Kính thưa quý thính giả, phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và một phái đoàn của nhà nước CSVN đang viếng thăm, làm việc tại Hoa Kỳ và tham dự Chương trình Lãnh đạo Quản lý Cao cấp Việt Nam tại Đại học Harvard cho đến ngày 30 tháng 8 này. Điều đặc biệt là, ông Nguyễn Xuân Phúc đang là Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Đặc xá VN năm 2013, với một danh sách khoảng 15 ngàn tù nhân dự kiến sẽ được đặc xá vào ngày 2/9, là ngày đảng CSVN cướp chính quyền 68 năm về trước và vẫn được coi là ngày quốc khánh của CSVN. Như vậy, việc đặc xá lần này cùng chuyến viếng thăm Hoa Kỳ hiện nay của ông Nguyễn Xuân Phúc mang ý nghĩa như thế nào? Trong mục bình luận hôm nay và kỳ tới chúng tôi xin gửi đến quý vị bài viết nhan đề “Biến Động Tượng Hình” của blogger Đinh Tấn Lực bàn về vấn đề này. Sau đây mời quý vị nghe phần một của bài viết.
*************
Đây là lần đầu tiên Nguyễn Xuân Phúc đến Mỹ với cương vị Phó Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Phòng chống AIDS/Ma túy/Mại dâm.
Mục tiêu của chuyến công du này, được loan báo chính thức trên trang mạng báo điện tử của nhà nước (http://baodientu.chinhphu.vn) là: “Nhằm tăng cường hơn nữa sự hiểu biết, tin cậy và hợp tác trên tất cả các lĩnh vực với Hoa Kỳ”.
Thế thì, trước khi nói tới tin cậy hay hợp tác, liệu Hoa Kỳ đã biết gì về VN, và sẽ biết thêm gì, qua ông Nguyễn Xuân Phúc?
Khó lòng kể hết những điều chính quyền Mỹ đã biết về đảng và nhà nước CSVN, cả những điều đã bị rò rỉ và chưa bị rò rỉ. Nhưng ít ra, trên mặt nổi, người ta chưa quên TT Barack Obama, từ lâu, đã công khai kêu gọi Hà Nội thả ngay Blogger Điếu Cày, đích danh Nguyễn Văn Hải. Hoặc những khuyến thư của hàng chục nghị sĩ/dân biểu lưỡng viện Hoa Kỳ yêu cầu Hà Nội thả ngay những nhân vật bất đồng chính kiến ở VN bị bắt/bị tù… Gần nhất là cách tiếp đón lạnh nhạt và những mẩu đối thoại chiếu lệ giữa tổng thống Barack Obama với Chủ Tịch nước Trương Tấn Sang hồi cuối tháng Bảy. Và một tuần ngay sau đó là con số áp đảo 405/3 của Hạ Viện Hoa Kỳ thông qua dự luật nhân quyền cho VN năm 2013, mang số hiệu H.R.1897. Rồi chỉ một tuần sau đó nữa, Đại sứ David Shear lại lên tiếng phản đối các bản tin chính quy của VN đã cố tình viết ngược nhận định của chính phủ Mỹ về vấn đề nhân quyền của Hà Nội, rằng “VN đã có những bước đi tích cực”; đồng thời, yêu cầu Hà Nội phải đính chính và xin lỗi về lối tuyên truyền sai sự thật (ở tầm láu cá) đó.
Câu hỏi chốt: Như vậy, Nguyễn Xuân Phúc qua Mỹ chuyến này vốn liếng ra sao, để mua gì, và bán gì?
Nếu vốn liếng của Trương Tấn Sang trong chuyến rồi là bản sao bức thư cầu cạnh ngày 28/02/1946 của Hồ Chí Minh gửi TT Harry Truman, mà phản ứng tiếp nhận của Obama không dấu vẻ hời hợt; thì, vốn liếng của Nguyễn Xuân Phúc chuyến này là bản án phúc thẩm dành cho sinh viên Nguyễn Phương Uyên, cộng thêm món quà phụ trội (nặng tính biểu diễn mập mờ) là danh sách đặc xá tù nhân vào tuần tới.
Cả hai món quà này đều dùng chung loại bao bì cao cấp là “Lấy Tù Nhân Để Hét Giá”.
Tức là ăn theo kiểu Miến Điện phóng thích tù nhân chính trị thì lập tức nhận được biết bao ưu đãi từ Mỹ nói riêng và cả thế giới tự do nói chung. Nhưng, ở đây, tiến trình thách giá này nằm trong cái tư duy không ít chủ quan đính kèm là nhà nước anh hùng CHXHCNVN có đủ điều kiện mặc cả với kẻ chiến bại thê thảm từ 40 năm trước, và “bọn nó ngu ngơ ngờ nghệch lắm, làm gì chẳng nghĩ là ta đang chuyển hướng!”.
Thế thì liệu ngần đó những món quà cống nạp là đủ làm nền cho một chuyến du hành cúi đầu ngửa nón, mà lắm người đặt nick cho là “Tiền Trạm Ngắm Tiền Đô”, mở đường cho chuyến đi cạnh tranh kế tiếp của kẻ từng được biết đến như là tay quyền lực đứng đầu VN (mà toàn bộ BCT đều phải ngã mũ chào), ngay vào lúc nền kinh tế có định hướng rầm rộ, chi ly và cực kỳ “linh động” của VN đang rơi gia tốc? Ngay vào lúc cả đảng và chính phủ đều vô phương cứu vãn một ngân sách cạn kiệt để nuôi một guồng máy đang lâm sàng mà vẫn không quên giơ cao nắm đấm bạo lực?
Rất tiếc là các viện nghiên cứu của Mỹ đã nhìn VN ở ngay góc rơi thẳng đứng đó.
Wikileaks đã từng cho thấy là có khi chính dàn “lãnh đạo” VN cũng không nắm bắt được toàn cảnh kinh tế/chính trị/xã hội VN bằng chính quyền Mỹ.
Và cũng chưa chắc là Ba Đình đã nắm bắt tình hình đa chiều/đầy đủ bằng giới dân báo VN.
Chính đôi hia bảy dặm của dàn Blogger/Facebooker VN đã tiến xa/bung rộng hơn điều mà nhà nước ở đây mường tượng, và đã từ lâu vượt khỏi hàng rào ngăn cấm hoàn toàn có tính theo đuôi/đối phó/tình thế/rượt bắt của nhà nước. Các bức màn sắt/màn tre đã sập. Cái ngỡ là thiên la địa võng đã tơi tả rách bươm.
Giới dân báo VN không những đã tại chỗ và tức khắc lật mặt gian tà tráo trở của nhà nước “trên từng xăng-ti-mét” và chuyển tải thông tin ra khắp mặt địa cầu (bằng cả Anh ngữ), mà còn đáp lời mời gọi của thế giới tự do để trực tiếp trao đổi ý kiến/nhận định/tuyên bố… cả bên ngoài lẫn bên trong VN, thậm chí, ngay giữa lòng thủ đô ngập nước.
Cho nên, nhà nước không thể che dấu được những toan tính và nỗ lực đằng sau hai món quà bằng sinh mạng tù nhân vừa nói.
Kính thưa quý thính giả, với tình hình như vừa kể, cộng thêm thành tích nhân quyền của CSVN qua những cuộc trấn áp phong trào dân chủ còn nóng hổi, với định định 72, với điều luật 79, 99, 258 v.v…., chuyến đi Mỹ hiện nay của ông Nguyễn Xuân Phúc xem ra chẳng có mấy vốn liếng và tư thế để mua bán, mặc cả đối với Hoa Kỳ. Như vậy điều gì sẽ còn lại hoặc đeo đẳng đối với đảng CSVN? Mời quý vị đón nghe phần hai bài viết của blogger Đinh Tấn Lực, sẽ được gửi đến quý vị trong mục bình luận kỳ tới sẽ bàn đến những điều này.
Leave a Comment