Báo cáo tổ chức Minh Bạch Quốc Tế, ghi nhận tham nhũng ở Việt Nam vẫn gia tăng
Theo kết quả cuộc khảo sát lớn nhất thế giới năm 2013 về quan điểm và trải nghiệm của người dân đối với tình trạng tham nhũng do Tổ chức Minh bạch Quốc tế thực hiện, 55% người dân Việt Nam cảm nhận tình trạng tham nhũng tăng lên trong 2 năm qua, tức là cao hơn so với mức trung bình 48% ở khu vực Đông Nam Á. Ngoài ra theo cuộc khảo sát có tên gọi Phong vũ biểu Tham nhũng toàn cầu lần thứ 8, lòng tin của người dân vào các nỗ lực chống tham nhũng của nhà nước cũng giảm sút đáng kể. Trong cuộc khảo sát tương tự năm 2010 tại 5 thành phố lớn của Việt Nam, chỉ có 35% người dân cho rằng nỗ lực chống tham nhũng của chính phủ không hiệu quả, nhưng con số này đã tăng lên 60% trong năm 2013.
Trong số 13 ngành được khảo sát, cảnh sát, y tế và đất đai được cho là bị ảnh hưởng nhất bởi tình trạng tham nhũng, và cũng là những ngành có mức độ xảy ra tham nhũng nhiều nhất theo trải nghiệm của người dân. Cuộc khảo sát của Tổ chức Minh bạch Quốc tế cũng cho biết người dân muốn nhà nước trong thời gian tới phải xử phạt mạnh mẽ hơn nữa các đối tượng tham nhũng, tăng cường tính liêm chính của đội ngũ cán bộ, công chức, đồng thời bảo vệ tốt hơn nạn nhân, nhân chứng và những người tố cáo tham nhũng.
Dù bi quan về tình trạng tham nhũng, người dân Việt Nam giờ tự tin hơn về vai trò của họ trong cuộc chiến chống tham nhũng.
Phim cảnh báo tai họa tiềm tàng của điện hạt nhân tại Việt Nam ra mắt Liên hoan Fukuoka
Một bộ phim tài liệu nói về tác hại tiềm tàng của nhà máy điện hạt nhân trên một ngôi làng nhỏ ở miền Trung Việt Nam sẽ được trình chiếu vào cuối tuần này tại Liên hoan phim châu Á Fukuoka, Nhật Bản, diễn ra từ 04/07 đến 14/07/2013.
Hoàn thành năm 2012, bộ phim Shinobiyoru Genpatsu (Nhà máy điện hạt nhân đang xâm lấn), đã so sánh tình cảnh cư dân ngôi làng Việt Nam với cư dân quanh nhà máy điện nguyên tử Fukushima để lên án việc Nhật Bản xuất khẩu công nghệ hạt nhân qua những nước đang phát triển như Việt Nam.
Theo hãng tin Nhật Bản Kyodo, nhà làm phim Shinsuke Nakai, 46 tuổi, đã đến phỏng vấn cư dân của thôn Thái An, thuộc tỉnh Ninh Thuận, vùng ven biển miền trung Việt Nam, nơi một nhà máy điện hạt nhân sắp được xây dựng với công nghệ và kinh nghiệm Nhật Bản. Đây là một ngôi làng với khoảng 2000 dân, sẽ được di dời đi nơi khác để nhường chỗ cho nhà máy điện nguyên tử (Ninh Thuận 2, thực hiện theo thỏa thuận với chính quyền Nhật Bản). Vấn đề là nơi ở mới của họ chỉ cách nhà máy tương lai khoảng một cây số.
Trong các cuộc phỏng vấn thực hiện hồi tháng Hai năm ngoái (2012), những người dân ở Thái An cho biết là họ không được thông tin đầy đủ về nguy cơ của điện nguyên tử cùng những hậu quả nghiêm trọng, như đã được thấy sau tai nạn đối với nhà máy điện hạt nhân Fukushima do trận động đất sóng thần ngày 11/03/2011.
Theo Kyodo, bộ phim đã tìm cách nêu bật những điểm tương đồng và dị biệt giữa hai cộng đồng dân cư ở Thái An và ở vùng Fukushima. Đây là một bảng cáo trạng gay gắt nhắm vào chính sách xuất khẩu công nghệ hạt nhân của chính quyền Nhật Bản.
Ngoài Liên hoan phim Fukuoka, bộ phim cũng được trình chiếu miễn phí tại miền tây Nhật Bản, Tokyo và Nagoya.
Bờ biển Quy Nhơn ô nhiễm nặng vì dầu
Biển và bờ biển quanh thành phố Quy Nhơn đang bị ô nhiễm nặng vì dầu, nhớt thải. Một đoạn bờ biển có chiều dài khoảng năm cây số hiện đen ngòm vì dầu, nhớt thải chưa rõ từ đâu. Dầu, nhớt thải không chỉ làm nước biển và bãi biển bị ô nhiễm mà còn làm tôm, cua cá do ngư dân nuôi trong các bè, lồng ven bờ biển chết dần.
Công ty Môi Trường và Ðô Thị Quy Nhơn đã cử khoảng 200 công nhân ra bờ biển để dọn dẹp hậu quả trong khi sóng tiếp tục tấp dầu và nhớt thải lên bờ. Giám đốc công ty này nói với báo giới rằng ông ta rất đau đầu khi không xác định được nguyên nhân và thủ phạm. Công ty Môi trường và Ðô thị Quy Nhơn chỉ xác định dầu và nhớt loang trên biển là dầu thải, nhớt thải nên rất nặng mùi. Ðặc biệt khi trời đang rất nóng.
Văn phòng Ủy Ban Nhân Dân thành phố Quy Nhơn cũng vừa loan báo là đã điều động công an, bộ đội truy tìm thủ phạm gây ra vụ ô nhiễm này. Trước mắt, họ đã xác định được điểm xuất phát của vệt dầu loang là khu biển trong, thuộc thôn Hải Minh, phường Hải Cảng.
Ðiểm đáng chú ý là ngoài việc yêu cầu công ty Môi trường và Ðô thị Quy Nhơn dọn dẹp bãi biển, hứa điều tra, chính quyền thành phố Quy Nhơn không có bất kỳ biện pháp nào khác để ngăn chặn tác hại của dầu, nhớt thải. Theo báo chí Việt Nam thì họ đang “động viên” ngư dân vớt dầu, nhớt thải bằng… vợt.
Vệt dầu, nhớt thải vừa kể đang loang rộng hơn và số gia đình cư trú ven biển, bị ảnh hưởng bởi vệt dầu này được dự đoán là trên một ngàn.
Vi cá mập bị cấm ở California
Súp vi cá, một món ăn truyền thống trong ẩm thực xuất xứ từ Trung Quốc, và được coi là một “cao lương mỹ vị và bổ dưỡng, sẽ bị đặt ngoài vòng pháp luật tại tiểu bang California kể từ ngày 1 Tháng 7, 2013.
Theo luật vừa được tiểu bang California thông qua thì mọi hoạt động mua, bán, trao đổi và tiêu thụ vi cá đều bị coi là bất hợp pháp.
Theo thống kê cho biết thì mỗi năm trên toàn thế giới có khoảng 78 triệu con cá mập bị giết với mục tiêu sản xuất vi cá, và với đà này thì không lâu nữa loài cá mập sẽ thật sự tuyệt chủng và gây nên sự mất quân bình trầm trọng trong môi trường sinh thái của đại dương và toàn trái đất.
Người ta ước lượng là đạo luật này sẽ làm giảm khoảng 2 phần 3 lượng vi cá nhập cảng vào Hoa Kỳ mà phần lớn là từ Hồng Kong.
Mặc dầu luật được áp dụng chính thức kể từ ngày 1/7/2013, các nhà làm luật cũng dự trù dành ra một khoảng thời gian là 1 năm rưỡi để cho phép tất cả những người hiện đang sở hữu vi cá có thời gian tiêu thụ để khỏi phải chịu thiệt hại nặng nề về tài chánh.
Với luật mới này được ban hành, tiểu bang California đã theo bước của một số tiểu bang khác đã đi trước là Hawaii, Washington, Oregon, Illinois, Maryland và Delaware, và người ta hy vọng là trong thời gian tới đạo luật này sẽ được áp dụng ở nhiều tiểu bang khác cũng như tại nhiều quốc gia khác nữa trên thế giới.
Hơn 90% dược liệu từ Trung Quốc chứa hóa chất
Một phúc trình mới nhất của Tổ chức Greenpeace cho biết, 74% dược thảo của Trung Cộng sản xuất và phân phối khắp thế giới có chứa hóa chất, đặc biệt là thuốc trừ sâu. Theo báo Lao Động, đáng lo là 90% dược liệu đang được bày bán khắp Việt Nam đều được nhập cảng từ Trung Cộng. Phần lớn dược thảo “Made in China” được tuồn về Việt Nam qua đường quà biếu, cầm tay, hoặc vận chuyển qua đường tiểu ngạch. Mặt khác, một phúc trình của chính quyền Việt Nam còn xác nhận rằng, rất nhiều dược liệu nhập từ Trung Cộng được trộn thêm cát, xi măng, tạp chất… để làm tăng trọng lượng, và tẩm nhiều loại hóa chất gây độc. Báo Lao Động còn dẫn phúc trình của Viện Dược Liệu Việt Nam nói rằng Việt Nam hiện có hơn 4,000 loại thuốc bắc được sản xuất bằng thực vật.
Phần lớn, vào khoảng 90%, số dược liệu này được nhập cảng từ Trung Quốc. Một số chuyên viên Viện Dược Liệu Việt Nam còn xác nhận rằng, nhiều vị thuốc đã được tẩm thuốc chống mối để giữ được lâu. Một số cây cỏ bị nhuộm cả màu, trộn thêm tạp chất để giả các loại thuốc quý như thỏ ty tử, hồng hoa, bạch linh… đánh lừa người tiêu thụ.
Ông Lê Hùng, Phó chủ tịch Hội đông y Sài Gòn cho biết, có rất nhiều bệnh nhân dùng thuốc bắc chữa bệnh, thông qua các lương y, đang bị suy thận trầm trọng. Ông cũng cho hay, việc kiểm soát phẩm chất thuốc bắc hầu như nằm ngoài tầm tay của cán bộ thẩm quyền.
Leave a Comment