Ủy ban Bảo vệ Ký giả lên án Việt Nam tăng cường đàn áp blogger
Trong một bản thông cáo báo chí công bố tại New York đề ngày 02/07/2013, Ủy ban Bảo vệ Nhà báo CPJ (Committee to Protect Journalists) đã bày tỏ thái độ quan ngại sâu sắc về cuộc điều tra đang tiến hành nhắm blogger Đinh Nhật Uy. Đây là blogger thứ ba bị chính quyền Việt Nam bắt giữ trong vòng một tháng, trong khuôn khổ một chiến dịch mà CPJ mệnh danh là « tăng cường đàn áp » các tiếng nói phê phán nhà cầm quyền.
Ba blogger Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào, và Đinh Nhật Uy được biết đến qua các bài blog phê phán nạn tham nhũng, chuyên quyền, phản đối Trung Quốc xâm lược, và cổ xúy dân chủ lần lượt bị bắt từ hôm 26/5 đến 15/6, theo điều 258 Bộ luật Hình sự. Điều khoản này quy định hình phạt lên tới bảy năm tù giam.
Duy Nhất và Viết Đào từng làm việc cho nhà nước. Nhật Uy từng bị công an triệu tập nhiều lần trước và sau khi em trai ông là Đinh Nguyên Kha bị tuyên án 8 năm tù về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” vì các hoạt động kêu gọi dân chủ tại Việt Nam. Ủy ban Bảo vệ Nhà báo cũng ghi nhận là trước khi bị bắt, blogger Đinh Nhật Uy đã nhiều lần bị công an triệu mời sau khi em trai ông là Đinh Nguyên Kha, một chuyên viên máy tính, bị bắt vào tháng 10/2012 về tội tuyên truyền chống Nhà nước.
Ủy ban CPJ tố cáo trong thời gian gần đây, với chiến dịch kiểm duyệt, theo dõi, bắt bớ và truy tố, Hà Nội càng ngày càng đàn áp mạnh hơn những tiếng nói đối lập thể hiện quan điểm trên các phương tiện truyền thông, nhất là những nhà hoạt động trên mạng trong lúc vẫn cấm đoán nghiêm ngặt báo chí tư nhân.
Ông Bob Dietz, điều phối viên chương trình Châu Á của Ủy ban Bảo vệ Nhà báo – tổ chức bảo vệ các nhà báo trên thế giới có trụ sở tại New York – xác định : « Ba vụ bắt giữ trong một tháng là dấu hiệu cho thấy là Việt Nam đang tăng cường đàn áp các nhà báo trực tuyến bất đồng chính kiến ». Đối với ông Bob Dietz, như vậy là « hồ sơ nhân quyền của Việt Nam vẫn tiếp tục ảm đạm bất chấp thành công kinh tế của nước này ».
Trước CPJ, hồi cuối tháng 6 vừa qua, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch cũng đã kêu gọi thế giới phản ứng mạnh trước sự đàn áp leo thang tại Việt Nam. Cùng lên án việc bắt giam các blogger Duy Nhất, Viết Đào, và Nhật Uy, tổ chức Phóng viên Không biên giới RSF có trụ sở tại Pháp khuyến cáo Việt Nam chớ nên gia tăng đàn áp những người đưa tin vì duy trì chính sách đe dọa các blogger và những nhà bất đồng chính kiến trên mạng chỉ khiến Việt Nam bị quốc tế gạt ra bên lề mà thôi.
Việt Nam bị xếp thứ 172/179 quốc gia trong bảng Chỉ số Tự do Báo chí thường niên 2013 do Phóng viên Không biên giới thực hiện. Danh sách cập nhật 39 “Hung thần của Tự Do Thông Tin” do RSF phổ biến nhân Ngày Tự do Báo chí Thế giới 3/5 năm nay vẫn duy trì tên Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng của đảng cộng sản Việt Nam.
Tham nhũng vẫn tiếp tục gia tăng ở Việt Nam
Tổ chức Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc UNDP tại Saigon và Viện nghiên cứu lập pháp Việt Nam vừa công bố Chỉ số hiệu quả nền quản trị và hành chính công tại Việt Nam năm 2012 viết tắt là PAPI. Chỉ số này cho thấy nạn tham nhũng và hối lộ ở Việt Nam có chiều hướng gia tăng trong thời gian gần đây. PAPI được đúc kết từ cuộc phỏng vấn và ghi nhận ý kiến của 14,000 người dân khắp 63 tỉnh thành Việt Nam về vai trò của người dân trong các định chế luật pháp; trong việc kiểm soát tham nhũng; thủ tục hành chính; sự thụ hưởng tiện ích công cộng.
