Văn Bút Canada (PEN Canada) vừa ra quyết định trao giải thưởng “One Humanity Award” cho blogger Điếu Cày, tại Ðại Hội Tác Giả Quốc Tế (IFOA) lần thứ 34 tổ chức tại Toronto, Canada, vào ngày 24 Tháng Mười tới đây.
Thông cáo cho biết, giải thưởng năm nay được trao cho Blogger Ðiếu Cày là “một sự thừa nhận sự bất đồng chính kiến đầy can đảm và tiếp tục cổ vũ cho nhân quyền tại Việt Nam của ông qua Internet, mặc dù bị chính quyền ngăn chặn.”
Theo ông Jim Creskey, chủ tịch Ủy Ban Tác Giả Bị Tù của PEN Canada, thì “Tiếng nói của blogger Ðiếu Cày làm cho chính quyền Việt Nam cảm thấy khó chịu và phải đối diện với những vấn đề mà báo chí trong nước không dám đề cập, ông là một trong hàng chục blogger bị bỏ tù chỉ vì những hành động phản kháng ôn hòa.”
Giải thưởng “One Humanity Award” có giá trị $5,000 được PEN Canada trao tặng cho người mà công việc “vượt qua biên giới các quốc gia đồng thời tạo được sự liên kết giữa các nền văn hóa.”
Giải “One Humanity Award” lần đầu tiên được trao cho nhà báo Jiang Weiping của Trung Quốc năm 2006. Sau đó, giải được trao cho các nhà hoạt động, nhà thơ, và nhà phê bình văn học của các quốc gia như Miến Ðiện, Mexico, Iran, và Trung Quốc.
PEN Canada là một tổ chức phi chính trị bao gồm các nhà văn có quan điểm bảo vệ tự do phát biểu và nhân quyền trên thế giới. PEN Canada là thành viên của tổ chức Văn Bút Quốc Tế (PEN International) bao gồm các nhà văn tại 146 thành phố ở hơn 100 quốc gia khắp thế giới.
Vào ngày hôm qua 23/10/2013, các đại biểu Quốc hội Việt Nam bắt đầu thảo luận về bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Bản dự thảo Hiến pháp này theo dự kiến sẽ được thông qua vào cuối kỳ họp lần này.
Trước sự kiện này, trong một bức thư đề ngày 22/10/2013, gởi Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, tổ chức nhân quyền của Mỹ Human Rights Watch – HRW – kêu gọi Quốc hội Việt Nam bảo đảm cho bản Hiến pháp sửa đổi đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn quốc tế về nhân quyền.
Tổ chức Human Rights Watch cho rằng các đại biểu Quốc hội Việt Nam đang « đứng trước một ngã rẽ lịch sử » và bất chấp các yêu cầu của đảng Cộng sản đang cầm quyền, họ nên sử dụng thời cơ này để mang lại « thay đổi có ý nghĩa » cho một hệ thống Hiến pháp và pháp luật mà cho tới nay vẫn cản trở một cách có hệ thống những quyền cơ bản của người dân Việt Nam.
Theo ông Brad Adams, Giám đốc Á Châu của Human Rights Watch thì : “Đây là cơ hội duy nhất trong cả một thế hệ để thay đổi Hiến pháp Việt Nam sao cho các quyền tự do cơ bản của người dân được bảo đảm, ví dụ như quyền kêu gọi dân chủ hay quyền thành lập các công đoàn độc lập và các tổ chức chính trị độc lập”. Ông Adams kêu gọi các đại biểu Quốc hội Việt Nam “không nên chỉ thực hiện những thay đổi nhỏ đối với một hệ thống pháp lý mang nặng tính đàn áp, mà cần đáp ứng các yêu cầu của công chúng và tiến hành cải tổ Hiến pháp một cách cơ bản“.
Ông Adams nhấn mạnh, trong văn bản này còn nhiều điều khoản loại trừ và những kẽ hở pháp lý khác làm suy yếu đáng kể những nội dung về các quyền cơ bản, như quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp và lập hội. Mặt khác, dự thảo sửa đổi điều 4 vốn đã gây nhiều tranh cãi, lại mở rộng quyền lãnh đạo đất nước của đảng Cộng sản Việt Nam, không chỉ là “đội tiên phong” của giai cấp công nhân, như được ghi trong Hiến pháp 1992, mà còn của cả “dân tộc Việt Nam“, khiến cho đa nguyên chính trị và bầu cử định kỳ thật sự tự do là không khả thi.
Việt Nam đứng hạng thứ 15 trên thế giới về số nô lệ
Theo kết quả khảo sát – phân tích xếp hạng của một tổ chức quốc tế có tên là Walk Free, chuyên tranh đấu cho nhân quyền, có trụ sở đặt tại Úc thì xét trên bình diện toàn cầu, Việt Nam xếp thứ 64/162, xét riêng khu vực châu Á, Việt Nam xếp thứ 9, còn xếp theo tổng số nô lệ, Việt Nam đứng thứ 15 trên thế giới.
Những số liệu vừa dẫn được Walk Free nêu trong báo cáo mang tên “Chỉ số tình trạng Nô lệ 2013”, sau cuộc khảo sát – phân tích về tình trạng này tại 162 quốc gia. Theo Walk Free, toàn thế giới hiện có khoảng 30 triệu người bị cưỡng ép lao động và bị cầm giữ, đối xử như nô lệ.
Trong báo cáo, Ấn Độ, Trung Cộng, Pakistan, Nigeria, Ethiopia là năm quốc gia có nhiều nô lệ nhất. Còn nếu tính theo tỷ lệ dân số thì Mauritania là quốc gia dẫn đầu với 4% dân số bị biến thành nô lệ. Con số nô lệ tại Việt Nam được Walk Free ước đoán nằm trong khoảng từ 240 ngàn đến 260 ngàn. Walk Free nhận định, tình trạng người Việt bị cưỡng ép lao động phổ biến cả ở bên ngoài lẫn bên trong Việt Nam. Báo cáo “Chỉ số tình trạng Nô lệ 2013” của Walk Free được nhiều nhân vật có uy tín trên thế giới ủng hộ, trong số này có bà Hillary Clinton, cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ và ông Tony Blair, cựu thủ tướng Anh.
Trước đây, chuyện lừa gạt, cưỡng ép làm việc và dùng nhiều biện pháp khác nhau để cầm giữ người lao động, cột chặt họ với giới chủ chỉ xảy ra với những người Việt đi làm thuê ở nước ngoài và những người Việt là nạn nhân của nạn buôn người. Nay, điều đó đang xảy ra trên khắp Việt Nam. Ông Florian Forster, Trưởng Văn phòng Di trú Quốc tế (IOM) tại Việt Nam, cho biết, buôn người xuyên biên giới đã được công nhận từ lâu nhưng buôn người trong nước mới chỉ được chính thức công nhận kể từ năm 2011. Bà Vũ Thị Thu Phương, một thành viên trong Dự án liên kết các tổ chức Liên Hiệp Quốc để phòng chống buôn người (UNIAP) xác nhận: Hầu hết các vụ buôn lao động trong nước không bị coi là tội phạm mà chỉ bị phạt hành chính.
Sáng ngày 21 tháng 10, cư dân thị trấn Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An đã làm đơn tố chính quyền thị trấn, ép các cư dân, bất kể già trẻ, bé lớn đều phải nộp mỗi người 120,000 đồng, tương đương 6 đôla để xây trạm y tế.
Theo lời ông Chữ Hoài Thuyên 70 tuổi, ngụ tại thị trấn Tân Kỳ thì cư dân thị trấn bị buộc đóng khoản tiền nói trên, như một “nghĩa vụ bắt buộc.” Cán bộ phụ trách xóm của ông đến từng nhà “vận động” mọi người đóng tiền, và nói rằng “nghĩa vụ” đó không loại trừ một ai. Ông cán bộ còn xác định rằng, từ những đứa trẻ sơ sinh mới lọt lòng cho đến các cụ già từ 60 tuổi trở lên đều phải đóng tiền.
Vì theo chủ tịch thị trấn Tân Kỳ thì nếu loại bỏ trẻ sơ sinh và người già thì số tiền thu được không đủ để xây trạm y tế. Trong khi đó, theo phó chủ tịch huyện Tân Kỳ, hành động trên của cán bộ thị trấn là “biến tướng của chương trình xã hội hóa.” Tuy nhiên, ông này cũng cam kết sẽ “phạt những người làm sai “quy trình xã hội hóa” của chính quyền.
Mặt khác, báo Tuổi Trẻ cho biết, người nhà một sản phụ vừa viết thư tố bệnh viện Bình Tân thu tiền đỡ đẻ mặc dù sản phụ có thẻ bảo hiểm y tế. Bà Trần Thị Diễm, 20 tuổi, cư dân quận Bình Tân, Sài Gòn cho biết, đã bị buộc phải đóng 2.2 triệu đồng, tương đương 110 đô tuy bà đã trình ra thẻ bảo hiểm y tế có đóng tiền đầy đủ.
Trả lời thư tố cáo này, bệnh viện Bình Tân giải thích rằng bác sĩ đỡ đẻ cho bà Diễm đã được mời từ bên ngoài vào, theo yêu cầu của sản phụ, nên bà phải trả tiền thù lao cho ông. Trong những trường hợp như thế, thẻ bảo hiểm của bệnh nhân coi như không có hiệu lực.
Vào ngày Thứ Ba 22/10/2013, tức là 23 năm sau khi được trao giải thưởng nhân quyền Sakharov của Liên Minh Âu Châu, bà Aung San Suu Kyi cuối cùng đã đi nhận giải thưởng này tại Quốc Hội Âu Châu ở tỉnh Strasbourg, Pháp Quốc.
Trong một nghi lễ náo nhiệt, bà Suu Kyi đã được Chủ Tịch Quốc Hội Âu Châu là ông Martin Schulz trao giải thưởng. Ông Schulz nói: “23 năm sau, chúng tôi vui mừng đón tiếp Bà tại dây và đây là một giây phút tuyệt vời”
Bà Suu Kyi đã được trao giải thưởng Nobel Hoà Bình vào năm 1991.
Bà Suu Kyi đều không được phép đi lãnh cả 2 giải thưởng Sakharov và Nobel vào thời điểm được trao giải vì bị quản chế tại gia dưới thời quân phiệt Miến Điện
Leave a Comment