Quảng Cáo

Ngư Dân Bình Định Lại Bị Tàu Lạ Tấn Công

Quảng Cáo

Ngư Dân Bình Định Lại Bị Tàu Lạ Tấn Công

Tin từ các trang mạng và báo chí trong nước thì vào chiều ngày 18/6, 8 ngư dân Bình Định trên chiếc tàu cá BĐ 31138 TS đã được cứu vớt sau khi bị một tàu lạ đâm chìm khi đang hoạt động trên ngư trường Việt Nam.

Theo thông tin từ Đài Thông tin duyên hải Việt Nam, vào lúc 22 giờ ngày 17/6, tàu cá mang số hiệu BĐ 31138 TS khi đang hoạt động nghề cá trên vùng biển tại tọa độ 08-31N 106-10E, cách Côn Đảo khoảng 24 hải lý về phía Nam – Tây Nam đã bị một tàu lạ đâm chìm, khiến 8 ngư dân trên tàu lúc đó văng xuống biển.

Sự kiện, tính mạng của ngư dân Việt Nam bị tàu lạ đe dọa khi đang hoạt động nghề cá trên ngư trường truyền thống đang có xu hướng gia tăng nghiêm trọng. Đây là vụ thứ 2 được ghi nhận trong tháng này. Trước đó, rạng sáng ngày 1/6, tại khu vực cách đảo Mê khoảng 2 hải lý, đã có 1 ngư dân Thanh Hóa tử nạn khi bị một tàu lạ, không rõ số hiệu đâm cực mạnh, khiến tàu cá bị chìm ngay lập tức. Cho đến nay, vẫn chưa rõ nguồn gốc, mã hiệu con tàu lạ gây án tại khu vực đảo Mê.

 

 

Học giả quốc tế quan ngại về tình trạng sức khỏe của tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ

Tin tức về việc ông Hà Vũ tuyệt thực từ cuối tháng Năm đã gây ra sự quan tâm rộng rãi. Trong lá thư đề ngày 17/06 một số học giả người nước ngoài và một vài nhà nghiên cứu sống ở Việt Nam, kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam đảm bảo “an toàn và an ninh” cho ông Cù Huy Hà Vũ, đang chịu án 7 năm tù tại Thanh Hóa.

Lá thư cũng kêu gọi chính quyền Việt Nam “xem xét thay đổi quan điểm của mình trước tất cả tù nhân lương tâm tại Việt Nam”.

Theo thứ tự, thư được gửi cho Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang, và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Trong số 33 người ký tên, có nhiều người đang giảng dạy hoặc nghiên cứu ở các trường đại học tại nhiều nước như Harvard, Yale, Đại học California, Berkeley, trường Sorbonne, Đại học Quốc gia Úc, Đại học Thành phố Hong Kong… Họ là các “học giả và chuyên gia nhiều nước kết nối với nhau bằng quan tâm chung và hoạt động trong lĩnh vực Việt Nam học”.

Họ nói “quan ngại sâu sắc” về tình trạng giam giữ và sức khỏe của ông Cù Huy Hà Vũ, gọi ông là “tù nhân lương tâm”, đồng thời đề nghị đảng cộng sản cầm quyền “tiến đến giải quyết những mâu thuẫn tồn tại giữa hai bên thông qua đối thoại và tương tác mang tính xây dựng”.

Mới đây truyền thông nhà nước Việt Nam đã đăng tải các phóng sự về tình trạng sức khỏe của tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ nhằm làm nhục ông.

 

 

Facebook lại bị ngăn chặn ở Việt Nam

Trước phong trào những facebooker đồng loạt tham dự cuộc tuyệt thực tại gia và trên mạng để phản đối nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam đối xử tệ hại với tù nhân lương tâm Cù Huy Hà Vũ, lãnh đạo Hà Nội đang tìm cách gỡ mặt bằng phương pháp ngăn chặn facebook và các trang mạng xã hội khác.

Nhiều người dùng Facebook ở Việt Nam cho biết đang gặp khó khăn khi muốn truy cập mạng xã hội, trong lúc cũng có tin nói các dịch vụ của Google trở nên rất chậm. Nhiều người dùng Facebook khác đều nói họ không thể vào được trang này từ vài ngày qua, trong khi cũng có nguồn tin chưa kiểm chứng nói ngành bưu chính viễn thông đã lưu hành văn bản về chuyện chặn Facebook từ ngày 15 tháng 6. Hàng trăm người khác cũng xác nhận trên Facebook về chuyện họ phải dùng thủ thuật để vượt rào vào Facebook.

Một số ý kiến bình luận cũng nói Việt Nam có thể sẽ tăng cường chặn mạng nước ngoài trước làn sóng phản đối hiện nay. Cần nói thêm Đảng CSVN đang có trong tay hơn 700 tờ báo cùng 67 đài phát thanh và truyền hình, hơn cả ngàn dư luận viên nhưng vẫn luôn sợ tiếng nói của các trang mạng xã hội và các trang blog.

 

 

Sương mù acid, mưa acid và ô nhiễm gia tăng trầm trọng tại Hà Nội và Sài Gòn

Giới khoa học lại vừa lên tiếng cảnh báo về tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội, sau khi thỉnh thoảng lại có một bức màn khói phủ khắp Hà Nội. Tiến sĩ Nguyễn Ðình Hòe, giảng viên Khoa Môi Trường của Ðại Học Quốc Gia Hà Nội, cho biết, khi có mưa nhẹ trong những ngày Hà Nội bị khói bao phủ, ông ta đã thử kiểm tra nước mưa và thấy độ pH của nước mưa chỉ khoảng 5.0-5.5. Ðiều đó đồng nghĩa với việc có mưa acid ở Hà Nội và khói chính là sương mù acid, hay còn gọi là sương mù quang hóa. Thông thường, nhiệt độ của lớp không khí từ sát mặt đất đến độ cao khoảng 150 mét nóng hơn nhiệt độ của lớp không khí ở tầng bên trên.

Nhờ vậy, khí thải từ động cơ của các loại xe và khói thải của các nhà máy sẽ được gió khuếch tán vào không trung. Khi khí hậu diễn biến bất thường, lớp không khí ở tầng bên trên nóng hơn lớp không khí dưới mặt đất, hiện tượng đối lưu không xảy ra được. Lớp không khí sát mặt đất bị ứ đọng, các chất gây ô nhiễm ứ lại và cùng với hơi nước, tạo ra hiện tượng sương mù acid. Sương mù acid sẽ khiến mắt đau rát, thị lực giảm. Cây cối bị héo lá và có thể chết giống như khi gặp mưa acid. Sương mù acid và các tác động của nhiệt độ cực đoan đặc biệt nguy hiểm cho người lớn tuổi, phụ nữ có thai, trẻ em và những người có bệnh tim mạch.

Từ năm 2007, sau khi khảo sát về môi trường quốc gia, giới khoa học ở Việt Nam đã cảnh báo về tình trạng không khí của các đô thị, các khu công nghiệp ở Việt Nam sẽ bị ô nhiễm nghiêm trọng. Chỉ trong hai năm, từ 2005-2007, kết quả quan trắc cho thấy, bụi và các chất độc hại trong không khí đã tăng từ hai tới bốn lần.Tuy nhiên, những cảnh báo này không được quan tâm đúng mức. Cũng theo ông Nguyễn Ðình Hòe, do độ ẩm thấp, dân Sài Gòn ít thấy hiện tượng sương mù acid nhưng mức độ ô nhiễm trong không khí ở Sài Gòn không thua Hà Nội. Tình trạng phần lớn trẻ em, người già tại Sài Gòn mắc các chứng bệnh về đường hô hấp, chính là bằng chứng về mức độ ô nhiễm trong không khí ở Sài Gòn cũng rất nghiêm trọng. Ông Hòe tiết lộ, dù tại Sài Gòn và các tỉnh lân cận ít có hiện tượng sương mù acid nhưng mưa acid xảy ra rất thường xuyên.

