Như tin tức loan tải, phiên xử Luật sư Lê Quốc Quân đã kết thúc vào trưa ngày 2/10 với một bản án bất công, phi lý là 2 năm rưỡi tù giam vì bị cáo buộc ‘trốn thuế’, một tội danh mà giới cổ xúy nhân quyền cho là thường được Hà Nội dùng làm cớ để đàn áp những tiếng nói chỉ trích nhà nước. Qua bản án này khiến người ta nhớ tới bản án tương tự của blogger Điếu Cày cách đây hơn 5 năm và một lần nữa khơi dậy những chỉ trích mạnh mẽ từ quốc tế về thành tích nhân quyền của Việt Nam.
Đại sứ quán Hoa Kỳ đã bày tỏ « quan ngại sâu sắc » về bản án đối với luật sư nhân quyền và blogger Lê Quốc Quân. Việc kết án này dường như không phù hợp với quyền tự do ngôn luận và những nghĩa vụ của Việt Nam theo Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị cũng như các cam kết trong Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế ». Đại sứ quán Hoa Kỳ cũng kêu gọi chính phủ Việt Nam thả các tù nhân lương tâm và cho phép người dân bày tỏ quan điểm chính trị một cách ôn hòa.
Tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch tố cáo đây là một vụ án chính trị: “Chính quyền Việt Nam tỏ ra quá lo lắng về vị trí của mình trong xã hội đến mức phản ứng bằng việc tìm cách bịt miệng và bỏ tù hết nhà bất đồng chính kiến này đến nhà bất đồng chính kiến khác”. HRW kêu gọi trả tự do cho luật sư Lê Quốc Quân. Nhà ly khai người Công giáo này được nhiều người biết đến với những bài viết trên internet chống lại những vụ vi phạm nhân quyền, tự do tín ngưỡng và tình trạng độc đảng.
Theo các tổ chức nhân quyền, Việt Nam hiện có hàng trăm tù nhân chính trị, và kể từ đầu năm đến nay đã có ít nhất 46 nhà tranh đấu bị bắt giam. Hoa Kỳ cho rằng có 120 tù chính trị tại Việt Nam. Hà Nội cũng chỉ đứng sau Bắc Kinh về số blogger bị giam cầm, theo tổ chức Phóng viên Không biên giới.
Được biết phiên tòa Luật sư Lê Quốc Quân cũng được giới truyền thông ngoại quốc đăng tải như báo Le Monde, AFP, AP, BBC, Reuters, VOA, Wall Street Journal, đài phát thanh Đức…
Sau hàng loạt hứa hẹn, tuyên bố cắt giảm chi tiêu, nhưng chi tiêu của hệ thống công quyền tại Việt Nam vẫn tăng. Bộ trưởng Tài chính CSVN mới thú nhận, “chi tiêu không ngừng tăng, tăng quá nhanh”.
Việt Nam đang vừa bội chi, vừa thất thu nghiêm trọng về ngân sách. Bảy tháng đầu 2013, bội chi lên tới 102 ngàn tỉ. Trong khi đó, nhà cầm quyền CSVN các địa phương đã xác nhận, năm nay, ngân sách sẽ thất thu từ hàng trăm tỉ đến hàng chục ngàn tỉ. Sài Gòn hiện được coi là nơi dẫn đầu về thất thu ngân sách. Nhà cầm quyền thành phố này dự đoán, thất thu ngân sách của năm nay sẽ ở mức khoảng 20,000 tỉ đồng.
Trước thực trạng vừa bội chi, vừa thất thu thường xuyên diễn ra, năm nào chế độ Hà Nội cũng tuyên bố sẽ cắt giảm 10% chi tiêu. Tuy nhiên, mới đây, Bộ trưởng Tài chính CSVN thú nhận, chi tiêu của hệ thống công quyền không những không giảm như đã hứa hẹn mà còn tăng vọt.
Hệ thống công quyền tại Việt Nam hiện tồn tại với rất nhiều nghịch lý. Trong khi ông Nguyễn Xuân Phúc, một trong những phó thủ tướng của Việt Nam, cả quyết, có khoảng 30% công chức Việt Nam đang hưởng lương nhưng không làm gì cả thì hệ thống này lại tuyển thêm 10,000 cán bộ cho hệ thống Hội Nông dân của 10,000 xã.
