Người tị nạn Bắc Hàn tìm đường trở lại Bắc Triều Tiên ?
Thưa quý thính giả, được biết một người Bắc Hàn khi đến tị nạn ở Hàn quốc thi được đưa vào trung tâm tiếp cư khoảng 3 tháng để huấn nghiệp và dạy về đời sống xã hội, ra khỏi trung tâm thì được cấp một số tiền từ 20 triệu đến 48 triệu đồng won (tương đương 19 ngàn đến 49 ngàn mỹ kim) gọi là tiền phụ giúp nhà cửa, học nghề để xây dựng đời sống mới. Công ăn việc làm thì được các sở Lao động giới thiệu cho đi làm, ngay đến các tòa hành chánh cũng mở rộng cửa thâu nhận người tị nạn Bắc Hàn vào làm, dễ dàng cấp giấy phép cho bất kỳ ai muốn mở cơ sở kinh doanh, tiệm quán, có người hiện nay là Dân biểu Quốc hội Hàn quốc, Nói tóm lại chính phủ và các cơ quan xã hội ở Hàn quốc đã làm những gì có thể làm được hầu giúp người tị nạn Bắc Hàn.
Theo các tổ chức giúp đỡ người tị nạn Bắc Hàn ở Seoul thì có lẽ một phần do không quen đời sống phải nỗ lực cạnh tranh trong một xã hôi tiên tiến, một phần do bị các điệp báo Bắc Hàn tìm cách tiếp cận những người này để hù dọa về sự an nguy của họ còn ở lại quê nhà nên mới quyết định trở lại Bắc Triều Tiên. Chính quyền Bình Nhưõng chỉ cần chừng đó người hoặc thêm một chút nữa đủ để tuyên truyền là được, Nhưng thôi đó là quyết định của họ chứ đâu có ai xua đuổi đâu.
Nhiều người tị nạn Bắc Hàn nói rằng đến tị nạn Hàn quốc, chúng tôi không cần phải học tiếng, cùng một phong tục, tập quán, chỉ học làm quen với đời sống văn minh mà thôi, trong khi người Việt Nam đi tị nạn ở bất kỳ nước nào cũng phải học ngôn ngữ, phong tục, tập quán và đời sống xã hội của nước đó và bắt đầu bằng con số không, vậy mà họ thành công, lý do đơn giản là ở các nước tự do, dân chủ mọi người đều có quyền làm giàu một cách hợp pháp. Bất mãn hay không thích sống ở Hàn quốc thì có thể nạp đơn xin đi nước thứ ba chứ cớ gì mà đục đầu về cái địa ngục trần gian.
Về phía các hội đoàn người tị nạn Bắc Triều Tiên ở Hàn quốc đã lên tiếng như sau chuyện đất nướcBắc Triều Tiên là thiên đường hay địa ngục mọi người đã quá biết, khỏi phải cần bàn luận làm gì cho tốn thời giờ. Chúng tôi biết chắc thế nào chính quyền Bình Nhưỡng cũng gài điệp viên vào người tị nạn Bắc Hàn để phá rối cộng đồng người tị nạn, tạo hình ảnh xấu xa về người tị nạn để người dân miền Nam tránh né, tìm cách lấy tin tức về thân nhân còn kẹt lại quê nhà để trả thù. Việc này chúng tôi thường cảnh báo cho chính quyền Hàn quốc biết, nhưng hình như không được lưu tân đúng mức. Chuyện 12 người tị nạn Bắc Hàn trở về nước lên đài truyền hình tố khổ Hàn quốc không làm thay đổi thực trạng đang phồn thịnh ở mãnh đất miền Nam, nhưng nó làm cho người dân miền Bắc tưởng miền Nam đang khổ cực, thế là tập đoàn lãnh đạo độc tài Bắc Triều Tiên mượt sức kêu gọi phải thắt lưng, buộc bụng hơn nữa để giải phóng miền Nam thì nhiều người đâm đầu vào vì tưởng thật. Đấy mới là vấn đề.
Báo lề Đảng ở Trung quốc liên tục phản đối công an bắt ký giả trái phép
Liên tục trong hai ngày 23 và 24 tháng 10 vừa qua, trên trang nhất của nhật báo Xin Kuai Bao (có âm Hán là Tân Khoái Báo) phát hành ở Quảng Đông đã cho đăng lời yêu cầu sở Công an thành phố Trường Sa thuộc tỉnh Hồ Nam phải thả tự do cho ký giả Trần Vĩnh Châu vì đã bắt ký giả này một cách trái phép. Theo tờ báo này thì ký giả họ Trần được tòa báo cử đến thành phố Trường Sa để điều tra những chuyện làm bất chính của tập đoàn công nghiệp Zoomlion, các thông tin mà ký giả Trần Vĩnh Châu gởi về cho tòa soạn được đánh giá là chính xác, vậy mà vào ngày 18/10/2013 trong khi tiếp tục hành nghề ở thành phố Trường Sa thì ký giả Trần Vĩnh Châu đã bị công an bắt một cách vô cớ. Chúng tôi không thể im lặng trước việc công an bắt người tùy tiện, phải lên tiếng yêu cầu thả ngay ký giả Trần Vĩnh Châu.
Ngay sau khi tờ Tân Khoái tung ra lời yêu cầu đó, nhiều cơ quan truyền thông khác ở Hoa lục đã lên tiếng ủng hộ. Hiệp hội Báo chí của Trung quốc, cũng là một cơ quan của Đảng, vậy mà vẫn lên tiếng yêu cầu sở Công an thành phố Trường Sa phải trưng bằng chứng rõ ràng và giải thích vì lý do gì mà bắt ký giả Trần Vĩnh Châu. Lẽ đưong nhiên trên mạng Internet tràn ngập lời kêu gọi nhà cầm quyền tỉnh Hồ Nam phải thả tự do ngay cho ký giả Trần Vĩnh Châu, tố cáo những việc bắt người một cách trái phép của bộ máy cầm quyền. Những người nổi danh ở Trung quốc như nhà đầu tư Vương Công Quyền viết trên mạng Internet rằng: Tích cực phát biểu để vạch ra nhiều cái tiêu cực trong xã hội không phải là phần tử phản thể chế, ấy vậy mà vô số người bị bắt về chuyện này. Tiếp xúc hay thân thiện với người nước ngoài hoặc đồng cảm với các giá trị về nhân sinh quan của những nước Âu Mỹ mà cũng bị bắt thì rõ ràng là vi phạm nhân quyền.
Giáo sư Hạ Nghiệp Lương, giảng dạy môn Kinh tế ở đại học Bắc Kinh thì nói rằng phải triệt để tôn trọng nhân quyền, không được đàn áp tự do ngôn luận mới mong phát triển kinh tế một cách lành mạnh và vững chắc. Đừng tưởng các nhà đầu tư nước ngoài không quan tâm đến tình hình xã hội ở Trung quốc, họ theo dõi kỹ lắm, càng theo dõi càng thấy bất an cho việc đầu tư của mình vì ngay đến người dân mà chính quyền sở tại còn không coi ra gì nói chi đến giao kèo, hợp đồng làm ăn.
Trước sự phản đối mạnh mẽ đó, Tổng cục Báo chí & Xuất bản (một cơ quan quản lý truyền thông ở Trung quốc) đã phải lên tiếng cho hay là ‘’rất lo ngại’’ về việc ký giả Trần Vĩnh Châu bị bắt giữ. Vì sự kiện đã nổi cộm lên rồi mà ra lịnh không cho mọi người đem chuyện này ra bàn nữa cũng khó nên quyền Cộng sản Trung quốc nghĩ ra cách khác là ép ký giả Trần Vĩnh Châu phải nhận tội là đã nhận tiền và tài liệu của tập đoàn công nghiệp Zoomlion để viết bài theo ý lãnh đạo của Zoomlion. Ngày 26 tháng 10, hãng thông tấn Tân Hoa Xã đã cho đi một bản tin ngắn về chuyện thú tội của ký giả họ Trần từ trong tù và xin được khoan hồng, cùng ngày hôm đó đài truyền hình Trung ương Trung quốc (CCTV) phụ họa thêm bằng những hình ảnh do một nhóm phóng viên của đài vào tận trong tù phỏng vấn ký giả Trần Vĩnh Châu. Căn cứ vào bản tin của Tân Hoa Xã và đài truyền hình CCTV, Ban Tuyên giáo Trung ương đảng Cộng sản Trung quốc yêu cầu lãnh đạo tờ báo Tân Khoái đăng tin xin lỗi về chuyện đã nông nổi không điều tra kỹ sự việc trước khi lên tiếng yêu cầu thả ký giả Trần Vĩnh Châu.
Khi tờ Tân Khoái đăng lời xin lỗi này thì trong một bài xã thuyết của tờ Nam Phương tuần báo ở Quảng Đông viết rằng: Cách đây không lâu, trong một bài bình luận về trật tự xã hội, bổn báo đã nêu cao sự quan trọng của nền pháp trị chứ không phải Đảng trị. Việc này đã không làm vừa lòng lãnh đạo Đảng nên ban Tuyên giáo tỉnh Quảng Đông không cho phép đăng rồi đưa một bài viết có nội dung tán tụng Đảng xuống bắt Tổng biên tập tuần báo Nam Phương của chúng tôi phải đăng thay cho bài bình luận ca tụng nền pháp trị. Lần này cũng vậy thôi, tờ Tân Khoái phải đăng lời xin lỗi chứ đâu dám không tuân lịnh mấy ông lãnh đạo ở Trung ương. Làm báo ở nước theo chế độ Cộng sản là thế đấy.
Thưa quý thính giả, việc một tờ báo lề Đảng mà tố cáo công an bắt người vô cớ, yêu cầu phải trả tự do ngay lại được các tờ báo lề đảng khác lên tiếng ủng hộ là chuyện chưa từng xảy ra trong một nước Cộng sản. Mặc dù sự thật đã bị dìm đi bởi quyền lực của những người thống trị, nhưng nó nói lên đưọc một điều quan trọng đó là đội ngũ cầm bút ở Trung quốc đã bớt sợ đi rất nhiều so với trước đây. Có thể nói nhu cầu hiện nay của những người cầm bút ở Trung quốc là muốn loan tải những tin tức trung thực còn chínhh quyền thì trước sau như một, cố gắng bưng bít và khi không còn đủ sức bịt miệng báo chí nữa thì chuyện gì sẽ đến phải đến mà thôi.
Leave a Comment