Giới khoa học lo ngại, không chỉ tại Hà Nội, mà chất độc thạch tín (arsenic) có thể hiện diện trong các nguồn nước ngầm ở những nơi khác.
Công trình nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học uy tín Nature căn cứ trên một loạt các cuộc xét nghiệm do một nhóm các nhà khoa học Mỹ tiến hành chung quanh khu vực làng Vạn Phúc nằm sát cạnh sông Hồng. Ngôi làng này cách thủ đô Hà Nội chừng 10 km.
Theo lời giáo sư Alexander Van Geen, chuyên gia về hóa địa thuộc đại học Columbia, New York, Hoa Kỳ, đây là lần đầu tiên giới nghiên « có đủ khả năng khẳng định rằng, nước được cho là sạch đã bị nhiễm độc ».
Kết quả nghiên cứu cho thấy ở làng Vạn Phúc có hai tầng đất trầm tích, một là đất có từ khoảng 5 000 năm trước với độ nhiễm thạch tín cao, và một có độ tuổi lên tới 12 000 năm, có độ an toàn cao hơn… Nước ở tầng an toàn bị khai thác quá độ, để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của thủ đô Hà Nội, khiến nước ở tầng ít an toàn đã tràn vào.
Trong từ 40 đến 60 năm qua, nước từ tầng nhiễm thạch tín đã lan xa thêm khoảng 2000 mét vào các khu vực khác. Nhưng may mắn thay là nước nhiễm arsenic tràn vào tầng nước an toàn diễn ra ở một tốc độ chậm hơn từ 16 đến 20 lần. Cụ thể là nước nhiễm độc chỉ mới thâm nhập vào tầng nước không nhiễm thạch tín khoảng độ 120 mét.
Trước mắt các chuyên gia không nghĩ là nước nhiễm arsenic được cung cấp cho người dân Hà Nội có hại cho sức khỏe bởi vì nước ngầm được lọc trước khi cung cấp cho dân thành phố. Tuy nhiên vấn đề đặt ra đối với những thành phần không sử dụng nước máy mà chủ yếu vẫn dùng nước giếng.
Theo thẩm định của các nhóm nghiên cứu, nhu cầu sử dụng nước ở Hà Nội đã gần như tăng gấp đôi trong khoảng thời gian từ năm 2000 cho đến 2010, từ khoảng nửa triệu cho đến gần một triệu mét khối nước mỗi ngày. Chất độc thạch tín gây nhiều bệnh ung thư (da, phổi, thận).
Cơ quan Kiểm toán Nhà nước của CSVN vừa loan báo “tổng số nợ đọng trong xây dựng cơ bản của các địa phương trên cả nước lên đến 91,000 tỉ đồng”.
“Nợ đọng trong xây dựng cơ bản” theo cách gọi của cơ quan Kiểm toán Nhà nước ở Việt Nam là cách gọi tình trạng, nhà cầm quyền các địa phương giao các dự án hạ tầng cho các doanh nghiệp thi công nhưng không chịu thanh toán tiền như đã cam kết trong hợp đồng.
Việt Nam có 63 tỉnh, thành phố và nhà cầm quyền của cả 63 tỉnh, thành phố đều vướng “nợ đọng”. Thậm chí 15 trong số 63 tỉnh, thành phố có số “nợ đọng ở mức trên 100% kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản” (nghĩa là thuê mướn xây dựng các công trình không hề có trong kế hoạch).
Để có thể xây dựng những công trình mà nhà cầm quyền các tỉnh, thành phố làm chủ đầu tư, các doanh nghiệp được thuê phải vừa bỏ vốn tự có, vừa vay ngân hàng. Do chủ đầu tư không thanh toán như đã cam kết, các doanh nghiệp này cạn vốn, ngập đầu trong nợ và lãi ngân hàng rồi phá sản, công nhân bị nợ lương, sau đó thất nghiệp. Ngân hàng ngắc ngoải do nợ xấu gia tăng. Kinh tế lụn bại.