Theo tiết lộ của Bộ trưởng Tài chính CSVN, một trong những khoản chi thường xuyên khiến chi tiêu của hệ thống công quyền “không ngừng tăng, tăng quá nhanh” là chi cho hội họp, tiếp khách, công tác nước ngoài, đặc biệt là những khoản chi cho các hội nghị khoa học, hội thảo khoa học.
Tuy dẫn đầu về số lượng “giáo sư, tiến sĩ” ở Đông Nam Á, số lượng các bài viết của đội ngũ “giáo sư, tiến sĩ” trên toàn Việt Nam, được hệ thống tạp chí khoa học quốc tế chọn đăng hàng năm vẫn thua xa một trường đại học bình thường ở Thái Lan.
Để đủ tiền cho chuyện phung phí ngân sách, hệ thống công quyền của Việt Nam ép dân chúng và doanh giới nộp đủ thứ thuế, phí và lệ phí. Giới nghiên cứu đã thử thực hiện một thống kê và xác định, Việt Nam đang dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về tỷ lệ thu thuế.
Căn cứ vào quyết toán ngân sách hàng năm của Bộ Tài chính Việt Nam, người ta cho biết, mỗi năm, trong giai đoạn từ 2006 đến 2010, nguồn thu từ thuế và phí ở Việt Nam chiếm đến 26,2% GDP, vượt xa nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.
Qũy tiền tệ Quốc tế cũng đã thử so sánh và xác nhận, tỷ lệ thuế, phí trên GDP của Việt Nam cao gấp 1,2 – 1,8 lần so với các quốc gia trong khu vực.
Đáng chú ý là thu rất nhiều, bội chi rất lớn nhưng chi tiêu của hệ thống công quyền lại chi rất ít cho đầu tư phát triển. Vào lúc này, trên khắp Việt Nam, nhiều trường học, bệnh viện, công trình giao thông bị bỏ dở hoặc không thực hiện vì không có ngân sách trong khi mức bội chi thì càng ngày càng lớn.
Phần lớn chi tiêu dẫn tới bội chi là những khoản chi để nuôi hệ thống công quyền. Nếu năm 2003, các khoản chi để nuôi hệ thống công quyền chiếm 51,9% tổng chi thì tới năm 2011, các khoản này đã chiếm đến 67,2% tổng chi.
Một vài chuyên gia kinh tế ước đoán, với những diễn biến như vừa qua trong thu – chi ngân sách, thâm hụt ngân sách của Việt Nam trong năm nay sẽ lên tới 162 ngàn tỷ đồng.
Theo báo mạng VietNamNet, hàng trăm cư dân thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang mấy ngày qua nổi giận vì không rút được tiền vốn, kể cả tiền lãi gửi vào quỹ. Hàng chục người thay phiên nhau bao vây trụ sở Quỹ Tín Dụng Hậu Giang để chờ lấy lại tiền.
Một cư dân thành phố Vị Thanh, khách hàng của Quỹ Tín Dụng Hậu Giang cho biết, đã gửi vào quỹ khoảng 100 triệu đồng, tương đương 5,000 đô, mặc dù đây là khoản tiền gửi ngắn hạn, nhưng họ không rút được tiền khi cần, điều này khiến người dân hết sức hoang mang, không hiểu vì sao quỹ tín dụng thông báo “không còn tiền để thanh toán cho khách hàng.”
Một số người khác cũng cho biết, số tiền ký thác của họ là khoản tiền có được nhờ được bồi thường đất đai bị trưng dụng. Người dân mang tiền gửi tiết kiệm ngắn hạn để kiếm lãi và cũng để dễ dàng rút ra sử dụng khi cần thiết.
Một cán bộ đại diện Quỹ Tín Dụng Hậu Giang, sáng ngày 1 tháng 10, thú nhận, “Không xoay vòng kịp nên không có tiền để trả cho khách hàng.” Ông này cho biết, đã nhận tổng cộng trên 30 tỉ đồng tiền ký thác ngắn hạn, từ 2 đến 8 tháng. Ðáng nói là quỹ tín dụng này cho vay gần 50 tỉ đồng, lại cho vay dài hạn một năm. Vì vậy, theo ông, đó là nguyên nhân khiến quỹ tín dụng của ông “không xoay vòng kịp để trả tiền lại cho khách hàng.” Ông cũng cho biết thêm, sẽ phải nhờ công an thu hồi nợ mới có tiền trả lại cho ít nhất 30 khách hàng.
Leave a Comment