Hôm 7-10-2013, dân chúng huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình đã tự quyết bắt trói hàng loạt công an cán bộ đến giải vây cho những chiếc xe máy xúc của bọn người từ nơi khác đến khai thác đào vàng trái phép làm ô nhiễm môi trường bị dân chận bắt.
Theo tin tức thì có 6 công an và cán bộ đã bị dân bắt trói trong vụ này. Trong 6 người bị bắt trói gồm 3 cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường thuộc công an tỉnh Hòa Bình, 2 cán bộ công an Huyện Kim Bôi và một cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện. Trước đó một ngày, liên quan vụ này, một trưởng thôn cũng bị bắt trói nhưng đã tự cởi trói ra về.
Theo công an tỉnh Hòa Bình, vào ngày 8/10, công an tỉnh nhận được tin báo của người dân ở xã Kim Bôi, huyện Kim Bôi, rằng trên địa bàn xóm Bôi Câu, xã Kim Bôi có một số người từ nơi khác đến, đem theo máy móc đào đãi vàng trái phép trong khu vực suối thuộc xóm Bôi Câu, làm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của nhân dân tại địa phương. Nhân dân trong xóm đã nhiều lần đề nghị các cấp chính quyền tại địa phương nhưng không được giải quyết”. Ngày 07/10, người dân xã Kim Bôi đã vây bắt, ngăn chặn số đối tượng đang đào đãi vàng trái phép. Bắt trói trưởng xóm Bôi Câu, nhưng sau đó ông này đã trốn được về nhà, các đối tượng đào đãi vàng cũng đã chạy trốn, bỏ lại tại chỗ bãi đào đãi vàng 2 sàng, 3 máy xúc, 1 ô tô tải và quần chúng đã thu giữ.
Theo người dân kể lại, khoảng 17h, khi người dân đang tập trung vây bắt máy xúc, có 5 người mặc quần áo công an, đi chiếc xe ôtô mang biển cá nhân tới, sau đó tự giới thiệu là “công an trên huyện về để giải quyết vụ hỗn loạn và đề nghị bà con giải tán cho máy xúc đi ra khỏi nơi đây”. Tuy nhiên, khi bà con yêu cầu xuất trình thẻ công an ra mới chịu hợp tác, 5 người này bảo không có. Dân chúng “nghi ngờ họ đến để giải vây cho mấy chiếc máy xúc…, rồi mọi người gõ kẻng, bắt và trói tay 5 người kia lại, sau đó đưa vào trong Nhà văn hóa…”
Đến khoảng 21h30, Trưởng Công an huyện Kim Bôi đã đến ký giấy để bảo lãnh cho 5 công an bị bắt. Theo giấy cam kết bảo lãnh có ấn ký, “cam kết sẽ mở cuộc họp nhân dân thôn Bôi Câu trước cửa Nhà văn hóa, nhằm giải quyết vụ việc đãi vàng trái phép đang diễn ra tại đây”.
Sau đó, Chủ tịch UBND huyện Kim Bôi Bùi Văn Dùm cũng đã “xin lỗi nhân dân thôn Bôi Câu về những việc đã xảy ra, đồng thời yêu cầu Chủ tịch xã Kim Bôi, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn và Phó thôn Bôi Câu nhận trách nhiệm, trực tiếp xin lỗi nhân dân”. Tuy nhiên, người dân cũng lo sợ là tình trạng bắt nguội trả thù sẽ xảy ra trong những ngày tới.
Vụ một phụ nữ chết hôm 7-10 vừa qua trong trại tạm giam huyện Tuy An, Phú Yên, mà công an cho là “treo cổ tự tử” đang được dư luận theo dõi bàn thảo, vì có nhiều uẩn khúc khi công an lừa gia đình vội vàng mang thi thể nạn nhân đem chôn trong khi người nhà đang có đơn xin nhận xác.
Nạn nhân là chị Trần Thị Hải Yến, bị Công an huyện Tuy An bắt tạm giam từ ngày 15-1-2013 do “liên quan đến một vụ mâu thuẫn gây thương tích”. Sau đó, tòa án huyện Tuy An xử phạt chị 30 tháng tù về tội “cố ý gây thương tích”. Cho rằng mình bị oan, chị Yến đã kháng án. Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 1-7 vừa qua, tòa án tỉnh Phú Yên tuyên hủy án sơ thẩm và giao VKSND huyện Tuy An điều tra lại. Trong quá trình tiếp tục bị tạm giam tại Trại tạm giam công an huyện Tuy An, ngày 7-10, chị Yến tử vong. Theo thông báo của công an huyện Tuy An, chị Yến chết do”treo cổ tự tử trong buồng giam”.
Nhưng theo ông Phan Trường Sơn, người nhà đại diện cho gia đình chứng kiến khám nghiệm tử thi nạn nhân, trên người chị Yến có nhiều vết thương tích, như trước trán, 2 bên má, môi và đỉnh đầu phải, ngón chân có nhiều nơi bị xước, sưng bầm. Ông Sơn cho biết, với những vết thương này gia đình không tin chị Yến đã thắt cổ tự tử. Chính luật sư Ngô Minh Tùng, người biện hộ cho chị Yến cũng không tin sự việc xảy ra vì trong quá trình tiếp xúc, chị Yến là một người khá bản lĩnh.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Liễu, mẹ chị Yến, nói với báo chí, một trong những điều gia đình bức xúc là không được đưa thi thể chị Yến về quê chôn cất. Bà Liễu kể lại cho biết chiều 8-10, sau khi khám nghiệm tử thi, vợ chồng bà đã làm đơn xin nhận thi thể con gửi cho ông Trần Việt Cường, Phó Trưởng Công an huyện Tuy An. Khoảng gần 16 giờ, họ bảo bây giờ đưa thi thể con bà về quê. Vợ chồng bà vội về trước để chuẩn bị chôn cất, chỉ còn chị kế của Yến là Trần Thị Diệu Hiền ở lại bệnh viện trông chừng để đưa xác nạn nhân về cùng. Nhưng khi vợ chồng bà Liễu về gần đến nhà vào khoảng 16 giờ 30 phút thì chị Hiền hốt hoảng gọi điện thoại cho biết công an không đưa thi thể con bà về quê mà lại đưa lên nghĩa trang Thọ Vức, TP Tuy Hòa. Hiền la khóc không chịu nhưng bị họ khống chế và cho xe cứ chạy đến nghĩa trang.
Khi được tin, gia đình bà Liễu vội quay xe lại để lên nghĩa trang Thọ Vức. Nhưng khi đến nơi thì thấy chị Yến đã được chôn, còn chị Hiền thì gào khóc trên mộ em. Bà hoài nghi nói trong bức xúc: Sao họ vội vã đem con tôi đến nơi xa xôi để chôn cất. Họ có ý gì đây?” . Gia đình nạn nhân đang xúc tiến khiếu nại.
Theo luật sư Ngô Minh Tùng, ngoài việc khiếu nại chuyện Yến tử vong, gia đình chị cũng yêu cầu phía công an trả lời cụ thể việc không cho đưa thi thể Yến về quê an táng theo yêu cầu của gia đình.
Một cơn mưa lớn trút nước tầm tã xuống Sài Gòn từ sáng sớm ngày 9 tháng 10 đã biến nhiều vùng, nhiều con phố thành sông. Hầu hết các con đường ở quận 6, quận 11, quận Tân Phú, quận Tân Bình… bị nhấn chìm trong biển nước suốt từ sáng cho đến chiều ngày 9 tháng 10. Các con đường lớn như Hòa Bình, quận 11; Ðặng Nguyên Cẩn, Tân Hòa Ðông, An Dương Vương thuộc quận 6; Khuông Việt, quận Tân Phú; Âu Cơ, Bàu Cát, Ðồng Ðen thuộc quận Tân Bình… đều bị ngập ở mực nước sâu trên nửa thước. Có nơi trũng, mực nước ngập gần một thước.
Nhiều nhân chứng nói rằng, có đến hàng ngàn chiếc xe gắn máy, xe hơi bị chết máy. Nhiều màn bi hài diễn ra trước cổng trường tiểu học Hòa Bình, tọa lạc tại đường Hòa Bình, quận 11, vì nước ngập đến nửa thước. Từ 7 giờ sáng cùng ngày, hàng trăm phụ huynh buộc phải lội nước, cõng con trên vai, trên lưng… vào lớp học. Ðến tận nơi rồi, các em phải trèo qua bàn ghế xếp dài ở hành lang để vào bên trong, vì nước ngập lênh láng khắp nơi.
Ông Nguyễn Văn Phong, ngụ tại đường Hòa Bình tố cáo một công ty chống ngập kênh Tân Hóa đã lắp cống hộp làm bít dòng chảy của con kênh. Vì vậy, theo ông, con đường Hòa Bình dài khoảng một cây số luôn luôn ngập nặng sau mỗi cơn mưa.
Leave a Comment