Quảng Cáo

Hàng loạt nông dân bỏ ruộng vì sưu cao thuế nặng

Quảng Cáo

Nông dân Việt Nam càng ngày càng bỏ ruộng hoang nhiều hơn vì sưu thuế nặng, chi phí phân bón, thuốc trừ sâu cứ gia tăng, giá bán lúa ngày mỗi giảm nên sau khi thu hoạch không đủ ăn. Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn Việt Nam cho biết người dân tại xã Trường Lộc huyện Can Lộc tỉnh Hà Tĩnh trả lại diện tích ruộng gần cả chục thước vuông. Thôn Phúc Trường được coi là vựa lúa của xã Trường Lộc.

Lý do bỏ ruộng là vì người dân cho biết một sào ruộng làm vất vả, cực nhọc trong vòng 6 tháng, nếu được mùa cũng chỉ thu về có 2.5 tạ thóc. Tiền đầu tư chi phí hết đã gần 2 tạ. Nộp thuế nữa thì vừa hết. Đó là không kể công lao, mồ hôi nước mắt đổ ra suốt thời gian đó từ khi gieo cấy, bón phân, phun thuốc trừ sâu bọ, làm cỏ, đến khi thu hoạch. Một nông dân cho biết gia đình ông làm 5 sào ruộng, tiền đầu tư hết 3 triệu đồng, đến lúc bán lúa ra chỉ được 2.5 triệu đồng, mỗi sào lỗ một trăm ngàn.

Một trong những lý do chính thúc nông dân bỏ ruộng là thuế và lệ phí chồng chất. nhà nước thu thuế từ vấn đề giao thông, thủy lợi, bảo vệ, khuyến nông, diệt chuột, rồi dân lại phải đóng tiền cho quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ phòng chống thiên tai, quỹ vì trẻ em, quỹ khuyến học, quỹ văn hóa, y tế, giáo dục, chưa kể đến quỹ An ninh quốc phòng, quỹ tiêm phòng gia súc.

Vì làm ruộng không đủ tiền đóng thuế, nông dân đến chết vẫn còn nợ vì thuế mùa trước chưa trả cộng với thuế mùa sau, cứ chồng chất lên thêm. Không riêng gì tại Hà Tĩnh, nông dân Quảng Bình cũng bỏ ruộng hoang ở các huyện Quảng Ninh, Bố Trạch, Lệ Thủy vì giá lúa thấp, thu không đủ chi. Nhà nước Cộng sản Việt Nam thì cứ tuyên truyền sẽ ổn định đời sống cho người dân ở nông thôn, nhưng sự thật cho thấy những người nông dân miền Trung rất nghèo khốn đốn và kêu rên vì bị bóc lột đến xương tủy.

 

Hai ngàn công nhân đình công ở Thái Bình

Vào sáng sớm ngày 29/07 có ít nhất 2 000 công nhân của hãng Ivory Việt Nam đã đình công đòi tăng lương, giảm giờ làm việc. Cuộc đình công, trước trụ sở Công ty Ivory Việt Nam, tọa lạc tại huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình gây gián đoạn giao thông. Công an huyện Vũ Thư nại lý do này, đã kéo đến để tái lập trật tự giao thông, xua thợ đình công rời khỏi lòng đường. Công nhân Ivory không chịu giải tán, chiếm vỉa hè trước cổng công ty tiếp tục cuộc đình công. Cuộc đình công kéo dài ba tiếng đồng hồ. Sau đó, họ lần lượt ra về, chứ không chịu trở vào xưởng làm việc.

Báo Thanh Niên dẫn lời đại diện công nhân cho biết, cuộc đình công của họ nhằm phản đối ông chủ người Nam Hàn đã buộc thợ tăng giờ làm việc trong hai ngày mỗi tuần lễ. Thêm giờ tăng ca, họ chỉ được rời xưởng máy sau 7 giờ rưỡi đêm. Những người thợ đình công còn cho rằng, họ cần được hưởng nhiều khoản trợ cấp khác như xăng xe, tiền ăn, nuôi con nhỏ v.v.. mới tạm đủ sống để làm việc.

Tổng giám đốc Công ty Ivory Việt Nam, ông Nam Song Joung Heup nhìn nhận đã vi phạm luật lao động khi đơn phương ép công nhân phải làm việc quá 30 tiếng đồng hồ mỗi tháng.

Cũng theo báo Thanh Niên, ông Nam Song Joung Heup  cam kết sẽ chấm dứt việc buộc công nhân làm thêm giờ. Tuy nhiên, ông này không chấp thuận yêu sách đòi tăng lương, tăng trợ cấp gia đình…, nại lý do sản xuất trì trệ, tình hình tài chính eo hẹp. Cuộc xung đột chủ – thợ tại công ty này xem ra vẫn còn tiếp tục, đe dọa đình công kéo dài bất chấp lời cảnh cáo của chính quyền huyện Vũ Thư.

