Thủ tướng Thái Lan vừa có quyết định cách chức đối với Bộ trưởng Bộ Thương mại do chính sách thu mua lúa gạo tạm trữ từ tháng 10/2011 khiến Chính phủ phải bù lỗ tới 4,5 tỷ USD. Chính sách này khiến giá gạo lên cao và làm giảm lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Cụ thể là cao hơn giá của Việt Nam, Ấn Độ, khiến Thái Lan mất danh hiệu “nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới”.
Đây không phải là một tin sốc. Bởi rất đơn giản, đó là câu chuyện ở Thái. Người bị cách chức là Bộ trưởng Thương mại Boonsong, người khởi xướng chương trình thu mua gạo tạm trữ giá cao.
Làm bộ trưởng không dễ, nhất là một bộ trưởng cân bằng được những lợi ích với những chính sách vừa có lợi cho dân, vừa có lợi cho nước. Nhưng các bộ trưởng cũng chẳng có gì phải giật mình.
Có một chi tiết đáng chú ý trong bản tin vài trăm chữ này. Thứ nhất, Chính phủ sẵn sàng bỏ 4,5 tỷ USD trong vòng một năm để mua gạo giá cao giúp đỡ nông dân. Thái Lan từng cương quyết bán lúa gạo giá cao để nông dân được lợi và đó gần như là cơ hội duy nhất để Việt Nam “đương nhiên về nhì” trong top 3 cường quốc bán gạo lớn nhất thế giới.
Nhìn qua Thái Lan, để thấy ở Việt Nam, sẽ chẳng bao giờ có chuyện một bộ trưởng mất chức vì giá lúa. Nguyên nhân không phải do chúng ta sợ “thâm hụt” bộ trưởng, sợ không có người làm nếu cách chức (như một vị lãnh đạo từng trả lời trước Quốc hội), cũng chẳng do thể chế chính trị, cơ chế trách nhiệm… Có khi đơn giản chỉ bởi chương trình xây kho (tạm trữ) 4 triệu tấn lúa gạo mà đến giờ vẫn đang đâu đó trên giấy. Kho tạm trữ không đủ năng lực thì bất cứ bộ trưởng có năng lực nào cũng lắc đầu, dù muốn mua lúa tạm trữ cho dân đến mấy.
Những tính toán của Cục Trồng trọt cho thấy, đến hết tháng 6, nông dân Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ thu hoạch ngót nghét 1 triệu tấn lúa. Tháng 7, 8, mỗi tháng dự kiến có thêm 3,7 triệu tấn chờ kho. Như thế là 7 triệu tấn lúa đang chờ bán.
Lượng lúa nhiều đến đến vậy, trong khi năng lực kho chứa toàn bộ ĐBSCL chỉ đạt khoảng 2,5 triệu tấn. Một câu hỏi được đặt ra và chờ các vị bộ trưởng trả lời: 4,5 triệu tấn lúa để đâu?!
Chỉ trong tuần đầu của tháng 6, cả nước đang tồn kho 2,8 triệu tấn gạo và không phải DN nào cũng có hợp đồng xuất khẩu khi giá gạo xuất khẩu đang rất thấp. Vì thế, tính chuyện bán tươi 4,5 triệu tấn gạo với mức giá để nông dân có lãi 30%, không phải là quá khó mà gần như nhiệm vụ bất khả thi. Bởi chuyện ai cũng nhìn ra là “sức kéo giá” của 1 triệu tấn lúa tạm trữ là không mạnh mẽ gì.
Quả là làm bộ trưởng không dễ. Song, làm nông dân càng không đơn giản!
2 tuần sau khi chủ trương thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo hè thu được triển khai, giá lúa vẫn ì ạch. Tờ Dân Việt cho biết, giá lúa tươi ở nhiều nơi chỉ còn 3.500 đồng/kg. Ngang với giá bán rơm, thứ phế phẩm của lúa lâu nay vẫn dùng để đốt hoặc làm thức ăn cho trâu bò. Giá thấp đến thế, càng trồng càng nợ, càng trồng càng chỉ nhận về rất nhiều “cái lỗ”.
Giá lúa thấp đến nỗi ở huyện Ba Tri, Bến Tre, tính toán cho thấy tiền lãi từ lúa còn kém xa so với tiền lãi từ… rơm. Cái khó ló cái khôn, những người nông dân có sáng kiến dùng nghề trồng lúa để… nuôi bò. Nuôi bằng rơm, tất nhiên. Và nuôi cả bằng lúa, khi giá lúa thấp hơn cả giá rơm nuôi bò.
Câu chuyện Ba Tri là một cái lẽ ngậm ngùi. Nhưng nhìn rộng ra, cũng rất khó tìm nổi những cái “được” của những người làm lúa gạo nhiều thứ nhì thế giới.
“Bức tranh nông thôn, nông dân VN nhìn từ cuộc điều tra tiếp cận nguồn lực hộ gia đình” là tên một báo cáo nghiên cứu do Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn VN công bố mới đây. Và đọc cáo cáo này người ta thấy rằng sức dân đã kiệt.
42% nông dân đang không hài lòng với cuộc sống hiện tại, trong đó nguyên nhân lớn nhất là thu nhập không tương xứng với kết quả lao động. Một nửa các gia đình nông thôn đã và đang chịu các cú sốc về thu nhập. Cú sốc tập thể, khi cả làng, cả xã, cả huyện, cả tình cùng bị, cùng gặp thiên tai, bão lũ, dịch bệnh, và cả cơn bão giá. Cú sốc cá nhân khi gia đình có người ốm đau, kinh doanh thua lỗ và bị thu hồi đất.
Và những cú sốc từ việc phải đương đầu với rất nhiều “bão tố”, điển hình là bão giá gây thiệt hại kép, không có bảo hiểm, không có thị trường giao sau, không được dự báo, và mỗi lần ốm đau thì gần như sạt nghiệp. Các cú sốc có khuynh hướng ngày càng gia tăng, còn nông dân chống chịu chỉ bằng nguồn thu từ hạt gạo, đang rất rẻ mạt, và bằng “sợi dây lạt” trong hành vi thắt lưng buộc bụng, thực chất là đang tiêu vào tương lai hay… tự ăn thịt mình.
Nếu thước đo của người nông dân là làm ra nhiều hạt lúa, thật tình cờ, có hình dáng không mấy khác giọt mồ hôi, để đất nước từ chỗ đói ăn phải “vác rá” đi vay bo bo, mì trở thành cường quốc xuất khẩu gạo nhất nhì thế giới. Thì thước đo của bộ trưởng, dứt khoát phải là đưa giá gạo về mức để người nông dân không chỉ đủ sống, mà còn có thể làm giàu – một mơ ước đáng ra là lẽ đương nhiên.
Leave a Comment