Thuỷ thủ Việt Nam trên tàu cá Đài Loan bị hành hạ như nô lệ
Bốn thuyền viên VN trốn khỏi tàu cá Hiệp Đại (Hsieh Ta) của Đài Loan vừa trở về nước tối ngày 12/8, tố giác việc họ bị hành hạ như “nô lệ thời hiện đại.”
Tin này được Cục Quản lý lao động ngoài nước của VN xác nhận.
Danh tính các thủy thủ cũng được xác định là: Hoàng Văn Hậu, Lê Đình Anh, Nguyễn Văn Hùng và Trần Văn Dũng. Bốn thuyền viên này do 3 công ty của VN là TTLC, NOSCO và SERVICO cử đi.
Trả lời đài phát thanh Radio 1 của Polynésie (Pháp) ngày 11/8, ông Jean-Piere Lebrun, người phiên dịch cho bốn thuyền viên Việt Nam nói trên, cho hay bốn thuyền viên này đã bị đánh đập, hành hạ như nô lệ trên tàu Đài Loan.
Ông Lebrun cho biết thêm, suốt 2 năm trời, bốn thuyền viên Việt Nam chỉ được lên bờ đúng một lần. Họ phải làm việc 7 ngày/tuần, 18 giờ/ngày và thường xuyên bị đánh đập.
Một thuyền viên đã cho Lebrun xem vết sẹo trên má. Thủy thủ này nói rằng vết sẹo là do bị người ta dùng lưỡi câu móc vào má và kéo mạnh làm rách một mảng thịt. Một thuyền viên khác cũng cho hay chân anh này phải đi khập khiễng do bị chủ tàu dùng lưỡi câu móc vào gót chân và kéo mạnh.
Về tiền thù lao, ông Lebrun cho hay tất cả tiền lương của bốn thuyền viên bị giữ lại để trả tiền ăn ở và tiền vé máy bay khi về nước. Như vậy, họ đã làm việc không công và bị đánh đập như nô lệ.
Hôm 8/8, nhân cơ hội tàu Hiệp Đại đang kéo một chiếc tàu khác ở gần đảo Tahiti, cách bờ biển chừng 800 mét, bốn thuyền viên Việt Nam đã nhảy xuống biển mang theo các đồ cá nhân. Một số người trong họ không biết bơi và bám vào một phao đánh cá. Những người này được trung tâm cứu nạn của cảng (MRCC Papeete) đưa lên bờ. Sau đó, họ bị cảnh sát địa phương thẩm vấn.
Thư của Liên minh Biển Tây Philippines gửi nhân dân Việt Nam
Trong nỗ lực chống chính sách bành trướng của Trung quốc tại biển Đông hầu bảo vệ chủ quyền quốc gia mình, vào ngày 24.7 vừa qua, Liên Minh Biển Tây Philippines đã gởi một bức thư ngỏ đến nhân dân Việt Nam kêu gọi đoàn kết để bảo vệ chủ quyền quốc gia của mỗi nước một cách hiệu quả hơn
Thư ngỏ có nội dung như sau:
Gửi những người bạn Việt Nam,
Chúng tôi, Liên minh biển Tây Philippines, những người kêu gọi và tổ chức các cuộc biểu tình của người Philippines trên toàn thế giới nhằm phản đối chính sách bành trướng của Trung Quốc trên vùng đặc quyền kinh tế của chúng tôi, xin gửi lời chào trân trọng nhất tới những người bạn Việt Nam của chúng tôi, những người có cùng mối quan ngại về cách hành xử của Trung Quốc trên các vùng biển ở Đông Nam Á.
Như các bạn đã biết, chính sách ngoại giao và hành động thực tế của Trung Quốc trên các vùng biển ở Đông Nam Á chứa đựng nhiều sự bất hợp lý và xâm phạm nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của Philippines cũng như nhiều quốc gia khác ở Đông Nam Á, trong đó có đất nước Việt Nam của các bạn. Chính sách này vi phạm nghiêm trọng Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) mà Trung Quốc, cùng với Việt Nam và Philippines, là những bên đã ký kết.
Người dân Philippines chúng tôi luôn bày tỏ quan điểm và thái độ nhất quán của mình là phản đối chính sách ngoại giao này của Trung Quốc, đồng thời bảo vệ đến cùng chủ quyền của chúng tôi đối với các vùng biển, đảo thuộc về chúng tôi theo luật pháp quốc tế.
Chúng tôi kêu gọi những người bạn Việt Nam, với truyền thống bảo vệ chủ quyền từ ngàn xưa của mình và dựa trên các chuẩn mực pháp lý quốc tế, đoàn kết với người dân Philippines chúng tôi trong một nỗ lực bảo vệ các lợi ích chung của nhân dân hai nước trước sự đe doạ của chính phủ Trung Quốc.