 

Sức khỏe người dân bị đe dọa từ những đôi đũa sơn của Trung Quốc

Những đôi đũa sơn nhiều màu sắc, giá chỉ từ 8 đến 12,000 đồng 10 đôi đang được người dân Việt Nam xử dụng, hay mua về làm quà. Thế nhưng theo các chuyên gia hóa học, sức khỏe người dùng sẽ bị đe dọa vì màu sơn của những đôi đũa này rất dễ phơi nhiễm ra trong quá trình tiếp xúc với thức ăn.

Những loại đũa này có xuất xứ từ Trung Quốc với đủ màu sắc, chạm khắc hoa hòe. Nhiều loại đũa có nhãn hiệu Việt nhưng ngoài một cái tên ra thì không có địa chỉ của nhà sản xuất.

Loại đũa sơn Trung Quốc này khi bỏ ra khỏi túi có mùi sơn rất hắc, miết mạnh tay một chút là chất sơn đã nhuộm ra cả tay. Ngay khi bỏ đũa vào chậu nước, màu sơn đã bắt đầu phai, càng rửa màu sơn càng ra nhiều. Nếu luộc đũa bằng nước nóng rồi rửa lại, màu sơn trong đũa vẫn tiếp tục phai ra vàng cả chậu nước. Một chuyên gia cho biết về nguyên tắc, không được sơn bất cứ thứ gì lên trên bát đĩa hay đũa bởi các chất này có thể bị thôi ra trong một điều kiện hay nhiệt độ nào đó, nhất là các đồ dùng trong thực phẩm. Sơn và vecni là các hợp chất hữu cơ, vì thế có những thành phần độc cho sức khoẻ con người.

Sơn có các oxit kim loại và màu. Khi bị phai ra và ăn vào dạ dày, các axit trong cơ thể sẽ tác động đến kim loại và ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa.

Các chuyên gia khuyên mọi người nên dùng dũa tre, không sơn phủ ngoài bóng bẩy hoặc có những màu sắc trông không thật. Trước khi sử dụng lần đầu tiên, nên rửa kỹ với nước rửa bát, hoặc có thể dùng cồn để lau sạch lớp hóa chất bên ngoài rồi rửa lại với nước sạch.

 

Trung Quốc đối đầu với cuộc khủng hoảng nặng về nguồn nước dùng

Trung Quốc đang gặp một vấn nạn lớn, trầm trọng hơn cả việc mức sản xuất giảm sút  hay giá nhà bấp bênh. Đó là sự khủng hoảng về nguồn nước dùng, và đó là một tai họa có thể ảnh hưởng đến toàn Châu Á và thế giới.

Trong buổi tường trình tại Thượng Viện Hoa Kỳ trong tuần vừa qua, Giám Đốc của Ủy Ban Quan Hệ Châu Á  là bà Elizabeth Economy đã phát biểu là Trung Quốc đang đối đầu với cuộc khủng hoảng nguồn nước có ảnh hưởng sâu rộng nếu chính quyền Trung Quốc không làm chủ được tình hình trong vòng vài  năm trước mặt.

Theo chính các giới chức trách nhiệm về nguồn nước của Trung Quốc thì có hơn 400 thành phố đã không có đủ nước dùng trong năm qua, trong số đó 110 thành phố nước khan hiếm trầm trọng.

Bà Economy nói nguyên nhân chính của tình trạng này là kỹ nghệ, sử dụng nhiều gấp 4 tới 10 lần số lượng nước so với những nền kỹ nghệ tương tự, và làm ô nhiễm những nguồn nước hiện có ở mức độ báo động. Bà Economy trích thống kê của Trung Quốc cho thấy là 90% nguồn nước dưới đất sâu đã bị ô nhiễm, và 25% nước trong những giòng sông lớn dơ bẩn tới độ không thể sử dụng cho kỹ nghệ hay nông nghiệp. Nước từ vòi thì hầu hết không uống được, và sự ô nhiễm lan sang tới hệ thống thực phẩm với hậu quả có thể là khủng hoảng y tế và xung đột với các nước láng giềng. Trung Quốc nằm ở đầu nguồn nhiều con sông quan trọng của Á Châu như các giòng sông Irtyush, Mekong và Brahmaputra và căng thẳng diễn ra khi Trung Quốc phát triển những kế hoạch ở thượng nguồn có ảnh hưởng đến những quốc gia ở hạ nguồn.

 

 

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux