Nhiều thành phố Việt Nam đang trở thành phố Tàu
Báo chí trong nước đang lên tiếng báo động tình trạng nhiều địa phương với các khu trưng toàn biển tiếng Trung Quốc, giao dịch buôn bán chủ yếu với người Trung Quốc được người dân thường gọi là “Phố Tàu”.
Làng nghề mộc truyền thống từ hàng trăm năm của Bắc Ninh đang dần bị biến thành… “khu phố tiếng Tàu”. Đi dọc con đường làng vào thôn Đông và Phù Khê Thượng (Phù Khê, Từ Sơn, Bắc Ninh), nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi bắt gặp hàng loạt biển hiệu “lạ”. Những tấm biển hiệu tràn ngập tiếng Trung xen giữa tiếng Việt ở những xưởng sản xuất gỗ, công ty vận tải, cửa hàng ăn, nhà nghỉ…
Không chỉ cửa hàng đồ gỗ mà các nhà nghỉ, công ty vận chuyển, cửa hàng ăn uống đều treo biển hiệu tiếng Trung xen lẫn tiếng Việt. Theo một số người dân ở đây, nhiều người Trung Quốc thuê lại nhà nghỉ, cửa hàng để kinh doanh dịch vụ cho người Trung Quốc.
Bên cạnh đó thành phố Hạ Long ở miền bắc Việt Nam đang biến thành Phố Tàu. Một bài báo cho biết tuyến đường du lịch chạy dọc bãi biển Bãi Cháy của thành phố Hạ Long giờ đây đầy rẫy các bảng hiệu in tiếng Hoa. Đi chưa đầy một cây số trên tuyến đường mang tên Hạ Long, có thể thấy hàng chục bảng hiệu của khách sạn, cửa hàng bán đồ lưu niệm bằng Hoa ngữ. Hầu hết chủ cửa hàng có bảng hiệu chữ Trung Cộng trên tuyến đường này là người Việt Nam, phần lớn không đọc nổi dòng chữ Trung Cộng trên bảng hiệu nhà mình.
Ngay bảng hiệu của hai khu mua sắm lớn nhất dành cho du khách đến Hạ Long là Chợ đêm Hạ Long và Siêu thị Thanh Niên cũng chú thích dòng chữ Trung Cộng lớn hơn cả dòng chữ Việt. Bài báo cho rằng việc này vi phạm luật vì trên nguyên tắc, bảng hiệu nếu sử dụng hai thứ tiếng thì chữ ngoại quốc không được quá ba phần tư khổ chữ tiếng Việt và phải đặt bên dưới chữ tiếng Việt. Tuy nhiên tại đây các cửa tiệm Từ ăn uống, ngủ nghỉ, đồ lưu niệm, thời trang, ngay cả cửa hàng tạp hóa, nơi bán những thứ đồ lặt vặt cũng hoàn toàn bằng tiếng Hoa.
Tại khu Công nghiệp Bình Dương, thuộc thành phố Thủ Dầu Một, hiện có một khu phố Tàu mà ngôn ngữ chính sử dụng trong sinh hoạt, giao tiếp là tiếng Hoa, hàng hóa được bày ra để mua bán cũng là những sản phẩm được sản xuất tại Trung Cộng. Bảng hiệu, thực đơn được kẻ vẽ, in ấn cũng bằng tiếng Hoa, giá cả được liệt kê cả bằng đồng Việt Nam lẫn nhân dân tệ của Trung Cộng. Tại đây còn có một trường học dạy tiếng Trung Cộng. Những khu phố Tàu như thế hiện nằm rải rác trên khắp Việt Nam làm cho người ta lo ngại doanh nghiệp Trung Cộng, người Trung Cộng được hưởng nhiều ưu đãi mà người Việt không được hưởng ngay trên chính xứ sở của mình.
Theo dư luận thì không chỉ ở Bắc Ninh, Bình Dương có “phố Tàu” mà ở Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Hải Phòng, cũng xuất hiện hàng trăm quán bán bia, quán tạp hóa, quán nhậu, quán karaoke, mát-xa, cà phê, nhà trọ… với các bảng hiệu đều viết bằng chữ Tàu.
Giới bảo vệ nhân quyền quốc tế quan ngại về tình hình ông Nguyễn Văn Hải
Hôm 19/07/2013, Đài quan sát về việc bảo vệ những nhà tranh đấu cho nhân quyền có trụ sở tại Genève, cùng với Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VCHR), trụ sở tại Paris – ra thông báo bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình trạng sức khỏe của blogger Nguyễn Văn Hải (biệt danh Điếu Cày), đã tuyệt thực hơn 25 ngày qua.
Thông cáo của Đài quan sát về việc bảo vệ những nhà tranh đấu cho nhân quyền và Ủy ban Bảo vệ Quyền làm người Việt Nam (VCHR) nhấn mạnh rằng nhà tù, nơi ông Nguyễn Văn Hải bị giam giữ, nằm ở một vùng núi hẻo lánh, cách Vinh, thành phố gần nhất, tới 70 km. Điều này khiến các cơ sở bảo vệ nhân quyền nói trên rất lo ngại, vì nếu ông Hải rơi vào tình trạng nguy kịch sau thời gian tuyệt thực kéo dài, sẽ không kịp đưa ông đi cấp cứu.
Đài quan sát về việc bảo vệ những nhà tranh đấu cho nhân quyền là một chương trình phối hợp của Liên đoàn quốc tế về nhân quyền (FIDH) và Tổ chức thế giới chống tra tấn (OMCT). Chủ tịch của FIDH Karim Lahidji kêu gọi chính quyền Việt Nam « trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho blogger Điếu Cày và những nhà tranh đấu nhân quyền, cũng những blogger bất đồng chính kiến ở Việt Nam ». Tổng thư ký Tổ chức thế giới chống tra tấn Gerald Staberock khẳng định, đã đến lúc chính quyền Việt Nam « chấm dứt các đàn áp chống lại các nhà tranh đấu trên mạng và những nhà bảo vệ nhân quyền ». Còn chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền làm người Việt Nam Võ Văn Ái nhận định việc chính quyền Việt Nam giam giữ ông Hải là « bất hợp pháp và đáng hổ thẹn ».
Việt Nam ‘hợp thức hóa’ bóc lột lao động trẻ em
Bộ Lao Ðộng-Thương Binh-Xã Hội Việt Nam vừa ban hành một thông tư cho phép các doanh nghiệp sử dụng lao động trẻ em dưới 15 tuổi làm các công việc “nhẹ”. Loại công việc được coi là “nhẹ” này bao gồm việc vẽ tranh sơn mài, chấm men gốm, chằm nón, thêu ren, mộc mỹ nghệ, đan lát, sản xuất hàng gia dụng, hàng thủ công mỹ nghệ, nuôi tằm, gói kẹo, v.v…
Báo Sài Gòn Tiếp Thị cho biết, trẻ 13 tuổi cũng được phép lao động tại các cơ sở sản xuất. Ðể trở thành người lao động sản xuất “nhẹ” nói trên, các trẻ vị thành niên ở Việt Nam chỉ cần xuất trình một giấy chứng nhận “có đầy đủ sức khỏe”. Thông tư này, theo báo Sài Gòn Tiếp Thị, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1 tháng 8, 2013 tới.
Trước đó, việc thuê mướn nhân công vị thành niên, tức trẻ chưa đủ 18 tuổi, bị coi là hành động thách thức, bởi xã hội Việt Nam chưa kiểm soát được tình trạng ngược đãi, bóc lột trẻ em trong khu vực kinh doanh.
Một phúc trình của ILO – Tổ Chức Lao Ðộng Quốc Tế phối hợp với Bộ Lao Ðộng-Thương Binh-Xã Hội Việt Nam vào năm 2009 cho biết Việt Nam có ít nhất 1.3 triệu trẻ em dưới 18 tuổi đang phải bán sức lao động để kiếm tiền nuôi sống bản thân và giúp đỡ cha mẹ.
Cũng theo phúc trình này, thứ trưởng Bộ Lao Ðộng Việt Nam nhìn nhận rằng tình trạng lao động của tuổi nhỏ ở Việt Nam đáng được chú ý, bởi trẻ làm thuê thường bị nhốt chặt trong một môi trường khép kín, thời gian làm việc kéo dài, không được pháp luật bảo vệ.
Mới đây, trong ngày Thế Giới Chống Lao Ðộng Trẻ Em, hôm 12 tháng 6, ông Gyorgy Sziraczki, tổng giám đốc ILO tại Việt Nam cảnh cáo rằng “Trẻ em làm thuê tại các gia đình có nguy cơ bị phân biệt đối xử, bị bóc lột và lạm dụng.”
Phúc trình trên cũng cho rằng sự nghèo đói đẩy trẻ em vào đường mưu sinh sớm tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, rủi ro cho thế hệ nhỏ tuổi tại Việt Nam.
Phúc trình trên thừa nhận 50% trẻ em dưới 18 tuổi lao động “chui” đã phải làm việc trong môi trường nguy hiểm, thiếu ánh sáng, đầy bụi bẩn lẫn với chất độc hại, tiếng ồn… Ðã vậy, hầu hết các em còn bị trả công thấp, bị la mắng thậm tệ, sống xa gia đình, và dễ bị nhiễm thói hư, tật xấu của người lớn. Năm địa phương được biết đang diễn ra tình trạng trẻ em làm việc sớm trong môi trường tồi tệ nhất là Hà Nội, Lào Cai, Ninh Bình, Ðồng Nai và Quảng Nam.
Còn theo dư luận, trong khi chưa giải quyết được tình trạng nói trên, Bộ Lao Ðộng-Thương Binh-Xã Hội Việt Nam đã vội vã cho phép các cơ sở sản xuất thuê mướn lao động dưới 15 tuổi. Dư luận cho rằng thông tư này nhằm hợp thức hóa tình trạng bóc lột lao động trẻ em tại Việt Nam.
Hơn 700 cán bộ đảng viên Việt Nam có tài sản trên 500 triệu đô –la
Một tài liệu trong báo Montreal, Canada cho biết một thành viên cao cấp của Hội đồng mậu dịch Việt Mỹ tiết lộ đảng Cộng sản Việt Nam được xem là một tỉ phú hàng đầu của thế giới với tài sản ước lượng lên đến 20 tỉ đôla. Tài liệu này cho rằng hiện nay có khoảng từ 700 đảng viên có tài sản trên 500 triệu đô-la, tất cả các tỉ phú này đều là cán bộ cao cấp của đảng. Ông John Shapiro, một cựu chiến binh Hoa kỳ phát biểu rằng các ông lớn trong đảng gồm các thành viên bộ chính trị, các Bộ trưởng và Thứ trưởng, ít nhất mỗi người có vợ hay con làm chủ một công ty.
Do việc nhà nước cho phép các công ty được chuyển ngân ra nước ngoài lên đến 500 ngàn mỹ kim, số ngoại tệ trong nước bắt đầu vơi đi. Ngoài những người có trên 500 triệu, những đảng viên có tài sản từ 100 đến 200 triệu đô-la khoảng 2000 người. Tất cả những con số về tài sản của đảng Cộng sản Việt Nam là do những chuyên viên thống kê của cơ quan mậu dịch quốc tế, cho thấy tài sản của những đảng viên này được tẩu tán sang Vancouver Canada, New York, Houston, Bắc và Nam California.
Dân chúng trong nước thì đã thấy rõ sự giàu có hiển nhiên của giới lãnh đạo Cộng sản tại Việt Nam. Họ xây nhà lầu, xài tiền như nước, xuất ngoại như đi chợ, chi tiêu một lúc hàng bó đô-la tiền mặt, trong khi các lãnh tụ thì thú nhận không diệt nổi tham nhũng. Danh sách của những tay tư bản đỏ này được liệt kê có cả Chủ tịch nhà nước Trương Tấn Sang với tài sản khoảng 1.2 tỷ mỹ kim, Thủ tướng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng 1.5 tỉ mỹ kim, Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng gần 1 tỉ mỹ kim, đa số những số tiền khổng lồ mà các quan chức cao cấp Việt Nam hiện đang sở hữu là gửi tại ngân hàng Thụy Sĩ.
Leave a Comment