Quảng Cáo

Tổ chức Phóng viên không biên giới chỉ trích bản án với Đinh Nhật Uy

Quảng Cáo

Tổ chức Phóng viên không biên giới chỉ trích bản án với Đinh Nhật Uy

Ngay sau khi phiên tòa sơ thẩm Facebooker Đinh Nhật Uy kết thúc, tổ chức Phóng viên không biên giới – RSF, đã ra thông cáo chỉ trích bản án 15 tháng tù treo và một năm thử thách này.

Tổ chức Phóng Viên lên án bản án này, đã được tuyên nhằm trừng trị Đinh Nhật Uy vì anh đã vận động trên mạng đòi trả tự do cho em trai Đinh Nguyên Kha. Mặc dù Đinh Nhật Uy được trả tự do với sự quản chế, bản án này chứng minh chính sách của chính quyền đàn áp gia đình những nhà bất đồng chính kiến trên mạng đang ngồi tù. Bên cạnh đó, sự hiện diện của 400 công an mặc thường phục trong phòng xử, được huy động nhằm tạo cảm tưởng đây là một phiên tòa công khai, những áp lực đối với các luật sư của Đinh Nhật Uy, khiến một trong các luật sư này phải rút lui, cũng như những vi phạm quyền bào chữa trong phiên tòa xử Đinh Nguyên Kha cho thấy là những phiên tòa này chỉ là một sự nhạo báng công lý, với các bản án đã được quyết định trước». 

Về phần Ủy ban Bảo vệ Nhà báo – CPJ, trụ sở tại New York, trong bản thông cáo đề ngày 29/10/2013, cũng chỉ trích bản án đối với Đinh Nhật Uy và yêu cầu chính quyền Việt Nam chấm dứt việc gia tăng xách nhiễu các blogger độc lập.

 

Mỗi người dân phải gánh hơn 800 đô la nợ công

Nếu tính nợ công của Việt Nam thì mỗi người dân Việt từ già cho đến trẻ nhỏ hiện đang phải gánh 862 đô-la nợ công, nếu năm tới lại tăng bội chi thì gánh nặng nợ nần sẽ tăng thêm. Các đại biểu Quốc Hội Cộng sản Việt Nam đang họp tại Hà Nội đã thảo luận về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2013, và được nhà nước báo cáo cho biết tình trạng hụt thu lớn, năm nay ngân sách nhà nước thu về bị cho là thiếu hụt 8% so với dự toán.

Cán bộ nhà nước đổ thừa cho nguyên nhân chính là do sản xuất kinh doanh đình đốn, nhưng vẫn ung dung cho rằng cách giải quyết là phát hành trái phiếu để lấy tiền lại. Một số những chuyên gia về kinh tế nói việc phát hành trái phiếu của các địa phương cũng cần phải được kiểm soát, vì nếu không nợ công của địa phương sẽ gộp vào cùng với nợ công của nhà nước và lại khiến nợ công quốc gia tăng thêm.
Không thấy nhà nước đưa ra bất cứ một kế hoạch giảm chi hành chánh nào mà chỉ có chi thêm, đưa tới việc phá vỡ cơ cấu ngân sách trung ương, tạo ra khoản hụt lớn trong ngân sách mà không rõ từ đâu. Một chuyên gia khác cho biết trong ngân sách năm 2012 nếu không tính vượt thu dầu thô 53,000 tỷ thì 2 năm liên tiếp không đạt kế hoạch. Theo đánh giá sơ khởi với tình hình hiện nay, năm 2014 sẽ tiếp tục rơi vào tình trạng hụt thu và bội chi, và nhà nước Cộng sản Việt Nam đã dự trù sẽ phát hành 70,000 tỷ đồng để đảo nợ.

 

Nông dân Việt điêu đứng vì phân bón giả

Bộ Nông Nghiệp & Phát Triển Nông Thôn CSVN vừa đưa ra kết luận là “Phân bón giả, “dởm,” nhái nhãn hiệu, kém phẩm chất tràn ngập, gây hỗn loạn thị trường, làm hại nông dân có sự tiếp tay của cán bộ ngành chức năng”.

Bộ Nông Nghiệp & Phát Triển Nông Thôn đã đình chỉ việc cấp giấy phép sản xuất phân bón để bắt tay vào cuộc tổng kiểm soát thị trường tiến hành vào tháng tới.

Hiệp hội Phân bón Việt Nam, viết tắt là FAV, nói rằng các cơ sở sản xuất phân bón giả còn táo bạo hơn khi “núp bóng” các hội nông dân địa phương, mở các cuộc hội thảo công khai. Họ mời nông dân đến tham dự một cuộc hội nghị “treo đầu dê, bán thịt chó”: trưng bày hàng thật nhưng giao bán hàng giả. Có người còn tung các loại phân bón chứa trong bao bì ghi địa chỉ “ma.” Có người còn tung các loại phân bón chứa trong bao bì ghi địa chỉ “ma.”

Cũng theo FAV, các tổ chức nói trên dựa hơi cán bộ ngành, nhập cảng phân bón phế liệu của Trung Quốc rồi đóng gói vào bao bì mang nhãn hiệu nổi tiếng của nhà máy Phú Mỹ, Cà Mau, Hà Bắc, Ninh Bình… để bán cho nông dân. Ông phó chủ tịch FAV xác nhận rằng, các tổ chức này kiếm lời “bộn” qua việc thực hiện hàng trăm thương vụ lừa đảo nói trên. Cuối cùng, chỉ có nông dân bị thiệt.