Chúng tôi hiểu rằng, nhân dân Việt Nam cũng như nhân dân Philippines, đều có mối quan hệ hợp tác từ lâu đời với nhân dân Trung Quốc và chúng ta không chống nhân dân Trung Quốc, chúng ta chống lại chính sách ngoại giao phi pháp của chính phủ Trung Quốc ở các vùng biển Đông Nam Á.
Cùng đoàn kết, chúng ta sẽ bảo vệ chủ quyền quốc gia của mỗi nước một cách hiệu quả hơn.
Trân trọng,
Liên minh Biển Tây Philippines
Người đòi nợ thuê có thể được cấp giấy phép ?
Theo nghị định này, ngành công an được giao trách nhiệm kiểm tra, giám sát, hướng dẫn việc thực hiện, cũng như xử phạt mọi vi phạm về an ninh, trật tự xã hội. Cũng theo nghị định thì nhân viên làm “dịch vụ đòi nợ thuê” phải mặc đồng phục; phải đeo thẻ nhân viên.
Báo Tiền Phong cho biết, để gia nhập lực lượng này, người lao động phải là người không phạm tiền án. Còn theo báo Lao Động, đòi nợ thuê là một nghề nguy hiểm, cũng nhiều “độc hại” như một số ngành nghề khác.
Thực tế cho thấy, các băng nhóm đòi nợ thuê đã xuất hiện hàng chục năm nay tại nhiều tỉnh ở Việt Nam. Phần lớn các băng nhóm này thuộc giới “giang hồ” khét tiếng, có vũ khí trong tay, hoạt động ngoài vòng pháp luật, vì họ cho rằng chỉ có thể đòi được nợ theo luật… giang hồ. Có nhóm bắt cóc để uy hiếp con nợ, buộc người thân phải nộp tiền chuộc mạng; có nhóm còn dùng cả nhục hình tra tấn để làm con nợ khiếp sợ mà lo chạy tiền trả. Hầu hết nạn nhân phải bán nhà để trả nợ, chấp nhận đường cùng để bảo toàn tính mạng.
Theo công an Đà Nẵng, các băng đòi nợ dùng nhiều kiểu khủng bố tinh thần con nợ, từ việc tung hóa chất, phân lỏng vào nhà cho đến việc đe dọa bằng tin nhắn, chữ viết trên tường…Có lẽ các chiến sĩ Công an Nhân dân đã học tập từ các băng nhóm đòi nợ và đã từng áp dụng những chiêu thức này để khủng bố các nhà dân chủ tại VN như nhà văn Trần Khải Thanh Thủy, gia đình Blogger Hùynh Ngọc Tuấn, Blogger Nguyễn thị Minh Hằng,…
Hơn 500 công ty FDI không còn hoạt động
Báo Lao Động hôm 13-8-2013 có bản tin tưạ đề “Hơn 500 doanh nghiệp FDI bỗng dưng “vắng chủ”: Người lao động lãnh đủ…”
Bản tin cho biết, trong thời gian qua, số lượng doanh nghiệp, dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) không còn hoạt động tại trụ sở đăng ký, chủ đầu tư bỏ về nước hoặc không thể liên lạc được với chủ đầu tư đã gia tăng đáng kể.
Do vậy, người lao động tại các doanh nghiệp này bị mất việc làm, bị nợ lương. Trong khi đó, chính sách lại không có quy định nào hỗ trợ người lao động trong trường hợp này.
Bản tin báo Lao Động kể rằng Cục Thuế tỉnh Bình Dương đã có cả một danh sách các DN FDI cần “truy tìm tung tích” vì chủ đầu tư đã rời khỏi địa chỉ kinh doanh một cách bí mật, không để lại dấu vết.
Ngoài Bình Dương, một số địa bàn khác thu hút được lượng vốn FDI lớn như TPSG, Hà Nội… cũng có một danh sách dài các DN FDI “vắng chủ” cần truy tìm. Có thể kể tới các trường hợp như Cty Shin Cap (100% vốn Hàn Quốc tại TPSG); Cty Hojin (TPSG); Kwang Sung Việt Nam (Đồng Nai); Tân Đài Việt (Thái Bình)…
Báo Lao Động ghi nhận:
“Tính chung cả nước, thống kê của các Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Ban quản lý các Khu Công Nghiệp, Khu Chế Xuất, Khu Công Nhiệp cao, khu kinh tế tính đến ngày 31.5 đã có tới 518 DN FDI “vắng chủ”. Tổng số vốn đầu tư đăng ký tại các DN, dự án này là khoảng 903.110.000USD. Trong đó, hai địa phương “đầu tàu” là Hà Nội và Sài Gòn dẫn đầu số DN FDI bỏ trốn với lần lượt là 105 và 166 DN.”
Leave a Comment