Quảng Cáo

Luật sư Lê Quốc Quân sẽ bị đưa ra xử trong tháng 7

Quảng Cáo

Luật sư Lê Quốc Quân sẽ bị đưa ra xử trong tháng 7

Tòa án thành phố Hà Nội vừa cho biết sẽ đưa ông Lê Quốc Quân, một cựu luật sư, Giám đốc Công ty tư vấn Giải pháp Việt Nam, ra xử sơ thẩm vào ngày 9 tháng 7.

Cuối năm ngoái, ông Quân bị khởi tố và bị tạm giam với lý do “trốn thuế”, song không ai tin cáo buộc này là đúng.

Ông Lê Quốc Quân, 42 tuổi, từng là một luật sư, thường xuyên bày tỏ khao khát đóng góp sức lực của ông để xây dựng một xã hội thật sự dân chủ tại Việt Nam.

Năm 2007, ông Lê Quốc Quân bị bắt với cáo buộc “âm mưu lật đổ chính quyền”. Do bị chỉ trích kịch liệt, đặc biệt, do sự phản đối quyết liệt của chính phủ Hoa Kỳ, chính quyền Việt Nam đành trả tự do cho ông sau khi tạm giam ông ba tháng. Tuy nhiên, sau đó, ông Quân bị tước quyền hành nghề luật sư.

Năm 2011, ông Quân bị tạm giữ thêm một lần nữa khi tới trụ sở Tòa án Hà Nội, bày tỏ sự ủng hộ ông Cù Huy Hà Vũ – một tiến sỹ luật, bị cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước”. Lần này ông Quân bị tạm giữ ba ngày.

Ngoài hai lần bị tạm giam và tạm giữ, ông Lê Quốc Quân còn bị hành hung nhiều lần. Thỉnh thoảng văn phòng của ông bị khám xét. Một vài tờ báo của chính quyền Việt Nam đã chỉ trích ông Lê Quốc Quân vì “tham gia tụ tập đông người”, “kích động gây rối trật tự công cộng”, “hủy hoại tài sản”, “chống người thi hành công vụ”. Đây cũng là lý do mà chính quyền thành phố Hà Nội sử dụng để phạt ông Quân “vi phạm hành chính” và giao ông cho địa phương “giáo dục” trong sáu tháng.

Đầu năm nay, sau khi ông Lê Quốc Quân bị bắt bởi cáo buộc “trốn thuế, ông Hà Huy Sơn – luật sư của ông Quân đã gửi văn bản đề nghị các cơ quan bảo vệ pháp luật của Việt Nam “thực hiện kiểm toán độc lập báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của Công ty tư vấn Giải pháp Việt Nam, trong các năm 2009, 2010, 2011”.

Trên thực tế, chính quyền Việt Nam đã từng tạm giam – kết án ông Nguyễn Văn Hải (blogger “Điều Cày) với tội danh tương tự.

Một người em trai của luật sư Quân, ông Lê Đình Quản, giám đốc công ty báo cáo tín nhiệm – xếp hạng doanh nghiệp Việt Nam (VietnamCredit) và người em họ của ông Quân là bà Lê Thị Oanh, cổ đông của công ty, cũng bị bắt với cùng tội danh ‘trốn thuế’. Bà Oanh sau đó được tại ngoại nhưng vẫn tiếp tục bị truy tố.

Trong bối cảnh Việt Nam đang bị cộng đồng quốc tế chỉ trích kịch liệt vì xâm hại nhân quyền, nhiều tổ chức quốc tế, kể cả Quốc hội châu Âu, Quốc hội Hoa Kỳ cùng nhắc nhở phía hành pháp nên sử dụng những biện pháp chế tài nhằm gây áp lực, buộc chính quyền Việt Nam phải tôn trọng các cam kết với cộng đồng quốc tế về nhân quyền, chưa rõ chính quyền Việt Nam sẽ hành xử thế nào đối với ông Lê Quốc Quân.

 Vỡ 40m đập thủy điện ở Gia Lai, hoa màu chìm trong nước

Tin từ báo Tuổi Trẻ thì vào sáng ngày 12/06 thì khoảng 40m đập thủy điện Ia Krel 2 ở Gia Lai bị vỡ là đập dâng. Hàng nghìn mét khối đất đá bị cuốn tấp ngổn ngang về phía hạ lưu đập. Đoạn đập bị vỡ khiến toàn bộ nước trong hồ cạn kiệt.

Trên mặt đập, hàng trăm người dân tụ tập đến đây để xem đập bị vỡ. Hàng chục người dân đổ xô đến lòng hồ dùng kích điện để kích cá.  Gần 30hecta hoa màu phía hạ du bị ngập trong nước có nguy cơ bị thiệt hại hoàn toàn.

Ông Siu Sum – chủ tịch UBND xã Ya Tom-  cho biết chưa xác định thiệt hại về người bởi khu vực này không có nhà dân sinh sống. Sau cú vỡ đập, nước ngập nhiều diện tích đất trồng cao su của hai đội 20 và 21 thuộc Công ty Trách Nhiệm Hữu Hạn (TNHH) Cao su 72 thuộc Binh đoàn 15.

