Việc cựu Tổng thống Lý Minh Bác đi thăm đảo Dokdo vào tháng 8 năm 2012 và chuyện nữ Tổng thống Phát Cận Huệ khi họp báo với Tổng thống Obama tại White House vào đầu tháng 5 năm 2013 đã tuyên bố rằng Nhật Bản cần có sự nhận thức đúng về lịch sử. Câu tuyên bố này đã làm cho Hoa Kỳ phải chau mày rồi sau đó yêu cầu Hàn quốc không nên nêu đích danh Nhật Bản ra để chỉ trích, làm như vậy sẽ có hại cho liên minh chống lại việc Bắc Triều Tiên chế tạo vũ khí hạt nhân. Về phía Nhật Bản thì lẽ đương nhiên rất bực mình với câu tuyên bố đó và đã phản ứng lại bằng nhũng hành động vừa phải để khỏi gây thêm căng thẳng ngoại giao giữa hai nước.
Trong bối cảnh đó thì giải bóng đá Đông Á 2013 được tổ chức tại Hàn quốc. Trong trận cuối của giải, hai đội Hàn-Nhật gặp nhau tối ngày 28/07/2013 trên sân Seoul Olympic Stadium. Chuyện khán giả Hàn quốc đông nghẹt ủng hộ đội nhà, áp đảo tinh thần đội Nhật Bản chẳng có gì đáng nói vì ở đâu cũng thế, có điều khi trận đấu bắt đầu thì một số khán giả Hàn quốc bỗng nhiên căng một biểu ngữ thật dài và thật lớn có nội dung như sau: Một dân tộc mà quên lịch sử thì chẳng có tưong lai.
Khi nhìn thấy biểu ngữ này cả mấy chục ngàn người đứng lên vỗ tay. Phải đến khi phía Nhật Bản lên tiếng kháng nghị, Ban tổ chức mới cho người đến hạ xuống, lẽ đương nhiên có sự xô xát một chút với những người treo biểu ngữ, nhưng rồi đâu cũng vào đó. Tuy nhiên vấn đề không phải hạ tấm biểu ngữ xuống là xong chuyện vì sau đó Nhật Bản đã chính thức nạp đơn kiện Hiệp hội Bóng đá Hàn quốc với Liên đoàn Bóng đá Á châu về chuyện đã để cho Fan đem chính trị vào thể thao.
Phát ngôn viên chính phủ Nhật, ông Suga Yoshihide, họp báo nói rằng chúng tôi phẫn nộ về hành động treo biểu ngữ phỉ bán dân tộc Nhật Bản ở Seoul Olympic Stadium vừa rồi. Luật của Hiệp hội Bóng đá Thế giới (FIFA) là cấm không cho đem chuyện chính trị vào bóng đá dưới bất cứ hình thức nào. Ông Suga còn cho biết thêm rằng Liên đoàn Bóng đá Á châu đã hứa sẽ điều tra sự việc đến nơi đến chốn để có sự phân xử thỏa đáng theo điều luật của FIFA.
Thưa quý thính giả, năm 2012 Olympic London, trong trận đấu tranh hạng 3 giữa hai đội Hàn-Nhật, trung vệ Park Jong Woo khi đá vào được một trái đã cởi áo ngoài ra để lộ áo lót có ghi hàng chữ Đảo Dokdo là của Hàn quốc. Park đã bị FIFA phạt không cho lên nhận huy chương đồng, treo giò 2 trận và phải đóng phạt 3.500 phật-lăng tiền Thụy Sĩ. Hành động của cầu thủ Park ít có ai chấp nhận, nhưng rồi người ta cũng bỏ qua vì đó là sự nông nổi của một cá nhân. Trường hợp Hiệp hội Bóng đá Hàn quốc thì khác, cho dù việc căng biểu ngữ là do hành động quá khích của một số khán giả, nhưng nếu như khi vừa mới căng lên mà Ban tổ chức có người đến cấm thì sự việc sẽ khác, đằng này phải đợi đến khi phía Nhật Bản kháng nghị mới giải quyết thì rõ ràng là thiếu trách nhiệm nếu không muốn nói là làm ngơ để mặc cho khán giả phỉ bán dân tộc Nhật Bản.
Theo các bình luận gia túc cầu thì nếu FIFA phạt thì có thể cấm không cho Hiệp hội Bóng đá Hàn quốc tổ chức các trận đấu quốc tế trong một thời gian và đóng một số tiền phạt. Bị FIFA cảnh cáo đã là mang tiếng, bị phạt thì càng ô danh không biết đến bao giớ mới rửa sạch bởi vậy các bình luận gia này nói rằng muốn phản đối Nhật ở đâu thì tùy ý chứ đem chính trị vào thể thao là hỏng chuyện, chắc chắn dễ gây phản cảm.
