4 tổ chức nhân quyền tố cáo Thủ Thuật Tấn Công Mạng Ở Việt Nam
UPR là một cơ chế để rà soát thực trạng nhân quyền của tất cả các nước thành viên LHQ và đưa ra khuyến nghị để cải thiện khoảng 4-5 năm một lần, lần tới thực hiện cho Việt Nam sẽ vào năm 2014.
Đơn của các tổ chức này có đoạn nói về những hạn chế đáng kể về tự do ngôn luận ở Việt Nam. Những quan ngại đặc biệt được nói tới bao gồm thực trạng nhà nước kiểm soát truyền thông, thiếu tự do báo chí, các văn bản pháp luật hạn chế về tự do ngôn luận, theo dõi mạng và tấn công vào xã hội dân sự, và việc bắt và xử tù các nhà văn, nhà báo, blogger, và những người cổ vũ cho nhân quyền.
Trong phần nói về nhà nước kiểm soát truyền thông, đơn đệ trình của các tổ chức này nói về việc các tổng biên tập được triệu tập tới Ban Tuyên giáo Trung ương để nghe các quan chức ban này đưa ra kế hoạch làm tin hàng tuần.
Ngoài ra, Việt Nam đã bị cáo buộc đang gia tăng tấn công mạng vào xã hội dân sự bao gồm tấn công bằng từ chối dịch vụ (DoS), tạo tên miền giả, cướp tài khoản và phá mặt tiền các trang web họ không ưa.
Giới an ninh mạng đã dùng thủ thuật tạo các trang web nhái lại trang của một số blogger nổi tiếng và cài mã độc vào để truy cập vào tài khoản cá nhân hoặc vào máy tính của những người lên các trang đó đọc tin.
Các khuyến nghị này bao gồm cho phép giấu tên thật khi dùng mạng, cho phép người sử dụng Internet để truy cập các blog và các trang web bên ngoài Việt Nam, ngưng tùy tiện theo dõi người sử dụng internet, và chấm dứt hoạt động tấn công mạng.
Trung Tâm Nhân Quyền Kennedy Yêu Cầu Việt Nam Phóng Thích Ls Lê Quốc Quân
Chủ tịch Trung tâm Công lý và Nhân quyền Robert F. Kennedy (RFK Center) gửi thư cho Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu bảo vệ quyền chính đáng cho luật sư nhân quyền Lê Quốc Quân đang bị giam cầm.
Luật sư Lê Quốc Quân là một tiếng nói mạnh mẽ ủng hộ các nhà đấu tranh dân chủ trong nước, bảo vệ các giáo dân Thái Hà trong vụ chính quyền cưỡng chế đất đai của giáo hội, cũng như tư vấn pháp lý miễn phí cho các công nhân nghèo và dân oan khiếu kiện đất đai. Ông từng tham gia các cuộc biểu tình ôn hòa chống Trung Quốc hay các buổi cầu nguyện tập thể kêu gọi công lý và hòa bình. Ông cũng từng tham gia kiến nghị dừng dự án khai thác Bauxit tại Tây nguyên và ứng cử đại biểu quốc hội, nhưng bị loại.
Thành viên điều hành của Ủy ban Công lý Hòa bình, Giáo phận Vinh bị bắt lần đầu tiên vào năm 2007 ngay khi về nước sau xuất học bổng của Cơ quan Quốc gia Hỗ trợ Dân chủ NED của Hoa Kỳ. Lần đó, ông được phóng thích sau 100 ngày giam giữ trước áp lực của quốc tế trong đó sự can thiệp của ứng cử viên Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là ông John McCain và cựu Ngoại trưởng Madeline Albright.
Phiên tòa xét xử luật sư Lê Quốc Quân với tội danh “trốn thuế” sẽ diễn ra vào ngày 9/7 tới đây và ông đang đối mặt với mức án cao nhất là 7 năm tù.
Robert F. Kennedy nói giam giữ luật sư Quân vì các hoạt động ôn hòa của ông đã là vi phạm nhân quyền theo Công ước quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị, mà hơn thế nữa, cầm tù ông vì các hoạt động đấu tranh cho nhân quyền chứng tỏ Việt Nam cũng không tuân thủ các nghĩa vụ cam kết trong Tuyên ngôn Liên hiệp quốc về Các nhà bảo vệ nhân quyền.
