Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (World Bank) thì chỉ số đầu tư nước ngoài vào Trung quốc giảm mạnh trong năm qua, chỉ riêng tháng 12 năm 2012 đã giảm đến 4,5%, con số này không kể Nhật Bản vào. Chính quyền Bắc Kinh tuy trong lòng bấn loạn cả lên nhưng ngoài mặt vẫn làm ra vẻ chẳng có gì quan trọng để trấn an dân chúng. Ngày 15/08/2013, bộ Thương mại Trung quốc họp báo cho hay rằng những công ty Nhật Bản rút lui chỉ toàn là các trung tiểu xí nghiệp chứ các đại xí nghiệp như Toyota, Nissan, Honda, Toshiba…vẫn tiếp tục phát triển đầu tư tại Hoa lục. Họp báo thì nói thế, nhưng chỉ thị cho các ngành liên hệ ngâm tôm thủ tục rút lui của các công ty Nhật bằng cách bảo rằng chưa thể thụ lý vì cần phải rà xét lại hồ sơ thanh lý thuế khóa.
Theo các bình luận gia kinh tế thì rất nhiều các trung tiểu xí nghiệp Nhật ở Trung quốc là những hãng chế tạo phụ tùng cho Toyota, Nissan, Honda, Toshiba, Panasonic…, khi các hãng này rút khỏi Trung quốc thì các đại xí nghiệp Nhật như vừa kể trên khó mà sản xuất được nhiều vì thiếu phụ tùng, nếu nhập cảng thì giá thành sẽ cao. Cũng theo các bình luận gia này thì trước đây khi kêu gọi các công ty Nhật vào đầu tư ở Hoa lục, hai chính quyền Bắc Kinh và Tokyo mỗi tháng một lần tổ chức hội thảo (seminar) để cho các công ty Nhật hiểu thêm về luật pháp của Trung quốc, nay thì chính các công ty này tự động đứng ra tổ chức seminar để tìm cách rút khỏi Trung quốc mà không bị thiệt hại nặng.
Theo tờ Nihon Keizai (Kinh tế Nhật Bản) số phát hành ngày 20/08/2013 thì kể từ mùa thu năm ngoái các seminar này được tổ chức thường xuyên mỗi tháng hai lần, mỗi lần có khoảng 70 hãng ghi danh tham dự, nhưng trong hai tháng 7 và 8 năm nay số lần tổ chức tăng gấp đôi và số hãng tham dự lên đến cả trăm. Mỗi seminar đều có bản đúc kết, theo đó thì 75% các công ty Nhật muốn rút khỏi Trung quốc ngay, số còn lại thì chưa thể rút được vì sợ bị thiệt hại nặng hoặc đang tìm nơi khác để đầu tư.
Đứng trước tình trạng tháo chạy ra khỏi Trung quốc của các công ty Nhật, trang mạng điện tử của tờ Kinh tế Hoa kiều cho đi một bài bình luận với tựa đề ‘‘Luật vua thua lệ làng’’ đổ trách nhiệm cho các chính quyền địa phương đã không tuân thủ theo luật đầu tư của chính phủ. Bài bình luận này cũng có đề cập đến việc tăng trưởng kinh tế của Trung quốc đang giảm tốc, nay nhiều công ty Nhật lại muốn rút ra khỏi Hoa lục để đầu tư vào các quốc gia ở Đông Nam Á sẽ khiến cho nền kinh tế Trung quốc gặp khó khăn hơn. Lý do khiến các hãng Nhật muốn rút khỏi Trung quốc thì nhiều, nhưng chủ yếu là do các chính quyền địa phương hay làm khó dễ các hãng Nhật khiến họ phải rút. Bài bình luận này yêu cầu chính quyền trung ương Bắc Kinh phải khiển trách chính quyền địa phương nào không nghiêm chỉnh thi hành chính sách đầu tư của nhà nước.
Thưa quý thính giả, chuyện các trung tiểu xí nghiệp Nhật đang tìm cách rút khỏi Trung quốc sớm ngày nào tốt ngày đó là dịp để cho Việt Nam lôi kéo họ vào đầu tư hầu mong phát triển kinh tế. Lúc đầu Việt Nam cũng là một nơi mà các hãng Nhật nhắm đến, nhưng cuối cùng thì Indonesia, Thái Lan và nhất là Miến Điện lại là những nơi thu hút nhiều đầu tư của các công ty Nhật tháo chạy khỏi Trung quốc. Lý do các hãng này ngần ngại vào Việt Nam là do luật lệ chỉ có trên giấy tờ như Trung quốc mà thôi. Lãnh đạo đảng CSVN mỗi khi ra nước ngoài kêu gọi đầu tư đều rêurao rằng Việt Nam hiện nay luật lệ rõ ràng cho người đầu tư, thế mà tại sao dịp này các hãng Nhật lại không vào hoặc vào nhỏ giọt. Thưa rằng lý do rất dễ hiểu vì chẳng ai tin vào lời nói của mấy ông lãnh đạo đảng CSVN.
Vì muốn cho người dân Hoa lục cũng như dư luận thế giới nghĩ rằng ông Bạc Hy Lai bị bắt vì tham nhũng, hối lộ.lạm dụng quyền hành để làm chuyện bất chính… chứ không phải là kẻ thất sủng nên đảng Cộng sản Trung quốc quyết định cho công khai một phần phiên xử ông Bạc qua mạng Internet. Người vào mạng xem thì nghe rất rõ những lời buộc tội ông Bạc từ các công tố viên, nhưng đến phần phản luận của bị cáo, tức là ông Bạc Hy Lai, thì âm thanh không có màchỉ đọc được những hàng chữ tóm lược hiện lên trên màn hình mà thôi. Ở những đoạn ông Bạc nói rằng tôi chỉ thừa hành lệnh từ trên giao xuống thì chẳng hiện lên hàng chữ nào cả.
Theo các quan sát viên tình hình chính trị ở Trung quốc thì khi một nhân vật trong thượng tầng lãnh đạo Trung quốc bị đem ra xử sẽ có hai trường hợp xảy ra. Một là nhận tội để lãnh án từ 15 đến 18 năm rồi đi tù chừng 2 hoặc 3 năm sẽ được thả ra vì lý do sức khỏe hay theo một lệnh đặc xá nào đó, mà nơi giam mấy ông này không phải là nhà tù bình thường, nghĩa là có đầy đủ tiện nghi chẳng khác nào một khách sạn, gia đình, thân nhân và bạn bè muốn đến chơi lúc nào cũng được. Hai là chống án đến cùng để rồi bị quản thúc suốt đời như trường hợp ông Hồ Diệu Bang. Qua phiên xử ông Bạc Hy Lai trong mấy ngày vừa qua cho thấy ông Bạc phủ nhận mọi cáo buộc nên khó mà được bộ Chính trị của ông Tập Cận Bình nương tay.
Một câu hỏi được đặt ra là tại sao đem ông Bạc Hy Lai đến tòa án cấp trung ở thành phố Tế Nam thuộc tỉnh Sơn Đông để xử, trong khi theo cáo trạng thì những vụ phạm tội của ông Bạc là ở Liêu Ninh hay Trọng Khánh. Luật tòa án ở Trung quốc cũng ghi rõ là phạm tội ở nơi nào thì xử tại tòa án nơi đó, nhưng nếu xử ông Bạc Hy Lai ở tòa án Liêu Ninh hay Trọng Khánh thì sợ thế lực của ông Bạc tìm cách chống phá, chẳng hạn như kêu gọi người dân biểu tình phản đối phiên tòa nên phải chọn tòa án ở thành phố Tế Nam. Trước đây cũng có vài trường hợp như vậy, luật lệ có để trang trí chứ lãnh đạo muốn làm gì thì làm đâu ai phản đối được, nhưng điều này cho thấy vây cánh của ông Bạc Hy Lai chưa yếu.
Thêm một chuyện nữa là khi công tố viên hỏi ông Bạc Hy Lai rằng tại sao trước đây khi Ủy ban Kiểm tra trung ương đảng thẩm vấn ông đã nhận tội tham nhũng mà bây giờ lại chối. Ông Bạc trả lời rằng vì không muốn bị tước đảng tịch và nghĩ rằng sẽ không bị phạt nặng nên lúc đó tôi nhận tội cho xong.Lại thêm nữa là khi công tố viên đưa trường hợp ông Vương Lập Quân (một đàn em thân tính của ông Bạc Hy Lai) phải chạy vào tòa tổng lãnh sự Mỹ ở Thành Đô để trốn vì sợ thanh trừng để cáo buộc ông Bạc về tội lạm dụng quyền hành để làm chuyện bất chính. Ông Bạc Hy Lai trả lời rằng ông Vương trước đây là thuộc cấp của tôi, quá trình làm việc của ông ta khiến tôi tin tưởng nên đối xử rất tốt với ông ta chẳng khác nào như anh em một nhà, nhưng ông Vương lợi dụng lòng tốt của tôi, hay đến nhà chơi rồi tư tình với vợ tôi là Cốc Khai Lai, chuyện ngoại tình của hai người bị bại lộ nên Vương Lập Quân sợ phải chạy vào tòa tổng lãnh sự Mỹ ở Thành Đô để trốn, chuyện chỉ như thế thôi.
Trước đây khi bị đem ra xử, ông Vương Lập Quân, đã khai rằng vì tôi biết được chuyện bà Cốc giết thương gia người Anh mà ông Bạc Hy Lai thì muốn bao che cho vợ nên tôi sợ ông Bạc giết tôi để phi tang vì vậy phải chạy vào tòa tổng lãnh sự Mỹ ở Thành Đô để trốn.
Theo người dân Hoa lục thì chuyện bắt ông Bạc Hy Lai phạm vào tội tham nhũng là đúng người đúng tội, nhưng không công bằng vì nếu bắt ông Bạc thì phải bắt hết bộ sậu lãnh đạo vì có ông nào không tham nhũng hối lộ đâu, bởi vậy chúng tôi xem phiên tòa này như là đấu trường của thượng tầng lãnh đạo đảng cộng sản Trung quốc mà thôi, phe nào mạnh thì thắng chứ công minh, công chính, công lý,công bằng gì ở cái xứ cộng sản này.
Leave a Comment