‘Tàu lạ’ vào biển Việt Nam hút cát như chổ không người
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá xã Cẩm Nhượng cho biết, những con tàu khổng lồ mang cờ nước ngoài này bắt đầu xuất hiện vào tháng 10/2012. Có 2 con tàu lớn dài cả trăm mét, rộng chừng 20- 30 mét thay nhau chạy ra rồi neo đậu ở vùng Cồn Giữa, ngư trường lắm hải sản. Thường đậu ở khu vực Đông Bắc hòn Én, khi thì cách 6 đến7 hải lý, khi thì 10 đến 13 hải lý.
Lúc đầu chỉ nghĩ là tàu nào đến thăm dò dầu khí. Mãi đến khi phát hiện vùng nước xung quanh con tàu bị đục ngầu như kiểu đáy biển bị khuấy đảo, ngư dân mới biết được rằng những con tàu đó ra để hút cát.
Từ khi những con tàu lạ này đến hút cát cũng là lúc ngư trường đánh bắt truyền thống của ngư dân Cẩm Nhượng bị xâm hại nghiêm trọng.
Ông Thanh, Chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá bức xúc: “Nó hút sạch những thứ dưới đáy biển, sau đó lên tàu sẽ được lọc, để lại cát, còn những thứ khác lại thải ra. Như thế thì có con gì mà sống được. Gần 1 năm qua, nhiều ngư dân kêu trời vì không kiếm được hải sản, sản lượng tụt ghê gớm”.
Đứng trên tầng 3 trụ sở xã, ông Nguyễn Sỹ Huyền, Chủ tịch xã Cẩm Nhượng vừa chỉ tay vào con tàu đang hút cát vừa nói, họ khai thác tài nguyên ngang nhiên quá. Mặc dù xã đã nhiều lần báo cáo lên huyện, tỉnh, biên phòng từ tháng 10/2012 nhưng dường như bất lực. Đến nay những con tàu này vẫn ngang nhiên ra khai thác trái phép. Chỉ tội ngư dân, cả vùng biển rộng lớn bị khuấy đảo, tất cả thủy hải sản không thể cư ngụ được nữa.
Dư luận cho rằng vì đã hút cát cả năm nay rồi nên những tàu này không là “tàu lạ” mà là “tàu quen”. Và thấy rõ, chính quyền CSVN cho phép như thế, bất kể tới quyền lợi ngư dân.
Hoa Kỳ vẫn chưa sẵn sàng gỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam
Trong buổi họp báo tại Hà Nội ngày 7/8, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam David Shear nói:
Phía Việt Nam đã bày tỏ nguyện vọng muốn Hoa Kỳ tháo gỡ cấm vận [vũ khí sát thương], và chúng tôi sẽ xem xét yêu cầu này một cách nghiêm túc.
“Tuy nhiên, chúng tôi cũng tin rằng để có được sự ủng hộ chính trị nhằm tháo gỡ cấm vận … chúng tôi cần thấy được những tiến bộ về vấn đề nhân quyền từ phía Việt Nam.”
Theo tường thuật của truyền thông nhà nước CSVN, đại sứ Shear cho rằng từ đầu năm 2013 đến nay Việt Nam đã có những cải thiện đáng kể trong lĩnh vực nhân quyền.
Dư luận thắc mắc có phải đại sứ Shear thật sự có tuyên bố như vậy hay không, hoặc truyền thông nhà nước CSVN nghe lầm hay đưa tin sai sự thật. Vì trước đó, trong một thông cáo đăng tải trên trang web ngày 6/8, đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội đã “bày tỏ quan ngại sâu sắc” trước Nghị định 72 của chính phủ CS Việt Nam về quản lý Internet, đồng thời kêu gọi chính phủ CS Việt Nam tôn trọng quyền tự do ngôn luận.
Đồng thời trong những ngày qua thành tích nhân quyền của Hà Nội đang bị thế giới chỉ trích gay gắt là ngày càng tệ đi với số các nhà bất đồng chính kiến bị cầm tù trong nửa đầu năm nay tăng gấp đôi so với toàn bộ năm ngoái. Cùng với cộng đồng quốc tế, chính phủ Hoa Kỳ thời gian gần đây nhiều lần chỉ trích thành tích nhân quyền Việt Nam, cụ thể qua các bản án của các nhà hoạt động Công giáo, trường hợp tù đày của blogger Điếu Cày, hay vụ án của hai nhà hoạt động sinh viên Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha.
Hôm 8/8, Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Hà Nội cho biết việc báo chí Việt Nam loan tin đại sứ Mỹ David Shear phát biểu rằng nhân quyền Việt Nam “đã có những cải thiện đáng kể” là sai sự thật và đã yêu cầu đính chính và đề nghị xin lỗi.
