Việt Nam bị xếp vào danh sách đàn áp tự do Internet nhất thế giới

- Quảng Cáo -

fredo!omViệt Nam bị xếp vào danh sách đàn áp tự do Internet nhất thế giới

Theo khảo sát về Tự do Internet 2013 do tổ chức Freedom House có trụ sở tại Hoa Kỳ vừa công bố hôm 4/10, thì Việt Nam là một trong hai quốc gia đàn áp quyền tự do internet nhất ở Châu Á và đứng thứ 7 trong danh sách 10 nước không có tự do internet, tệ hại nhất thế giới.

Ở khu vực Châu Á, Việt Nam chỉ đứng sau Trung Cộng về tình trạng kiểm duyệt internet, trấn áp, và bắt bớ các cư dân mạng. Theo phúc trình của Freedom House thì ngoài việc mở rộng kiểm duyệt net, Hà Nội còn áp dụng nhiều biện pháp để quản lý và định hướng dư luận quần chúng trên mạng.

Trong năm năm qua, theo kết quả khảo cứu, Việt Nam không ngừng bắt bớ, thẩm vấn, bỏ tù, tấn công những người viết blog hay các ký giả trên mạng, và xu hướng đàn áp mạnh tay này càng ngày càng leo thang. Bà Madeline Earp, chuyên gia phân tích nghiên cứu về tự do internet khu vực Châu Á thuộc Freedom House, phát biểu rằng tình hình tự do internet tại Việt Nam hiện nay hết sức đáng quan ngại.

- Quảng Cáo -

Thứ nhất, số blogger bị bắt bớ gia tăng hằng năm. Thứ hai, Nghị định 72 về Quản lý internet vừa ban hành chứng tỏ nhà nước không ngừng tìm mọi cách tiếp tục siết chặt kiểm soát internet. Thứ ba, nhà nước Việt Nam cũng thừa nhận có thuê mướn một lực lượng hùng hậu các dư luận viên trên mạng trong nỗ lực thao túng và định hướng các nội dung trao đổi thông tin trên mạng.

Việt Nam không chỉ đứng hạng nhì trong số các nước Châu Á đàn áp internet mạnh nhất theo xếp hạng của Freedom House, mà còn đứng thứ hai trong số các nước bỏ tù nhiều blogger nhất trên danh sách xếp hạng do các tổ chức bảo vệ nhân quyền khác thực hiện. Chỉ đứng sau quốc gia có dân số khổng lồ như Trung Cộng trong các lĩnh vực này thì quả thật tình trạng tự do internet của Việt Nam rất đáng quan tâm. Bà Earp cho hay điều gây chú ý nhất đối với các nhà phân tích khi thực hiện cuộc khảo sát này là con số những người dùng net tại Việt Nam bị chính quyền sách nhiễu hay giam cầm.

Khảo sát về Tự do Internet của Freedom House được thực hiện ở 60 quốc gia trên thế giới. Các phạm vi được đánh giá bao gồm những rào cản ngăn trở người dùng net, các hình thức giới hạn nội dung truy cập như kiểm duyệt, khóa chặn, và các hình thức vi phạm quyền của người sử dụng mạng bao gồm xâm phạm quyền riêng tư cá nhân, theo dõi, tấn công, sách nhiễu hoặc bắt bớ. Trong tất cả các lĩnh vực này, Việt Nam đều có số điểm rất thấp. So với kết quả khảo sát tương tự của Freedom House năm trước, thứ hạng của Việt Nam trong bảng Tự do Internet 2013 đã bị tuột dốc. Freedom House lo rằng trong thời gian tới, xu hướng đàn áp internet tại Việt Nam sẽ còn tệ hơn khi mà Nghị định 72 chính thức được thực thi, công an Việt Nam càng được tạo điều kiện để kèm kẹp quyền tự do internet của công dân và bắt bớ thêm những công dân mạng thể hiện quan điểm trái với nhà nước hay chỉ trích chế độ. Freedom House kêu gọi quốc tế hỗ trợ người sử dụng net tại Việt Nam, tăng áp lực thúc đẩy Hà Nội tôn trọng các nhân quyền căn bản của người dân bao gồm quyền tự do ngôn luận và tự do internet.

 

vonguyengiapTướng Võ Nguyên Giáp lìa đời với nhiều lo âu

Tướng Võ Nguyên Giáp vừa qua đời tại Hà Nội ngày 4/10/2013. Hưởng thọ 103 tuổi.

Theo một số nguồn tin thân cận thì ông đã chết não bộ từ lâu nhưng giới lãnh đạo đảng CSVN yêu cầu giữ ông trong trạng thái sống thực vật cho đến nay, khi cơ thể đã hoàn toàn ngưng hoạt động.

Trong những năm còn tỉnh táo vào cuối đời, Tướng Võ Nguyên Giáp đã bày tỏ nhiều khắc khoải, lo âu về nạn nhượng dần lãnh thổ, lãnh hải cho Trung Quốc. Ông đặc biệt cảnh báo bằng văn bản về hiểm họa trao “mái nhà Đông Dương” cho Trung Quốc qua việc cho phép lập các khu “công nhân Trung Quốc” tại Tây Nguyên dưới danh nghĩa khai thác Bô-xít. Vì vậy, trong những năm gần đây, Tướng Võ Nguyên Giáp là nhân vật mà cả Bắc Kinh và Hà Nội đều quan tâm canh chừng, đặc biệt vì ảnh hưởng của ông đối với những người biểu tình phản đối Trung Quốc xâm lược và đối với nhiều cấp tướng, tá trong quân đội Việt Nam.

Tưởng cần nhắc lại, suốt từ những năm Tổng Bí Thư Lê Duẫn cô lập và đoạt quyền từ tay ông Hồ Chí Minh đến nay, các thế hệ lãnh đạo đảng CSVN đều lo ngại về hào quang của vị tướng này. Họ sợ các so sánh của người dân, của tập thể đảng viên, và nhất là của hàng ngũ quân đội. Do đó, Tướng Võ Nguyên Giáp bị đẩy dần ra khỏi các vị trí có thực quyền, và trong nhiều năm ông còn bị làm nhục công khai như phải lãnh nhận vai trò Chủ tịch Ủy ban Dân số – Kế hoạch hóa gia đình. Tuy nhiên, cùng lúc với các đối xử tệ bạc đó, các thế hệ lãnh đạo đảng CSVN đều tận dụng tên tuổi của ông cho nhu cầu của họ, đặc biệt trong lãnh vực ngoại giao.

Trong vài ngày trước mặt, chắc chắn các lãnh tụ tại Hà Nội và hệ thống báo đài của họ sẽ ca ngợi Tướng Giáp như một người suốt đời vì đảng. Cùng lúc, một số dân mạng đang kêu gọi nhau đến viếng ông để nói lên ước nguyện của ông về bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ Việt Nam.

 

hienphapvnTiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ góp ý sửa Hiến pháp, từ nhà tù

Theo tin từ gia đình thì tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ từ trại giam số 5 Bộ Công an đã gửi bài góp ý Sửa đổi Hiến pháp 1992 tới Quốc Hội Việt Nam và Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp qua đường bưu điện. Bản góp ý này là nhằm hưởng ứng phong trào “Lấy ý kiến cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992” của Trại giam số 5 Bộ Công an – Yên Định – Thanh Hóa.

Bài góp ý của tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ gồm 20 trang, có nội dung trước hết là đòi bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội, thực hiện chế độ đa đảng, tam quyền phân lập. Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ cũng đòi bỏ Chủ nghĩa xã hội, lấy “Việt Nam” làm Quốc hiệu, thiết lập chức vụ Tổng thống. Theo ông Cù Huy Hà Vũ, quyền lập hiến phải thuộc về toàn dân, tức là phải thực hiện trưng cầu ý dân về Hiến pháp, Hiến pháp sửa đổi. Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ còn đòi bỏ câu “ Lực lượng vũ trang phải trung thành với Đảng cộng sản Việt Nam, bảo vệ Đảng, chế độ Xã hội chủ nghĩa”. Ông cũng đòi bỏ khoản 2 điều 16 ( mới ) : “Không được lợi dụng quyền con người, quyền công dân để xâm phạm lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác”.

Bị bắt ngày vào 5 tháng 11 tại thành phố Hồ Chí Minh, tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ hiện đang thi hành án tù 7 năm với tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước”.

 

lqquanDư luận quốc tế tiếp tục chỉ trích bản án đối với Luật sư Lê Quốc Quân

Ngay sau khi Tòa sơ thẩm tại Hà Nội  tuyên án luật sư Lê Quốc Quân 30 tháng tù và phạt1,2 tỷ đồng vì tội “trốn thuế”,  Tổ chức Phóng viên không biên giới  (RSF)  đã ra thông cáo đánh giá : «Bản án này, rõ ràng mang động cơ chính trị, nhằm bịt miệng và trừng trị một tiếng nói đối lập (… ) Luật sư Lê Quốc Quân là nạn nhân của một nền tư pháp theo lệnh của một đảng độc đoán và phải được trả tự do».

RSF cho rằng bản án tù đối với luật sư và nhà hoạt động nhân quyền Lê Quốc Quân là « không thể chấp nhận được». Phóng viên không biên giới cho biết là trước tòa hôm 2/10, luật sư Lê Quốc Quân đã khẳng định ông vô tội và tuyên bố sẽ tiếp tục «cuộc đấu tranh chống tham nhũng, quan liêu và sự trì trệ đang làm tê liệt đất nước Việt Nam ».

Trong bản thông cáo, Phóng viên không biên giới nhắc lại là luật sư Lê Quốc Quân đã bị bắt vào tháng 12 năm ngoái, với tộì danh « trốn thuế », nhưng trên thực tế vụ bắt giữ này có liên quan đến những hoạt động của ông với tư cách blogger và đến những lời kêu gọi của ông đòi đa đảng, tự do tôn giáo và thực thi các quyền dân sự ở Việt Nam.

Phóng viên không biên giới cũng lưu ý rằng tội danh « trốn thuế » đã từng được áp dụng đối với blogger Điếu Cày tức Nguyễn Văn Hải vào năm 2008. Sau 30 tháng tù vì tội danh này, blogger Điếu Cày lại lãnh thêm bản án 12 năm tù với tội danh « tuyên truyền chống Nhà nước ».

Việt Nam hiện đứng thứ 172 trong bản xếp hạng về tự do báo chí thế giới do Phóng viên không biên giới lập ra và là một trong các quốc gia bị xếp vào loại « kẻ thù của Internet ». Trong chuyến viếng thăm Pháp gần đây, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã từ chối đối thoại với các đại diện Phóng viên không biên giới, muốn trao cho phái đoàn Việt Nam bản kiến nghị với 25 ngàn chữ ký, đòi trả tự do cho 35 blogger đang bị giam ở Việt Nam.

Ngoài ra, Bà Isabelle Arradon, Phụ tá giám đốc của Ân xá Quốc tế tại Châu Á Thái Bình Dương nhận định : Đây là một bản án lố bịch và chỉ là một thí dụ rõ ràng khác của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam quấy nhiễu và bỏ tù những ai bày tỏ những quan điểm trái ngược một cách ôn hòa. Thật là khó để mà không kết luận rằng Lê Quốc Quân bị nhắm vào chỉ vì những hoạt động nhân quyền của ông, như ông đã bị tấn công nhiều lần trước đây. Ông phải được phóng thích ngay lập tức và những cáo trạng dành cho ông phải được hủy bỏ. Tổ chức Ân xá Quốc tế từng gọi ông là một Tù nhân Lương tâm vào năm 2007 khi ông bị tạm giam 3 tháng vì cái gọi là những hoạt động chống đối nhà nước, và nay kết luận rằng nỗ lực của nhà nước Cộng sản Việt Nam nhằm bóp nghẹt tự do ngôn luận và những tiếng nói độc lập rất đáng quan ngại, và nó phải được chấm dứt ngay lập tức.

 

 

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here