Điều đáng nói là chính các cán bộ kiểm định phẩm chất phân bón tráo hàng giả thành hàng thật để đối phó các cuộc kiểm tra của cấp trên. Sau khi đoàn kiểm tra ra về, mọi việc lại đâu vào đấy. Ông Trần Văn Mười, chủ tịch tổ hợp sản xuất phân bón Năm Sao quả quyết rằng, các đại lý cũng bán hàng giả, và giảm giá bán để cạnh tranh với nhau.

Tại một cuộc hội thảo hồi tháng rồi, ông Nguyễn Hạc Thúy, phó chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam đã lên tiếng báo động về tình trạng này. Ông thú nhận rằng, “hầu như cả tỉnh làm phân bón giả”, một số tỉnh từ Quảng Bình trở ra dùng bột đá đen đóng gói, dán nhãn NPK.

Ông Thúy cũng cho hay, không ai có thể khám phá được hành vi sản xuất phân bón giả vì “những người thi hành công vụ thông đồng với cơ sở sản xuất, kinh doanh che giấu mọi hoạt động phi pháp của họ để kiếm tiền bỏ túi.”

Tại một số nơi khác, các cơ sở sản xuất còn dùng bột gạch, đá, đất sét… làm phân bón giả. Hàm lượng dinh dưỡng của các loại phân bón giả chỉ còn khoảng 2.99%, thay vì lên tới 53% như tỉ lệ ghi trên bao bì. Nhiều vùng nông nghiệp ở cao nguyên, Phú Yên, Yên Bái… bị thất mùa trầm trọng vì dùng phân bón giả cho cây trồng. Tình trạng này, kéo dài từ ba năm qua, đến nay vẫn còn tiếp diễn.

 

Sáu ngành học không tìm ra việc ở Sài Gòn

Thống kê mới nhất của các tổ chức nghiên cứu thị trường lao động cho biết, ít nhất sáu ngành học hiện nay đã quá dư thừa: người đi học ra trường bị thất nghiệp dài dài.

Theo  VNExpress, ngành kế toán – kiểm toán đang dẫn đầu danh sách “việc làm bết” nhất hiện nay. Trong khi nguồn cung ứng lên tới 21.4% tổng lượng người cần việc làm trong tất cả các ngành thì nhu cầu tuyển dụng chưa tới 5%. Số người tốt nghiệp đại học ngành này trong tháng 10 nhiều gấp bốn lần so với tháng 9 qua.

Tương tự tình trạng trên, sinh viên tốt nghiệp các ngành nhân viên hành chính, văn phòng; bán hàng; công nghệ thông tin; kiến trúc – công trình xây dựng; kinh tế, quản trị kinh doanh – thương mại… cũng đều tìm không ra việc sau khi tốt nghiệp.

Ông Trần Anh Tuấn, phó Giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực Sài Gòn cho hay, tình trạng dư thừa lao động trong 6 ngành kể trên sẽ kéo dài từ nay đến cuối năm 2013.

Đối với một số ngành khác không được nêu trong danh sách “đen” vừa kể, tình trạng thất nghiệp không phải không xảy ra. Vẫn theo ông Trần Anh Tuấn, Sài Gòn hiện có hàng vạn sinh viên ra trường phải làm việc trái với ngành nghề đã được đào tạo, nhất là ngành y. Trong khi đó, không ít công ty có nhu cầu tuyển dụng nhưng tìm không ra người. Ngoài ra, các ngành được cho là dễ tìm việc làm lâu nay cũng bị rơi vào tình trạng “lệch pha cung cầu lao động.” Theo ông Tuấn, tình trạng này dễ nhận thấy ở các ngành cơ khí; điện – điện tử; công nghệ thông tin; thực phẩm…

Từ hàng chục năm qua, các Trung tâm tìm việc ở Sài Gòn đều than phiền về trình độ, năng lực của sinh viên tốt nghiệp đại học: thiếu quá nhiều kiến thức và kinh nghiệm nên không đáp ứng được đòi hỏi của nhà tuyển dụng. Trong một số ngành, như y dược chẳng hạn, các công ty hầu như chỉ tuyển kỹ thuật viên có trình độ trung cấp, nhưng ngành giáo dục vẫn cứ nhắm mắt cho ra trường hàng loạt dược sĩ, bác sĩ y khoa.

Một cuộc khảo sát mới đây của Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực Sài Gòn liệt kê khoảng 10 ngành đang “khát” lao động bao gồm : điện – điện tử; công nghệ thông tin; dệt may – giày da; công nghệ thực phẩm, kinh doanh – bán hàng; truyền thông – quảng cáo – thiết kế – đồ họa; dịch vụ du lịch, nhà hàng – khách sạn; y dược…

Tuy nhiên, theo dư luận, kết luận của cuộc khảo sát nêu trên không đúng với thực tế. Rất nhiều người cho biết đã tốt nghiệp đúng các ngành đang “hot,” nhưng cất công đi tìm việc lâu nay vẫn không “lọt vào mắt xanh” của nhà tuyển dụng.

 

 

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux