Quảng Cáo

Lan man về một câu nói còn sống của một người đã chết

Quảng Cáo

Số người Việt Nam thương nhớ hoặc kính trọng ông Thiệu, tôi nghĩ không nhiều. Số người tin tưởng ông, có lẽ còn ít hơn nữa. Nhưng, ông cố Tổng thống thuở sinh thời, thuở đương quyền, đã có một câu nói chính xác phải gọi là bất hủ, đáng được coi như là câu nói để đời của một con người. Thể xác, và cả tâm hồn của một con người, buộc phải trở về cát bụi. Tôi còn nhớ có ai đó cho rằng, tuyệt đại đa số con người buộc phải chết hai lần, lần đầu là cái chết sinh lý, tắt thở, tim ngưng, mạch im. Cái chết thứ hai là khi người cuối cùng trên cõi đời này còn nhớ tới người đã chết ấy, chết đi. Ông Nguyễn Văn Thiệu, vô cùng may mắn, nằm trong nhứng người không nhiều lắm trong cái lịch sử liên miên của nhân loại, có lẽ còn sống lâu lắm sau khi chết. Bởi một câu nói đơn giản của ông, sẽ còn được đám hậu thế nhắc đi nhắc lại mãi: Đừng tin những gì Cộng sản nói, mà hãy nhìn kỹ những gì Cộng sản làm.

Tuổi của câu nói này chắc cũng gần nửa thế kỷ rồi, mà có vẻ vẫn như còn tươi tắn mãi. Nếu không được tôn vinh như một chân lý, hẳn là nó cũng đã tiếp cận mấp mé cái lằn ranh ấy. Nếu không thế, nó đã không chứng tỏ sự trường sinh đến như vậy. Tôi tin rằng, đã có rất nhiều người thoạt tiên khi được nghe câu này, hẳn sẽ phì cười, chế nhạo, hoặc khinh bỉ, căm ghét người nói. Tôi có thể dẫn chứng ra rất nhiều người đã như vậy, nhưng, hot nhất trong thời điểm này, có lẽ cần phải nhắc tới cái tên một đảng viên (hay cựu đảng viên?) Lê Hiếu Đằng. Lý tưởng Cộng sản của ông Đằng trong thời điểm ông Thiệu phát ngôn, có lẽ rực rỡ trong tâm hồn ông Đằng còn hơn cả sự rực rỡ của quyền bính ông Thiệu có cùng thời điểm.

Tôi không thể võ đoán để đoan chắc rằng trong suốt thời gian trăn trở để có thể nổ bùng ra bài viết “Suy nghĩ trong những ngày nằm bệnh”, ông Đằng đã nghiền ngẫm không ít câu nói này của ông Thiệu. Nhưng, có lẽ…nếu điều đó đã xảy ra, là một điều vô cùng hợp lẽ, hợp tình. Một cái đầu Cộng sản, còn hơn nữa, một con tim Cộng sản, sẽ rất đau đớn để nhận biết câu nói ấy là…chân lý. Không loại trừ, căn bệnh mà ông Đằng đang đối đầu, có nhiều phần góp từ hệ quả của sự vỡ ra ấy. Nhà văn Duyên Anh Vũ Mộng Long khi viết tiểu thuyết Sa Mạc Tuổi Trẻ đã có chua bốn câu thơ (có lẽ của ông, vì không thấy ghi tên tác giả) ở đầu truyện:

Anh đi làm cách mạng

Với bọn cò mồi hèn

Khi thiên đường đỗ vỡ

Anh còn gì đâu em

Luật gia Đằng có lẽ không vướng phải bọn cò mồi nhãi nhép khi bắt đầu đi làm cách mạng. Bởi lẽ, nếu đã thế, hẳn ông đã sáng mắt sáng lòng sớm hơn rất nhiều. Có lẽ, những người đầu tiên dẫn dắt, rủ rê ông Đằng đi làm cách mạng, cũng chỉ là những nạn nhân như ông cả thôi. Lòng tôi cảm thấy đôi chút bùi ngùi khi liên tưởng tới những nỗi ray rứt, cắn xé trong quá trình ông Đằng (và cả những bạn bè cùng thời cùng chí hướng với ông) nhận ra rằng câu nói của ông Thiệu đúng đắn xiết bao. Thực may mắn cho ông Đằng, và có thể của cả chúng ta, ông Đằng đã đủ dũng cảm để công khai ra với xã hội điều vỡ ra ấy.

Tất nhiên, có thể như thế vẫn là chưa đủ với một số người. Trong những phát ngôn mới nhất, ông Đằng vẫn chưa cho thấy một sự thức tỉnh hoàn toàn về cái lý tưởng mà ông theo đuổi, phục vụ, cống hiến gần suốt một đời người. Có thể đó là một chút mềm yếu, hoặc đó cũng có thể là một kiểu chiến thuật lách của một người từng lăn lóc trong chốn quan trường của chế độ này. Không ai dám chắc được. Nhưng, dù sao, thái độ và nội dung những bài viết của ông Đằng đã nói lên một điều, ông đã chọn cho mình một lập trường trong những ngày cuối đời mình, một kẻ đã kinh qua mấy năm nhân sinh thất thập cổ lai hy.

Câu nói của ông Nguyễn Văn Thiệu, như một đúc kết về cách xử sự của một người, nhất là người Việt Nam, đối với Cộng sản, con người Cộng sản, guồng máy Cộng sản, chế độ Cộng sản. Một đúc kết ngắn gọn và rõ ràng minh bạch. Không tù mù ú ớ, không cao đạo giảng truyền. Nó trong sáng tới mức một kẻ vô học vẫn có thể nắm chắc được nội dung mà không cần dông dài giải thích. Ngắn gọn và rành mạch như câu nói của ông Thiệu lầ một điển hình của rất nhiều chân lý nằm trong các thành ngữ tục ngữ của nền văn hóa dân gian xưa ở Việt Nam.

Tôi nghĩ rằng, câu nói này dần dà sẽ trở thành một thành ngữ, trở thành một trong nhiều câu thành ngữ khác góp nên gia tài thành ngữ Việt Nam. Giá trị của nó đã được chứng thực qua suốt thời gian nó được khai sinh từ một người và lặp đi lặp lại vô số lần trên môi của vô số người khác.

Trước biến cố quốc gia năm 1975, số lượng người Việt tin tưởng vào câu nói của ông Thiệu chắc là không nhiều lắm. Một phần vì rất nhiều người Việt lúc đó chưa chạm mặt CS bao giờ, một phần vì CS lúc đó mang một cái mặt nạ hào nhoáng giải phóng dân tộc, đấu tranh giai cấp. Rồi, khi thực tế phũ phàng hiện ra, bất ngờ ngay cả đối với một bộ phận đông đảo cán bộ, bộ đội và người dân miền Bắc, câu nói bất hủ trên ngày càng trở nên như một chân lý, đanh thép, và bất khả phản bác.

Người Việt, như đại đa số người dân trong các nước hấp thụ nền văn hóa Đông phương, rất quen thuộc với ý tưởng gói gọn trong câu thành ngữ lời nói không đi đôi với việc làm. Khi một cá nhân hay một nhóm người nào đó ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo, làm như mèo mửa, họ sẽ đánh giá đó là bon không ra gì. Mức độ văn hoa bay bướm của ngôn từ càng cao thì khi hành động càng tệ hại, xấu xa, mức lừa đảo càng bộc lộ. Người Cộng sản, đảng Cộng sản, chế độ Cộng sản trải qua mấy chục năm làm chủ đất nước này, dẫu vô tình hay cố ý, đã chứng tỏ cho người dân Việt Nam rằng, câu ông Thiệu nói có một giá trị vượt trội cả giá trị của bản thân ông Thiệu.

Người Cộng sản có khả năng chế tác ra những danh từ cao siêu hoa mỹ đáng khâm phục. Nhất là, trong thời gian gọi là đổi mới tư duy của ông Nguyễn Văn Linh. Thời điểm đó, những cải cách, những tháo gỡ trói buộc như một biện pháp cứu nguy cho đảng CS khỏi sự sụp đổ theo sự sụp đổ hàng loạt ở Đông Âu, đã được rao giảng như mục đích tối thượng là sự ấm no hạnh phúc của nhân dân. Nền Kinh tế thị trường định hướng XHCN là một cụm từ hoa mỹ khác để lấp liếm đi thực chất khập khiễng và trống rỗng của nó. Rồi thêm một mớ rổn rảng nữa chẳng hạn như diễn biến hòa bình, thế lực thù địch, âm mưu phá hoại, lòng tin chiến lược…xuất hiện như những vệt son nụ phấn trang điểm lên một bộ mặt già nua rách nát. Thậm chí đơn giản như những tàu thuyền tấn công ngư dân Việt Nam cũng được gán cho một danh xưng vô cùng tế nhị là tàu lạ. Những ví dụ cụ thể cho chuyện múa may ngôn từ của người Công sản là vô thiên lủng. Tham nhũng, ăn cắp được mềm hóa bằng từ tiêu cực, nghèo đói chuyển thành thiếu đói, chỉ là những từ bất chợt nhón ra khỏi đầu, số lượng thực sự trên báo chí, văn bản của Việt Nam thì…bao la hơn nhiều.

Khả năng múa may ngôn từ của những người Cộng sản đã thành danh trên thế giới chứ không chỉ ở Việt Nam. Thế nhưng, khả năng này đã được người Cộng sản Trung quốc và Việt Nam nâng lên mức thượng thừa do đặc điểm văn hóa của người Tàu và người Việt. Trình độ quảng cáo của Cộng sản Việt Nam và Cộng sản Trung quốc là siêu việt, do đó, câu nói của ông Thiệu lại càng đặc biệt có giá trị ở hai quốc gia núi liền núi sông liền sông này.

 

http://danluan.org/tin-tuc/20130828/lan-man-ve-mot-cau-noi-con-song-cua-mot-nguoi-da-chet

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux