quảng Ngãi lập tức tung hàng trăm cán bộ đến tìm cách “giải vây,” dẫn đường cho các loại xe đi đường vòng. Tuy nhiên, người biểu tình lại kéo đến chặn đường giao thông tại cầu Bàu Giang, và cầu cây Bứa, ở cửa ngõ thành phố Quảng Ngãi.

Cho đến tối 27 tháng 10, ông Võ Văn Thưởng, bí thư tỉnh ủy, người đứng đầu tỉnh Quảng Ngãi, buộc phải xuất hiện trước đám đông, cam kết bồi thường mỗi gia đình ngư dân ít nhất 10 triệu đồng, tương đương 500 đôla tiền thiệt hại. Ông này còn hứa hẹn sẽ thông luồng cửa biển bị cát lở bồi lấp, xây bờ kè chống sạt lở v.v.. trong vòng bốn ngày. Sau lời hứa trên, hàng trăm người biểu tình mới chịu giải tán trả lại đường giao thông cho xe cộ qua lại.

 

 

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here