Qua cuộc khảo sát này, PAPI đi đến kết luận rằng tình trạng tham nhũng và hối lộ tại Việt Nam tiếp tục lan tràn, thường xuyên hơn. PAPI công bố cái giá mà người dân phải trả để lót tay các quan tham khi họ cần được phục vụ, và ước tính rằng trung bình mỗi lần xin giấy tờ liên quan đến dịch vụ cấp bằng khoán, người dân phải chi hối lộ một số tiền tương đương từ 10 đến 40 đô. Để thụ hưởng dịch vụ y tế ở cấp huyện, một bệnh nhân phải chi ít nhất vài đô.
Còn muốn cho con trẻ được đi học ở bậc tiểu học, người dân phải chi trên nửa triệu đồng Việt Nam, tương đương 50 đô. Cũng theo phúc trình này, PAPI cho rằng nạn tham nhũng trong các ngành nhà đất, thuế vụ và hải quan ngày càng có chiều hướng tăng cao. Trong cuộc tiếp xúc với các quan chức Việt Nam mới đây, cư dân Saigon nói nạn tham nhũng trong ngành giao thông vận tải hầu như không có điểm dừng. Chi phí làm đường ở Việt Nam quá đắt đỏ, thường cao gấp ba lần các quốc gia khác cho một đoạn đường tương tự.
Công an Giao Thông bán giấy phép cho xe lưu thông trên “đường cấm”
Cư dân Hà Nội đang xôn xao trước tin chính quyền đã ra lệnh cấm rồi nay Công An Giao Thông Lại cấp giấy phép cho các loại xe hơi lưu thông trên nhiều con đường lớn, nhỏ tại trung tâm thành phố. Loại giấy phép “đặc biệt” này được coi là “bùa,” giúp các loại xe hơi được ra-vào các phố cấm ngặt xe hơi; hoặc đi vào các con đường cấm xe hơi theo giờ.
Được biết có hai loại giấy phép được cấp, gồm loại có thời hạn hai tháng và hai ngày. Phòng Công An Giao Thông Hà Nội còn hô hào người dân đi thẳng vào trụ sở của phòng, không nên nhờ vả “cò mồi” để tránh bị lừa. Theo báo Thanh Niên, việc Công An Giao Thông Hà Nội “bán” giấy phép cho ô tô đi vào đường cấm, hoặc cấm tiệt, hoặc cấm theo giờ là một quy định kỳ lạ có thể dẫn đến nạn hối lộ, tham nhũng…
Trước đó, giới tài xế lái xe vận tải đã than phiền sự mơ hồ của quyết định cấm xe vận tải có trọng lượng từ 1.25 tấn trở lên, đi vào một số con đường chính ở trung tâm Hà Nội nói là để tránh nạn kẹt xe. Theo giới tài xế, đã là xe vận tải thì không chiếc nào có trọng tải dưới 1.25 tấn.
Ðược biết lệnh cấm xe hơi đi vào nhiều con đường chính ở nội thành Hà Nội đã được chính quyền thành phố này ban hành từ ngày 4 tháng 2, 2013, để tránh nạn kẹt xe; rồi cũng tại các con đường đó, công an giao thông Hà Nội lại cấp giấy phép cho ô tô ra vào.
Phi Luật Tân lên án Trung Cộng quân sự hóa Biển Đông
Nhân hội nghị ASEAN tại Brunei, Ngoại trưởng Phi là ông Albert Del Rosario đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về sự hiện diện ồ ạt của các tàu Trung Cộng, gồm cả tàu quân sự và bán quân sự, việc đưa những lời đe dọa cho thấy các thách thức nghiêm trọng với toàn khu vực. Trong một thông cáo báo chí, ông Del Rosario cho rằng có một sự hiện hữu quy mô lớn của các tàu quân sự và bán quân sự tại hai nhóm đảo trên biển Đông, một là Scarborough mà Trung cộng gọi là Hoàng Nham Đảo, là nơi cả Manila và Bắc Kinh đều tuyên bố chủ quyền.
Đảo kia là Bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, tuy nhiên Phi Luật Tân và Trung Cộng cũng nói là nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của họ. Ông Del Rosario mô tả sự hiện diện của Trung Cộng là những đe dọa đến nỗ lực duy trì hòa bình trên biển và sự ổn định trong khu vực. Ông cũng cáo buộc những hành động trên của Trung Cộng là vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002, trong đó các nước tranh chấp cam kết không thực hiện bất kỳ hành động nào có thể làm leo thang căng thẳng.
Xin nhắc lại, trên Biển Đông, Trung Cộng tuyên bố chủ quyền với hầu hết Biển Đông, kể cả những vùng nước nằm sát bờ biển của các nước láng giềng như Phi Luật Tân, Việt Nam, Mã Lai và Brunei…
Leave a Comment