Bên cạnh đó, người nhà luật sư Quân nói kể từ lúc ông bị bắt tới nay gần nửa năm, thân nhân vẫn chưa được phép thăm gặp, cũng như bị phân biệt đối xử qua việc hạn chế khi người nhà gửi đồ vào, như việc gửi nước suối, trong khi thân nhân các tù nhân khác được gửi bao nhiêu cũng được, tới 20 chai nước vẫn được. Còn trường hợp luật sư Quân, thì chỉ được nhận tối đa là 10 chai nước suối, không đủ uống.
Việt Nam bị chỉ trích gia tăng đàn áp blogger
Trong thông cáo đề ngày 19/06/2013, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền – Human Rights Watch – của Mỹ chỉ trích Việt Nam gia tăng đàn áp các blogger và yêu cầu các nhà tài trợ và đối tác thương mại phải có phản ứng ngoại giao mạnh mẽ trước các vụ bắt giữ và hành hung gần đây nhắm vào các blogger Việt Nam.
Trong bức thư, tổ chức Human Rights Watch kêu gọi chính quyền Hà Nội trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho những người mới bị bắt trong thời gian gần đây, đó là các blogger Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào và Đinh Nhật Uy, đồng thời tiến hành điều tra các tố cáo về việc công an hành hung những nhà hoạt động trên mạng như Nguyễn Chí Đức, Nguyễn Hoàng Vi và Phạm Lê Vương Các.
HRW ghi nhận là rất nhiều vụ bắt giữ gần đây được tiến hành chiếu theo điều 258 bộ Luật Hình sự Việt Nam, một trong những điều luật mơ hồ và có độ co giãn cao thường được dùng để đàn áp những người thực thi quyền tự do ngôn luận. HRW kêu gọi các nhà tài trợ và các đối tác thương mại của Việt Nam cần công khai yêu cầu chính quyền Hà Nội hủy bỏ việc áp dụng luật hình sự để trừng phạt những nhà hoạt động ôn hòa.
Ông Brad Adams, Giám đốc Á châu của HRW cho rằng các nhà tài trợ và đối tác thương mại của Việt Nam cần khẳng định rằng «tương lai duy nhất của các nước muốn phát triển và hiện đại hóa là một xã hội tự do và cởi mở, ở đó các tiếng nói phê phán được chính quyền ghi nhận là một phần bình thường của tiến trình chính trị.”
Trứng bắc thảo độc hại từ Trung Quốc
Vào ngày 14/6 vừa qua, nhà chức trách Trung Quốc đã ra lệnh đóng cửa 30 nhà máy sản xuất trứng bắc thảo ở Nam Xương (Nanchang), một địa phương của tỉnh Giang Tây. Việc đóng cửa các nhà máy nói trên diễn ra sau khi Đài Truyền Hình Trung Ương Trung Quốc (CCTV) loan tin là các nhà máy này đã sử dụng chất sulphate đồng công nghiệp là một chất độc hại để rút ngắn một nửa thời gian chế biến trứng bắc thảo. Thường thì thời gian trung bình để chế biến trứng bắc thảo là 2 tháng, nhưng với cách chế biến độc hại vừa khám phá thì chỉ mất 1 tháng. Chất sulphate đồng công nghiệp có chứa các chất arsen, chì và cadmium có thể phá hủy thận của người tiêu thụ.
Đây được coi là vụ bê bối thực phẩm lớn và mới nhất tại Trung Quốc.
Hiện các chính quyền địa phương ở Trung Quốc đã được yêu cầu kiểm tra toàn bộ các cơ sở sản xuất trứng bắc thảo, và những cơ sở sản xuất bị phát hiện sẽ bị đóng cửa vĩnh viễn. Hiện tất cả những trứng bắc thảo đang được chế biến tại các nhà máy nói trên đã bị niêm phong để chờ trắc nghiệm.
Được biết là Nam Xương mỗi năm sản xuất 300 ngàn tấn trứng bắc thảo, tức là 15% tổng số trứng bắc thảo của cả Trung Quốc. Trứng bắc thảo là món ăn phổ biến ở Trung Quốc và Đài Loan và cả Việt Nam.
Tờ theepochtimes.com trích lời một chủ cơ sở sản xuất nói rằng “cho chút đồng vào thì cũng có sao!” và nói rằng nếu không dùng hoá chất này thì không ai có thể làm được trứng bắc thảo, và ông này khuyên người tiêu dùng “cố gắng ăn ít thôi!”.
Không rõ là việc sản xuất trứng bắc thảo theo phương thức độc hại như trên tại Trung Quốc đã có từ bao giờ và lượng trứng độc hại này được chuyển sang Việt Nam và đi khắp nơi trên thế giới là bao nhiêu và từ bao giờ.
Leave a Comment