Phố Tàu – Biểu hiện Hán hóa ở Việt Nam
Tin từ báo chí trong nước thì các khu phố Tàu đang mọc lên như nấm trên khắp Việt Nam. Càng ngày, càng nhiều tin, bài, hình ảnh về những vấn đề liên quan đến sự hình thành và phát triển của các khu phố Tàu mới.
Theo mô tả của báo chí Việt Nam, phía sau Khu Công nghiệp Bình Dương, thuộc thành phố Thủ Dầu Một, hiện có một khu phố Tàu. Đến đó dễ có cảm giác giống như đang ở trên đất Trung Quốc. Đa số cư dân sống tại đó là người Trung Quốc, ngôn ngữ chính sử dụng trong sinh hoạt, giao tiếp là tiếng Hoa, hàng hóa được bày ra để mua bán cũng là những sản phẩm được sản xuất tại Trung Quốc.
Bảng hiệu, thực đơn được kẻ vẽ, in ấn xen kẽ cả hai ngôn ngữ Việt – Trung. Giá cả được liệt kê cả bằng đồng Việt Nam lẫn nhân dân tệ của Trung Quốc. Chưa kể, tại khu phố Tàu ở Bình Dương còn có một trường học dạy tiếng Trung Quốc.
Những khu phố Tàu như thế hiện nằm rải rác trên khắp Việt Nam. Ở miền Trung, sầm uất và sung túc giống như khu phố tàu tại thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương là khu phố Tàu ở thị trấn Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Tại đó, người Trung Quốc đang làm chủ hàng trăm cơ sở thương mại. Ngược ra phía Bắc, phố Tàu đã định hình và đang phát triển ổn định ở Thủy Nguyên thuộc thành phố Hải Phòng, Từ Sơn thuộc tỉnh Bắc Ninh, Yên Khánh thuộc tỉnh Ninh Bình, Đông Triều thuộc tỉnh Quảng Ninh. Tại Hà Nội, tuy mật độ quần cư của người Trung Quốc chưa đến mức hình thành phố Tàu song sự phát triển của Hoa ngữ đã trở thành phổ biến, nên hệ thống ATM của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam vừa bổ túc thêm tiếng Hoa bên cạnh tiếng Việt và tiếng Anh.
Đề cập đến sự hình thành và phát triển nhanh chóng của các khu phố Tàu tại Việt Nam, báo điện tử Sống Mới khái quát: Những khu phố Tàu mọc lên nhan nhản từ Nam ra Bắc đang gây bao sự lộn xộn, hỗn loạn do thói ăn ở, sinh hoạt bừa bãi của hàng vạn lao động phổ thông Trung Quốc, cho đến chiêu kinh doanh kiểu tận thu, tận diệt của các doanh nghiệp nước này.
Cũng theo báo điện tử Sống Mới, cùng với sự xuất hiện của người Trung Quốc, sự tràn ngập của hàng hóa Trung Quốc, chính người Việt cũng đang biến xứ sở của mình thành nơi mang đậm bản sắc của Trung Quốc. Chẳng hạn nhiều địa phương tổ chức trang trí theo kiểu Trung Quốc, treo đèn lồng Trung Quốc trong các dịp lễ, Tết khiến người ta có cảm tưởng đang ở trên đất Trung Quốc.
Nhiều tờ báo ở Việt Nam đang nêu ra hàng loạt câu hỏi: Tại sao trong khi hàng triệu thanh niên Việt Nam đang đối mặt với tình trạng thất nghiệp và trở thành nạn nhân của những tệ nạn như buôn người, đi làm thuê rồi bị cưỡng bức lao động trên xứ người thì hàng vạn lao động phổ thông của Trung Quốc ào ạt đổ vào Việt Nam làm việc ? Tại sao các cảnh báo về sự cạn kiệt tài nguyên không được quan tâm và các loại tài nguyên vẫn ào ạt chảy sang Trung Quốc? Tại sao doanh nghiệp Trung Quốc, người Trung Quốc được hưởng nhiều biệt đãi mà người Việt không được hưởng ngay trên chính xứ sở của mình?