Tuy nhiên tính đến 4 giờ sáng ngày 10/8 (giờ Hà Nội), các trang báo điện tử nhà nước bao gồm Tiền Phong, Đất Việt, Dân Trí, Sài Gòn News..v..v.. vẫn còn giữ nguyên các bản tin vừa kể.
Công an CSVN áp lực mẹ của Blogger Đoan Trang
Lý do của buổi “làm việc” này liên quan đến việc Đoan Trang đã ký tên và cùng nhiều bạn khác đại diện cho Mạng Lưới Blogger Việt Nam đến trao Tuyên Bố 258 cho đại diện Ủy ban Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc (OHCHR) và nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế như Human Rights Watch, SEAPA, Freedom House, Forum-Asia…
Mạng lưới Blogger Việt Nam viết:
“Hành động tách riêng và sách nhiễu một vài cá nhân đại diện hay thân nhân của những cá nhân này đồng nghĩa với việc xúc phạm đến toàn thể những người đã ký tên và tham gia vận động cải thiện nhân quyền ở Việt Nam.
Blogger Đoan Trang là một người trưởng thành, tự mình chịu trách nhiệm trước pháp luật với tư cách một công dân; không một ai liên quan hay phải chịu trách nhiệm pháp lí nào về hành động của cô ấy.
Hành động “làm việc” với cụ bà Bùi Thị Thiện Căn của Tổng cục An ninh là một hành động vô lương tâm, trái đạo lý, trái luật và là câu trả lời của nhà nước Việt Nam đối với Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc và các tổ chức nhân quyền quốc tế. Thái độ này sẽ góp phần vào việc tạo nên hình ảnh tiêu cực của Việt Nam khi đang vận động được trở thành một thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2014-2016.
Mạng lưới Blogger Việt Nam gửi thông báo này đến tất cả những blogger Việt Nam, đồng bào trong và ngoài nước, cùng những cơ quan tổ chức quốc tế đã nhận Tuyên bố 258 để kêu gọi cùng lên tiếng phản đối và đồng hành hỗ trợ blogger Đoan Trang trước những hành động mang tính trấn áp tinh thần và sách nhiễu một cụ bà 73 tuổi chỉ vì những việc làm chính đáng, hợp pháp của nhà báo, blogger Đoan Trang.
Mạng lưới Blogger Việt Nam kêu gọi các bạn blogger, bằng hữu hãy đến chia sẻ, hỗ trợ tinh thần với mẹ của blogger Đoan Trang và cùng nhau đoàn kết, đồng hành trên con đường còn nhiều thử thách và khó khăn này.”
Độc giả có thể đọc thêm thông tin ở Mạng lưới Blogger Việt Nam – Website: http://tuyenbo258.blogspot.com
Thêm một dự thảo nghị định “trời ơi”
Sau một loạt các dự thảo quy định “trời ơi” như: Xe chính chủ; “ngưc lép” không được lái xe trên 50 phân khối; Cấm phụ nữ mang thai sau 33 tuổi; cộng thêm 2 điểm cho bà mẹ VN anh hùng khi iđ thi đại học;… Hôm 8.8.2013, một dự thảo nghị định về các điều khoản liên quan đến quyền cư trú của công dân vừa được đưa ra đã gây xôn xao dư luận. Đó là quy định phạt tiền từ 2 triệu cho đến 4 triệu đồng các chủ nhà cho người khác nhập hộ khẩu, nhưng không cư trú.
Báo Thanh Niên dẫn phát biểu của một cư dân huyện Bình Chánh, Sài Gòn cho rằng đó là quy định máy móc. Theo ông, hầu hết các đô thị lớn ở Việt Nam, đặc biệt là Sài Gòn, đều có người “đặt để tên tuổi mình trong hộ khẩu,” nhưng phải lo bươn chải làm ăn xa.
Ông Nguyễn Thanh Lương, luật sư tỉnh Bến Tre cũng cho rằng, quy định mới này sẽ gây xáo trộn không nhỏ cho đời sống cư dân bởi đi ngược thực tế cuộc sống của người dân.
Ðặc biệt, ông Cao Văn Ðen, phó trưởng phòng Công An Quản Lý Hành Chính và Trật Tự Xã Hội của công an Sài Gòn cũng phê phán quy định nói trên là “không khả thi.” Ông Ðen nói: “Luật cư trú cho phép công dân được cư trú hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam, không bó hẹp nơi thường trú, nơi có hộ khẩu. Thực tế, nhiều người có hộ khẩu ở Sài Gòn mà phải đi làm ăn xa, hoặc công việc đòi hỏi phải di chuyển thường xuyên, không lưu lại tại địa chỉ cư trú. Vậy định nghĩa nơi cư trú thực tế như thế nào cho hợp lý?”
Leave a Comment