Hện nay, có từ 60% đến 70% trận mưa trong năm ở khu vực Ðông Nam bộ là mưa acid. Cho đến nay, chính quyền Việt Nam vẫn chưa có giải pháp nào hữu hiệu trong kiểm soát việc xả các loại khí thải, chứa nhiều chất độc hại cho sức khỏe con người vào không khí. Mặc dù giới nghiên cứu môi trường đã đề nghị nhiều lần nhưng chính quyền Việt Nam vẫn chưa đầu tư để thiết lập hệ thống quan trắc tự động tại các đô thị và khu công nghiệp. Thành ra Việt Nam thiếu những cảnh báo sớm về môi trường và không thể đưa ra những giải pháp kịp thời để khắc phục ô nhiễm khi xảy ra diễn biến bất thường.

 

 

Hậu quả của việc đào giếng tràn lan tại Cà Mau

Tại hội nghị “Nghiên cứu về tình trạng sụp lở ở Cà Mau” diễn ra hôm 17 tháng 6, một chuyên viên người Na Uy đã cảnh cáo rằng “Tỉnh Cà Mau của Việt Nam sẽ biến mất trong vài thập niên tới”. Hội nghị này do Viện địa chất – kỹ thuật Hoàng Gia Na Uy (NGI) và Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn Cộng sản Việt Nam phối hợp tổ chức tại Cà Mau.

Theo phúc trình của NGI trình bày tại hội nghị cho rằng, mỗi năm Cà Mau bị lún từ 3 đến 8 phân, và với tốc độ này, chỉ trong vòng 25 năm tới, Cà Mau sẽ bị chìm dưới mặt nước biển cỡ một mét rưỡi. Và 25 năm sau đó nữa, Cà Mau bị lún tới 2 thước so với mặt nước biển. Chuyên viên nghiên cứu về tình trạng trên, ông Kjell Karlsrud của Viện Địa Chất – Kỹ thuật Hoàng Gia Na Uy khẳng định rằng, việc khai thác nước ngầm quá mức khiến nhiều vùng ở Cà Mau bị lún và sụp lở nặng nề. Ông Kjell Karlsrud cũng cảnh cáo rằng tình trạng lún sụt có thể xảy ra tại các tỉnh khác ở miền tây, chứ không riêng Cà Mau.

Báo Người Lao động dẫn một số tài liệu thống kê cho thấy, lượng nước sạch được sử dụng tại Cà Mau hiện nay nhiều gấp ba lần so với mức tiêu thụ trung bình của toàn quốc. Để có nước sạch xài, người dân Cà Mau đào giếng bơm vô tội vạ. Cà Mau hiện có khoảng 110,000 giếng nước, khai thác mỗi ngày gần 400,000 khối nước.

Một tài liệu khác của Phân viện Điều tra quy hoạch rừng Nam phần cũng cho thấy, tình trạng xói lở bờ biển ở Cà Mau hiện nay rất trầm trọng, với 111.6 km đường bờ biển bị lở. Trong khi đó, các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng cũng bị sạt lở bờ biển, nhưng chỉ vào khoảng từ 14.2km đến 42.7 km.

Cũng tại hội nghị này, ông Kjell Karlsrud cho rằng Cà Mau cần phải khẩn cấp tìm nguồn nước sạch khác để sử dụng, thay thế việc khai thác nước ngầm từ lòng giếng. Cũng theo ông, biện pháp tốt nhất là lọc sạch nước kênh rạch làm nước sinh hoạt. Ông Kjell Karlsrud nói rằng đây là giải pháp tốn kém, nhưng Cà Mau không còn biện pháp nào tốt hơn.

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux