Bà Nguyễn Thị Nga, vợ nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa cho biết ngay sau khi tiết lộ tin này, chồng bà bị cán bộ trại giam xông vào bịt miệng, lôi vào bên trong, và bị kỷ luật từ đó đến nay. Hiện đang bị giam chung với một người tên Trần Văn Tiến, làm gián điệp cho Trung Quốc bị tù chung thân. Đây là hình thức trả thù kiểu mới. Trại giam đưa một người khác vào ở chung để muốn vu khống điều gì thì dựa trên lời chứng của người ở cùng. Cũng như lần trước, ông ở cùng với ông Nghĩa ở trại Nam Hà vu khống ông Nghĩa đã lôi kéo ông ấy vào các hành động phản động này khác, và như vậy là ông Nghĩa bị đem ra biệt giam.
Văn Bút Anh kêu gọi chính quyền Việt Nam bảo đảm rằng ông Nguyễn Xuân Nghĩa không bị trả thù trong trại giam. Văn Bút Anh cũng đề nghị mọi người khắp nơi cùng ký tên vào thỉnh nguyện thư, yêu cầu Việt Nam trả tự do cho hai ngòi bút đang bị cầm tù là blogger Điếu Cày và nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, cùng tất cả các tù nhân đang bị vi phạm quyền tự do bày tỏ quan điểm, vốn là điều mà Hà Nội đã ký kết tôn trọng trong Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị của công dân.
Đã hơn một tháng nay, sự hoang mang và phẫn nộ đang bao trùm trên toàn giáo xứ Mỹ Yên, Gp Vinh kể từ khi Công an Nghệ An bắt cóc 2 giáo dân thuộc giáo xứ này vào ngày 27/6/2013.
Hai giáo dân này là ông Ngô Văn Khởi (53 tuổi thường trú tại xóm 14 xã Nghi Phương, huyện Nghi Lộc, Nghệ An). Ông bị một số người lạ mặt chặn bắt cóc khi ông đang trên đường đi dự đám cưới người thân vào trưa ngày 27/6/2013. Sau 8 ngày mất tích thì gia đình mới biết được những kẻ bắt cóc là Công an Nghệ An khi họ nhận được thông báo “khởi tố và bắt tạm giam” với cáo buộc “gây rối trật tự công cộng”. Tương tự, trường hợp anh Nguyễn Văn Hải (43 tuổi, thường trú tại xóm 11, xã Nghi Phương, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) cũng bị những kẻ lạ mặt chặn đường bắt cóc khi anh đang trên đường chở cháu trai vào Thành phố Vinh để khám bệnh. Ông Ngô Văn Khởi từng là một thành viên trong Ban Hành Giáo của giáo xứ và ông Nguyễn Văn Hải hiện là một giáo lý viên của giáo xứ.
Đứng trước tình trạng bất ổn này, toàn giáo xứ Mỹ Yên đã phải lập giờ giới nghiêm để giữ gìn trật tự trong toàn giáo xứ, tổ chức cầu nguyện mỗi ngày và căng băng rôn để phản đối việc làm mờ ám của chính quyền Nghệ An.
Lo âu và phẫn nộ là tâm trạng mà người dân nơi đây nói chung và giáo dân xứ Mỹ Yên nói riêng đang ở mức khó kiểm soát. Bởi họ cho rằng, đây lại là cách thức bỉ ổi mà chính quyền và công an thường dùng để thực hiện ý đồ đen tối của mình. Việc Công an dựa vào sự hiền lành, thật thà, ít am hiểu luật pháp của người dân để lừa gạt nhằm thỏa mãn mục đích của mình là điều thường xảy ra.
Du khách Trung Quốc phá hoại sinh vật biển Hoàng Sa
Nhiều tháng sau khi Bắc Kinh mở ra các tour du lịch tại Hoàng Sa, quần đảo chiếm được của Việt Nam từ năm 1974, thái độ của các du khách Trung Quốc tại đây đang bị lên án. Những tấm ảnh những người khách này đang xâm hại các sinh vật biển quý hiếm tại Hoàng Sa, từ ngày 26/07/2013 đã làm dấy lên một làn sóng chỉ trích gay gắt trên các diễn đàn mạng Trung Quốc.
Trong các tấm ảnh được đăng trên mạng, người ta thấy một nhóm người lặn biển tại một hòn đảo ở Hoàng Sa – sục sạo dưới đáy biển tìm bắt những con cầu gai và sao biển. Những sinh vật biển này sau đó trở thành món sashimi và cầu gai hấp trong bữa ăn tối của họ.
Trong nhiều hình khác, khách du lịch Trung Quốc khoe khoang đã thưởng thức món thịt trai tai tượng khổng lồ, ốc Anh Vũ… các loài nhuyễn thể lớn có nguy cơ tuyệt chủng, được Công ước về buôn bán các loài hoang dã đang nguy cấp bảo vệ.
Có hàng ngàn ý kiến chỉ trích của cư dân mạng, nhiều người cho rằng việc mở tour du lịch tại Hoàng Sa là một ý tưởng tồi tệ.
Hãng tin AFP nhắc lại, trong những tuần lễ gần đây, những cuộc tranh luận đã dấy lên tại Trung Quốc về thái độ thiếu văn hóa của du khách nước này – mà số lượng người đi đến các quốc gia nhiệt đới du lịch ngày càng đông đảo. Sự kiện nói trên gợi nhớ vụ một con cá heo bị chết trên bãi biển đảo Hải Nam hồi tháng Sáu, do bị khách du lịch kéo lên khỏi mặt nước để chụp hình kỷ niệm.
South China Morning Post dẫn lời một phát ngôn viên chính quyền của “thành phố Tam Sa” – đơn vị hành chính do Trung Quốc tự tiện lập ra vào năm 2012 trong đó gồm cả quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam – biện hộ rằng luôn ưu tiên cho việc bảo vệ môi trường. Tờ báo Hồng Kông ghi nhận, việc Trung Quốc cho mở các tour du lịch tại Hoàng Sa đã gây phẫn nộ cho Việt Nam và khiến Hoa Kỳ quan ngại.
Gần 9,000 tàu đánh cá của Trung quốc từ đảo Hải Nam đang chuẩn bị ào xuống Biển Đông sau khi cái lệnh cấm đánh cá của Trung quốc năm nay hết hiệu lực vào ngày 31/7/2013. Lệnh cấm đánh cá hàng năm do Trung quốc ngang nhiên áp đặt bất chấp quyền tự do đánh cá trên biển của ngư dân Việt Nam, bao trùm trên cả những vùng biển Việt Nam khẳng định chủ quyền.
80% các tàu đánh cá Trung quốc tràn xuống Biển Đông là từ thị trấn Đàm Môn thành phố cảng Quỳnh Hải, phía đông đảo Hải Nam.
Ngoài những tàu đánh cá của đảo Hải Nam, tàu dánh cá của tỉnh Quảng Đông và khu tự trị Quảng Tây Choang cũng tràn xuống vịnh Bắc Bộ và Biển Đông đánh cá, nhiều khi xâm nhập sâu vào các vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Sự vi phạm trắng trợn khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam và vào rất gần với bờ biển Việt Nam như thế, những năm qua, người ta không thấy tàu tuần, cảnh sát biển bắt giữ đám tàu ngang ngược của Trung Quốc.
Tháng Ba vừa qua, báo Tuổi Trẻ cùng nhiều tờ báo khác đưa tin “năm 2012 Bộ đội biên phòng Đà Nẵng đã phát hiện 717 lượt tàu cá xâm phạm trái phép trên khu vực đông bắc Đà Nẵng từ 25-45 hải lý, tăng hơn 550 lượt vi phạm so với năm 2011. Những tàu cá này đi thành từng tốp có số lượng đông, những tàu có công suất lớn hoặc trang bị vỏ sắt đi phía trước, bảo vệ, hỗ trợ cụm 4-10 tàu ngang nhiên lấn chiếm ngư trường, xua đuổi tàu cá của ngư dân Việt Nam”.
Trong khi đó, nhà cầm quyền CSVN chỉ phản đối suông, không có các biện pháp bảo vệ ngư dân, cũng như Thứ trưởng Quốc Phòng của Cộng sản Việt Nam là Nguyễn Chí Vịnh trong dịp lễ kỷ niệm 86 năm ngày thành lập quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc vẫn tiếp tục ca tụng quan thày và nói Việt Nam là bạn, là đồng chí cùng chung lý tưởng, và tuyên bố Việt Nam cam kết thắt chặt tình hữu nghị của đôi bên. Nguyễn Chí Vịnh đã không dám đưa ra bất cứ một lời tuyên bố nào về những tranh chấp căng thẳng ở Biển Đông trong khi tàu hải quân Trung Cộng vẫn liên tục uy hiếp, cướp bóc, tấn công các tàu cá của Việt Nam hoạt động trong khu vực.
Leave a Comment