Thanh Hóa là một trong những vùng, còn sử dụng nhiều thổ ngữ, phương ngữ trong giao tiếp; lại cũng là tỉnh giàu truyền thống phát triển ca dao, hò, vè trong dân gian, phản ảnh cuộc sống lao động và sinh hoạt phong phú; nhất là dùng nó để nói lên tâm trạng của mình với cộng đồng xã hội, trong một thời điểm, một giai đoạn lịch sử nào đó. Ban đầu, nó ra đời từ một số người, tất nhiên là không chuyên nghiệp, đặt ra (sáng tác). Vì nó phù hợp với tâm trạng của nhiều người, nên nó nhanh chóng được loan truyền, phổ biến và tồn tại trong nhân dân, không ai có thể dễ dàng dập tắt, cắt bỏ, như bóc bỏ một bài viết nào đó trên mạng internet vậy, được.
Một lần tôi về Xứ Thanh, lần đầu tiên nghe được cụm từ “theo Đảng đến còng”. Mới nghe hơi lạ tai, tôi đem điều băn khoăn hỏi một cán bộ văn hóa địa phương, vì sao họ nói vậy? Anh cán bộ nọ tặc lưỡi cười rồi trả lời tôi: ”chuyện trong dân gian, mà anh”. Nói vậy thôi, nhưng sau đó, anh cũng kể cho tôi nghe xuất xứ của cụm từ “theo Đảng đến còng” mà tôi đang muốn nghe.
Nhân dân Thanh Hóa chúng tôi, còn sử dụng nhiều thổ ngữ, phương ngữ lắm, trong giao tiếp với nhau; không phải họ nghèo ngôn ngữ phổ thông đâu, họ biết cả đấy. Nhưng trừ khi ra khỏi tỉnh nhà, đến một nơi xa lạ nào đó; còn hàng ngày giao tiếp với nhau trong phạm vi địa phương mình, họ thích dùng thổ ngữ, phương ngữ để nói chuyện với nhau. Họ thích chay mộc, đậm khẩu, thú vị hơn, dễ làm cho câu chuyện cởi mở và gần gũi hơn, nhất là dân khu vực nông thôn. Rồi anh đi thẳng vào từ “còng”, trong cụm từ “theo Đảng đến còng”, mà tôi muốn biết. Theo anh, từ “còng” là biến đổi ngữ âm của từ “cùng”, trong phương ngữ Thanh Hóa. Cho nên cụm từ “theo Đảng đến cùng”, sau khi biến đổi ngữ âm, trở thành “theo Đảng đến còng”.
Ban đầu, người ta nói tự nhiên, không có dụng ý gì, nên chẳng có ai để tâm gì cả. Song, những năm gần đây, như anh biết đấy, tình hình xã hội, không chỉ riêng tỉnh tôi, mà trong cả nước, đầy biến động phức tạp: Kinh tế và đời sống ngày càng khó khăn; nhiều chủ chương chính sách vạch ra, chỉ nằm trên giấy; tệ quan liêu, nhũng nhiễu đối với dân, của các tổ chức và cán bộ đảng viên, ngày càng lan rộng; tình trạng phân hóa giàu nghèo, bất công xã hội, ngày càng nghiêm trọng; trong một thực tế như vậy, lòng tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ sa sút, là đương nhiên, nếu như không muốn nói là một sự thất vọng !
Cũng từ đó, theo ý kiến của riêng cá nhân anh, cụm từ “theo Đảng đến còng”, đến đây không chỉ là biến đổi ngữ âm, mà còn cả ngữ nghĩa; không chỉ là khu vực nông thôn nữa, mà ngay cả đô thị, như trung tâm thành phố Thanh Hóa, nơi có tỉ lệ pha thổ âm rất thấp, nay người ta cũng thích nói theo biến đổi ngữ âm này, từ “cùng” thành “còng”, và còn nhấn mạnh, cường điệu thêm với ngụ ý của họ theo từng lúc, từng nơi; nhất là khi họ phiếm đàm thời cuộc. Như vậy, cụm từ “theo Đảng đến còng”, đến đây không chỉ biến đổi ngữ âm tự nhiên nữa; mà nó bắt đầu có màu sắc tâm trạng xã hội, ý như một lời chế giễu, châm biếm, oán than; với ý nghĩa tư tưởng là, theo Đảng đến còng cả lưng, mà tương lai còn mờ mịt, nỗi thất vọng ngày càng tăng.
Anh cán bộ văn hóa tỉnh này còn kể thêm cho tôi nghe một ngụ ý nữa, có liên quan đến sử dụng từ “còng”, trong cụm từ “theo Đảng đến còng” đó, như sau. Tỉnh này có thị trấn huyện Tĩnh Gia, đặt tên là “Phố Còng”, nằm ngay trên quốc lộ 1A, cách trung tâm thành phố Thanh Hóa bốn mươi cây số về phía nam của tỉnh. Nằm giữa (trung đoạn) từ thành phố Thanh Hóa vào thị trấn Còng, lại có một địa danh từng nổi tiếng trong chiến tranh phá hoại, có tên gọi là “Ghép” (tức Cầu Ghép, cách cầu Hàm Rồng về phía bắc khoảng chừng bốn mươi lăm cây số). Bà con tỉnh này lại ví von, truyền miệng cho nhau hai câu lục bát: “Quyết tâm theo Đảng đến Còng / Mới đi đến Ghép lại vòng trở ra!”. Từ “Còng” ở đây phải viết hoa, vì là địa danh riêng. Còn ý nghĩa, ngụ ý hai câu lục bát, nói nôm na có nghĩa là, đã từng nguyện quyết tâm đi theo Đảng đến cùng, nhưng vì khổ quá, mất lòng tin, nên đến Ghép, mới được nửa đường, đành buộc phải bỏ dở quay ra!
Qua câu chuyện phiếm luận về sử dụng ngôn ngữ, ca dao, hò, vè dân gian trên đây ở Xứ Thanh, phần nào cho ta biết được tâm trạng của người dân xứ này. Đồng thời tôi đoan chắc rằng, không chỉ riêng Xứ Thanh mới có hiện tượng, người dân dùng ngôn ngữ, ca dao, hò, vè, để nói lên một tâm trạng, một thái độ của mình đối với thời cuộc; mà nhiều nơi khác trong cả nước, cũng vậy thôi; có khác nhau chăng chỉ là cách diễn đạt cụ thể. Một dẫn chứng, chẳng cần phải nói đâu xa, thời gian cách đây chưa lâu, ngay giữa thủ đô Hà Nội, thời kỳ bao cấp, đời sống kinh tế xã hội cực kỳ khó khăn, tưởng gần tận đáy; bấy giờ rộ lên các chuyện tiếu lâm “hiện đại”, ca dao, hò, vè truyền miệng trong dân gian, có nội dung vừa phê phán, vừa than oán, như: “chưa có bao giờ đẹp như hôm nay, ăn mì ăn mạch hàm răng lung lay”; “một yêu anh có may-ô, hai yêu anh có cá khô ăn dần”; “đầy tớ thì đi vôn – ga, để cho ông chủ ra ga xếp hàng”; rồi “Tôn Đản là chợ vua – quan / Nhà Thờ là chợ trung gian nịnh thần…”; hay là “thực phẩm quý hơn nhân phẩm”; “bù giá vào lương hay bù da vào xương”; rồi “Hợp tình hợp lý không bằng hợp ý cấp trên, vừa đức vừa tài không bằng vừa tai thủ trưởng; hay là “tiền là Tiên, là Phật, là sức bật tuổi trẻ, là sức khỏe tuổi già, là đà danh vọng, là lộng che thân, là cán cân công lý, tiền là hết ý!”… Một bi hài vụ án Tạ Đình Đề, một nhân vật huyền thoại mà nhiều người biết, bị kết án về tội “tập hợp và phổ biến ca dao, hò, vè tiêu cực, nói xấu chế độ”. Vụ án làm chấn động cả Hà Nội, bị nhân dân phẫn nộ, phản đối; cuối cùng tòa buộc phải tuyên bố: “Tạ Đình Đề vô tội”! Tất nhiên bấy giờ ông cũng đã thân tàn ma dại rồi.
Thưa quý độc giả thân mến của tôi ! Bây giờ xin mời các quý độc giả hãy tham gia phiếm đàm về nội dung tôi đã đề cập từ đầu bài đến đây nhé. Theo tôi, trước hết, chúng ta cùng nhìn nhận cách đánh giá hiện tượng tiếu lâm “hiện đại”, ca dao, hò, vè hiện nay, thế nào cho phải, cho đúng; và sau đó là thái độ và cách xử sự của người lãnh đạo, và các cơ quan quản lý nhà nước, nên như thế nào, để lợi nước, lợi dân. Nếu như coi hiện tượng nói trên là phản ánh trung thực tâm trạng và thái độ của quần chúng nhân dân đối với thời cuộc, thì đây là điều cần cho người lãnh đạo chăng?
Ở nước ta, lịch sử qua các triều đại, không hiếm các bậc minh quân, cải trang vi hành, len lỏi vào dân, tìm hiểu đúng thực trạng tình hình, sợ các nịnh thần bẩm báo không trung thực, để về có kế sách trị nước, an dân. Ở các nước dân chủ, tiên tiến, cũng có nhiều viện chuyên làm việc thăm dò dư luận; có hệ thống truyền thông đa chiều, có tính phản biện; các cơ quan lãnh đạo các nước này, dựa vào các hệ thống này để điều hành, điều khiển “con tàu” vận hành thuận lợi, tránh được vấp phải “đá ngầm” trên con đường phát triển đất nước. Nếu coi việc nắm bắt được tâm trạng của dân, là rất quan trọng, thì người lãnh đạo, cùng các cơ quan hữu trách, cần có thái độ tôn trọng “gạn đục khơi trong”, để rút ra từ hiện tượng ca dao, tiếu lâm, hò, vè trong dân gian như nói ở trên, để chấn chỉnh việc điều hành quản lý đất nước.
Rất đáng tiếc, nước ta có một hệ thống báo chí khá “khủng” (báo chí lề phải), do bị quá nhiều o ép, ràng buộc, nên tỉ lệ lượng thông tin một chiều, còn nhiều; nhiều mặt trái “nhạy cảm” gần như bị cấm kỵ, nếu có được phép đưa tin, thì cũng chỉ được loanh quanh trong vòng vạch vôi, đã giới hạn sẵn; phản biện là tính tích cực, là thế mạnh của báo chí, không được khơi dậy. Đất nước ta còn nghèo, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn nghiệt ngã; trong khi đó, ngân sách quốc gia phải gánh chịu nuôi ba hệ thống biên chế: hệ thống bộ máy nhà nước, hệ thống đảng, hệ thống đoàn thể. Đứng đầu bao gom hệ thống các đoàn thể là Mặt trận tổ quốc, với cả bộ máy khá cồng kềnh, chi phí tốn kém, nhưng hoạt động kém hiệu quả; nhất là trong việc thu thập dư luận và phản biện. Còn các cơ quan quản lý tư tưởng và các công cụ chuyên chính khác, thì chụp mũ, quy kết, sẵn sàng đe dọa đàn áp; cho hiện tượng thơ ca, tiếu lâm, hò, vè trong dân gian là, biểu hiện tiêu cực, bất mãn, xuyên tạc, bôi nhọ chế độ, bị “thế lực thù địch” lôi kéo, lợi dụng; có khi còn nâng lên là làm tổn hại “an ninh quốc gia” nữa chứ!
Trong chiều dài lịch sử phát triển của nước ta, cũng như toàn nhân loại cho thấy, khi bộ máy cai trị thối nát, mất lòng dân; càng lạm dụng bạo lực để cố giữ quyền lực, càng xa dân; và chế độ ấy, kết cục sẽ không có tương lai tốt đẹp. Ngược lại, lịch sử cũng cho thấy, có những nhà lãnh đạo khôn ngoan, bình tĩnh trước khó khăn, chịu khó lắng nghe dư luận, nắm bắt được tâm trạng và nguyện vọng của dân, kể cả đối nội và đối ngoại, để kịp thời đề ra được các chủ trương, chính sách thích hợp, thiết thực, thực sự vì dân vì nước, không “màu mè” phô trương, không phải để đối phó tạm thời kiểu “giải pháp tình thế”; thì dù khó khăn đến mấy, cuối cùng cũng sẽ vượt qua. Chẳng lẽ những người đang giữ cương vị trọng trách, lãnh đạo đất nước, đã quên hai câu thơ bất hủ sau đây:
Dễ trăm lần không dân cũng chịu
Khó vạn lần dân liệu cũng xong….. Sao?!
Cuối bài phiếm luận này, tôi có lời xin lỗi, gởi đến một số bà con nhân dân Thanh Hóa, còn sử dụng nhiều thổ ngữ trong giao tiếp, bởi người ta bảo: “chửi cha không bằng pha tiếng”, mà. Song, thưa bà con, tôi không hề có ý định đem tiếng địa phương mà bà con đang sử dụng để bình phẩm, giễu cợt hay chê bai gì. Thực lòng, tôi muốn mượn trường hợp biến đổi ngữ âm trong phương ngữ Xứ Thanh, để nói lên tâm trạng của bà con trước thời cuộc, trước thế sự, để góp phần cùng nhân dân cả nước ráng oằn mình vượt qua giai đoạn khó khăn này./.
Leave a Comment