Quảng Cáo

Sinh viên Trung quốc muốn có hộ tịch ở Bắc Kinh phải đi quân dịch 2 năm

Quảng Cáo

Khác với những quốc gia tự do, dân chủ, các nước cộng sản kiểm soát rất gắt gao về luật hộ tịch, người dân không có quyền chọn lựa nơi mình muốn cư ngụ, đến đâu ở tạm vài ngày để lo công chuyện hay thăm bà con, bạn bè phải khai báo với chính quyền địa phương, vì lý do gì đó mà không khai hoặc quên khai là bị rắc rối ngay. Trên 252 triệu dân công, tức là những người nông dân ở thôn quê bỏ nghề làm ruộng lên tỉnh thành lao động kiếm sống đang khốn khổ bởi luật hộ tịch. Không có hộ tịch nơi mình đang cư ngụ là coi như cư trú bất hợp pháp, chịu mọi thiệt thòi kể cả việc con cái không được đi học. Về phía chính quyền tuy rất muốn đuổi họ về lại quê nhưng đông quá không cách nào làm nổi, hơn nữa về quê thì lấy gì sinh sống đây nên đành làm ngơ, rút cuộc chuyện ai người đó tự lo giải quyết lấy. Chính quyền thì không phải giải quyết bất cứ chuyện gì cho dân công, còn dân công thì cố mà xoay xở lấy mọi việc, bởi vậy khi gặp mâu thuẩn là dễ sinh ra bạo động và chính quyền thì sẵn sàng sử dụng bạo lực để trấn áp nên xã hội luôn bất ổn. Ngay cả sinh viên các tỉnh lên học đại học ở thủ đô cũng rất bất mãn về luật hộ tịch này vì tốt nghiệp xong cũng không có quyền kiếm việc làm ở Bắc Kinh, phải trở về sinh quán xin việc. Sự bất mãn của thành phần sinh viên này đã và đang trực tiếp đe dọa đến tình trạng thiếu nhân tài cho các hãng xưởng ở những đô thị lớn nên chính quyền Bắc Kinh đã phải giải quyết bằng cách cho phép các sinh viên đại học tốt nghiệp ở Bắc Kinh có thể nạp đơn xin hộ tịch với điều kiện phải đi lính 2 năm.
các nhà hoạt động xã hội ở Hoa lục ví von rằng người Trung quốc mà lấy được hộ tịch ở Bắc Kinh còn khó hơn xin tấm thẻ xanh vào Hoa Kỳ sinh sống. Cũng là người Trung quốc, nhưng những người không có hộ tịch ở Bắc Kinh bị nhà nước đối xử như là công dân hạng hai, chính sự đối xử này là nguyên nhân gây phân hóa tinh thần dân tộc. Đáng lý ra nhà nước phải tạo điều kiện tối đa cho người dân được sống thỏai mái thì lại quá gắt gao về luật hộ tịch làm chi, lý do thì có nhiều, nhưng chủ yếu là nếu để cho dân tứ xứ ở chung với nhau rất khó kiểm soát, dễ đứng lên phản đối các chính sách sai lầm của chính quyền. Chuyện bắt phải đi lính 2 năm mới được cấp hộ tịch ở Bắc Kinh chẳng khác nào thời trung cổ của đế quốc La Mã.