Điểm đáng ngạc nhiên là tuy vẫn quản lý dân chúng rất chặt cả trong cư trú lẫn kinh doanh nhưng chính quyền nhiều địa phương ở Việt Nam lại rất nhẹ tay với người Trung Quốc. Những câu hỏi đó chưa có ai trả lời !
Bị CA ép cung, một thanh niên nhảy từ lầu 3 xuống đất kêu oan
Vụ một thanh niên nhảy từ lầu 3 của trụ sở công an Thành phố Ninh Bình vì bị ép cung đã dấy lên dư luận phẩn nộ tại tỉnh này, nhất là sau nhiều ngày im tiếng, công an Tp. Ninh Bình cho báo nhà nước loan tải là nạn nhân “nhảy từ tầng 3 xuống đất tại trụ sở công an là nhằm bỏ trốn”.
Nạn nhân là anh Vũ Hữu Huấn, 22 tuổi, đang được điều trị tại bệnh viện Việt Đức ờ Hà Nội trong tình trạng đa chấn thương. Sau khi tỉnh lại, anh Huấn tố cáo rằng bị công an Tp. Ninh Bình đánh đập ép cung, chịu không nổi, quá sợ hãi nên mới tìm cách kêu cứu và phải làm vậy để thoát.
Kể lại sự việc, anh Huấn cho biết, đêm 30/6, anh cùng 3 người bạn khác đi trong thành phố Ninh Bình trên một chiếc xe máy, không đội mũ bảo hiểm thì bị một nhóm người đi xe máy dừng xe và bắt dẫn đi. Nhóm người này dẫn anh Huấn và bạn về trụ sở công an Tp. Ninh Bình, đến lúc này nhóm anh mới biết những người kia là công an. Tại trụ sở công an, anh và nhóm bạn bị tách riêng mỗi người một phòng để công an lấy lời khai.
Theo anh Huấn, công an nghi ngờ Huấn dính líu đến vụ xung đột trên địa bàn thành phố cách đó mấy hôm nên bắt anh khai nhận việc này.
Khi anh Huấn khai cam đoan mình không biết và cũng không liên quan đến vụ việc đó thì công an điều tra không tin nên đã đánh đập anh 2 lần, một lần vào lúc 1h rạng sáng ngày 1/7, và lần thứ hai vào lúc 8h sáng cùng ngày. Anh kể, “Họ gí dùi cui điện vào ngón tay, ngón chân, giẫm đạp lên cùm, lấy dùi cui cao su vụt vào lưng, chân…”
Sau khi sự việc xảy ra, anh được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Ninh Bình. Người nhà anh Huấn ngay sau đó đã có mặt và yêu cầu chuyển anh lên Bệnh viện Việt Đức để cấp cứu nhưng gặp phải sự ngăn cản từ phía công an. Theo anh Nguyễn Thanh Nam, bạn của Huấn đã chứng kiến sự việc, cho biết trong lúc gia đình yêu cầu đưa Huấn đi cấp cứu công an không cho phép, và còn huy động khoảng 50 người mặc áo cảnh sát cơ động, cảnh sát 113… đến vây quanh bệnh viện để cản trở việc chuyển anh đi cấp cứu, nhưng trước sức ép của gia đình, anh Huấn vẫn được chuyển lên bệnh viện Việt Đức.
Đến ngày 2/7, anh Huấn vẫn còn phải tiếp tục điều trị tại bệnh viện Việt Đức trong tình trạng nguy kịch khi gãy nhiều bộ phận và đặc biệt là gãy sống lưng dù đã phải nhiều lần phẫu thuật. Hiện anh Huấn đã làm đơn tố cáo, kêu cứu khẩn cấp vụ việc xảy ra cho anh.
Hàng trăm tiểu thương Hà Nội bãi thị phản đối chính quyền
Sáng ngày 1 tháng 7, lần đầu tiên tại Hà Nội, hàng trăm tiểu thương một ngôi chợ khang trang ở vùng phụ cận thành phố đã đồng loạt bãi thị để phản đối chính quyền.
Theo báo Lao Ðộng, hàng trăm tiểu thương chợ Sấu ở xã Dương Liễu, huyện Hoài Ðức, Hà Nội đã đồng loạt đóng sạp, ngừng hết mọi chuyện buôn bán, ùn ùn kéo đến trụ sở chính quyền xã, để “trực tiếp đối thoại” về nội dung bản hợp đồng mới mà họ cho là “không thỏa đáng.”
Ðại diện tiểu thương cho biết, nội dung bản hợp đồng cho thuê gian hàng do chính quyền xã soạn thảo đã tăng giá cho thuê lên thêm 25%. Tuy nhiên, điều khoản mà tiểu thương chợ Sấu cho rằng chính quyền “ép” họ quá đáng, là một qui định “không bồi thường tài sản” tức là không chịu trách nhiệm về quyền lợi của tiểu thương khi thu hồi gian hàng, bởi một lý do nào đó.
Theo thông báo của chính quyền xã, hợp đồng mới bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 1 tháng 7. Bất chấp ý kiến phản đối của họ, chính quyền xã còn dọa sẽ cưỡng chế nếu tiểu thương không nộp tiền thuê trước ngày 30 tháng 6, mà không chịu đưa hàng hóa ra khỏi chợ.
Tuy nhiên, trước áp lực mạnh mẽ của hàng trăm tiểu thương, cuối cùng chính quyền xã đành nhượng bộ, hứa hẹn sẽ “đối thoại” với họ.
Dư luận cho rằng trong thời gian gần đây, tiểu thương các chợ ở Việt Nam đã thay đổi phương pháp tranh đấu, buộc chính quyền phải chấp nhận đòi hỏi chính đáng của họ. Thay vì chỉ đóng cửa hàng, bãi công, bãi thị để phản đối, tiểu thương còn mở các cuộc tuần hành đến trụ sở chính quyền đưa yêu sách. Một năm trước đó, khoảng 100 tiểu thương chợ Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa cũng đã bãi thị, thuê xe bus đưa đến trụ sở chính quyền xã để phản đối một quyết định mà họ rằng không hợp lý.
Nhiều tuyếng đường Sài Gòn bị tê liệt vì mưa ngập, cây đổ, xe hỏng
Một cơn mưa kéo dài hàng tiếng đồng hồ vào chiều ngày 3/07 đã khiến nhiều tuyến đường ở TP.SG đã bị ngập nặng tại quận Tân Bình. Nặng nhất là đường Bàu Cát, Đồng Đen, nước ngập sâu khoảng 40-50 cm. Các đường hẻm, đường nhánh cũng chìm trong nước mưa ứ đọng.
Cũng tại khu vực này, hàng loạt xe bị chết máy. Nhiều người đi xe tìm cách băng lên lề đường để thoát khỏi khu vực ngập nước.
Ngoài ra mưa to kèm theo gió lớn khiến một cây xanh ngay ngã tư Bàu Cát-Đồng Đen bật gốc ngã giữa đường.
Báo Dân Trí mô tả rằng, nhiều tuyến đường ở khu vực các quận 5, 6, 10, 11, Tân Phú… ngập nặng, nhiều xe chết máy, kẹt xe kéo dài ở các giao lộ lớn. Tại nhiều tuyến đường bị ngập kéo dài, người dân phải căng mình ra chịu trận giữa trời mưa và mùi hôi thối của nước cống trào lên. Sau khi vượt qua được đoạn đường ngập, người thì dắt bộ tìm chỗ sửa xe, người có đồ nghề mang theo thì cặm cụi lau chùi bugi rồi cố gắng đạp cho máy nổ.
Thê thảm là quán xá. Những hộ kinh doanh hai bên đường khu vực ngập nước chỉ biết ngao ngán than thở vì chẳng làm ăn gì được.
Leave a Comment