Chẳng riêng doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước cũng khốn đốn vì bị chính quyền các tỉnh, thành phố “nợ đọng”.
Tình trạng “nợ đọng” của nhà cầm quyền các tỉnh, thành phố ở Việt Nam đã kéo dài trong vài năm qua. Tờ Đất Việt cho biết, chính vì vậy, chỉ trong 9 tháng (từ tháng 10 năm ngoái đến tháng 6 năm nay), chế độ Hà Nội ban hành ba chỉ thị “yêu cầu các địa phương phải xử lý dứt điểm nợ đọng đầu tư xây dựng cơ bản”.
Tuy tổng số “nợ đọng” của nhà cầm quyền các địa phương làm nhiều người choáng váng nhưng theo ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam thì: “Con số đó còn rất xa thực tế. Song nó cũng đủ để cho thấy mức độ khổng lồ của nguồn lực quốc gia đang bị lãng phí”.
“Nợ đọng” cũng là lý do khiến hàng ngàn công trình trị giá nhiều tỉ đồng bị bỏ hoang vì doanh nghiệp ngưng thi công, hậu quả của các địa phương không chịu thanh toán tiền để họ có vốn hoàn thiện công trình.
Mới đây, những doanh nghiệp đang bị chính quyền các địa phương “nợ đọng” bị bồi thêm một cú khiến họ choáng váng: Bộ Tài chính khẳng định các địa phương đang vướng “nợ đọng” phải tự lo thanh toán cho doanh nghiệp chứ nhà nước sẽ không trả nợ thay !
Ông Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Kế hoạch Ðầu tư, nhận xét: Nguyên nhân sâu xa của tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản là nhà cầm quyền các địa phương thích đầu tư dàn trải để có thành tích.
Tuy “nợ đọng” đầm đìa, nhà cầm quyền các địa phương vẫn chi hàng ngàn tỉ đồng sai mục đích. Trong báo cáo kiểm toán 2012. cơ quan Kiểm toán Nhà nước của CSVN cho biết, số tiền mà các địa phương chi dung sai mục đích trong năm ngoái lên tới 3,400 tỉ.
Theo phúc trình của Ngân hàng Thụy Sĩ UBS và Công ty cố vấn Wealth X, thì Việt Nam có số người “siêu giàu” đứng hàng thứ hai khu vực Đông Nam Á. Cuộc khảo sát của UBS và Wealth X, số người siêu giàu tại Thái Lan – quốc gia đứng đầu khu vực Đông Nam Á về phương diện này, tăng từ 635 người hồi năm 2012 lên 720 người trong năm 2013. Trong khi đó, Việt Nam đứng hàng thứ hai về số người siêu giàu, với tỉ lệ tăng là 14.7%.
Phúc trình của UBS và Wealth X cho rằng mức độ tiêu thụ hàng hóa cho thấy tài sản của các cá nhân “siêu giàu” tăng vọt không ngừng.
Theo báo Đất Việt, số người “siêu giàu” tại các quốc gia Đông Nam Á tăng đều với tỉ lệ bền vững, so với một số nước mới nổi trên thế giới như Trung Quốc, Brazil… Cũng theo phúc trình này, người được cho là “siêu giàu” khi có tài sản từ 30 triệu đô trở lên. Giới “siêu giàu” xuất hiện từ nhiều năm trước đã khiến dư luận ở Việt Nam “chóa mắt.” Người đứng đầu danh sách “đại gia siêu giàu” được nhắc nhở nhiều nhất là chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Hoàng Anh – Gia Lai, Đoàn Nguyên Đức. Ông này đã mua một chiếc máy bay riêng do Hoa Kỳ sản xuất hồi năm 2008 với giá 7 triệu đô. Ông Đoàn Nguyên Đức, còn được gọi là bầu Đức tức chủ nhân đội banh cùng tên với công ty kinh doanh của ông, được coi là doanh nhân Việt Nam đầu tiên sở hữu máy bay riêng.
