34 Dân Biểu Quốc hội Âu Châu cùng lên tiếng cho nhân quyền VN
Trong lá thư đề ngày 11/07/2013, gửi đến bà Catherine Ashton, Đại diện cao cấp phụ trách an ninh-đối ngoại, kiêm Phó Chủ tịch Ủy hội Châu Âu, 34 dân biểu Châu Âu đã nêu lên những quan ngại về thực trạng nhân quyền ngày càng tồi tệ của Việt Nam với khoảng 50 nhà đấu tranh dân chủ và bảo vệ nhân quyền đã bị kết án hoặc giam cầm trong năm nay, và yêu cầu bà Aston kêu gọi Hà Nội trả tự do cho các tù nhân lương tâm, đẩy mạnh vai trò của Châu Âu trong việc hỗ trợ xã hội dân sự tại Việt Nam đồng thời thúc giục chính phủ Việt Nam cải tổ hệ thống luật pháp.
Thư tố cáo các nhà hoạt động này bị bắt tùy tiện, bị đe dọa, thẩm vấn, và bị tước đoạt các quyền pháp lý giữa lúc chính phủ Việt Nam tiếp tục sách nhiễu các quyền tự do tôn giáo cũng như tăng cường trấn áp giới blogger.
Các dân biểu Châu Âu đồng ký tên trong thư chỉ ra rằng các tổ chức tôn giáo độc lập tại Việt Nam vẫn bị đàn áp, bị đập phá cơ sở thờ tự, bị tịch thu tài sản, và bị tù tội.
Thư nêu rõ bất chấp nhiều lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế, Việt Nam vẫn giới hạn quyền tự do ngôn luận và kiểm duyệt internet gắt gao, nhắm mục tiêu các hoạt động trên mạng như theo dõi người dùng net, khóa chặn và đánh phá các trang web độc lập. Các nhà lập pháp Châu Âu cho rằng tại Việt Nam đang diễn ra “một sự sụp đổ về pháp trị” với việc sử dụng các cáo buộc mơ hồ về tội “lật đổ chính quyền” và “tuyên truyền chống nhà nước” để bắt bớ những nhà cổ xúy nhân quyền, giam người không cần xét xử, và dùng các tội danh như “trốn thuế” để bỏ tù các nhân vật bất đồng chính kiến nổi tiếng.
Theo dẫn chứng của các dân biểu Châu Âu, nhiều trường hợp giam cầm các nhà hoạt động chính trị tại Việt Nam đã được Nhóm Hành động của Liên hiệp quốc Chống Giam giữ Tùy tiện xác định là vi phạm luật quốc tế.
34 dân biểu Châu Âu ký tên trong thư yêu cầu Đại diện cấp cao của Liên hiệp Châu Âu kêu gọi Hà Nội phóng thích các tù nhân chính trị như blogger Điếu Cày, Tạ Phong Tần, Paulus Lê Sơn, tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ, luật sư Lê Quốc Quân, nhạc sĩ Việt Khang, mục sư Nguyễn Công Chính, hòa thượng Thích Quảng Độ, nhà hoạt động đất đai Trần Thị Thúy, sinh viên Nguyễn Phương Uyên hay Đinh Nguyên Kha.
Thư cũng đề nghị bà Catherine Ashton phát huy vai trò của Liên hiệp Châu Âu tích cực hơn trong việc hỗ trợ xã hội dân sự tại Việt Nam, thúc đẩy Hà Nội thực hiện cải cách pháp lý, dỡ bỏ các điều luật tiếp tay cho việc bắt giữ tùy tiện các nhà cổ xúy nhân quyền, cũng như thúc giục Việt Nam thông qua luật bảo vệ quyền phản kháng ôn hòa, quyền tụ tập, thực thi tự do ngôn luận, và thành lập các tổ chức chính trị xã hội.
Mặt khác, các dân biểu này cũng đòi hỏi Châu Âu phải tăng cường đưa vấn đề nhân quyền vào các cuộc đối thoại với Việt Nam, buộc Hà Nội phải chứng tỏ tiến bộ nhân quyền trước khi có bất kỳ phái đoàn cấp cao nào đến thăm Việt Nam. Họ đồng thời cũng yêu cầu Liên hiệp Châu Âu phải tái khẳng định điều kiện nhân quyền trong các mối quan hệ ngoại giao, kể cả các mối quan hệ thương mại, của Châu Âu với các nước thứ ba bao gồm Việt Nam.
Trước lá thư của 34 dân biểu Châu Âu, trên chục tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế hồi đầu tháng này cũng đã gửi thư cho Đại diện cấp cao phụ trách an ninh-đối ngoại của EU, Catherine Ashton, lưu ý bà về vụ án của luật sư nhân quyền Lê Quốc Quân, người sắp bị đưa ra xét xử về tội danh “trốn thuế”.
5 sĩ quan công an được thăng hàm cấp tướng
Tin từ tờ CAND, hôm Thứ Bảy 13/07 vừa qua, có 5 sĩ quan cấp tá của lực lượng công an CSVN, gồm một phụ nữ, được thăng lên cấp tướng trong một buổi lễ ở Hà Nội, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang.
Đặc biệt báo chí trong nước chú ý đến sự kiện ông Đỗ Hữu Ca, đại tá, giám đốc công an Hải Phòng, cũng được thăng lên hàm Thiếu tướng. Ông Ca là người đã trực tiếp có mặt tại hiện trường để chỉ huy vụ cưỡng chế đất gây xôn xao dư luận đối với gia đình ông Đoàn Văn Vươn tại huyện Tiên Lãng, năm 2012.
Anh em ông Đoàn Văn Vươn đã kiện cáo mấy năm liền, kêu oan nhưng vẫn bị cưỡng chế khu đầm nuôi thủy sản. Sức lực mồ hôi và máu của gia đình ông đổ ra gần 20 năm trời, biến một bãi bồi hoang vu thành một khu đầm nuôi thủy sản và vườn cây trái có lợi tức thì bị nhà cầm quyền cưỡng đoạt, bất chấp luật pháp.
Uất ức, anh em ông đã chống lại với mấy phát đạn hoa cải và nổ quả mìn là cái bình ga nấu bếp. Tuy không ai chết, mặc dù có 6 bộ đội và công an bị thương, nhưng anh em ông đã bị cáo buộc tội “giết người” và “chống người thi hành công vụ” dù ông thủ tướng nhìn nhận vụ cưỡng chế là trái luật.
Ông Đoàn Văn Vươn và em là Đoàn Văn Quý bị kết án 5 năm tù; Ông Đoàn Văn Sịnh bị 3 năm 6 tháng tù và ông Đoàn Văn Vệ bị 2 năm tù. Bà Nguyễn Thị Thương (vợ ông Vươn) bị 15 tháng tù treo còn bà Phạm Thị Báu (vợ ông Quý) bị 18 tháng tù treo.
Cũng dính vào vụ cưỡng chế bất hợp pháp ở Cống Rộc, nhưng ông Đỗ Hữu Ca không thấy bị “xử lý” gì, nay lại được lên cấp tướng.
Ngoài ra theo bản tin thì lần thăng cấp tướng này là “đợt 1” tức là sẽ còn đợt khác hay có thể nhiều đợt khác trong năm nay cho các sĩ quan công an CSVN. Mấy năm gần đây dưới triều đại ông Nguyễn Tấn Dũng, năm nào cũng có rất nhiều sĩ quan công an cao cấp từ đại tá được lên tướng, hoặc từ thiếu tướng thăng thưởng lên cấp cao hơn.
Năm 2011 có tới 51 đại tá công an được lên tướng và 7 tướng công an được lên cấp cao hơn. Số lượng sĩ quan công an được ào ạt được lên tướng cho người ta cảm tưởng là chế độ Hà Nội cần nâng đỡ, bao che, “ghi công” cho lực lượng trụ cột bảo vệ sự tồn tại của chế độ độc tài đảng trị.
Chẳng vậy, hàng chục người dân bị công an đánh chết khi bắt giam đều không bị truy tố dù thân xác các nạn nhân đầy những dấu vết nhục hình. Chỉ cần đổ cho nạn nhân “tự tử,” hay “chạy lung tung, tự đập đầu vào tường” hoặc “sốc ma túy” là xong.
Khắp Nơi Tiếp Tục Thắp Nến Cầu Nguyện Hướng Về Ls Lê Quốc Quân
Mặc dầu phiên tòa xét xử Luật sư Giuse Lê Quốc Quân đã bị Tòa án Hà Nội thông báo hoãn vào phút chót lúc 15h30 chiều ngày 8/7/2013 (tức trước 17 giờ theo thông báo của Tòa án Hà Nội). Nhưng tinh thần hiệp thông bằng các Thánh lễ và Chầu Thánh Thể vẫn được mọi người ở khắp nơi tổ chức.
Tại giáo xứ Lưu Mỹ, Gp Vinh, Linh mục quản xứ Phêrô Khanh Nguyễn Duy Khanh, các nữ tu và hơn 2.000 giáo dân đã làm giờ Chầu Thánh Thể và thắp nến cầu nguyện hướng về Ls Giuse Lê Quốc Quân và gia đình.
Tại giáo xứ Hòa Thắng, Gp Vinh, vào lúc 20h – 21h, ngày 9/7/2013: Linh mục Phêrô Trần Đình Lai và hơn 2.000 giáo dân nơi đây đã dâng Thánh lễ và thắp nến cầu nguyện hướng về Ls Lê Quốc Quân và gia đình anh đang bị bách hại nặng nề.
Hàng trăm tấn đường nhập lậu vào Việt Nam
Theo thống kê, năm 2010, các cơ quan chống buôn lậu thu giữ được 200 tấn đường nhập lậu. Năm 2011, con số này tăng lên 331 tấn. Năm 2012, số lượng đường nhập lậu bị tịch thu tăng lên 700.
Trong sáu tháng vừa qua, chỉ tính riêng tỉnh An Giang, các cơ quan chống buôn lậu đã thu giữ 362 tấn đường nhập lậu. Ngoài ra, đường đa số là từ Thái Lan thẩm lậu vào Việt Nam qua hình thức tạm nhập tái xuất nhưng để lại tiêu thụ tại Việt Nam. Phía hải quan giải thích, sở dĩ đường nhập lậu chảy vào Việt Nam như thác vì giá đường Thái Lan thấp hơn giá đường do các nhà máy Việt Nam sản xuất từ 2,000 đồng đến 3,000 đồng một ký.
Hiện nay, các nhà máy đường của Việt Nam đang tồn kho khoảng 500 ngàn tấn đường vì các cơ quan phòng chống buôn lậu đường vẫn bất lực từ nhiều năm qua. Chủ tịch Hiệp Hội Mía Ðường Việt Nam, cho rằng, tuy lượng đường tồn kho trong nước rất lớn và còn tiếp tục tăng, lượng đường nhập lậu vẫn ở mức từ 400 ngàn tấn đến 500 ngàn tấn mỗi năm, và phần lớn diễn ra tại miền Trung và khu vực Ðồng Bằng Sông Cửu Long.
Leave a Comment