Trưa 12-6, chủ tịch UBND huyện Đức Cơ (Gia Lai) Võ Thanh Hùng xác nhận đã xảy ra sự cố vỡ đập thủy điện Ia Krel 2 tại địa bàn xã Ia Dom, huyện Đức Cơ- giáp biên giới Campuchia vào khoảng 3g sáng 12-6.

Thủy điện Ya Kre được xây dựng từ năm 2010, nằm trên suối Ya Kre (thuộc lưu vực sông Pô Cô) đang trong quá trình tích nước, chờ chạy máy. Đập dâng bị vỡ có chiều dài toàn đập là 200m.

Dự án thủy điện Ia Krel 2 gồm hai tổ máy, công suất 5,5 MW do Công ty cổ phần công nghiệp và thủy điện Bảo Long- Gia Lai đầu tư xây dựng, tổng vốn đầu tư khoảng 120 tỷ đồng.

Phó Giám đốc Sở ăn chặn học bổng của học trò nghèo

Một ông phó giám đốc sở ở Bình Phước vừa bị tố cáo trong việc thu chi tài chính với số tiền lên đến khoảng 5 tỉ đồng, tương đương 250,000 đôla trong vòng sáu năm. Hai trong những sai phạm của ông khiến dư luận phẫn nộ là “ém” học bổng ít ỏi của tám em học sinh trong khi vung tay chi tiền trà nước tiếp khách và … hát karaoke giải trí một cách lãng phí.

Báo Tuổi Trẻ cho biết, ông Huỳnh Kim Tiền, Phó Giám đốc Sở Y Tế kiêm hiệu trưởng trường Trung cấp Y tế Bình Phước chi tiền ngân sách vô tội vạ trong suốt sáu năm qua. Trong đó, có nhiều khoản chi “lãng xẹt” như trả tiền hát karaoke của cán bộ đến 2.4 triệu đồng, tương đương 120 đô. Số tiền “trà nước” tiếp khách của ông này lên đến gần 1.7 tỉ đồng, tương đương 85,000 đôla trong suốt thời gian trên, từ năm 2006 đến năm 2012.

Cũng trong thời gian này, ông Huỳnh Kim Tiền không hề lên lớp giảng dạy, nhưng vẫn ký tên nhận tiền “đứng lớp, dạy thêm giờ” đều đều tại trường Trung Cấp Y Tế tổng cộng 140 triệu đồng, tương đương 7,000 đôla. Trong khi đó, ông này lại thẳng tay “ém” số tiền 12 triệu đồng, tương đương 600 đô tiền học bổng của một tổ chức quốc tế cấp cho tám em học sinh tỉnh nhà.

 Manila kiên quyết bảo vệ chủ quyền đất nước

 Nhân lễ kỷ niệm 115 năm Philippines giành lại được độc lập từ tay Tây Ban Nha, Tổng thống Philippines Benigno Aquino vào ngày 12/06/2013 đã xác định rằng đất nước ông sẽ không lùi bước trước bất kỳ thách thức đối với chủ quyền và lãnh thổ của mình.

Trong diễn văn đọc trước một cử tọa trong đó có các nhà ngoại giao và viên chức chính phủ, trên quảng trường mang tên nhà lãnh đạo cách mạng Philippines Andres Bonifacio, ông Aquino khẳng định rằng Philippines không hề tranh giành các vùng lãnh thổ rõ ràng thuộc về nước khác, mà chỉ yêu cầu nước khác “tôn trọng lãnh thổ, quyền lợi và phẩm giá” của người Philippines.

Dù không chỉ đích danh Trung Quốc, nhưng tuyên bố không khuất phục của Tổng thống Philippines được cho là nhắm vào Trung Quốc, nước đang càng lúc càng có thêm nhiều biểu hiện muốn chiếm thêm một số vùng biển mà Manila tuyên bố chủ quyền ngoài Biển Đông, nhất là tại khu vực quần đảo Trường Sa, nhưng lại bị Bắc Kinh cho là của họ.

Chỉ mới đây thôi, vào tháng Năm vừa qua, Manila đã chính thức phản đối sự hiện diện của một chiến hạm, hai tàu hải giám và nhiều tàu đánh cá Trung Quốc quanh một bãi đá bên trên có quân đội Philippines đồn trú trong vùng Trường Sa. Đó là bãi Ayungin (tên tiếng Việt là Bãi Cỏ Mây), chỉ cách tỉnh Palawan của Philippines 196 km (122 hải lý) về phía tây nam. Được một đơn vị thủy quân lục chiến Philippines đồn trú trên một tàu chiến cũ bị mắc cạn bảo vệ, bãi này không xa Mischief Reef (tức Bãi Vành Khăn) được Philippines tuyên bố chủ quyền nhưng đã bị Trung Quốc lấn chiếm vào năm 1995.

Không chỉ đe dọa Bãi Cỏ Mây, từ tháng Tư năm 2012, Trung Quốc cũng đã lấy thịt đè người tại khu vực bãi Scarborough, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines nhưng cũng bị Trung Quốc cho là của họ. Tại đấy, Bắc Kinh đã dùng lực lượng tàu tuần tra đông đảo của họ gây căng thẳng để buộc Manila phải rút tàu của mình đi, để lại khu vực cho Trung Quốc mặc tình thao túng.

 

 

 

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux