Cách đây hơn 4 năm, ông Hạ Tuấn Phong, một người buôn thúng bán bưng trên đường phố bị nhân viên quản lý thị xã Thẩm Dương cấm bán vì bảo rằng không có giấy phép, mỗi lần nhân viên quản lý xuất hiện là ông Phong phải quẳng gánh tháo chạy, nhiều lúc chạy không kịp thì bị mất sạch hàng hóa đựng trong thúng. Chuyện bán hàng rong ở đường phố, vĩa hè ở Thẩm Dương nói riêng và Trung quốc nói chung làm gì có giấy phép, ông Phong bị cấm bán là vì không đóng hụi chết cho nhân viên tòa hành chánh đặc trách việc quản lý đường phố. Thật ra ông Phong cũng muốn nạp tiền hối lộ, nhưng nghèo quá, bán cả ngày không đủ nuôi sống gia đình thì lấy tiền đâu ra mà nạp. Ngày 16/05/2009, ông Phong chạy không kịp nên bị nhân viên quản lý tịch thu hàng hóa, đánh đập ngay trên đường và sau đó bắt về phòng Quản lý đường phố nằm trong tòa hành chánh thành phố Thẩm Dương. Tại đây, ông Phong tiếp tục bị bạo hành, vì là người bán trái cây nên ông Phong có sẵn con dao lận trong người và đã rút ra chém hai nhân viên quản lý khiến 1 chết và một bị thương. Ông Phong bị bắt và đem ra tòa xử. 25 luật sư đã tình nguyện cãi miễn phí vì cho rằng hành động của ông Phong hoàn toàn có tính cách tự vệ chứ không phải cố ý giết người. Các luật sư cũng hỏi các công tố viên buộc tội là bán hàng rong ở vĩa hè, đường phố thì xin giấy phép ở đâu ?, tại sao ông Phong bị cấm bán trong khi nhiều người khác như ông Phong vẫn bán mà không bị tịch thu hàng hóa hay đánh đập. Lẽ đương nhiên phía buộc tội không trả lời được, nhưng tòa vẫn tuyên án tử hình ông Hạ Tuấn Phong. Luật sư kháng cáo, tòa phúc thẩm đem ra xử nhưng vẫn y án,đã kháng cáo lên tòa tối cao nhưng chưa xử.
Thế mà vào ngày 25 tháng 9 vừa qua, chính quyền thành phố Thẩm Dương thuộc tỉnh Liêu Ninh cho hay là đã xử bắn ông Hạ Tuấn Phong, một người buôn thúng bán bưng ở vĩa hè, về tội sát hại hai nhân viên quản lý trật tự đường phố. Khi nghe tin này, người dân thị xã Thẩm Dương đã kéo đến tòa hành chánh thị xã để phản đối và tung hình biểu tình lên mạng cho mọi người biết. Chỉ trong vòng 12 tiếng đồng hồ là cư dân mạng ở khắp Hoa lục đã tổ chức một cuộc biểu tình trên Internet. Lúc đầu người ta tưởng cuộc biểu tình trên mạng chỉ kéo dài tối đa 2 ngày, nhưng đã 1 tuần trôi qua mà vẫn chưa chấm dứt, ngược lại ngày càng lan rộng khắp nước khiến chính quyền Bắc Kinh lo sợ và đang tìm cách đối phó. Theo các quan sát viên tình hình chính trị Trung quốc thì sở dĩ cuộc biểu tình trên mạng lần này kéo dài vì có rất nhiều sinh viên, trí thức kể cả nhũng học giả nổi tiếng ở Hoa lục tham gia. Ông Trương Ô, một nhà văn nổi tiếng và cũng là giáo sư trường đại học Nhân dân Trung quốc, đã viết trên nhật ký điện tử (twitter) của mình như sau: Đây là một chuyện quá đau buồn và tuyệt vọng không thể nào nói nên lời.
Ông Lý Thừa Bang, một bình luận gia thể thao, thì viết rằng việc đem xử tử hình ông Hạ Tuấn Phong được xem như nhát dao chặt đứt mối liên hệ với người dân.
Trên trang mạng của Hiệp hội Luật sư tỉnh Liêu Ninh người ta cũng thấy có những dòng chữ như sau: Biện lý buộc tội cũng như quan tòa đều là người của Đảng thì chẳng bao giờ có một phiên xử công bằng theo luật pháp.
25 luật sư bào chữa cho ông Phong cũng đã ký vào một bản lên tiếng chung phản đối chuyện đem phạm nhân ra xử bắn vì cho rằng tòa án tối cao chưa bác đơn kháng cáo.
Đứng đầu dịch vụ Blog ở Hoa lục là Tân Lãng Vi Bác hay còn gọi là Sina Weibo đầy ắp những phát biểu cho rằng hành động của ông Hạ Tuấn Phong hoàn toàn có tính cách tự vệ chứ không cố ý giết người, ông ta bị kết án tử hình chỉ vì là người dân thấp cổ bé miệng, trong khi vợ của ông Bạc Hy Lai, cựu Ủy viên bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung quốc cố ý giết hại một thương gia người Anh bằng độc dược thì được miễn đem ra xử bắn. Tại sao mọi người không được bình đẳng trước pháp luật.
Phản ứng đầu tiên của chính quyền Cộng sản Trung quốc là ra lịnh cho công ty dịch vụ Internet Sina Weibo phải xóa tất cả những gì liên quan đế vụ xử bắn ông Phong, ra thông đạt cho tất cả báo đài không được tự ý đăng tin hay bình luận gì cả về vụ này, nếu muốn thì chỉ cần trích đăng nguyên bản từ hãng Tân Hoa Xã là đủ.
Chuyện ông Hạ Tuấn Phong này là chuyện ở chế độ Cộng sản Trung quốc, còn ở Việt Nam thì có chuyện ông Đặng Ngọc Viết dùng súng tự chế vào trụ sở Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình bắn vào 5 cán bộ thuộc Ban giải phóng mặt bằng, phòng quản lý đất đai và sau đó tự kết liễu đời mình chứ không để cho công an bắt đem ra tòa xử vì biết rằng tòa chỉ là công cụ của Đảng mà thôi, xử cũng như không. Cả hai vụ này đều có chung một nguyên là bị cán bộ, quan chức nhà nước trấn lột hết tài sản, dồn đến đường cùng nên phải phản ứng như nhau. Dân Hoa lục đang tức giận về chuyện này, không lẽ người Việt Nam chúng ta tiếp tục khoanh tay làm ngơ cho bọn quan chức, cán bộ thối nát cướp ngày như vậy mãi sao.
Sự cách biệt giàu nghèo quá xa là thuộc tính tất yếu tại các nước có nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa như ở Trung quốc hay Việt Nam vì mọi quyền lợi kinh tế đều tập trung trong tay gia đình những người có quyền lực mà người ta gọi là tư bản đỏ, chỉ có một số ít người may mắn phất lên được nhờ vào khả năng của mình. Tùy theo sự cách biệt giàu nghèo trong một quốc gia, người ta có thể đo lường được mức độ bất mãn của người dân đối với chế độ của nước đó. Theo sự điều tra của khoa Xã hội thuộc trường đại học Bắc Kinh thì vào năm 2010, khoảng cách giàu nghèo của người dân Trung quốc là 129 lần thế mà đến năm 2012 khoảng cách này tăng lên thành 234 lần, nghĩa là tài sản của người giàu ngày càng tăng. Với kết quả điều tra này, đại học Bắc Kinh đã lưu ý chính phủ Trung quốc cần có những chính sách giúp đỡ người nghèo chứ không thì rất dễ xảy ra bạo động mà khởi đầu là sự bất mãn của giới lao động.
Trong khoa Kinh tế, người ta sử dụng hệ số Gini để biểu thị chỉ số khoảng cách thu nhập của người dân trong một nước. Theo điều tra của đại học Bắc Kinh thì hệ số Gini của Trung quốc vào năm 2012 là 0,49, trong khi cục Thống kê Trung ương của chính quyền Trung quốc đưa ra là 0,474, còn con số của Ngân hàng Quốc gia công bố vào cuối tháng 12 năm ngoái là 0,61. Thưa quý thính giả hệ số Gini càng lớn thì khoảng cách giàu nghèo càng tăng, đó là cách dùng từ của các kinh tế gia, còn những nhà hoạt động xã hội thì nói thẳng ra rằng đây là biểu hiện của sự mất ổn định trật tự xã hội.
Tại sao đại học Bắc Kinh, cục Thống kê Trung ương và Ngân hàng Quốc gia, những cơ quan của nhà nưóc Cộng sản Trung quốc lại đề cập đến hệ số Gini, có hại cho chế độ. Câu trả lời là vào cuối năm 2010 và 2011, nhiều kinh tế gia Trung quốc đã điều tra về hệ số Gini của Trung quốc rồi đưa lên mặt báo hay thẩy lên mạng Internet trong các bài phân tích kinh tế có tính cách chuyên môn, nhưng đã khôn khéo không nói rõ hệ số Gini là gì để qua mặt cục Kiểm duyệt Trung ương. Các kinh tế gia này chỉ muốn cho người đọc quen với danh từ Gini trước, ai muốn biết Gini là gì thì tự tra cứu lấy. Đến khi các quan kiểm duyệt phát giác ra ý nghĩa của hệ số Gini thì chuyện đã rồi, bây giờ có muốn dấu cũng không được nên đành nhắm mắt làm ngơ và khi cục Thống kê Trung ương công bố thì đưa ra con số thấp nhất và kèm theo hệ số Gini của Nhật Bản lẫn Hàn quốc vào năm 2008 là 0,38 và 0,42, nghĩa là thấp hơn Trung quốc hiện tại một chút thế mà Nhật Bản cũng như Hàn quốc đâu hề hấn gì để trấn an người dân.
Thưa quý thính giả những con số Gini mà cục Thống kê Trung ương Trung quốc đưa ra đã không đúng sự thật nên Tokyo và Seoul đã trưng ra hệ số Gini của họ vào năm 2008 là 0,329 và 0,332 để bác bỏ. Một điểm quan trọng khác nữa là cứ mỗi 0,01 của hệ số Gini cũng đủ làm nhức nhối xã hội thế mà Trung quốc tự ý nâng cao con số Gini của Nhật Bản và Hàn quốc một cách vô tội vạ thì hết biết.
Tháng 3 năm nay, khi rời khỏi chức vụ Thủ tướng vì đến tuổi về hưu, ông Ôn Gia Bảo đã phát biểu rằng một điều tôi rất ân hận là trong suốt thời gian nắm giữ chức vụ này đã không thực hiện được việc rút ngắn khoảng cách giàu nghèo như đã hứa. Lời lẽ của ông Bảo chẳng còn ai tin vì không thể nào san bằng khoảng cách giàu nghèo khi mà tài sản của gia đình ông ta làkhoảng 2,7 tỷ mỹ kim và lẽ đương nhiên gia tài của các nhà lãnh đạo Trung quốc khác đâu thua gì ông Bảo.
Leave a Comment