Ngày 25 tháng 7 vừa qua theo lệnh của bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung quốc, viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Sơn Đông đã khởi tố ông Bạc Hy Lai, ủy viên bộ Chính trị bị thất sủng, về tội tham nhũng, hối lộ và lạm quyền . Gọi là theo lệnh vì vụ ông Bạc Hy Lai ngay cả viện Kiểm sát Trung ương cũng không dám rục rịch khi mà thượng tầng lãnh đạo đang họp bàn cách xử lý sao cho ổn để tránh tối đa sự phản đòn của phe cánh ông Bạc Hy Lai từ trung ương đến địa phương. Một ngày trước khi đem ra xử, hãng thông tấn Tân Hoa Xã đã cho đi một bài bình luận nói rằng bất cứ ai, dù địa vị, chức vụ cao cách mấy mà làm chuyện bậy thì không sao chạy trốn được pháp luật. Bài bình luận này đã sử dụng cái câu ‘‘Chúng ta phải đánh từ con ruồi đến con cọp’’ mà ông Tập Cận Bình đã nói mỗi khi đề cập đến chuyện phòng chống tham nhũng.
Một vài ủy viên trong Ủy ban Kiểm tra Trung ương đảng Cộng sản Trung quốc cố tình tiết lộ cho mọi người biết rằng Ủy ban đã nhận được lệnh từ bộ Chính trị khi đem ông Bạc Hy Lai ra xử thì chỉ nhấn mạnh vào các vụ tham nhũng hối lộ mà thôi còn các chuyện khác như chuyện liên hệ tình cảm với nhiều phụ nữ hay chuyện có can dự vào vụ giết người mà vợ của ông Bạc đang lãnh án tử hình treo thì tuyệt đối không được đề cập đến.
Theo các nhà hoạt động xã hội ở Hoa lục thì chỉ những vụ ăn cắp, ăn trộm lặt vặt ngoài đường mà bị bắt thì tòa án xử cũng còn rất đàng hoàng, chứ ở cái xứ độc tài độc đảng này thì ngoại trừ những chuyện xử trộm cắp vặt đó làm gì có cái chuyện mọi người bình đẳng trước pháp luật. Dân mà đi kiện quan làm bậy thì đâu có tòa án nào thụ lý hồ sơ, còn quan mà lôi dân ra tòa chỉ vì một chút bực tức có tính cách cá nhân là coi như dân tàn đời. Theo quy định của luật pháp hiện hành chỉ cần nhận hối lộ trên 100 ngàn nhân dân tệ là có thể bị xử tử hình thế mà quan tham Lưu Chí Quân, cựu Bộ trưởng đường sắt Trung quốc, nhận hối lộ 800 triệu nhân dân tệ (tương đương với 130 triệu mỹ kim) thì chỉ bị kết án tử hình treo, nghĩa là đi ở tù vài năm sẽ được về theo một lệnh ân xá đặc biệt nào đó của Chủ tịch nước. Thật ra trong ngành đường sắt ở Trung quốc ai cũng biết ông Quân là quan tham ngay khi vừa mới lên nhậm chức, 130 triệu mỹ kim là con số mà viện Kiểm sát đưa ra chứ thức tế còn nhiều gấp mấy lần, đó là chưa kể đến chuyện bê bối đời tư, ông Bộ trưởng này có đến 10 nhân tình, trong đó có một số diễn viên nổi tiếng, nhưng pháp luật nào dám đụng đến ông ta. Nếu không xảy ra tai nạn đường sắt cao tốc ở thành phố Ôn Châu năm 2011 làm thiệt mạng 40 hành khách và hơn 200 người khác bị thương thì bây giờ ông ta không chừng lọt được vào bộ Chính trị.
Ông Bạc Hy Lai là Ủy viên bộ Chính trị nên mức độ tham nhũng, hối lộ và lạm quyền chắc chắn phải quy mô hơn ông Bộ trưởng Lưu Chí Quân nhiều nên nếu xử ông Bạc tử hình thì cũng đúng thôi, nhưng không phải vì thế mà loại đi được một ông trùm tham nhũng vì từ trước đến nay có ai trong bộ Chính trị không phải là ông trùm. Ông Bạc Hy Lai bị kết án như thế nào không phải dựa vào luật pháp mà tuỳ tình hình đấu đá giữa hai phe trong thượng tầng lãnh đạo. Bây giờ thì phe cánh ông Bạc Hy Lai đang yếu thế nên có thể ông ta bị xử tử hình nhưng để đó để ngóng tình hình, nếu thấy cánh ông Bạc phản đối mạnh thì còn đường tính tiếp, bởi vậy người dân ở Hoa lục không cho rằng đây là một phiên tòa theo đúng nghĩa thật sự của nó mà coi đây như là một đấu trường của thượng tầng lãnh đạo đảng Cộng sản Trung quốc.
Leave a Comment