Cũng theo các nhà xã hội học này thì trong một quốc gia mà người dân chỉ cúi đầu sống cho qua ngày, chẳng quan tâm, hay nói đúng hơn là chẳng dám quan tâm đến chuyện chính trị, đến chuyện tương lai đất nước thì làm sao mong quốc gia văn minh, tiến bộ theo chiều hướng nhân bản được. Căn cứ vào cuộc thăm dò dư luận mới đây do tờ South China Morning Post phát hành ở Hồng Kông thực hiện thì gần 70% người dân không biết ông quan đầu tỉnh nơi mình cư ngụ tên là gì. Nhiều người còn nói rằng biết tên mấy ông ấy có lợi gì cho chúng tôi đâu, mấy ông ấy là giai cấp thống trị chứ đâu phải là người làm việc cho dân đâu.
Tờ báo này bình luận rằng sở dĩ có kết quả như vậy là vì các chức vụ Tỉnh trưởng, Thị trưởng…không do dân chúng trực tiếp đi bầu, những chức vụ đó là do Đảng cử, nếu có bầu thì cũng bầu trong Ủy ban Thường vụ đảng với nhau mà thôi. Vi là tờ báo được phép bán ở Hoa lục nên South China Morning Post chỉ bình đến đó chứ không dám đi xa hơn thế mà cũng bị sở kiểm duyệt chính quyền Trung ương Bắc Kinh cảnh cáo với lý do lợi dụng quyền tự do báo chí xúc phạm đến phẩm giá chính trị của người dân, tạo điều kiện cho các thế lực thù địch có cơ xuyên tạc, nói xấu về chế độ.
Thật ra thì bản thăm dò dư luận này đã được đăng trong số báo phát hàng sáng ngày 24 tháng 6 vừa qua, nhưng South China Morning Post không nhận được bất cứ một lời cảnh cáo nào từ Ủy ban Kiểm duyệt Trung ương Bắc Kinh, phải đợi đến khi cư dân mạng đem kết quả này ra bàn thêm trên Internet với những lời lẽ gay gắt lên án chế độ độc tài và hành động quan liêu. tham nhũng của các cấp lãnh đại từ trung uơng đến địa phương lúc đó Ủy ban Kiểm duyệt mới ra cảnh cáo đối với tờ báo này.
Theo các bình luận gia thì càng ngày chế độ Cộng sản Trung quốc càng bị động bởi sự chỉ trích gay gắt của người dân ngày càng nhiều nên Ủy ban Kiểm duyệt làm việc không tài nào ngăn chận được hết nên tập trung vào những vấn đề nhạy cảm nhất chứ những lời bình như tờ South China Morning Post thì đâu có ngờ khuấy động được dư luận. Chắc chắn những tờ báo phát hành ở Hồng Kông không nằm trong hệ thống lề Đảng sẽ cứ tiếp tục có những tin tức, bài vỡ hay bình luận đúng sự thật không vừa lòng chế độ mà nhà nước Bắc Kinh không tài nào kiểm soát nổi, ngoại trừ không cho bán ở Hoa lục, nhưng nếu cấm thì sẽ bị ngưòi dân lẫn dư luận thế giới lên án, đó là cái kẹt của chính quyền Cộng sản Trung quốc.