Một trong những người nằm trong danh sách “siêu giàu” của Việt Nam kế tiếp là ông Trần Đình Long của Công ty Hòa Phát. Ông Long được xếp hạng thứ hai “siêu giàu,” sau ông bầu Đức vì đã tung ra 5 triệu đô mua một máy bay riêng. Đó là chưa kể ông Long phải chi mỗi tháng khoảng 2 tỉ đồng, tương đương 100,000 đô để duy trì sự hoạt động của chiếc máy bay riêng.
Ông Long cũng không ngần ngại bỏ ra vài trăm triệu đồng, tương đương vài chục ngàn đô mỗi tháng, để trả tiền thuê khu đất rộng hàng chục ha ở tỉnh Yên Bái làm bãi đậu… máy bay.
Một người khác là ông Cao Văn Sơn, giám đốc Công ty Hành tinh xanh – người đã nhập cảng một loạt 10 chiếc máy bay cá nhân hồi 2011 để gọi là “thỏa mãn niềm đam mê khi có chút tiền.” Trong số 10 chiếc máy bay này, chiếc rẻ tiền nhất là 2 triệu đô và đắt tiền nhất là 14 triệu đô, chưa tính thuế nhập cảng và thuế trị giá gia tăng.
Một người nữa, ông Vũ Khắc Tiệp, cư dân tỉnh Nam Định khó nghèo đã tuyên bố thẳng rằng ông “thích sống xa hoa, cái gì cũng muốn có, và không tiếc cho bản thân một chút gì.” Ông này còn kể, một buổi ông ăn nhậu với bạn bè có thể lên tới vài chục triệu đồng, tương đương vài ngàn đô. Ông Vũ Khắc Tiệp còn nói, “hứng lên là rủ và bao cả nhóm bạn bay sang Mỹ coi… show ca nhạc.”
Chưa hết, ông Tiệp còn thường xuyên “ngồi đồng” ở một quán cà phê sang trọng nằm tại đường Đồng Khởi, quận 1, Sài Gòn hàng đêm. Cứ mỗi đêm, tiền “nhâm nhi” cà phê của ông cùng với bạn bè lên tới vài triệu bạc, được coi là chút “tiền lẻ” không đáng kể.
Theo tiết lộ mới nhất thì giới giàu Việt Nam đặt sắm du thuyền từ Hoa kỳ để xài ở Việt Nam đang tăng vọt. Ông này cho biết, giá một du thuyền nhập cảng khoảng 1 – 2 tỉ đồng, tương đương 50,000 – 100,000 đô, chở được 10 người. Ông Việt kiều này cũng cho hay, khách hàng đã đặt mua du thuyền của ông đang sinh sống tại nhiều thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vũng Tàu…
Trong khi đó, một cuộc khảo sát được công bố ngày 11 tháng 9 của Viện Thế giới thuộc Đại học Columbia, Hoa Kỳ xếp hạng Việt Nam đứng hàng thứ 63 trên 156 quốc gia được cho là “thế giới hạnh phúc.” Điều này cho thấy, mặc dù tỉ lệ giới “siêu giàu” tăng vọt, nhưng vị trí để được tính là “quốc gia có nhiều người sống hạnh phúc” của Việt Nam lại hết sức khiêm nhường.
Còn theo Thông tấn xã Việt Nam, một phúc trình được trích dẫn đầu tháng 7 qua cho thấy, Việt Nam hiện còn hơn 8 triệu người bị đói và sống thiếu thốn, khó khăn, chiếm 9.6% dân số. Đây là con số thống kê chính thức của nhà nước Việt Nam.
Theo dư luận, con số thực tế về dân số đói, nghèo ở Việt Nam còn cao hơn nhiều.
Leave a Comment