Human Rights Watch kêu gọi Việt Nam hủy bỏ các cáo buộc đối với luật sư Lê Quốc Quân
Hôm 8/07/2013, tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch đã lên tiếng kêu gọi chính quyền Việt Nam cần phải hủy bỏ mọi cáo buộc mang động cơ chính trị đối với luật sư Lê Quốc Quân, một trong số những nhà hoạt động nhân quyền có uy tín nhất tại Việt Nam.
Ông Brad Adams, Giám đốc khu vực châu Á của tổ chức bảo vệ nhân quyền có trụ sở tại New York nhận định : « Lê Quốc Quân bị đưa ra tòa chỉ vì ông có những phê phán chính quyền xác đáng. Đáng lẽ ra phải giải quyết những bất bình của dân chúng về hệ thống chính trị, các thất bại kinh tế, cách hành xử tệ hại về nhân quyền, thì chính quyền lại chỉ làm mỗi việc đơn thuần là bỏ tù những người lên tiếng chỉ trích. Tòa án ở Việt Nam thiếu sự độc lập và vô tư, nên trong các vụ án như của Lê Quốc Quân, phán quyết cuối cùng thường được định liệu dựa trên các toan tính chính trị ». Tội danh “trốn thuế” có mức án tối đa bảy năm tù, trước đây, chính quyền Việt Nam đã vận dụng để khống chế một blogger nổi tiếng khác là Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày) vào năm 2008.
Cần nói thêm, vào cuối tuần, nhiều tổ chức quốc tế đã lên tiếng đòi trả tự do cho Lê Quốc Quân. Công đồng Công giáo ở Việt Nam cũng như ở nhiều nước như Mỹ, Úc … đã liên tục tổ chức các buổi Thánh lễ cầu nguyện cho Lê Quốc Quân.
Human Rights Watch cũng bày tỏ đặc biệt quan ngại về đợt trấn áp những người bảo vệ nhân quyền và blogger trong thời gian gần đây của chính quyền Hà Nội, đồng thời tổ chức này công khai kêu gọi chính quyền trả tự do vô điều kiện cho Lê Quốc Quân cũng như những tiếng nói phê phán ôn hòa khác.
Viễn thông Việt Nam có bị khống chế khi sử dụng thiết bị Trung Quốc ?
Báo cáo mới nhất của Hiệp Hội An Toàn Thông Tin Việt Nam về an ninh thông tin cho biết, hiện có 6/7 công ty viễn thông ở Việt Nam đang sử dụng thiết bị và công nghệ do hai công ty Huawei và ZTE của Trung Quốc sản xuất và cung cấp.
Cũng theo báo cáo vừa kể, trên toàn Việt Nam, hiện có khoảng 30,000 trạm thu phát sóng (BTS) đang sử dụng thiết bị của Huawei và ZTE.
Chỉ tính riêng năm 2009, đã có hơn 5 triệu thiết bị như: modem, router, USB do Huawei và ZTE sản xuất đã được bán trên thị trường Việt Nam. Hiệp Hội An Toàn Thông Tin Việt Nam xác nhận là chưa thống kê được số thiết bị do Huawei và ZTE sản xuất, đã được bán tại Việt Nam trong thời gian gần đây.
Điều đáng nói là vào tháng 10 năm ngoái, Ủy Ban Tình Báo Hạ Viện Hoa Kỳ đã chính thức lên tiếng cảnh báo các doanh nghiệp Hoa Kỳ ngưng làm ăn với Huawei và ZTE, vì đây hai công ty hàng đầu của Trung Quốc, chuyên cung cấp thiết bị, công nghệ trong lĩnh vực viễn thông, có thể gây ra mối de dọa an ninh đối với Hoa Kỳ.
Ủy ban này còn cảnh báo về nguy cơ các nhu liệu cũng như linh kiện do Huawei và ZTE sản xuất, có thể có các tác nhân độc hại được cấy vào đó để bán cho các khách hàng Hoa Kỳ. Ủy Ban Ðầu Tư Nước Ngoài của chính phủ Hoa Kỳ (CFIUS) cũng đã được cảnh báo nên ngăn chặn các vụ sát nhập, thâu tóm mà Huawei và ZTE thực hiện ở Hoa Kỳ. Sau Hoa Kỳ, Huawei và ZTE đang gây lo ngại tương tự khắp Châu Âu và Úc.
Riêng tại Việt Nam thì ông Trịnh Ngọc Minh, một viên chức của Hiệp Hội An Toàn Thông Tin cho rằng, tình trạng gần như tất cả các công ty viễn thông Việt Nam đang sử dụng sản phẩm do Huawei và ZTE sản xuất là mối lo về an ninh, an toàn cho viễn thông Việt Nam.
Hiệp Hội An Toàn Thông Tin Việt Nam loan báo, trong 12 tháng vừa qua, xu hướng tội phạm mạng nhắm đến các tổ chức và doanh nghiệp với mục đích phá hoại kinh tế gia tăng rất nhanh.
