Tin từ trang web của ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) vào ngày 26/09, thì Ông Nguyễn Văn Hải tức blogger Điếu Cày đã được Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) quyết định trao tặng giải thưởng Tự do Báo chí Quốc tế năm 2013, cùng với ba nhà báo của Ecuador, Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo Ủy ban Bảo vệ Ký giả thì trong thời đại thông tin toàn cầu hiện nay, 4 nhà báo được vinh danh đã vượt qua sự kiểm duyệt và đàn áp để mang đến tin tức trung thực cho người dân. Giám đốc điều hành CPJ, ông Joel Simon, nhấn mạnh quốc tế ghi nhận công lao của các ngòi bút này vì sự can đảm, dấn thân, và không cam chịu bị bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận.
CPJ nhắc lại, ông Nguyễn Văn Hải bị giam giữ 5 tháng vào năm 2008 trong khi không bị cáo buộc tội danh nào, đến tháng 9/2008 bị kết án hai năm rưỡi tù giam vì tội « trốn thuế », mà các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế xem là cái cớ của Hà Nội để ngăn chặn các bài viết chỉ trích nhà nước. Các bài viết trên blog của ông dưới bút danh Điếu Cày đề cập đến những vấn đề nhạy cảm về chính trị, trong đó có những bài phản đối Trung Quốc xâm lấn Hoàng Sa và Trường Sa, và chống giới chức tham nhũng. Ông Nguyễn Văn Hải cũng kêu gọi xuống đường phản đối rước đuốc Olympic Bắc Kinh đến Sài Gòn năm 2007.
Sau khi mãn án, Điếu Cày vẫn tiếp tục bị giam trong lúc nhà chức trách điều tra các bài blog của ông bị cho là ‘tuyên truyền chống nhà. Các cáo buộc này dẫn tới bản án 12 năm tù tiếp theo của Điếu Cày, khiến quốc tế phẫn nộ và mạnh mẽ lên án thành tích nhân quyền xuống dốc của Việt Nam. Vào tháng 7/2013 blogger Điếu Cày đã tuyệt thực hơn một tháng để phản đối các điều kiện giam giữ. Theo một nghiên cứu của CPJ, đến cuối năm 2012 tại Việt Nam có ít nhất 14 nhà báo bị giam cầm, đứng thứ nhì trên thế giới chỉ sau Trung Quốc. Nhiều người trong số này bị cáo buộc hoặc đã bị kết án về tội ‘chống nhà nước’ liên quan đến các bài blog thể hiện quan điểm cá nhân của họ.
Ủy ban Bảo vệ Nhà báo là tổ chức phi lợi nhuận hoạt động độc lập với mục tiêu bảo vệ tự do báo chí trên toàn thế giới. Giải thưởng Tự do Báo chí Quốc tế được thành lập từ năm 1991, mỗi năm trao giải cho bốn nhà báo đã tỏ ra dũng cảm trước mọi đe dọa. Bốn nhà báo đoạt giải năm nay sẽ được vinh danh tại lễ trao giải thưởng niên của CPJ và được mời dự ăn tối tại New York ngày 26/11/2013.
Blogger Điếu Cày từng được Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch trao Giải thưởng Hellman/Hammett dành cho các nhà báo bênh vực nhân quyền, cổ súy dân chủ trên thế giới. Trong Ngày Tự do Báo chí Thế giới năm rồi, ông đã được đích thân Tổng thống Mỹ Barack Obama vinh danh khi nhắc tới các ngòi bút bị đàn áp chính trị.
Vẫn theo CPJ, nhà cầm quyền Việt Nam đang gia tăng kiểm soát internet trong lúc tăng cường đàn áp quyền tự do báo chí. CPJ tố cáo chiến dịch trấn áp các blogger độc lập tại Việt Nam leo thang trong năm nay với các án tù nặng nề, các vụ bắt bớ mới, cùng nhiều hình thức sách nhiễu khác nhau.
Ngày 25/09 hơn 5000 giáo dân thuộc giáo hạt Cầu Rầm, Giáo Phận Vinh, Việt Nam, đã hành hương về Linh địa Trại Gáo, hiệp dâng Thánh lễ, cầu nguyện cho các nan nhân giáo xứ Mỹ Yên và các Tù nhân Lương tâm đang bị Chính quyền Cộng sản Việt Nam bách hại.
Thánh lễ bắt đầu lúc 9h 15, do Cha Giuse Hoàng Thái Lân linh mục quản xứ Yên Đại chủ tể, Cha Fx Hoàng Sỹ Hướng linh mục quản hạt Cầu Rầm giảng lễ với sự đồng tế của Cha Giuse Nguyễn Anh Tuấn linh mục quản xứ Kẻ Gai, Cha Phêrô Nguyễn Huy Hiền. quản xứ Mỹ Dụ. Cha Antôn Trần Văn Niên, quản xứ Phú Long.
Giáo hạt Cầu Rầm với hơn 20.000 giáo dân, trãi rộng khắp huyện Hưng Nguyên và Thành phố Vinh. tinh thần sống đạo của Giáo hạt Cầu Rầm được biết tới qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, đặc biệt là cuộc diễu hành sáng ngày 07/08/2011, của gần 5000 người Công giáo cùng với nhiều lương dân yêu chuộng công lý, sự thật đã diễu hành về hang đá Đức Mẹ Lộ Đức tại Giáo xứ Yên Đại cách giáo xứ Cầu Rầm khoảng 10km làm chấn động TP Vinh và các vùng phụ cần.
Trước sự kiện Giáo xứ Mỹ Yên bị Cộng sản bách hại, thì tinh thần hiệp thông của Giáo hạt Cầu Rầm càng mạnh mẽ và thiết thực hơn. Sự hiện diện đông đảo của hơn 5000 người trong cuộc hành hương về Linh địa Trại Gáo, Giáo xứ mỹ Yên đã nói lên truyền thống sống Đức tin, sống nghĩa đồng đạo, sống tình đồng bào của hơn 20.000 giáo dân của hạt Cầu Rầm, Giáo Phận Vinh.
Ngoài ra Đức Giám mục giáo phận Đà Nẵng cũng đã gửi thư hiệp thông cùng với giáo phận Vinh và giáo xứ Mỹ Yên.
Được biết trong thời gian tới các giáo xứ khác trong và ngoài Giáo phận Vinh sẽ tiếp tục hành hương hoặc hiệp thông với giáo xứ Mỹ, và cũng cầu nguyện cho chính quyền tỉnh Nghệ An sớm tĩnh ngộ để biết trở về với nhân dân, với đồng bào khi đất nước đang lâm nguy.
Fuco, một trong những nhà máy thép lớn của khu công nghệ Phú Mỹ 2 cho hay, đang bất lực trước tình trạng “quá tải” của kho chứa bụi thép. Ðây là chất thải sản sinh trong quá trình luyện phôi thép tại nhà máy. Chất thải độc hại này đã đầy kho của công ty thép Fuco, hầu như vượt khỏi tầm kiểm soát.
Ban giám đốc công ty Fuco nhìn nhận rằng, đây là loại chất thải cực độc, gây ô nhiễm môi sinh trầm trọng. Trong thời gian gần đây, những người đứng đầu nhà máy đã lên tiếng báo động về tình trạng quá tải của kho chứa chất thải sắp đến mức báo động. Theo đúng qui trình, chất thải được công ty khai thác chế biến xuất-nhập cảng khoáng sản Việt Nam thu nhận, chuyển về một nhà máy ở Hải Dương. Thế nhưng, cho đến nay thì công ty này chưa nói gì đến việc vận chuyển số chất thải khổng lồ đầy ắp trong các kho nhà máy. Những người đứng đầu công ty Fuco cảnh cáo rằng nhà máy sẽ có thể phải ngừng sản xuất. Nếu tiếp tục, lượng chất thải sẽ vượt qua mức cho phép.
Một nhà máy sản xuất thép khác là Posco SS-Vina của Hàn Quốc cũng đang lâm vào tình trạng nguy hiểm như trên. Với mật độ sản xuất 1 triệu tấn phôi thép/1 năm, khối lượng chất thải được sản sinh sau quá trình sản xuất trung bình là 70,000 tấn/năm. Công ty Posco cũng đang bó tay trong việc tìm các đơn vị hợp tác để giải quyết số bụi thép thải ra. Nếu tình trạng này “giậm chân tại chỗ,” ban giám đốc nhà máy Posco lo ngại rằng sẽ không thể tiếp tục hoạt động từ tháng 10 năm 2014.
Ngoài ra, công ty Thép Miền Nam hiện là nhà máy đang chịu chung số phận. Các nhà máy trên cùng với thêm 5 nhà máy thép lớn ở Bà Rịa-Vũng Tàu trước đây đều có ký hợp đồng để giao cho công ty khai thác chế biến xuất-nhập cảng khoáng sản Việt Nam giải quyết bụi thép.
Nhưng từ hơn một năm nay, công ty này chưa được Bộ Tài Nguyên và Môi Trường gia hạn giấy phép hoạt động. Trong khi đó, hàng chục ngàn tấn chất thải nghẹt cứng kho của các nhà máy thép, chất chồng ngày càng cao ngất ngưỡng.
Tuần qua, các tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long chìm trong những trận mưa kèm giông lốc. Một số tỉnh như Cà Mau, Bạc Liêu, An Giang, Tiền Giang có mưa lớn kèm lốc xoáy làm sập và tốc mái hàng trăm nhà dân, gây thiệt hại nhiều về tài sản. Tại An Giang từ ngày 21 tháng 9, giông lốc đã làm sập 25 nhà dân, trong đó có 10 căn bị sập hoàn toàn. Địa điểm xảy ra tại các xã Tây Phú, An Bình, Mỹ Phú Đông, Bình Thành huyện Thoại Sơn, xã An Nông huyện Tịnh Biên. Tại Bạc Liêu, ngày 22 tháng 9 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu xuất hiện mưa lớn kèm theo lốc xoáy. Đáng chú ý là vào rạng sáng gió giật mạnh đã làm sập khoảng 20 căn nhà của người dân phường 8, thành phố Bạc Liêu và rất nhiều căn nhà bị tốc mái.
Ngoài ra, lốc xoáy còn làm sập khoảng 30 sạp của các tiểu thương chợ Trần Huỳnh, phường 1, thành phố Bạc Liêu; cuốn bay nhiều loại hàng hóa. May mắn là không có người bị thương do bà con di tản kịp thời. Tại Cà Mau, theo thống kê chưa đầy đủ cho biết mưa dông liên tiếp 3 ngày qua đã làm 23 căn nhà của người dân các xã Khánh Hội, Khánh Thuận, Khánh An, Nguyễn Phích đều thuộc huyện U Minh, bị sập, tốc mái, trong đó có 6 căn bị sập hoàn toàn. Tại Tiền Giang, mưa lớn kèm theo lốc xoáy rạng sáng ngày 21 đã làm sập và hư hỏng gần 30 căn nhà ở ấp Bình, xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè, trong số này có nhiều căn từng bị lốc xoáy hư hỏng hồi năm trước mới được sửa chữa lại. Lốc xoáy còn làm nhiều cây xanh bị ngã đổ.
Leave a Comment