Trước áp lực dư luận luật đất đai sửa đổi được hoãn lại
Có thể nói đây là một nhượng bộ tạm thời trước áp lực của dư luận, trong lúc tình hình đang nóng bỏng với nhiều vụ tranh chấp đất đai trên khắp cả nước. Luật Đất đai sửa đổi vẫn khẳng định “đất đai là sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu”. Bên cạnh đó, Nhà nước có thể quyết định thu hồi đất không chỉ để dùng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích công cộng, mà còn cho các dự án kinh tế xã hội.
Chính điểm này đã gây ra nhiều vụ xung đột, giữa nông dân bị mất đất và các tập đoàn lợi ích được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương. Ngoài ra, theo Luật Đất đai năm 1993 thì thời hạn sử dụng các loại đất nông nghiệp nói trên chỉ là 20 năm. Như vậy nếu không gia hạn theo nghị quyết vừa nêu, thì nhiều nông dân sẽ khốn đốn vì năm nay đã hết hạn được giao quyền sử dụng đất. Theo nhận định của luật gia Lê Hiếu Đằng, thì nếu kỳ họp này Quốc hội vẫn cứ thông qua Luật Đất đai sửa đổi, thì có nguy cơ chế độ sẽ sụp đổ vì sự phẫn nộ của nông dân, mà vụ Đoàn Văn Vươn hay Văn Giang chỉ là một loài chim báo bão.
Bệnh sốt xuất huyết tăng vọt đầu mùa mưa
Mới đầu mùa mưa, số trẻ bị bệnh sốt xuất huyết tại tỉnh Ðắk Lắk tăng vọt gấp năm lần so với cùng giai đoạn của năm rồi. Phúc trình của bệnh viện Ðắk Lắk hôm 21 tháng 6 cho biết, từ đầu tháng sáu, năm 2013 cho đến nay đã tiếp nhận tổng cộng 40 trẻ mắc bệnh sốt xuất huyết. Trong số này, có hai trường hợp rất nguy kịch vì người nhà không đưa trẻ đến bệnh viện điều trị sớm. Báo Dân Trí cho biết, số trẻ mắc bệnh sốt xuất huyết được người nhà chở đến bệnh viện ồ ạt trong những ngày qua.
Theo bác sĩ phụ trách khoa nhi Bệnh viện Ðắk Lắk, số trẻ bị nhiễm phần lớn là cư dân thành phố Buôn Ma Thuột và huyện Buôn Ðôn. Người ta lo ngại dịch sốt xuất huyết có thể bùng phát tại hai vùng nói trên, chỉ sau vài cơn mưa lớn đầu mùa. Giới y bác sĩ Ðắk Lắk đã khuyến cáo các bậc phụ huynh sớm đưa con đến bệnh viện để chữa trị kịp thời khi bị sốt cao, có dấu hiệu mệt mỏi, chán ăn và xuất hiện nhiều nốt đỏ dưới da…
Cúm gà H7N9 tại Trung Quốc : Hơn 30% số bệnh nhân nhập viện tử vong
Theo một công trình nghiên cứu được công bố ngày 24/06/2013, dịch cúm gia cầm H7N9 tấn công vào Trung Quốc năm nay đã làm cho hơn một phần ba số bệnh nhân nhập viện tử vong. Dịch cúm này có thể tái xuất hiện vào mùa thu tới.
Công trình nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí y học Anh The Lancet cho biết, có 36% bệnh nhân nhập viện sau khi bị nhiễm virus H7N9 tại Trung Quốc đã tử vong.
Theo bản tổng kết gần đây nhất của chính quyền Trung Quốc hôm 10/6, thì trong số 131 người bị nhiễm virus H7N9 tại nước này, có 39 người đã chết, 14 người khác vẫn còn đang được điều trị tại bệnh viện, 78 người được xuất viện.
Khi loại trừ những ca bệnh nhẹ không cần nhập viện, khoảng 1.500 đến 27.000 trường hợp, các nhà nghiên cứu đánh giá nguy cơ tử vong nơi những người có các dấu hiệu nhiễm virus H7N9 (sốt, khó thở…) là từ 0,16% đến 2,8%.
Cho đến nay, chưa phát hiện trường hợp nào lây bệnh từ người sang người do virus H7N9 gây ra. Nhưng một nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Mỹ Science cho biết, loại virus tấn công vào gia cầm này có thể lây sang các loài có vú khác, và cảnh báo khả năng virus H7N9 biến thể để lây truyền được sang người.
Còn theo một công trình nghiên cứu khác của một nhóm nghiên cứu tại Bắc Kinh và Hồng Kông, được The Lancet công bố, thì bệnh cúm gà N7N9 có thể tái xuất hiện vào mùa thu, sau khi tạm lắng trong những tuần tới.
Các nhà nghiên cứu trên không loại trừ khả năng virus H7N9 có thể lây lan ngoài biên giới Trung Quốc. Nam giới dễ bị nhiễm loại virus cúm gà này hơn là phụ nữ, và một trong các cách lây nhiễm chính là đụng chạm các loại gia cầm nhiễm virus. Thời gian ủ bệnh trung bình là 3,3 ngày, ngắn hơn ước tính trước đây.
Dân Bulgari xuống đường vì khát khao dân chủ
Hôm 23/06/2013, 60 nhân sĩ hàng đầu của Bulgari, gồm các trí thức, luật sư, nhà báo và nhà hoạt động nhân quyền, đã ra một bản tuyên bố đòi chấm dứt điều mà họ gọi là chế độ tài phiệt, nhằm tái lập dân chủ và Nhà nước pháp quyền ở nước này. Bản tuyên bố nói trên là hành động tiếp nối phong trào biểu tình rầm rộ của người dân Bulgari trong suốt nhiều ngày qua nhằm bày tỏ sự bất mãn trước nạn tham nhũng trong chính quyền và nhất là thể hiện sự khát khao dân chủ tại quốc gia thành viên nghèo nhất của Liên Hiệp Châu Âu.
Như vậy là 20 năm sau khi chế độ Cộng sản sụp đổ ở Đông Âu, người dân Bulgari vẫn phải tiếp tục đấu tranh để bảo vệ nền dân chủ non trẻ, bởi vì trong những quốc gia vừa thoát khỏi một chế độ độc đoán, nền dân chủ rất dễ bị lũng đoạn, mà trong trường hợp của Bulgari là bị những nhà tài phiệt lũng đoạn.
Phong trào biểu tình lần này, theo các nhà phân tích Bulgari, không phải là vì vấn đề cơm áo gạo tiền, mà vì những vấn đề mang tính nguyên tắc. Từ 10 ngày qua, cứ mỗi tối, hàng chục ngàn người lại tập hợp trước trụ sở chính phủ và Quốc hội để hô các khẩu hiệu : « Mafia » và « Từ chức », đòi chính phủ cánh trung tả của Thủ tướng Plamen Orecharski từ chức.
60 nhân sĩ trí thức hàng đầu, đa số có mặt thường xuyên trong đoàn người biểu tình, đã ra một tuyên bố gọi là « Hiến chương nhằm giải thể mô hinh Nhà nước tài phiệt Bulgari », kêu gọi chấm dứt chế độ do những kẻ giàu có lãnh đạo, đồng thời tái lập nền dân chủ và Nhà nước pháp quyền ở Bulgari.
Ngoài vụ bổ nhiệm giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia, bản Hiến chương của các nhân sĩ trí thức Bulgari còn liệt kê nhiều trường hợp khác cho thấy có sự cấu kết giữa giới tài phiệt với chính quyền trong những năm qua. Họ kêu gọi xã hội dân sự Bulgari khởi động một tiến trình nhằm xác định rõ những vấn đề đang gây cản trở sự vận hành của nền dân chủ tại nước này và đề ra phương cách để giải quyết dứt điểm những vấn đề đó.
Bước đầu tiên mà họ đề nghị là lập các nhóm chuyên gia để soạn thảo một luật bầu cử mới, rà soát lại các đạo luật hiện hành để chấm dứt tình trạng dùng tiền công quỹ để tài trợ cho các nhà tài phiệt, thúc đẩy tự do báo chí và củng cố tính độc lập của ngành tư pháp.
Leave a Comment