Riêng 6 tháng đầu năm nay, có 2,638 loại virus máy tính mới xuất hiện, lây nhiễm trên khoảng 4.3 triệu máy tính tại Việt Nam và gây tổn thất khoảng 8,000 tỉ đồng. Ðã có khoảng 425 website của doanh nghiệp và tổ chức bị tin tặc tấn công.
Ðáng lưu ý là nhiều máy chủ của các cơ quan chính phủ cũng bị tấn công. Trong đó có 395 máy chủ âm thầm bị kết nối thường trực ra nước ngoài để đánh cắp thông tin mật.
Tính mạng người dân Kon Tum đang bị đe dọa bởi cải hồ thủy điện, thủy lợi
Theo dự kiến, thủy điện Ðăk Ðring sẽ tích nước vào tháng 8, phát điện vào tháng 9 nhưng việc xây dựng các khu tái định cư cho 220 gia đình, bị buộc phải di dời khỏi khu vực sẽ là lòng hồ của công trình thủy điện Ðăk Ðring chỉ mới đạt được 50% khối lượng. Cũng vì vậy hàng ngàn người dân đang phải sống giữa lòng hồ thủy điện khi nước lũ sắp sửa tràn về.
Trong khi chính quyền tỉnh Kon Tum đề nghị tạm ngưng tích nước để hoàn tất các khu tái định cư thì đại diện Bộ Công Thương bác bỏ đề nghị này.
Cuối cùng, tỉnh Kon Tum hứa sẽ làm lều, sớm di tản dân ra khỏi khu vực lòng hồ. Chủ tịch xã Ðăk Nên vẫn chưa yên tâm với giải pháp cuối cùng này. Theo ông, nếu mưa lớn, lũ về sớm thì đó sẽ là đại thảm họa.
Tương tự, ở Bắc Cạn, hiện có sáu hồ chứa nước có thể bị vỡ bất kỳ lúc nào trong mùa mưa lũ năm nay. Ðây là kết luận của công ty Thủy Nông Bắc Cạn.
Tỉnh Bắc Cạn có 6 hồ chứa nước lớn, cung cấp nước tưới cho 330 héc ta đất nông nghiệp và cả 6 đều hư hỏng nặng. Ðiểm đáng chú ý là các hồ chứa nước đều nằm giữa hai dãy núi nên mỗi khi có mưa lớn, nước đổ về, tràn qua đập vốn chỉ đắp bằng đất nên có thể bị vỡ bất cứ lúc nào.
Theo công ty Thủy Nông Bắc Cạn, một số không có tràn xả lũ nên lũ, nước mưa từ các khe núi đổ về chảy tràn qua thân đập khiến thân đập bị xói lở. Một số hồ tuy có tràn xã lũ nhưng không kiên cố nên bị sụt. Một số hồ khác đang bị rò rỉ, van điều tiết bị hư hỏng nặng. Công ty Thủy Nông Bắc Cạn cảnh báo, nếu các hồ chứa nước này bị vỡ, ngoài chuyện mùa màng thất bát, các công trình công cộng như đường sá, trạm y tế, trường học và nhà cửa sẽ bị nước cuốn trôi, tính mạng của hàng trăm ngàn người sẽ bị đe dọa.
Chính quyền tỉnh Bắc Cạn mới vừa trả lời khuyến cáo của công ty Thủy Nông Bắc Cạn rằng họ biết rõ điều đó nhưng không có tiền để sửa.
Thủ tướng Nhật tố cáo Trung Quốc dùng vũ lực tranh chấp biển đảo
Trong một chương trình vô tuyến ngày 7/07 vừa qua, khi đề cập đến những căng thẳng trong quan hệ Nhật -Trung do vấn đề tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, Thủ tướng Shinzo Abe đã tố cáo Bắc Kinh tìm cách« sử dụng vũ lực để thay đổi nguyên trạng ».
Theo Thủ tướng Nhật Bản, thì cách tiếp cận vấn đề của Trung Quốc là «sai lầm» trong hồ sơ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông.
Cho đến nay, Trung Quốc vẫn đòi Nhật Bản phải thừa nhận là có vấn đề tranh chấp song phương đối với quần đảo này. Tuy nhiên, Tokyo khẳng định không hề có tranh chấp và về mặt pháp lý cũng như lịch sử, quần đảo Senkaku là một phần lãnh thổ của Nhật Bản.
Đồng thời, Thủ tướng Nhật Bản cũng phê phán Trung Quốc không chấp nhận tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh song phương nhằm giải quyết các bất đồng.
Lãnh đạo Nhật Bản đã đưa ra những tuyên bố cứng rắn như trên trong bối cảnh, đầu tháng Bảy, khi Trung Quốc tiến hành xây dựng một dàn khoan thăm dò và khai thác nhiên liệu gần đường phân định tạm thời ngăn cách hai vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc và Nhật Bản hiện cũng đang trong tình trạng tranh chấp chủ quyền.
Mặc khác, tuần duyên Nhật Bản cho biết ba tàu hải giám Trung Quốc số 23, 49 và 5001 lại vừa xâm nhập vào vùng lãnh hải thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trong vòng vài tiếng đồng hồ.
Leave a Comment