Đảng Dân Chủ của Hàn Quốc đang bị Quốc Hội rọi đèn
Mặc dù chính sách Thái Dương nhằm viện trợ cho Bắc Triều Tiên do cựu Tổng thống Hàn quốc Kim Đại Trọng đề ra, nhưng người đẩy mạnh chính sách này lại là ông Lô Vũ Huyễn, vị Tổng thống kế nhiệm ông Trọng. Nhiều khoảng viện trợ quá lớn và gần như vô điều kiện cho Bắc Hàn, cộng thêm với những lời phát biểu có lợi cho Bình Nhưỡng của Tổng thống Lô Vũ Huyễn đã làm cho người dân Hàn quốc lẫn đảng đối lập vào lúc đó là Hannara (có tên tiếng Anh là Grand National Party) nghi ngờ Tổng thống Huyễn nhượng bộ Bắc Hàn chỉ vì không thích Hoa Kỳ chứ không thể nào một vị Tổng thống Hàn quốc lại là người thân Cộng. Mặc dù có tin đồn là trong cuộc hội đàm tay đôi với ông Kim Chính Nhật vào năm 2007, Tổng thống Lô Vũ Huyễn đã nói rằng Hàn quốc sẽ bỏ, không phòng thủ làn ranh biên giới bờ biển giữa hai miền Nam Bắc. Cuộc hội đàm tay đôi này có ghi lại trong hồ sơ nhưng được giữ kín vì đây là bí mật quốc gia, phải sau một thời gian quy định nào đó mới được phép công khai cho mọi người biết nên Tổng thống Lô Vũ Huyễn có nói như vậy hay không chỉ những người có mặt trong cuộc hội đàm đó biết mà thôi. Thế nhưng vào năm ngoái (2012), trong khi cuộc vận động bầu cử Tổng thống Hàn quốc đang diễn ra sôi nổi thì tin tức thuộc loại bí mật quốc gia này được rò rỉ ra bên ngoài đã làm cho đảng Dân Chủ mất lợi thế khiến ứng viên của đảng này là ông Văn Tại Dần thất cử với tỷ lệ khít khao, chỉ thua bà Phác Cận Huệ chừng 3,6% tổng số phiếu. Nếu không có việc tiết lộ này thì kết quả bầu cử có thể đổi khác. Ai là kẻ tiết lộ tin tức này ra, đảng Dân Chủ biết ngay là Cục Tình báo Hàn quốc là nơi tiết lộ tin này ra nên đã nạp đơn khởi tố ngay Cục này về tội vi phạm luật bầu cử. Tòa đã chấp nhận đơn kiện của đảng Dân Chủ.
Chuyện ông Cục trưởng Cục Tình báo Hàn quốc phải vác chiếu hầu tòa là điều đương nhiên, bị phạt như thế nào thì chưa biết, nhưng đảng cầm quyền của nữ Tổng thống Phác Cận Huệ muốn công kích đảng Dân Chủ thêm nên đã yêu cầu Quốc hội gọi người đứng đầu Cục Tình báo ra giải trình vấn đề. Ngày 20/06/2013 vừa qua, phần đông người dân Hàn quốc đã phải sững sờ khi biết được những lời phát biểu có tính nhượng bộ Bắc Triều Tiên của cựu Tổng thống Lô Vũ Huyễn là sự thật đã ghi trong hồ sơ ”Cực Mật” mà Cục Tình báo Hàn quốc đã trình cho Thường vụ Quốc hội. Nói là phần đông vì vẫn có một số người dân Hàn quốc ủng hộ việc làm của cựu Tổng thống Lô Vũ Huyễn vì sự hòa bình, thống nhất đất nước.
Truyền thông Hàn quốc đã vào cuộc với những yêu cầu Thường vụ Quốc hội phải công bố những chuyện bí mật đó ra cho người dân được biết, mọi chuyện đã qua rồi không còn là bí mật có tính cách chiến lược của quốc gia nữa, phải biết để phòng ngừa không cho những chuyện tương tự như thế xảy ra thêm lần thứ hai. Vì truyền thông ở các nước tự do, dân chủ được coi như là đệ tứ quyền nên Quốc hội Hàn quốc lắng nghe và đã trả lời rằng theo luật định thì khi một hồ sơ bí mật quốc gia chưa đến thời hạn giải mật mà muốn công khai thì phải có sự đồng ý của tất cả các đảng chính trị ở Quốc hội. Chuyện này đang làm đảng đối lập Dân chủ ở vào thế kẹt, vì nếu không đồng ý công khai thì sẽ bị mất thêm sự ủng hộ của người dân, mà đồng ý thì mang tiếng trước đây đảng Dân Chủ có một lãnh đạo làm chuyện theo quyết định sai lầm riêng của mình, đi ngược với nguyện vọng của dân. Theo tin mới nhất ghi nhận được qua một số phát biểu của nhiều dân biểu, nghị sĩ đảng Dân Chủ thì nên công khai, chứ không thể bao che cho việc làm sai trái của ông Lô Vũ Huyễn được, phải thành thật để tạo niềm tin mới mong được sự ủng hộ của người dân.
Thưa quý thính giả, đem hiện tượng trên so sánh với những gì đang diễn ra tại Việt Nam, mới thấy rõ ràng thể chế độc tài, độc đảng là mối nguy lớn cho đất nước. Những cuộc thương lượng với Trung quốc về lãnh thổ, lãnh hải và chủ quyền của Việt Nam tiếp tục là chuyện riêng của đảng cai trị này. Ngay cả tấm bản đồ đi kèm với hiệp ước biên giới ký công khai từ năm 1999 vẫn là bí mật của lãnh đạo đảng CSVN. Người dân lâu lâu lại biết được Việt Nam đã mất gần hết thác Bản Giốc, mất hẳn Ải Nam Quan, mất một nửa bãi Trục Lãm, mất hàng ngàn cây số vuông trên vịnh Bắc Bộ…Trong khi đó, những người dân yêu nước nêu vấn đề Việt Nam đang bị mất chủ quyền đều bị ném ngay vào tù với đủ loại tội danh. Bao giờ thì tội bán nước của tập đoàn lãnh đạo đảng CSVN mới bị lột trần, câu trả lời rất đơn giản là chỉ khi nào đảng CSVN không còn độc quyền cai trị.

Quảng Cáo
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux