Quảng Cáo

Việt Nam liên tục diễn tập chống bạo loạn, bắt dân ký cam kết không chống đảng, nhà nước

Quảng Cáo

Việt Nam liên tục diễn tập chống bạo loạn, bắt dân ký cam kết không chống đảng, nhà nước

Trong ba ngày 15/10-17/10 giới chức liên ngành tổ chức hai cuộc diễn tập quy mô lớn chống bạo loạn, khủng bố ở Nghệ An và Đăk Nông. Báo trong nước cho hay buổi Diễn tập khu vực phòng thủ năm 2013 diễn ra tại Đăk Nông ngày 15/10. Một trong những điểm chính của cuộc diễn tập lần này với Kịch bản được nói là  xử lý bạo loạn khi có diễn biến phức tạp, các phần tử quá khích, mang theo băng rôn, khẩu hiệu, mã tấu, gậy gộc, gạch đá… kéo về trung tâm tỉnh gây bạo loạn.

Trong các bức hình đăng trên truyền thông trong nước, đám đông ‘gây rối’ có mang cờ đỏ sao vàng và băng rôn đòi trả tiền đền bù đất đai thỏa đáng. Hàng trăm binh lính và cảnh sát đã được huy động để tham gia cuộc diễn tập, có sử dụng trang thiết bị, vũ khí hiện đại và chó nghiệp vụ. Quân đội đã điều cả xe thiết giáp vào để dập tắt bạo động. Để giải tán đám đông, lực lượng an ninh đã dùng các phương tiện như quả nổ và vòi rồng.

Hai ngày sau đó, một cuộc diễn tập khác cũng quy mô không kém do Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và tỉnh Nghệ An phối hợp tổ chức tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An với mục tiêu giải quyết tập trung đông người phá rối an ninh trật tự, bạo loạn ; xử lý chất độc hóa học… Cuộc diễn tập huy động cả trực thăng chở lực lượng đặc nhiệm tới hiện trường. Được biết, cuộc diễn tập chống bạo loạn hôm 17/10 có sự tham gia chỉ đạo của Trung tướng Tô Lâm, Thứ trưởng Bộ Công an CSVN.

Xin nhắc lại, vào đầu tháng 9 vừa qua đã xảy ra đụng độ giữa hàng trăm tín đồ Công giáo và công an ở Giáo xứ Mỹ Yên, huyện Nghi Lộc, Nghệ An. Giáo dân tập trung đòi thả 2 giáo dân bị bắt giam hơn hai tháng trước đó như đã cam kết thì một lực lượng hàng trăm Cảnh Sát Cơ Động, Công an đủ loại hợp với đám tay sai tấn công.

Theo lời kêu gọi của Giám mục giáo phận Vinh, tất cả hơn 500 ngàn giáo dân của giáo phận tại gần 200 giáo xứ đã liên tục dâng thánh lễ, thắp nến cầu nguyện đòi hỏi công lý. Đối lại, nhà cầm quyền sử dụng các phương tiện truyền thông vu cáo cho giáo phận và giáo dân nhiều tội và đe dọa truy tố hình sự.

Song song với chiến dịch nhà cầm quyền từ trung ương tới Nghệ An tuyên truyền, thì nhà cầm quyền tỉnh Nghệ An bắt các giáo xứ Kẻ Gai, Mỹ Dụ … thuộc Giáo phận Vinh, giáo dân ký giấy cam kết không chống đảng và nhà nước CSVN.

Các tờ giấy cam kết đó buộc giáo dân : “Mục 1: Chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, các quy định hương ước của địa phương. Mục 2: Không để người thân trong gia đình tham gia các hoạt động sau:

– Chống Đảng, chống chính quyền phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

– Phá hoại các mục tiêu, công trình kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng.

– Vi phạm các quy định của pháp luật về hoạt động tôn giáo.

– Khiếu kiện đông người và khiếu kiện vượt cấp trái quy định.”

Những điều này cho thấy nhà cầm quyền CSVN từ trung ương tới các địa phương cảm thấy chế độ độc tài đảng trị và tham những cùng cực của họ đang có những dấu hiệu bị thách đố mạnh mẽ. Nếu không chuẩn bị đối phó, có thể dẫn tới sụp đổ như các chế độ cộng sản độc tài khác ở Đông Âu và quan thầy Nga Sô viết.

 

Dân miền Nam điêu đứng vì ‘triều cường’

Dù không có bão như ở miền Trung, Sài Gòn và một số nơi khác ở miền Nam cũng điêu đứng với “triều cường” và xả lũ bừa bãi.

Thành phố Sài Gòn ngày 20/10/2013 có thủy triều lên quá nhanh đã khiến rất nhiều gia đình không kịp trở tay. Khắp nơi đường biến thành sông, nhiều nhà cửa ngập chìm trong nước, tài sản bị ướt, trôi mất. Các sinh hoạt gia đình như ăn uống, học hành rất bất tiện, đồ đạc bị hư hỏng….Các quán ăn, quán giải hai khát bên đường (số 23 khu vực Hiệp Bình Chánh) ế ẩm, khách đến ăn phải lội bì bõm”.

Nhiều khu vực thuộc các quận Thủ Đức, quận 7, quận 8, quận 11, quận 2 ngập sâu trong nước, người đi chuyển qua lại lội bì bõm và “nước từ các miệng cống ùn ùn trào lên bốc mùi hôi thối”.

Báo Tuổi Trẻ đưa ra hình ảnh cho thấy phụ huynh các em học sinh tiểu học đã phải cõng con đi học cũng như về học trong nước lụt. Trường học hoạt động trong cảnh “học chung với nước ngập, bùn lầy”.

Trong khi đó, tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Cần Thơ và Long Xuyên là hai thành phố có nhiều khu vực bị ngập lụt do mức nước sông Hậu dâng cao bên trên mức báo động. Nhiều đoạn quốc lộ 91, con đường huyết mạch nối các tỉnh của khu vực bị ngập, gây trở ngại giao thông.

Tại tỉnh Bình Dương, trong lúc đang ngủ, khoảng 600 gia đình đã phải bỏ nhà chạy khẩn cấp lấy người khoảng một giờ đêm 19 sang ngày 20/10 ở khu vực cầu Quan, thị trấn Mỹ Phước, có chỗ nước lên nhanh, dâng cao tới 2 hoặc 3 mét nên người ta “chỉ kịp gom những tài sản quý giá và giấy tờ tùy thân rồi chạy tới các vị trí cao” để giữ lấy mạng.

UBND tỉnh Bình Dương cho biết nguyên nhân chính do mưa quá lớn. Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn, trận mưa lớn lịch sử tại các khu vực huyện Dầu Tiếng, Bến Cát (Bình Dương) và một số vùng của tỉnh Bình Phước đổ dồn nước về khu vực huyện Bến Cát, cộng với triều cường chưa kịp rút hết gây nên tình trạng ngập lụt nặng”.

Tuy nhiên, theo tờ Thanh Niên thì khu vực nói trên bị ngập “do hồ Từ Vân xả lũ bất thường”.

 

Tù nhân lương tâm Đoàn Huy Chương và Sơn Nguyễn Thanh Điền tuyệt thực

Tin từ gia đình cho biết hai tù nhân lương tâm Đoàn Huy Chương và Sơn Nguyễn Thanh Điền đã tuyệt thực 3 ngày nay để phản đối chính sách giam giữ khắc nghiệt của trại giam Xuân Lộc tại tỉnh Đồng Nai. Sơn Nguyễn Thanh Điền bị bắt năm 2000 và đang thọ án 17 năm. Đoàn Huy Chương bị bắt năm 2010 thọ án 7 năm. Cả hai người đang bị giam tại phân trại số 2, trại giam Xuân Lộc nơi giam giữ hàng trăm tù nhân chính trị. Vừa qua trại giam Xuân Lộc đã chuyển 5 tù nhân chính trị đi trại giam Xuyên Mộc tại Bà Rịa Vũng Tàu, vì cho rằng 5 tù nhân chính trị có liên quan đến vụ nổi loạn tại phân trại số 1, trại giam Xuân Lộc vào sáng ngày 30 tháng 6. 5 tù nhân chính trị là Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Phan Ngọc Tuấn, Huỳnh Anh Trí và Nguyễn Ngọc Cường.

Đầu tháng 10, hai nữ tù nhân chính trị đang trong mang trọng bệnh là Mai Thị Dung và Đỗ Thị Minh Hạnh đã bị chuyển đi bằng xe tù trên quãng đường dài gần 2000 cây số đến trại giam Thanh Xuân Hà Nội, tay chân bị còng, bà Dung đã tuyệt thực. Chuyến đi dài đã làm hai nữ tù nhân kiệt sức và ngất xỉu nhiều lần. Việc giam giữ khắc nghiệt, giam xa gia đình là biện pháp vô nhân đạo mà trong Tuyên ngôn quốc tế Nhân quyền, công ước quốc tế đã cấm áp dụng. Việt Nam đã tham gia hai công ước này và chuẩn bị ký công ước chống tra tấn tù nhân vào cuối năm 2013.

 

Công an Hà Nội bắt dân khai báo dữ kiện cá nhân, trái với luật Dân Sự

Nhân danh nhà cầm quyền thành phố Hà Nội, Công an của thành phố này đã phát cho mỗi gia đình một tờ khai, trong đó yêu cầu chủ gia đình phải cung cấp nhiều dữ liệu cá nhân như số điện thoại riêng, địa chỉ email, địa chỉ nơi làm việc, số điện thoại nơi làm việc, địa chỉ email nơi làm việc. Các quan hệ cá nhân : có bao nhiêu anh, chị, em ruột, đã làm những gì, ở những đâu từ 14 tuổi tới nay…

Theo Công an thành phố Hà Nội giải thích, việc phát tờ khai và buộc cung cấp các thông tin hoàn toàn riêng tư như vừa kể, nằm trong tiến trình thu thập dữ liệu về dân cư để chuẩn bị cấp mã số định danh cá nhân, giảm các thủ tục hành chính… Tuy nhiên dân chúng và báo giới đã phản ứng dữ dội, bởi họ cho rằng, cách làm này xâm phạm đời tư của họ, cũng như Bộ Tư pháp vừa đề nghị Bộ Công an CSVN cùng xem xét chuyện Công an thành phố Hà Nội buộc dân chúng khai báo những thông tin cá nhân mà ngành này không có quyền thu thập.

Được biết, nhà cầm quyền CSVN từng ban hành một nghị định về xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia, nghị định này quen được gọi tắt là Nghị định 90 và Công an được giao trách nhiệm thu thập thông tin để xây dựng cơ sở dữ liệu đó. Nhưng ông Nguyễn Văn Hậu, luật sư, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Sài Gòn, vẫn cả quyết, những thông tin mà Công an thành phố Hà Nội muốn thu thập đã vượt giới hạn cho phép của Nghị định 90. Nghị định 90 chỉ yêu cầu cung cấp 22 loại dữ kiện, còn tờ khai mà Công an thành phố Hà Nội phát ra đòi dân chúng phải khai báo 32 loại dữ kiện. Ông Hậu nói thêm rằng, yêu cầu cung cấp thông tin của Công an thành phố Hà Nội còn trái với Luật Dân sự về việc bảo vệ thông tin cá nhân. Do đó, dân chúng có quyền không cung cấp một số thông tin mà Công an thành phố Hà Nội yêu cầu.

 

 

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux