Quảng Cáo

Thượng Tướng Trần Quang Khải

Quảng Cáo

 Thượng Tướng Trần Quang Khải

Đời nhà Trần là một triều đại có những nhân vật kiệt xuất, vẫn được mệnh danh là một triều đại của những con người vừa làm thơ vừa đánh giặc. Một trong những nhân vật lịch sử lỗi lạc ấy là Chiêu Minh Đại Vương Trần Quang Khải

Trần Quang Khải sinh tháng 10 năm Tân Sửu (1241), quê làng Tức Mạc, phủ Thiên Trường (nay là xã Lộc Vương, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định), là con thứ ba của vua Trần Thái Tông và Công chúa Thuận Thiên.

Sách Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục viết về ông như sau: Quang Khải lúc làm tướng võ, lúc làm tướng văn, giúp vương nghiệp nhà Trần, uy danh ngang với Quốc Tuấn.”

Trong văn học sử Việt Nam, Trần Quang Khải là một nhà thơ có vị trí không nhỏ. Thơ ông sáng tác có tập Lạc Đạo, tiếc thay nay đã thất truyền, chỉ còn lưu được một số bài. Theo sử gia Phan Huy Chú tuy ông là một vị tướng cầm quân xông pha khắp trận mạc đánh giặc, song thơ ông lại “thanh thoát, nhàn nhã”, “sâu xa, lý thú”. Ấy cũng là cốt cách phong thái của các vua và các dũng tướng dưới đời nhà Trần.

Hãy đọc bản dịch bài thơ Vườn Phúc Hưng của Trần Quang Khải để thấy rõ hơn tâm hồn ông:

Phúc Hưng ngòi nước chảy xanh xanh

Vườn rộng phẳng phiu mấy mẫu hành
Tan tuyết, chòm mai hoa lấp lánh
Cuốn mây, bụi trúc ngọc biếc xanh

Nắng đến, mời khách pha trà nhấp
Mưa tạnh, sai đồng dỡ thuốc nhanh
Trông vọng về nam yên khói lửa
Nằm khểnh trên giường ngủ giấc lành.

Dịch sát nghĩa bài thơ tiếng Hán Phúc Hưng Viên của ông như sau:

Một dòng nước chảy bao quanh vườn Phúc Hưng,
Ở giữa là một khu vườn bằng phẳng rộng đến vài mẫu,
Bờ mai, khi tuyết tan, nụ lóng lánh hạt châu,
Đình trúc, lúc mây cuốn, lá xanh cành biếc.

Nắng lên, mời khách, pha chén trà,
Mưa tạnh, gọi gia đồng sửa lại giàn thuốc,
Trông về phía Nam không còn khói lang bốc lên nữa,
Thảnh thơi trên giường, yên tâm với giấc mơ riêng.

Dưới triều Trần Thánh Tông, Quang Khải được phong tước Chiêu minh đại vương. Năm 1274, ông được giao giữ chức Tướng quốc Thái úy. Năm 1282, dưới triều Trần Nhân Tông, Trần Quang Khải được cử làm Thượng tướng Thái sư, nắm giữ quyền nội chính. Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ hai và thứ ba, Trần Quang Khải là vị tướng chủ chốt thứ hai, sau Trần Quốc Tuấn, có nhiều công lao lớn trên chiến trường.

Trước trận Chương Dương, ông cùng tướng Phạm Ngũ Lão đã chặn đường tiến quân của Toa Đô ở Nghệ An. Chặn cả đường tiến quân của Ô Mã Nhi. Trong sự nghiệp quân sự của Trần Quang Khải, thì trận ông chỉ huy đánh tan quân Nguyên ở Chương Dương và Thăng Long, khôi phục kinh thành vào cuối tháng 5/1285 là chiến công lẫy lừng nhất của ông lúc bấy giờ. Bài thơ “Tòng Giá Hoàn Kinh” của ông ra đời sau chiến thắng này:

Đoạt sáo Chương Dương độ

Cầm hồ Hàm Tử quan
Thái Bình tu nỗ lực
Vạn cổ thử giang san

 Bài thơ được dịch như sau:

Cướp giáo giặc ở bến đò Chương Dương,
Bắt giặc Hồ (tức giặc Nguyên) ở cửa Hàm Tử.
Thời thái bình nên gắng đem hết trí tuệ và sức lực (để xây dựng),
Muôn đời (còn mãi) sông núi này.

Dù trải mấy ngàn năm, âm điệu hùng tráng của bài thơ cùng trí dũng và tấm lòng vì dân vì nước của Trần Quang Khải còn vang vọng mãi. Nó đánh thức lòng yêu nước và tự hào của mọi con dân Việt khi nước nhà gặp nguy biến.

Trên mặt trận ngoại giao, khi đảm nhận trọng trách triều đình giao phó, Tướng quốc Thái uý Trần Quang Khải đã hoàn thành xuất sắc các công vụ. Ông điềm tĩnh, mưu lược vượt qua những cuộc đấu trí đầy thách thức, làm thất bại mọi toan tính thâm độc của đám sứ thần phương Bắc, tạo điều kiện cho triều đình có thời gian chuẩn bị lực lượng và thế trận chống xâm lược.
Thất bại sau cuộc xâm lăng đất nước ta lần đầu, nhà Nguyên ráo riết chuẩn bị cho lần sau. Năm 1278, 20 năm sau lần xâm lược lần thứ nhất bị thất bại, nhà Nguyên cử phái đoàn do người đứng đầu bộ Lễ là Sài Thung sang để “răn đe” quân dân ta. Trần Quang Khải được vua Trần Nhân Tông giao nhiệm vụ đón đoàn sứ Nguyên ở bờ sông Hồng.

Trần Quang Khải khi đó 37 tuổi, đã ứng xử sáng suốt trên mặt trận ngoại giao. Ông có một bài thơ tiễn sứ Nguyên mang tên: “Tiễn Sứ Bắc Sài Trang Khanh” lời lẽ ân cần và là một bài thơ chứng tỏ sự tài hoa của ông trong địa hạt thi ca:

Tiễn người về Bắc dạ khôn khuây,
Vó ngựa băng chừng nẻo nước mây.
Nam Bắc bâng khuâng cờ trở bóng,
Ân tình dào dạt chén chia tay.

Nói cười thoáng đã xa hình dáng,
Xướng hoạ còn ngờ mới đó đây.
Biết đến khi nào cùng gặp lại,
Cầm tay bày tỏ nỗi niềm tây.

Mọi ứng xử của Trần Quang Khải trong triều, ngoài nội đều ở trong tấm lòng trung quân ái quốc, một bậc đại thần trụ cột của một triều đại hiển hách “vua tôi đồng lòng, anh em hoà mục, cả nước góp sức”, góp phần làm nên chiến công lẫy lừng chống xâm lăng bảo vệ non sông Đại Việt.

Ông lập gia đình với công chúa Phụng Dương và có bảy người con. Bản thân công chúa là người dũng cảm lại có lòng thương dân. Vào mùa đông năm Giáp Thân (1284) quân Nguyên – Mông sang cướp nước ta, thế giặc rất mạnh, Thái sư Trần Quang Khải phải xuống thuyền lánh giặc. Nửa đêm nọ có một chiếc thuyền bị bốc cháy, công chúa Phụng Dương tưởng là giặc đến, bà liền khẽ đánh thức Thái sư dậy, đưa cho ông chiếc mộc rồi lấy thân mình che chở cho Thái sư.

Năm 1290, 1291 đói kém mất mùa, “ngoài đường nhiều người chết đói”. Thương dân, công chúa tổ chức phát chẩn cứu đói, không quản ngại khó nhọc. Bà đã lao tâm khổ hạnh và ốm mệt. Thái sư Trần Quang Khải hết lòng chăm sóc thuốc men. Ông đã bày tỏ tấm lòng và ước nguyện chân thành của ông bằng lời với công chúa: “Lai sinh chi nhật, Nguyện vi phu phụ như sơ” (Kiếp sau xin được làm chồng vợ như xưa), ông viết câu ấy vào một bức thư đặt trong lòng tay công chúa trước khi bà từ giã cõi đời.

Ngày 3 tháng 7 năm Giáp Ngọ (1294), Thượng Tướng Thái Sư, Chiêu Minh Đại Vương Trần Quang Khải qua đời vì bệnh, hưởng thọ 53 tuổi. Cuộc đời của ông là một cuộc đời sung mãn, khí phách dọc ngang. Ông xứng đáng với hai câu thơ Thượng hoàng Trần Thánh Tông ban tặng, thêu trên lá cờ trên đường cầm quân ra trận năm 1285. Hơn một trăm năm sau, người chắt ngoại đời thứ sáu của ông là thi hào Nguyễn Trãi đã sưu tầm và chép lại hai câu thơ trên để truyền cho hậu thế.

 “Nhất đại công danh thiên hạ hữu/ Lưỡng triều trung hiếu thế gian vô”

 Tạm dịch:

(Công danh trọn một đời thiên hạ còn có người như ông/ Tấm lòng trung hiếu với hai triều vua thì thế gian này không ai sánh được).

Những vần thơ Trần Quang Khải để lại là những ánh hào quang, ghi dấu ấn của một sự nghiệp lớn trong cuộc đời vị Thượng tướng nhà Trần. Tâm hồn Trần Quang Khải vừa thoáng đạt, vừa gần gũi, gắn bó với cuộc sống bình dị của đất nước và con người. Nhớ đến ông người ta không chỉ nhớ đến một vị tướng lừng lẫy mà người ta còn nhớ đến một tâm hồn rất thơ:

 

Tiếng sáo mục đồng dưới ánh trăng bên lầu xanh,
Mấy chiếc áo tơi dưới mây trên ruộng biếc.

Vào tuổi 50, Trần Quang Khải vẫn còn viết những câu thơ đầy khát vọng anh hùng:

Linh bình đởm khí luân khuân tại,
Giải đảo đông phong phú nhất thi.

 

Tạm dịch:
Chí khí dũng cảm lúc còn trẻ vẫn ngang tàng, hăng hái.
Muốn quật ngã ngọn gió đông, ngâm vang một bài thơ

Ngoài bài Tụng giá hoàn kinh sứ, Lưu Gia độ (Bến đò Lưu Gia) cũng là một bài thơ nổi tiếng của Trần Quang Khải, có thể xếp vào trong số những bài thơ hay của thơ cổ Việt Nam.

Bến đò Lưu Gia cây cao ngất trời,
Xưa phò giá sang đông từng đỗ thuyền nơi đây.
Tháp cũ, đình xưa dựng trên sông thu,
Đền hoang, mộ cổ trước mấy con lân đá.
Bản đồ thái bình ghi mấy ngàn dặm,
Non sông nhà Lý trải hai trăm năm.
Khách thơ nay trở lại đầu đã bạc,
Hoa mai như tuyết chiếu xuống sông trong

Viết về ông, nhà văn Ngô Tất Tố đã viết: “Thơ lớn, thơ hay là vậy! Lại nhớ, chính Trần Quang Khải, trong bài “Tụng giá hoàn Kinh sư” đã viết: “ Thái bình nên gắng sức / Non nước ấy ngàn thu”! Ông nói thế, và ông luôn nghĩ thế và làm thế! Con cháu đời sau nhìn tấm gương người xưa, chả lẽ lại không biết thẹn hay sao!”

 

 

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux